Nhã Trân, phóng viên đài RFA
Tại thành phố Hồ Chí Minh những năm gần đây việc xây cất cao ốc và cơ sở thương mãi được thúc đẩy mạnh, dẫn đến tình trạng lấn chiếm đất công viên. Không gian mở của đô thị dần biến mất, gây nhiều quan ngại cho giới chuyên môn cũng như người dân. Diện tích mảng xanh bị hủy hoại có ảnh hưởng gì đến đời sống của người dân thành thị? Nhã Trân tổng hợp các thông tin liên hệ.

Dân ngày càng đông
Môi trường thiên nhiên có vai trò quan trọng trong cuộc sống con người. Mọi người cần hít thở không khí sạch và xả giãn trí não sau những giờ lao động dù trí óc hoặc tay chân. Vì vậy, những khoảng không gian thoáng đãng với nhiều cây cối, gọi chung là không gian mở hay diện tích mảng xanh, là một phần không thể thiếu cho các thành phố.
Cư dân đô thị cần những khoảng không gian mở vì không được sống giữa đồng ruộng, hít thở dưỡng khí trong lành. Thành phố càng lớn, càng ồn ào, càng phát triển mạnh bao nhiêu thì sự hiện diện của mảng xanh càng cần bấy nhiêu, và dân số càng tăng thì diện tích cây xanh nơi đó cũng phải lên theo, để thị dân được xả giãn, lá phổi được tiếp nhận không khí sạch và lòng được an lạc nhờ thiên nhiên.
Dân số thành phố Hồ Chí Minh hiện nay gần 7 triệu người. Diện tích đất không thay đổi trong khi số cư dân tăng dần mỗi năm khiến không gian như bị thu hẹp lại và người ngày càng khó thở hơn vì không khí ngày càng thêm ô nhiễm.
Trước tình trạng này cư dân Sài Gòn trông mong vào chức năng của các công viên. Vì vậy dự án xây cất cao ốc tại công viên do Sở Quy Hoạch-Kiến Trúc và ngành Giao Thông Công Chánh đưa ra trong thời gian gần đây đang gây một làn sóng bất bình và lo ngại.
Dân bây giờ đông quá đi. Hầu như là những nhà nhiều tầng hiện chỉ là những mảng bê tông rất khô khan, cộng với bụi bậm, vì vậy người cần những mảng xanh để giúp cho buồng phổi. Đó là một chút còn sót lại để người được hưởng, để có sức khỏe, chứ trời nắng mà đi trên đường phố cây đã bị chặt hết.
Một phụ nữ cho biết cảm tưởng khi một số vườn chơi ở thành phố Hồ Chí Minh đang có nguy cơ bị trưng dụng cho việc xây cất cơ sở hạ tầng, ngoài tình trạng xuống cấp và những hạn chế về thiết kế cũng như quản lý:
“Dân bây giờ đông quá đi. Hầu như là những nhà nhiều tầng hiện chỉ là những mảng bê tông rất khô khan, cộng với bụi bậm, vì vậy người cần những mảng xanh để giúp cho buồng phổi. Đó là một chút còn sót lại để người được hưởng, để có sức khỏe, chứ trời nắng mà đi trên đường phố cây đã bị chặt hết.
Trước đây cây đã bị chặt nhiều, sau đó nhận thấy việc này dở quá, toàn là những mảnh bê tông khô quá nên mới cho trồng lại. Cây mới chưa có lá nhiều để cho bóng râm, chứ đừng nói đến chuyện lọc bớt bụi hay điều gì khác.
Bây giờ tự nhiên lấy ra một khoảnh để mà xây building thì đương nhiên là phải chặt những cây đó. Việc làm này thế thì đúng là quá ngu dốt và quá ích kỷ; không nghĩ tới cái chung”.
Công viên ngày càng ít
Lên tiếng tại kỳ họp Hội Đồng Nhân Dân vừa qua của thành phố, nhiều đại biểu cũng phản đối đề nghị lấn chiếm công viên, rằng diện tích mảng xanh của thủ đô lâu nay vốn đã không đáp ứng yêu cầu, bây giờ nếu còn bị cắt xén thì không biết đến bao giờ mới lấy lại được.
Tiến Sĩ Hoàng Anh Tú, Giáo sư đại học Kiến Trúc, nói mảng xanh ngoài vai trò cải tạo môi trường còn có liên quan mật thiết đến việc phát triển kinh tế đô thị, và phải được xem là tâm điểm của mọi chính sách thành phố.
Đô thị của các nước hiện đại cung cấp cho mỗi đầu người từ 20 đến 25 mét vuông diện tích mảng xanh, phục vụ tốt cho người dân như lời ông Dương Quý Thưởng ở Canada:
“Chính quyền rất đặt nặng vấn đề bảo vệ thiên nhiên và có chính sách rõ ràng để bảo vệ môi trường. Trong thành phố có rất nhiều công viên để dân chúng có những nơi lui tới, các trẻ em có chỗ vui chơi lành mạnh.
Và đặc biệt nhất là ngoài thành phố còn có những vòng đai xanh mà chính quyền luôn luôn bảo vệ. Các công ty xây dựng không thể nào xây nhà cửa hoặc cơ sở thương mại bừa bãi, xâm lấn các vùng đai xanh này được”.
Hiện nay một người dân thành phố Hồ Chí Minh chỉ được hưởng hơn nửa mét vuông không gian mở. Ở một môi trường được đánh giá là ô nhiễm cao độ như Sài gòn bây giờ, sự hiện diện của cây xanh càng trở nên bức thiết và cần được tương xứng với nhu cầu cư dân, những người đang cầu mong rằng những khoảng không gian trong lành quí báu và hiếm hoi còn lại rồi đây sẽ không bị đoạt mất.