Ý tưởng xây dựng các làng sinh thái ở Việt Nam (phần 2)

Gia Minh, phóng viên đài RFA

Vào chương trình kỳ trước, quí thính giả và các bạn đã nghe giáo sư Nguyễn Văn Trương, người đứng đầu Viện Kinh tế Sinh Thái tư nhân đầu tiên của Việt Nam trình bày về hoạt động xây dựng các làng sinh thái tại các vùng hoang hoá, khô cằn của Việt Nam.

0:00 / 0:00
EcoVillage200.jpg
Làng sinh thái trong tương lai.

Cho đến nay, Viện của giáo sư Nguyễn Văn Trương, xây dựng được hơn chục làng sinh thái thí điểm tại ba loại địa hình khác nhau là vùng cát, vùng trũng ngập nước, và vùng đồi núi bạc màu. Trong chương trình kỳ này, mời quí vị và các bạn nghe tiếng nói từ phía chính quyền địa phương và những người dân lập nghiệp tại đó nói về ngôi làng theo mô hình mới.

Xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị nằm trong khu vực mà bao đời này người dân miền Trung phải thừa nhận là ‘chó ăn đá, gà ăn muối’. Biết bao sức lực mồ hôi con người đã đổ xuống vùng đất cháy nắng với bao la gió và cát; nhưng rồi người nông dân tại đó vẫn không thể cải tạo được đất để có thể tạo ra đủ lương thực để ăn.

Như giáo sư Nguyễn Văn Trương cho biết dự án nghiên cứu tìm hiểu đặc tính của vùng đất và từ đó đưa ra chỉ dẫn loại hình trồng trọt và chăn nuôi thích hợp để có thể cải tạo vùng đất mang lại lợi ích thiết thực cho con người.

Anh Nguyễn Văn Ngượng, cán bộ xã Triệu Vận cho biết đặc điểm của xã và quá trình hình thành làng sinh thái: "Triệu Vân là một làng biển bãi ngang, trước đây không ai sinh sống, dự án giúp giản dân ra."

Hiệu quả của dự án được người cán bộ xã nhận xét: "Dân ra sinh sống tại đó có thu nhập từ 7- 20 triệu đồng năm.Từ một làng nay có thêm cơ quan khác hỗ trợ để lập ra hai làng sinh thái khác."

Dự án ra đời đã gần 15 năm thế nhưng đến nay cũng cần có thêm hỗ trợ để dự án có thể phát huy tác dụng: "Cần vốn."

Mời các bạn tham gia mục Phát minh & Đời sống. Xin email về Vietweb@rfa.org

Một thanh niên sinh sống trong làng sinh thái nói về làng anh: "Dân đào ao thả cá, nuôi heo, trồng cây."

Tại miền bắc, một làng sinh thái thuộc dự án của giáo sư Nguyễn Văn Truơng cũng đã hình thành tại một vùng chiêm trũng thuộc tỉnh Hải Dương. Khi nhóm công tác cuả Viện Kinh tế Sinh thái do giáo sư Nguyễn Văn Trương dẫn đầu đến xã Phú Điền, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương để nghiên cứu xây dựng làng thì nhiều người dân tại đó lúc bấy giờ cho rằng sao ông dám ‘cải mệnh trời’ vì vùng đất ‘chiêm khê mùa thối’ của họ đã tồn tại thế hằng trăm năm nay canh tác khó khăn.

Một phụ nữ nông dân cho biết về những ngày đầu và hiện nay tại làng: "Đầu thì người ta chưa tin; nhưng khi thấy có hiệu quả thì bắt đầu chuyển và nay vùng trũng chuyển gần hết. Gia đình trồng những cây lâu năm và cây ngắn ngày; nuôi các con như baba, rắn độc. Có thu nhập; và cần thêm vốn."

Quí thính giả và các bạn vừa nghe hai người dân sống tại làng sinh thái theo mô hình mà giáo sư Nguyễn Văn Trương, thuộc Viện Kinh tế Sinh thái tư nhân đầu tiên của Việt Nam đưa ra.

Mong sao kinh nghiệm thu lượm đuợc từ những ngôi làng sinh thái hiện đã ra đời có thể giúp cho những vùng quê nghèo khác của Việt Nam có thể chuyển mình trở thành những vùng đất trù phú đủ sức nuôi sống người nông dân, so cho họ không phải lam lũ, một nắng hai sương mà vẫn nghèo khó như bấy lâu nay.

Mục Sáng kiến & Đời sống tuần này tạm dừng tại đây, hẹn gặp lại quí thính giả và các bạn trong chương trình kỳ tới cũng vào giờ này trên làn sóng phát thanh của Đài Á Châu Tự Do. Gia Minh chào tạm biệt.

Theo dòng thời cuộc:

- Ý tưởng xây dựng các làng sinh thái ở Việt Nam (phần 1)