Đại học Tại chức: Nên giữ hay bỏ ? (phần 2)


2007.07.29

Mặc Lâm, phóng viên đài RFA

Hàng chục năm qua vấn đề đại học tại chức đã làm dư luận nhức nhối và nổi lên nhiều tranh cãi khi nhiều khi ít, nhưng chưa bao giờ ngưng hẳn.

EducationComputerIt200.jpg
Thư viện trường RMIT International University Vietnam ở Sài Gòn hôm 20-12-2006. AFP PHOTO

Mới đây, Giáo Sư Nguyễn Đình Cống có gửi trực tiếp đến bộ trưởng Giáo Dục và Đào Tạo Nguyễn Thiện Nhân một bức thư đề nghị bỏ hẳn đại học tại chức vì cho rằng chương trình này không phù hợp với thực tế, việc dạy và học có tính cách gian lận và làm cho ngân sách thâm thủng mà không có kết quả gì. Mặc Lâm có bài phỏng vấn Giáo Sư Phạm Phụ để tìm hiểu thêm vấn đề, mời quý vị theo dõi.

Mặc Lâm: Thưa Giáo Sư lần trước Giáo sư đã phân tích hiện trạng việc dạy và học trong chương trình đại học tại chức của Việt Nam hiện nay, trong chương trình ngày hôm nay chúng tôi xin đề nghị Giáo sư cho biết ý kiến của mình về việc có dư luận cho rằng nếu không bỏ hẳn đại học tại chức thì cũng cần ngưng chương trình này lại một thời gian để tập trung vào việc cải tổ đại học chánh quy, sau khi có kết quả rồi thì xem xét lại chương trình đại học tại chức. Ý của Giáo sư như thế nào khi nghe đề nghị này?

Giáo Sư Phạm Phụ: Tôi thì không nghĩ như vậy. Tôi không nghĩ là dừng lại việc đào tạo tại chức để củng cố cái kia nhưng tôi nghĩ đây là nhu cầu rất chính đáng của xã hội, vì bên cạnh những người theo học cần bằng cấp để lên chức thì cũng có một số khá đông có nhu cầu học tập thực sự, cho nên không nên đặt vấn đề là ngưng đào tạo tại chức nhưng phải có ngay một loạt các chính sách.

Mặc Lâm: Trong lần ra mắt Quốc Hội để nhậm chức vào năm ngoái, Bộ Trưởng Nguyễn Thiện Nhân có nói rằng nếu bỏ chương trình đại học tại chức là đập nồi cơm của đại học. Việc này phải được giảng giải như thế nào, thưa Giáo sư?

Giáo Sư Phạm Phụ: Anh nhắc câu của Bộ Trưởng có nói về cái nồi cơm thì về mặt chính sách tại Việt Nam hiện nay có cái thực tế như thế này, việc đào tạo chính quy của các trường đại học thì thường thường có một phần ngân sách nhà nước, có một phần về thu phí, mà thu phí thì bị ràng buộc gần như là trong quy định của nhà nước nhưng đối với cái dạng đào tạo tại chức thì khoản thu nhập, cái mức phí thì linh động hơn.

Vì vậy những trường chất lượng cao, như ngay cái trường của tôi thì tôi phản đối mở rộng quá cái tại chức, thậm chí cái tại chức không phải tại trường đâu, mà mở các lớp ở các địa phương mà ở Việt Nam người a gọi là những lớp liên kết.

Thí dụ có một trường cao đẳng ở một tỉnh xa xôi nào đấy họ mở một trường đại học lấy danh nghĩa của một trường chính quy tại Thành Phố Hồ Chí Minh, rồi thỉnh thoảng thầy ở đây xuống tỉnh tập trung dạy một môn liên tiếp trong 45 giờ trong một tuần lễ chẳng hạn.

Như vậy đương nhiên là chất lượng không thể cao được. Nguồn thu của các trường đại học trong chương trình đại học tại chức không bị nhiều ràng buộc, chính vì vậy mà Bộ Trưởng mới nói đập bể nồi cơm của đại học nếu bỏ đại học tại chức.

Mặc Lâm: Nếu không chấp nhận bỏ hẳn đại học tại chức thì theo giáo sư giải pháp nào có thể áp dụng để chỉnh đốn tình trạng hiện nay?

Giáo Sư Phạm Phụ: Một là có thể giảm một cách tương đối quy mô của nó trong giai đọan trước mắt để củng cố chất lượng của nó thì tốt hơn phải bỏ hẳn nó đi.

Mặc Lâm: Thưa giáo sư, trong dư luận quần chúng từ lâu đã có những đánh giá không mấy tốt đối với đại học tại chức qua những bài báo, hội nghị...ngay cả trong các vần vè châm biếm nay đã trở thành quen thuộc như câu "dốt như chuyên tu, ngu như tại chức".

Người đi học chân chính là người bỏ tiền đóng học phí, đầu tư công sức thời gian trong việc học, nhưng khi tốt nghiệp cầm mảnh bằng tại chức đi xin việc chỉ nhận được những cái lắc đầu vì doanh nghiệp không ai tin vào mảnh bằng này. Việc này là hậu quả của tình trạng gian dối hiện nay, theo giáo sư thì tình trạng này phải cải tổ như thế nào?

Giáo Sư Phạm Phụ: Ở đây nó có hai vấn đề, như anh nói thì đúng đấy, đó là dư luận của Việt Nam không chỉ trong những thầy cô giáo hay sinh viên đâu mà toàn xã hội người ta đánh giá như vậy vì vậy cho nên đó là một điều rất buồn, tôi thấy không thể duy trì cái tình trạng này được.

Có thể tạm thời giảm bớt quy mô của nó để tuyển đúng đối tượng hơn, và phải có những giải pháp củng cố chất lượng chứ để kéo dài tình trạng này thì không chấp nhận được. Thực tế là cầm mảnh bằng tại chức thì phải quen biết gì đấy chứ nếu không thì không ai nhận cả.

Mặc Lâm: Xin cám ơn Giáo Sư Phạm Phụ.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.