Nhạc sĩ Doãn Mẫn … biệt ly từ đây …
2007.05.06
Thy Nga, phóng viên đài RFA
“Biệt ly” nhạc bản đã làm rung động bao trái tim người nghe, để trở nên một trong các tình khúc bất tử của Việt Nam.
“Biệt ly” qua giọng hát Ý Lan …
Nhạc phẩm này quả đã vượt thời gian nhưng tác giả của nó, cũng như mọi con người ở cõi trần, đời sống chỉ hữu hạn. Vào trung tuần tháng Tư, dưới làn mưa nhẹ, người hâm mộ nhạc sĩ Doãn Mẫn đã đứng hàng dài trước nhà tang lễ, để tiễn ông ra đi vĩnh viễn.
“Biệt ly” qua tiếng đàn guitar …
Cũng nơi khung trời Hà Nội, Doãn Mẫn chào đời vào mùa Thu 1919. Tình yêu âm nhạc, có thể nói là từ trong máu vì cha ông rất chuộng nhạc dân tộc, chơi đàn bầu và thích nghe hát ả đào, chèo, ca Huế.
Do đó, từ nhỏ Doãn Mẫn đã say mê nhạc, chơi được một số nhạc cụ truyền thống như đàn Tứ. Đến khi lớn lên thì như bao thanh niên thời bấy giờ (là vào giữa thập niên 1930, dười thời Pháp thuộc) Doãn Mẫn bị cuốn hút vào dòng nhạc Tây phương, học nhạc qua sách tiếng Pháp.
Làm công chức Sở Tài chính, Doãn Mẫn dạy thêm về đàn Guitar, và bắt đầu sáng tác là vào năm 1937 với bài “Tiếng hát đêm thu” lời do một người bạn thân là Văn Chung viết. Cùng năm đó, nhạc bản “Gió thu” ra đời.
Kế đến, Doãn Mẫn cùng 4 người bạn theo học hòa âm và phối khí từ một sĩ quan điều khiển dàn nhạc quân đội Pháp đóng tại Hà Nội. Nhóm thanh niên đó lấy khuôn mẫu Tây phương để tập làm tân nhạc, nhưng cố gắng đưa vào sáng tác của mình các nét dân tộc Việt Nam.
Qua năm 1939, Văn Chung bàn với ông và Lê Yên là nhờ nhà xuất bản Tricéa in các bản nhạc của nhóm. Tên “Tricéa” là 3 chữ C và 3 chữ A, viết tắt từ tiếng Pháp “Collection des Chants Composés par des Artistes Annamites Associés” nghĩa là “Tuyển tập các ca nhạc khúc do nghệ sĩ Annam soạn”.
Nhóm lấy luôn tên này, và Tricéa là ban nhạc đầu tiên của người Việt Nam. Theo tài liệu báo chí trong nước thì nhóm Tricéa ra mắt công chúng lần lượt các sáng tác như “Bóng ai qua thềm”, “Đôi mắt huyền” của Văn Chung; “”Vườn xuân”, “Bẽ bàng” của Lê Yên; “Tiếng hát đêm thu”, “Biệt ly” của Doãn Mẫn.
Tình yêu trong chia lìa đau thương tuy thế, âm điệu vẫn dịu dàng, và lời ca thiết tha làm cho bài “Biệt ly” được yêu thích ngay.
Khi được hỏi do đâu mà viết được tâm tình như thế khi mới 20 tuổi, Doãn Mẫn cho biết là bố ông làm việc tại Ga Hàng Cỏ, và nhà ở cạnh ga thành ra hồi nhỏ, ông thường sang chơi.
Sân ga Hàng Cỏ thời đó liên tục những chuyến tàu chở thanh niên Việt đi làm thợ hoặc lính cho Pháp tại các nơi xa xôi, không hẹn ngày về. Những cảnh chia ly đau xót đã tác động mạnh đến tâm cảm vốn day dứt của Doãn Mẫn dù khi ấy còn nhỏ.
Bài “Biệt ly” còn bắt nguồn từ chuyện tình của một nhạc sinh của ông. Bị cha mẹ ngăn cấm, cuộc tình tan vỡ, chàng trai này bỏ học đàn, đi kháng chiến và hy sinh mà không hề biết rằng mối tình của mình đã gây xúc cảm cho người thày viết nên nhạc bản bất hủ ấy.
“Biệt ly” …
Bài “Biệt ly” được công chúng đón nhận nhiệt tình tới mức mà chính ông cũng không ngờ. Từ đó, “Biệt ly” gắn liền với tên tuổi Doãn Mẫn. Tuy nhiên, ông nói rằng do hoàn cảnh đất nước, từ năm 1945 ở miền Bắc, ca khúc lãng mạn ấy không được phép trình diễn.
Trong khi đó ở trong Nam, nhạc bản “Biệt ly” được hát một cách tự do. Mãi tới năm 1988, tức là sau 43 năm, nhờ chính sách đổi mới, “Biệt ly” mới được hát trở lại, và được đưa vào chương trình “Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam” diễn tại Nhà hát thành phố Hà Nội.
Những nhạc bản khác của Doãn Mẫn gồm có “Một buổi chiều mơ”, “Bến yêu đương”, “Sao hoa chóng tàn”, “Từ đâu tiếng tơ”, …
“Hương cố nhân” Duy Trác hát …
Năm 1944, Doãn Mẫn viết “Nhắn người chiến sĩ”, ca khúc được hát nhiều trong các năm đầu kháng chiến chống Pháp. Kế đến, là hành khúc “Dũng tiến”. Rồi “Những mầm sống”, “Sông Thao” khi ở Đoàn Văn Công Nhân Dân.
Sau đó, được chuyển về làm giáo viên xướng âm tại Trường Âm Nhạc Việt Nam, năm 1955, Doãn Mẫn viết “Gọi nghé trên đồng” với lời của Hồng Đăng. Nhưng rồi, ông không sáng tác gì nữa cho tới năm 1990, khi xã hội được cởi mở dần, Doãn Mẫn mới bắt tay vào việc phổ nhạc rất nhiều bài thơ.
“Gió xa khơi” …
Là một trong các nhạc sĩ khởi xướng nền tân nhạc Việt Nam, Doãn Mẫn viết cuốn “Tự học xướng âm” giúp ích rất nhiều cho người học nhạc. Doãn Mẫn còn được ghi nhớ là thành viên lập ra ban nhạc đầu tiên ở nước ta, và tác giả hơn năm mươi nhạc bản trong đó, có các bài bất hủ như “Biệt ly”, “Hương cố nhân”, …
Nhạc bản gần đây nhất của ông là “Thu đến” được trao giải thưởng của Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2001.
“Nhạc chiều” …
Dòng nhạc tiền chiến không còn mấy nhạc sĩ tại thế. Doãn Mẫn là người cuối cùng trong nhóm Tricéa thì cũng vừa ra đi.
Chương trình tưởng nhớ nhạc sĩ Doãn Mẫn xin kết thúc trong lời ca tiếng nhạc bài “Biệt ly” …
Những bài khác trong mục Âm Nhạc Cuối Tuần
- Câu chuyện về ca sĩ Diễm Liên, vai nữ chính trong phim “Vượt sóng”
- Ca sĩ Nguyễn Thắng và vai diễn trong phim “Dòng máu anh hùng”
- Các nhạc khúc mừng lễ đầu năm của sắc tộc Chàm
- Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Quán Văn
- Tưởng nhớ Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
- Đoàn Văn nghệ dân tộc Lạc Hồng
- Giáo sư Nguyễn Châu với công cuộc duy trì và phát huy nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam
- Tưởng nhớ La Sương Sương
- Cuộc tuyển lựa tài năng của đài truyền hình SBTN và Trung tâm Asia