Lễ khánh thành bia tỵ nạn, tưởng niệm thuyền nhân Việt Nam tại Đức

0:00 / 0:00

Đỗ Hiếu, phóng viên đài RFA

Lễ khánh thành bia tỵ nạn, tưởng niệm thuyền nhân, tri ân chánh phủ và người dân Đức, lần đầu tiên dựng lên tại nước này, sẽ được tổ chức tại thành phố Troisdorf, vào ngày 28 tháng tư tới đây.

VnBoatPeopleGermany150b.jpg
Lễ khánh thành bia tưởng niệm thuyền nhân Việt Nam tại Troisdorf, Đức hôm 28-4-2007. Hình của NguyenHH.

Troisdorf nằm cách thủ đô Berlin của Đức trên 600 kí lô mét về hướng Tây, là quê hương của ông Rupert Neudeck, chủ tịch ủy ban con tàu “Cap Anamur” đã cứu vớt hàng chục ngàn thuyền nhân Việt Nam, trên đường vượt biển tìm tự do suốt mấy năm sau ngày 30 tháng Tư năm 1975.

Phóng viên Đỗ Hiếu đã liên lạc với một thành viên trong Ban Tổ Chức. Mở đầu cuộc trao đổi, ông tự giới thiệu như sau.

Nguyễn Thanh Văn: Kính thưa quý vị thính giả của đài Á Châu Tự Do, tôi là Nguyễn Thanh Văn, Chủ tịch Ủy Ban Điều hợp Công tác Đấu tranh của Người Việt tại Cộng hòa Liên bang Đức, kính chào quý vị.

Đỗ Hiếu: Xin ông cho biết về diễn tiến của cuộc vận động với chánh quyền địa phương để xin lập tấm bia tỵ nạn đầu tiên tại Đức Quốc.

Nguyễn Thanh Văn: Cuộc vận động bắt đầu từ 9 tháng trước, ủy ban điều hợp công tác đấu tranh tại Cộng hòa Liên bang Đức đã ủy nhiệm cho Ban Chấp hành tiến hành công tác nghiên cứu địa điểm để vận động với cơ quan hành chánh sở tại.

Sau 4 tháng, ủy ban nhận được giấy phép chấp thuận cho dựng bia tỵ nạn tại thành phố Troisdorf, ban chấp hành mời cộng đồng Việt Nam tham dự buổi họp tại Hanover để trình bày kết quả đạt được trước ban vận động tài chánh để thực hiện công trình này.

Dự kiến của cộng đồng người Việt tại Cộng hòa Liên bang Đức thì chương trình lễ khánh thành gồm hai buổi, một dành cho nghi thức ngoại giao dành cho quan khách Đức và một theo truyền thống của người Việt Nam. Miến đất dùng làm nơi dựng bia đã có sẵn một chiếc thuyền của người tỵ nạn được ủy ban Cap Anamur vớt về vào năm 1982, để triển lãm.

Đỗ Hiếu: Ông có thể sơ lược chương trình buổi lễ khánh thành bia tỵ nạn sẽ được tổ chức vào ngày 28 tháng tư tới?

Nguyễn Thanh Văn: Dự kiến của cộng đồng người Việt tại Cộng hòa Liên bang Đức thì chương trình lễ khánh thành gồm hai buổi, một dành cho nghi thức ngoại giao dành cho quan khách Đức và một theo truyền thống của người Việt Nam. Miến đất dùng làm nơi dựng bia đã có sẵn một chiếc thuyền của người tỵ nạn được ủy ban Cap Anamur vớt về vào năm 1982, để triển lãm.

Vào buổi chiều sẽ có buổi tiếp tân dành cho quan khách ngoại quốc cũng như đại diện các cộng đồng bạn tại Đức. Kế đó là đêm trình diễn văn nghệ với chủ đề là “Hội ngộ và Tri ân”.

Đỗ Hiếu: Về hình thức thì tấm bia này được phát họa ra sao ?

Nguyễn Thanh Văn: Bia có kích thước tổng cộng cao 2 mét mốt, riêng phần phía trên cao một thước 7, và ba cái bệ tam cấp làm nền của tấm bia, mỗi bệ khoảng 12, 13 cm. Tòan bộ bia làm bằng đá hoa cương đen, trên bia có khắc ba loại chữ, tiếng Đức, tiếng Việt và tiếng Anh.

Trên bia có thêm một logo, với hình hai bàn tay đang đỡ một chiếc thuyền vượt biển và trên cột khói có ba làn khói đỏ bay ra, sẽ tô thêm một vàng bao quanh những vạch đỏ. Theo người thầu thực hiện công trình thì bia này nặng trên bốn tấn.

Đỗ Hiếu: Ông vừa cho biết là nội dung khắc trên tấm bia được trình bày bằng ba thứ tiếng, vậy những giòng chữ ấy mang ý nghĩa gì?

Nguyễn Thanh Văn: Nội dung ghi trên bia trình bày bằng 3 thứ tiếng, nội dung trong tiếng Việt rất cô động và mang ý nghĩa : tưởng niệm những người Việt Nam tỵ nạn cộng sản đã chết trên đường đi tìm tự do, tri ân nhân dân và chánh phủ Đức cùng những ai trên thế giới đã cứu giúp, thu nhận người Việt tỵ nạn, đặc biệt là tiến sĩ Albrecht, tiến sĩ Neudeck và ủy ban Cap Anamur, ở phía dưới khắc giòng chữ "cộng đồng Người Việt tỵ nạn tại Cộng hòa Liên bang Đức".

VnBoatPeopleGermaCere200b.jpg
Lễ khánh thành bia tưởng niệm thuyền nhân Việt Nam tại Troisdorf, Đức hôm 28-4-2007. Hình của NguyenHH

Chúng tôi tri ân tiến sĩ Albrecht là vị thủ hiến đầu tiên tại Đức ký quyết định thu nhận 1000 người Việt tỵ nạn. Lúc đó, chánh phủ Đức không muốn mang thêm gánh nặng, nhưng vì lòng nhân ái của ông Albrecht mà sau đó Đức nhận thêm bao nhiêu thuyền nhân khác.

Chúng tôi cũng biết ơn tiến sĩ Neudeck, chủ tịch ủy ban Cap Anamur, chương trình này đã vớt trên 11 ngàn đồng bào vượt biển ngoài Biển Đông”. Đó là nội dung chính của những giòng chữ khắc trên tấm bia”

Đỗ Hiếu: Phí tổn dựng bia khoảng bao nhiêu và ai đài thọ số tiền này, thưa ông?

Nguyễn Thanh Văn: Chi phí nói chung là hơn 21 ngàn EURO ( 27 triệu 500 ngàn đô la) do cộng đồng Người Việt tại Đức đóng góp, số tiền này gồm cả phần sữa lại chiếc ghe vuợt biển, trên 20 năm rồi, nên bị hư mục với thời gian, tuy nhiên cộng đồng cần phải gìn giữ chiếc thuyền này cho nó sống lâu vì đó là chứng tích lịch sử về cuộc ra đi tìm tự do" .

Vừa rồi là cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Văn, Trưởng Ban Vận Động xây dựng bia tỵ nạn tại Đức Quốc.

Tiếp tục câu chuyện, bà Trang một phụ nữ Việt Nam định cư tại Hamburg, là một thuyền nhân được tàu Cap Anamur cứu vớt ngoài biển khơi vào đầu thập niên 80, cho đài chúng tôi biết cảm nghỉ của bà khi nhớ lại những người đồng cảnh với mình đã chìm đắm trong lòng đại dương , khi đi vượt biển tìm tự do. Dịp này, bà Trang cũng nói lên lòng biết ơn đối với chánh phủ và người dân Đức đã đón nhận những người tỵ nạn Việt Nam đến đây làm lại cuộc đời mới, trong một đất nước tự do. Đài Á Châu Tự Do xin cám ơn ông Nguyễn Thanh Văn ở Troisdorf và bà Trang từ Hamburg, Đức Quốc đã dành thời giờ cho cuộc trao đổi hôm nay.