Thanh Trúc, phóng viên đài RFA
Dự án có tên là Tăng Cường Liên Kết Sản Xuất Rau An Toàn giữa thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đang được thức hiện cho đến năm 2010. Tại sao cần dự án này, và thực tế lượng rau tiêu thụ ở thành phố Hồ Chí Minh có bảo đảm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng không?

Theo số liệu của Bộ Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn, mỗi ngày chừng 1.200 tấn rau lưu thông trên thị trường thành phố, trong đó 20% sản xuất từ ngoại thành, 80% từ các tỉnh như Lâm Đồng, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long.
Theo những người am hiểu tình hình, về mặt an toàn của rau quả thì sự kiểm soát chưa nghiêm chỉnh lắm. Hơn nữa những nhà sản xuất hay cung cấp tư nhân trứơc nay vốn quen lối tự cung tự cấp, hàng hoá không đều đặn, giá cả đôi khi tăng giảm bất thường.
Rau quả an toàn
Rau quả an toàn cho người tiêu dùng phải được hiểu như thế nào là điều ông Hà, cán bộ chuyên trách rau quả nhập khẩu ở miền Bắc giải thích:
“Rau an toàn là loại rau không có một chất kích thích nào ngoài loại phân bón được Bộ Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn cho phép. Đã có qui định về an toàn thức phẩm với qui định của Bộ Y Tế, khi làm rau sạch xuất khẩu và nhập khẩu thì phải qua kiểm nghiệm quốc tế.”
Ông Thủy, cán bộ phụ trách kỹ thuật về rau hoa thuộc Trung Tâm Khuyến Nông thành phố Dalat, nói rõ hơn về sự kiểm soát rau an toàn và lợi ích của sự liên kết sản xuất với thành phố Hồ Chí Ninh theo như dự án:
Rau an toàn là loại rau không có một chất kích thích nào ngoài loại phân bón được Bộ Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn cho phép. Đã có qui định về an toàn thức phẩm với qui định của Bộ Y Tế, khi làm rau sạch xuất khẩu và nhập khẩu thì phải qua kiểm nghiệm quốc tế.
“Khi sản xuất rau mà mang đi phân tích thì thứ nhất là về hàn lượng phân bón như chất Nitrate và hàm lượng chất hoá học dưới ngưỡng cho phép, ngoài ra khu vực sản xuất rau không gần nơi ô nhiễm, không gần nơi có vi sinh vật gây hại.
Tiêu chuẩn của Bộ Nông Nghiệp là giới hạn từng loại thuốc trong khoảng bao nhiêu phần trăm, quá ngưỡng ấy là không an toàn, còn dưới ngưỡng ấy mới được gọi là an toàn. Phải kiểm tra thường xuyên. Đấy là cái bên pháp lý, còn cái bên mà ký kết hợp đồng người ta có tiêu chuẩn của người ta để kiểm tra thì cái ấy là không nói rồi.
Về cái dự án sản xuất rau an toàn đối với Dalat thì chúng tôi nghĩ là rất tốt tại vì hiện nay cái rau sản xuất của nông dân thì đầu ra không ổn định lắm. Nếu ký kết thế này mà đầu ra an toàn thì đảm bảo thu nhập cho nông dân hơn.”
Đó là lý do từ năm 2005 Bộ Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn đã quyết định thành lập ban chỉ đạo Dự Án có tên ‘Tăng Cường Liên Kết Sản Xuất-Tiêu Thụ Rau An Toàn, bao gồm chín tỉnh và thành phố là Lâm Đồng, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long.
Tính đến giờ dự án đã triển khai được một số hoạt động, thí dụ một mô hình sản xuất rau theo sạch theo tiêu chuẩn GAP ở xã Nhuận Đức. Hiện nơi này đang lập thủ tục xin đang ký logo có sản phẩm rau an toàn.
Tiêu chuẩn GAP
Vậy mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn GAP là gì, bà Lê Hồng Oanh, phó giám đốc Sở Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn thành phố Hồ Chí Minh, cũng là đơn vị trực tiếp chịu trách nhiệm về dự án liên kết sản xuất rau an toàn, đưa ra tầm nhìn rộng hơn:
“GAP gồm 14 tiêu chí qui định về đất như thế nào về nứơc như thế nào, thuốc trừ sâu ra sao, vi sinh vật như thế nào, truy nguyên nguồn gốc trong quá trình sản xuất như thế nào. Hiện nay mình cũng đang khuyến khích mọi người sản xuất rau an toàn tại vì nếu như sản xuất mà có dư lượng thuốc trừ sâu hoặc có vi sinh vật hoặc một số hợp chất như Nitrate thì nó sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của mọi người.
Cái khuynh hướng hiện nay theo chỉ đạo của Bộ và Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố là phải khuyến khích sản xuất rau an toàn. Trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có nơi sản xuất rau an toàn nhưng mà vừa rồi cái liên kết của chín tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long thì có ý động viên các tỉnh làm ra những sản phẩm an toàn để cung cấp rau cho TP HCM. Và cái xu hướng khi đã gia nhập WTO thì bản thân mình phải là sản xuất theo hướng đạt tiêu chuẩn an toàn cao và có điều kiện để xuất khẩu.”
Bổ túc thêm là tại sao cần có dự án liên kết sản xuất rau an toàn giữa thành phố Hồ Chí Minh với chín tỉnh và thành phố, ông Hùynh Công Tấn, phòng Công Nông Nghiệp của Ủy Ban Nhân Dân thành phố nói:
“Liên kết là liên kết với Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, thì lúc đó người ta cho một khu vực trồng không có hoá chất và thuốc trừ sâu như hiện nay có một số đơn vị đã làm. Và trong khi xây dựng các gene của các giống rau thì cũng phải thử nghiệm rồi mới đưa ra đại trà.
Ở thành phố Hồ Chí Minh đã có một công ty liên kết với Hà Lan để sản xuất loại rau này nhưng sự đáp ứng chưa lớn lắm thành ra thành phố muốn cộng tác thêm. Hiện những nguồn cung cấp thí dụ như từ Dalat về thì đầu vào xử lý chưa được triệt để, mà muốn có sản phẩm an toàn thì phải xử lý triệt để kể cả từ nguồn giống ban đầu, về hạt giống để mà gieo.
Thì khả thi thì đương nhiên nó khả thi rồi là bởi vì đã có đơn vị làm chuyện này rồi, tuy nhiên nguồn cung cấp cũng chưa đủ. Bây giờ trong cơ cấu chuyển giao nông nghiệp phải có chương trình sản xuất rau an toàn. Do vậy Sở Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn là đơn vị chính để triển khai điều này.”
Số lượng rau quả mà thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ hàng năm vào khoảng 400 tấn hơn. Theo ban chỉ đạo của dự án Liên Kết Sản Xuất Rau An Toàn giữa chín tỉnh và thành phố, thì đang có sự lúng túng trong việc thành lập vùng trồng rau an toàn tại các địa phương mà nguyên nhân là vì Cục Trồng Trọt chưa thực hiện cụ thể và chưa đẩy mạnh quyết định của Bộ Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn.
Được biết theo qui định từ đầu năm, mỗi tháng đều có đợt kiểm tra định kỳ về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại các chợ rau đầu mối.
Thanh Trúc tường trình từ Thái Lan.