Thanh Quang, phóng viên đài RFA
Bộ Tài Nguyên Môi trường vừa đề xuất với chính phủ thành lập cơ quan tài phán để giúp giải quyết các vấn đề liên quan lãnh vực đất đai. Thanh Quang tiếp chuyện qua điện thoại với ôngĐặng Hùng Võ, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường, và trước hết nêu lên câu hỏi là nguyên nhân nào mà Bộ có đề xuất như vậy?

ÔngĐặng Hùng Võ: Bộ đề xuất như vậy vì qua đợt kiểm tra tháng 8, thì cũng thấy tình hình gia tăng ở mức độ cao các khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai. Và việc xử lý ở một số địa phương là chưa phù hợp với quy định của pháp luật, tức là trong thời hạn phải xử lý, phải ra quyết định về việc giải quyết về những tranh chấp, khiếu nại, tố cáo thì không đảm bảo.
Người dân phải chạy lòng vòng hết cơ quan này tới cơ quan khác mà thậm chí chưa có quyết định của bất kỳ cơ quan nào. Và một số nơi việc tổ chức tiếp dân không tốt, rồi cái chỉ dẫn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho người dân chưa được tốt.
Thì nên người dân hiện nay có nguyện vọng là việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo mà để tòan bộ cấp địa phương quyết định thì sẽ không mang lại hiệu quả, và quyền lợi của người dân không được bảo đảm.
Và người dân có nguyện vọng là muốn có một cơ quan ở trung ương rất độc lập, không chịu áp lực của chinh quyền cấp tỉnh, cấp huyện đứng ra giải quyết thì có lẽ là tốt hơn, đảm bảo quyền lợi cho người dân hơn. Và như vậy thì mới đảm bảo được tinh thần luật đất đai 2003.
Như vậy thì chúng ta cũng có thể nghĩ tới một số phương án, là có thể tất cả những việc này chúng ta đều đưa ra tòa án.Nhưng phương án đưa ra tòa án thì cũng có ưu điểm, tức là sẽ làm cho mọi quá trình xét xử được minh bạch, rõ ràng, công khai. Nhưng ngòai ra thi nó cũng có một số nhược điểm.
Người dân phải chạy lòng vòng hết cơ quan này tới cơ quan khác mà thậm chí chưa có quyết định của bất kỳ cơ quan nào. Và một số nơi việc tổ chức tiếp dân không tốt, rồi cái chỉ dẫn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho người dân chưa được tốt.
Nhược điểm thứ nhất là tòa án Việt Nam hiện nay còn thiếu nhiều thẩm phán có nghiệp vụ về đất đai. Thành ra để xử lý cho sắc sảo, cho đúng, cho tốt, cho phù hợp về pháp luật, thì khả năng đó nhìn thấy còn những điểm còn bất cập. Với lại điểm thứ hai là tòa án hiện cũng phân theo cấp hành chính, như vậy cũng xử tại tòa án huyện trước rồi tòa án tỉnh sau, thì nó vẫn bị áp lực của địa phương.
Mặc dù tư pháp Việt Nam cũng độc lập với bộ máy hành chính, nhưng dù sao đi nữa nó vấn có ảnh hưởng nhất định. Và như vậy thì chắc nó cũng chưa thể mang lại hiệu quả tốt được. Chính vì vậy mà Bộ Tài Nguyên Môi Trường cũng mạnh dạng kiến nghị một hệ thống cơ quan tài phán. Cơ quan này làm nhiệm vụ chuyên tài phán về đất đai.
Nó tồn tại trong giai đoạn khiếu nại, tố cáo, tranh chấp nhiều. Và khi chúng ta lập lại được ổn định trong mặt bằng sử dụng đất, thì lúc đó cơ quan này sẽ thôi, sẽ tự giải tán. Và số lượng người đó sẽ tiếp nhận công việc ở những nơi khác.
Thanh Quang: Thưa ông, một khi cơ quan tài phán như vậy được hình thành thì liệu cơ quan này có bị giới lãnh đạo địa phương coi như là một sự dẫm chân lên họ hay không?
Ông Đặng Hùng Võ: Không. Nếu cơ chế riêng cho việc giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo mà chúng ta thực hiện theo cơ chế này thì cũng không cũng không có gì dẫm đạp cả. Lúc đó sẽ phải thay đổi lại luật pháp, tức là sẽ phải điều chỉnh cả luật. Như vậy là cấp xử lý đầu tiên đối với tranh chấp, tôi nói ví dụ cái cơ chế đối với tranh chấp, là cứ giữa hộ gia đình cá nhân thì cấp huyện phải là cấp xử lý đầu tiên.
Và cấp tiếp theo, đồng thời là cấp cuối cùng là cơ quan tài phán trực thuộc trung ương hòan tòan, không chịu áp lực của chính quyền địa phương. Thế còn đối với khiếu nại thì cấp có quyết định hành chính bị khiếu nại là cấp xử lý đầu tiên, nếu là quyết định hành chính của cấp huyện thì cấp huyện xử lý đầu tiên, của cấp tỉnh thi cấp tỉnh xử lý đầu tiên.
Sau đó rồi nếu người dân chưa đồng ý mà khiếu nại tiếp, thì cơ quan tài phán sẽ là người xử lý lần 2, đồng thời có quyết định cuối cùng. Và như vậy vẫn đảm bảo của xử lý địa phương, nhưng đồng thời cấp quyết định cuối cùng là quyết định của một cơ quan trung ương trung thành vơi luật pháp.
Thanh Quang: Dạ như vậy thì khởi đầu từ địa phương lên tới cấp tài phán trung ương, thì sau cùng tiến trình xét xử đó có kéo dài lắm hay không?
Ông Đặng Hùng Võ: Không. Hiện nay theo quy định của luật 2003, thì các lần xử lý các vụ tranh chấp, khiếu nại, riêng tố cáo thì nó mang trình tự riêng, vì tố cáo thì nó mang tố cáo về mặt cán bộ thì nó có trình tự riêng nó theo pháp luật về tố cao quy định, còn riêng tranh chấp và khiếu nại thì thời gian xử lý mỗi cấp là 45 ngày, hiện nay đã quy định rồi.
Nhưng mà để địa phương thì thậm chí 45 ngày đó cũng không được bảo đảm. Có người đưa đơn đi mà thậm chí hai, ba năm chưa được ai chỉ dẫn là đến nộp đơn ở đâu nữa.
Bạn nghĩ gì về đề nghị này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org
Thanh Quang: Dạ liệu giới hữu trách có ngăn chận được tình trạng các chính quyền địa phương trì trệ hay không giải quyết dứt điểm các khiếu kiện của người dân hay không?
Ông Đặng Hùng Võ: Không. Tôi cho là nhiệm vụ của chúng tôi là phải ngăn chận việc này. Vì hiện nay qua đợt kiểm tra tháng Tám của Bộ Tài Nguyên Môi Trường thì gần như một phần ba số tỉnh tiếp tục thực hiện kế hoạch kiểm tra đối với cấp huyện, và đã uốn năn rất nhiều trường hợp lệch lạc so với pháp luật. Chúng tôi hy vọng là trong thời gian tới thì các tỉnh còn lại sẽ tiếp tục làm việc này.
Thanh Quang: Dạ một khi cơ quan tài phán đó được hình thành rồi thì những quyết định của cơ quan tài phán có hiệu lực hồi tố đối với những trường hợp oan ức của người dân trong nhiều năm đã qua hay không?
Ông Đặng Hùng Võ: Nói về những oan ức của người dân trong những năm đã qua, thì vẫn có cơ chế như thế này: Những quyết định cuối cùng của cấp tỉnh trước đây, hoặc là của Bộ Tài Nguyên Môi Trường trước đây mà có cái gì sai mà người dân cảm thấy những quyết định đó không đúng pháp luật, thì cơ quan tài phán sẽ là người cứu xét một lần nữa.
Nếu vi phạm pháp luật thì yêu cầu cái cấp giải quyết cuối cùng đó phải quyết định lại. Tức là không chuyển thẩm quyền, nhưng mà yêu cầu phải quyết định lại sau khi làm việc và cái cấp quyết định đó thấy rằng mình quyết định sai.
Thanh Quang: Và quyết định lại trong vòng 45 ngày?
Ông Đặng Hùng Võ: Vâng, tức là cũng trong vòng 45 ngày đó thì phải làm cái việc quyết định lại, nếu cơ quan tài phán phát hiện là quyết định đó trái pháp luật.
Thanh Quang: Theo ông thì đề xướng thiết lập cơ quan tài phán đó có triển vọng được thông qua hay không, hay là có thể phải kéo dài vì áp lực của nhiều viên chức uy thế đang sở hữu đáng kể về địa ốc hiện giờ?
Ông Đặng Hùng Võ: Vâng. Tôi tin rằng là sẽ được chấp nhận. Đấy là riêng niềm tin của cá nhân tôi, bởi vì bản thân tôi cũng đã trao đổi rất nhiều người có thẩm quyền, kể cả bên Chính phủ lẫn Quốc hội, thì cái đề xuất này được ủng hộ rất là mạnh mẽ. Và tôi tin rằng nếu mà chính phủ trình sang Quốc hội, thì chắc chắn là Quốc hội sẽ chấp nhận. Đấy là niềm tin của tôi.
Thanh Quang: Cảm ơn ông đã cung cấp thông tin hữu ích vừa rồi.
Ông Đặng Hùng Võ: Dạ vâng, cám ơn.