Phó trưởng đại diện thương mại Hoa Kỳ sẽ viếng thăm Việt Nam trong 3 ngày
2006.05.23
Trà Mi, phóng viên đài RFA
Bộ Thương mại Mỹ vừa thông báo ngày 24 tháng này, Phó trưởng đại diện thương mại Hoa Kỳ, đại sứ Karan Bhatia, sẽ thực hiện chuyến công du nhằm thúc đẩy mối quan hệ mậu dịch giữa Mỹ với các bạn hàng Châu Á bao gồm Ấn độ, Đài Loan, và chặng dừng cuối cùng là Việt Nam. Liên quan đến thông tin này, Trà Mi có cuộc trao đổi với ông Karan Bhatia để tìm hiểu thêm về lịch trình làm việc của người phó đại diện thương mại Mỹ trong thời gian lưu lại Việt Nam. Trước tiên, đại sứ Bhatia cho biết.

Đại sứ Karan Bhatia: Vâng, tôi sẽ ghé thăm Việt Nam với tư cách là thành viên phái đoàn Hoa Kỳ tham gia Hội nghị các Bộ trưởng thương mại khối APEC diễn ra vào ngày 1 và 2/6 tại thành phố Hồ Chí Minh. Tôi sẽ có mặt tại Việt Nam vào ngày 31 cuối tháng này.
Trà Mi: Và ông dự định sẽ lưu lại Việt Nam trong bao lâu, thưa ông?
Đại sứ Karan Bhatia: Tôi sẽ ở Việt Nam trong 3 ngày: 31 tháng 5, ngày 1 và 2 tháng 6.
Trà Mi: Như vậy trọng tâm của chuyến đi Việt Nam là tham dự Hội nghị các Bộ trưởng thương mại APEC, chứ không phải là tham gia lễ ký kết thoả thuận thương mại Việt-Mỹ ư, thưa ông?
Đại sứ Karan Bhatia: Chúng tôi vẫn đang tiếp tục làm việc để soạn thảo các văn bản pháp lý, ấn định ngày giờ của lễ ký kết, và các khâu kỹ thuật khác. Tất cả mọi việc đang được xúc tiến và hy vọng là có thể hoàn tất trong thời gian sớm nhất.
Trà Mi: Theo ông thì bao giờ lễ ký kết chính thức sẽ diễn ra?
Đại sứ Karan Bhatia: Chúng tôi cần phải có thời gian để đảm bảo không sơ sót một chi tiết nào. Chúng tôi hy vọng là lễ ký kết sẽ được tổ chức trong một ngày gần đây. Và nếu may mắn mọi việc có thể hoàn tất và diễn ra trùng khớp với thời gian của chuyến đi vào đầu tháng 6 thì thật tuyệt vời.
Trà Mi: Liên quan đến thoả thuận Việt-Mỹ, được biết là một trong những điểm thảo luận được nhắc tới trước đây có vấn đề trao đổi các sản phẩm văn hoá như phim ảnh, băng từ, sách báo giữa đôi bên. Thế nhưng, cuối cùng 2 bên có đi đến một sự nhất trí chung về điểm này không thưa ông? Vì chúng tôi không thấy nó đựơc đề cập đến trong văn bản các dữ kiện liên quan đến thoả thuận mà Bộ thương mại công bố. Xin ông cho biết thêm về việc này?
Đại sứ Karan Bhatia: Tôi có thể nói một cách chung chung rằng chúng tôi vẫn còn đang làm việc để tiến đến giai đoạn cuối cùng. Khi nào hoàn thành thì nội dung thoả thuận sẽ được công bố công khai, rõ ràng. Nhưng công bằng mà nói là ngành công nghiệp dịch vụ của Hoa Kỳ nói chung sẽ cảm thấy đây là thoả thuận có lợi cho cả đôi bên.
Nó cho phép ngành kinh doanh lĩnh vực dịch vụ của Mỹ có cơ hội tiếp cận nhiều hơn đến nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng tại Việt Nam. Ngược lại, giới tiêu thụ Việt Nam sẽ được thụ hưởng những sản phẩm từ các nhà cung cấp dịch vụ đầy năng lực và cạnh tranh của Mỹ. Và tôi cho rằng ngành công nghệ dịch vụ của chúng tôi sẽ hài lòng về thoả thuận này.
Trà Mi: Nhưng thưa ông, Việt Nam từ trước tới nay vẫn từ chối mở rộng vòng tay đón nhận các sản phẩm văn hoá từ nước ngoài…
Đại sứ Karan Bhatia: Tại thời điểm này, tôi không thể tiết lộ gì hơn ngoài việc nhấn mạnh rằng chúng tôi đang tiếp tục hoàn tất các công đoạn cần thiết. Tôi không thể từ chối hay khẳng định những chi tiết cụ thể với cô vào lúc này bởi vì chúng tôi còn đang nỗ lực đúc kết lại những thoả thuận. Khi nào xong, mọi việc sẽ được công khai.
Trà Mi: Vâng, nhân nói về mối quan hệ thương mại Việt-Mỹ, chúng ta có thể kỳ vọng trông thấy điều gì một khi Việt Nam chính thức trở thành hội viên Tổ chức thương mại thế giới WTO, thưa ông?
Đại sứ Karan Bhatia: Ồ tôi nghĩ quan hệ thương mại song phương sẽ đựơc củng cố mạnh mẽ. Việt Nam là một nền kinh tế phát triển nhanh. Trong thời gian gần đây, kinh tế Việt Nam tăng trưởng gần 10% hằng năm. Thị trường này đang được nhiều công ty, các nhà sản xuất, giới xuất khẩu nông nghiệp và cả giới cung cấp dịch vụ Mỹ chú ý tới.
Hơn thế nữa, tôi nghĩ giới tiêu thụ Hoa Kỳ cũng rất quan tâm đến Việt Nam. Và có khả năng đây là cơ hội mở rộng giao thương cả xuất lẫn nhập khẩu. Tóm lại, mối quan hệ mậu dịch song phương sẽ rất mạnh mẽ và đầy tiềm năng trong nhiều lĩnh vực kinh tế, điều mà tôi cho rằng rất tốt cho đôi bên.
Trà Mi: Có vẻ như đây là một viễn ảnh rất tốt cho cả 2 quốc gia.
Đại sứ Karan Bhatia: Vâng đúng thế. Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn thời gian và sự cộng tác của ông trong cuộc phỏng vấn hôm nay và xin chúc ông thượng lộ bình an.
Đại sứ Karan Bhatia: Không có chi. Cảm ơn cô.
Những bài liên quan
- Ðàm phán Việt-Mỹ về WTO, bên nào nhượng nhiều hơn
- Ngành nông nghiệp Việt Nam trước thềm hội nhập WTO
- Phỏng vấn Đại sứ Michael Marine về mối quan hệ Việt-Mỹ hiện nay
- Trao đổi thư tín với thính giả (Ngày 18-5-2006)
- Giới luật sư Việt Nam thay đổi để đáp ứng với thử thách mới
- Những thuận lợi và thiệt hại của ngành dệt may khi Việt Nam gia nhập WTO
- Phỏng vấn Tiến sĩ Lê Đăng Doanh về việc Việt Nam gia nhập WTO
- Phỏng vấn Đại sứ Karan Bhatia, về cuộc đàm phán Việt-Mỹ
- Nguyên nhân khiến cuộc đàm pháp WTO kéo dài thêm 1 ngày
- Việt Nam và Hoa Kỳ đạt thỏa thuận về WTO
- Việt Nam và Hoa Kỳ phải kéo dài vòng đàm phán cuối cùng về WTO
- Tình hình đình công ảnh hưởng gì tới nguồn đầu tư nước ngoài?
- Tiểu thương Việt Nam sửa soạn lên đường đi Mỹ
- Tại sao nữ Dân biểu Loretta Sanchez hủy bỏ chuyến đi Việt Nam?
- Hoa Kỳ muốn thấy nhiều nỗ lực về tự do tôn giáo ở Việt Nam
- Hoa Kỳ yêu cầu Việt Nam thả các tù nhân lương trước chuyến đi Hà Nội của Tổng thống Bush
- Phỏng vấn ông Ernest Bower về tiến trình gia nhập WTO của Việt Nam hiện nay
- Tường trình buổi điều trần tại Hạ Viện Hoa Kỳ về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam
- Quá trình đổi mới và triển vọng Việt Nam tham gia WTO
- Ðoàn doanh nghiệp cấp cao Hoa Kỳ viếng thăm Việt Nam