Nói chuyện với họa sĩ Trịnh Cung về đề tài hội họa Việt Nam hiện nay
2007.08.05
Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
Chương trình Văn Học Nghệ Thuật tuần này Mặc Lâm mời quý thính giả theo dõi buổi nói chuyện với họa sĩ Trịnh Cung, xoay quanh đề tài hội họa Việt Nam hiện nay.
Họa sĩ Trịnh Cung sinh quán tại Nha Trang năm 1939. Năm 1957 ông theo học trường Mỹ Thuật Huế và tốt nghiệp vào năm 1962. Cũng trong năm này tác phẩm "Mùa Thu Tuổi Nhỏ" của ông đã được chọn triễn lãm chung với 21 quốc gia.
Tác phẩm này được trao bằng danh dự, đây là tác phẩm sơn dầu duy nhất của Việt Nam dược chọn trong kỳ triễn lãm này. Trong giải "Hội Họa Mùa Xuân" ông được chọn và trúng giải hai lần vào hai năm 1963 và 1964. Đây cũng là giải cuối cùng của mỹ thuật Sài Gòn.
Họa sĩ Trịnh Cung cũng đã có thời gian giảng dạy tại hai trường mỹ thuật Huế và Gia Định trong tư cách thỉnh giảng. Ông có nhiều triễn lãm cá nhân trong và ngoài nước, vào năm 1994 cuộc triễn lãm đầu tiên ở nước ngoài của ông diễn ra tại Pháp.
Năm 1996 ông được đại học San Francisco mời giảng dạy mỹ thuật tại trường với tư cách thỉnh giảng. Trong thời gian từ năm 1998 đến năm 2000 ông có nhiều cuộc triễn lãm tại Mỹ và tranh của ông được giới mỹ thuật đánh giá cao.
Mới đây tổ chức Willams Joyner Center mời họa sĩ Trịnh Cung tham gia vào diễn đàn của tổ chức này tại Massachusetts và ông có bài tham luận với đề tài "Mỹ Thuật Việt Nam Đương Đại Từ Chiến Tranh Đến Hòa Bình".
Chúng tôi được tiếp chuyện với họa sĩ Trịnh Cung khi ông ghé thăm Washington DC và cuộc trao đổi này được thực hiện qua điện thoại. Câu hỏi đầu tiên của chúng tôi là yêu cầu họa sĩ sơ lược nội dung bài tham luận của ông tại Williams Joining Center, ông cho biết:
Tôi trình bày bối cảnh mỹ thuật Việt Nam trong thời chiến ở miền Bắc như thế nào và ở miền Nam như thế nào và tất nhiên là tôi phải chứng minh rằng những bức tranh của các họa sĩ nổi tiếng của miền Bắc đã vẽ trong thời kỳ chiến tranh, họ theo trường phái nào, khuynh hướng nào để được chấp thuận và đóng góp vào cái hoạt động nghệ thuật trong vùng họ sinh sống và chịu cái sự tác động của nhà nước như thế nào.
Họa sĩ Trịnh Cung: Tôi trình bày cái đề cương và cái tham luận của mình. Tham luận của tôi về đề tài "Mỹ Thuật Việt Nam Đương Đại Từ Chiến Tranh Đến Hòa Bình" bởi vì tổ chức Willams Joyner Center là một tổ chức chuyên nghiên cứu về chiến tranh và những hậu quả của nó cũng như về những gì mà cuộc chiến Việt Nam phát sinh ra sau chiến tranh. Cũng có nhiều đề tài khác thuộc nhiều lĩnh vực như văn hóa, xã hội...Tôi chọn đề tài nghiên cứu là Mỹ Thuật.
Tôi trình bày bối cảnh mỹ thuật Việt Nam trong thời chiến ở miền Bắc như thế nào và ở miền Nam như thế nào và tất nhiên là tôi phải chứng minh rằng những bức tranh của các họa sĩ nổi tiếng của miền Bắc đã vẽ trong thời kỳ chiến tranh, họ theo trường phái nào, khuynh hướng nào để được chấp thuận và đóng góp vào cái hoạt động nghệ thuật trong vùng họ sinh sống và chịu cái sự tác động của nhà nước như thế nào.
Ở miền Bắc tôi có trưng ra những tác phẩm của các danh họa Việt Nam như Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Trần Văn Cẩn v...v...nói việc họ vẽ như thế nào trong thời chiến tranh. Ở miền Nam tôi cũng trích dẫn những tác phẩm đặc thù của nền hội họa đã sống trong một cái thể chế chính trị lấy tự do và dân chủ làm cái lý tưởng của mình.
Tất nhiên tôi có cái nhận định chuyên môn của tôi với cái nhìn nghề nghiệp cũng như thực trạng của hội họa Việt Nam trước đây và hôm nay tôi không trình bày theo kiểu suy diễn mà tôi trình bày theo kiểu chứng minh dựa trên tài liệu, sách vở mà trong nhiều năm tôi quan tâm tới.
Mặc Lâm: Thưa ông, bài tham luận này chắc hẳn đưa ra những đặc sắc của các họa sĩ cả hai miền Nam Bắc, trong suốt thời kỳ chiến tranh nền mỹ thuật phía Bắc khác phía Nam dĩ nhiên là có nhiều cái khác nhau, tuy nhiên theo ông dễ nhận thấy nhất là những yếu tố nào?
Họa sĩ Trịnh Cung: Cái đặc sắc của nền mỹ thuật miền Bắc trong thời gian chiến tranh thì rất rõ ràng, đó là họ dùng tài năng của họ để cống hiến cho chủ nghĩa cộng sản mà họ nằm dưới lá cờ đó và rõ ràng là họ vẽ hết mình và họ sống với sự xúc động cũng như trong lý tưởng để họ cùng hướng ra chiến trường.
Tôi thấy tất cả các tranh đều hướng về mục tiêu chiến đấu cổ vũ cho cuộc chiến tranh mà họ đề xuất. Tất cả đều sáng tác dưới khuynh hướng hiện thực chủ nghĩa không có một trường phái nào khác.
Mặc Lâm: Như ông vừa nhận xét, họa sĩ miền Bắc được tôi luyện để phục vụ lý tưởng cộng sản trước khi cái đẹp của nghệ thuật được chú ý, vậy thì làm sao họ có thể sáng tạo được những tác phẩm hoàn thiện mà nghệ thuật đòi hỏi khi họ mang tâm thức sáng tác theo định hướng có tính minh họa cho mục tiêu rõ rệt là chiến thắng?
Họa sĩ Trịnh Cung: Tất nhiên rồi, điều này rất rõ ràng không thể chối cãi. Cái cá tính của người sáng tác trong tác phẩm không có. Chỉ xuất hiện trong tác phẩm của họ là tài năng về hội họa mà thôi còn về tính cách riêng và sự sáng tạo đa dạng thì tuyệt đối không có.
Có thể nói thế này mình không thể có đủ một cuộc thăm dò hay làm một công trình nghiên cứu xem họ có đủ kiến thức hay không, nhưng một cách chủ quan thì tôi cho rằng họ không thể có đủ kiến thức được bởi vì sự tiếp cận nền mỹ thuật đương đại của thế giới họ không có điều kiện về mặt lý thuyết cũng như mặt va chạm, cọ sát với nền mỹ thuật đương đại.
Mặc Lâm: Trong lĩnh vực hội họa thì tài năng của họa sĩ được nhìn nhận qua khuynh hướng, chủ đề cũng như tâm thế sáng tạo chứ không bằng kỹ thuật tuy kỹ năng này là căn bản cho một họa sĩ tại trường lớp. Nếu đặt nền tảng kỹ thuật để đánh giá hội họa như một yếu tố chính tôi e rằng điều này sẽ dẫn chúng ta đến lĩnh vực của thủ công mỹ nghệ chăng?
Họa sĩ Trịnh Cung: Tài năng ở đây chúng ta phải nhìn ở khía cạnh kỹ năng và thực ra cũng có một sự tham dự đóng góp tâm hồn của họ mặc dù tâm hồn đó có làm cho chúng ta thú vị hay không. Nếu nhìn một cách khách quan thì họ tập trung cả phần ý tưởng, tâm hồn để họ tạo ra cái dòng tranh cho cuộc chiến tranh của họ.
Mặc Lâm: Chúng ta vừa nói đến những họa sĩ lớp trước, khi thời gian cuộc chiến chưa chấm dứt. Riêng những họa sĩ trẻ ông có nhận xét gì về họ đặc biệt là hồi gần đây khi làn sóng mỹ thuật đương đại tràn vào Việt Nam thì rất nhiều họa sĩ theo khuynh hướng nghệ thuật sắp đặt, Performing Art hay Body Art.
Chúng ta không chắc lắm là họ có được đào tạo bài bản cũng như trang bị những kiến thức cần thiết cho các thể nghiệm của họ hay không. Ông có nhận xét gì về điều này?
Họa sĩ Trịnh Cung: Có thể nói thế này mình không thể có đủ một cuộc thăm dò hay làm một công trình nghiên cứu xem họ có đủ kiến thức hay không, nhưng một cách chủ quan thì tôi cho rằng họ không thể có đủ kiến thức được bởi vì sự tiếp cận nền mỹ thuật đương đại của thế giới họ không có điều kiện về mặt lý thuyết cũng như mặt va chạm, cọ sát với nền mỹ thuật đương đại.
Mặc Lâm: Báo chí Việt Nam vẫn thường lên tiếng về những vấn đề bảo thủ trong các đại học Mỹ thuật cả trong Nam lẫn ngoài Bắc. Ông có cho đây là nguyên nhân chính dẫn đến chỗ trũng của mỹ thuật Việt Nam hay không, thưa ông?
Họa sĩ Trịnh Cung: Tôi cố gắng nói thật những điều mình biết, những điều mình suy nghĩ. Trong tình trạng hiện nay cái hệ thống quản lý mỹ thuật từ các trường cho đến các hội đều lệ thuộc tuyệt đối vào cái đường lối chính trị bởi vậy cho nên những ngôi trường mỹ thuật đều là những cái ốc đảo riêng của những người dạy mỹ thuật và những người quản lý mỹ thuật cho nên không thể đổi mới như điều chúng ta mong muốn.
Cái hệ thống dạy mỹ thuật như phương pháp dạy, giáo trình cũng như thầy dạy đều là cái sản phẩm cũ của trường mỹ thuật Đông Dương để lại cộng thêm với sự chỉ đạo về đường lối, phương hướng tiêu chí...thì rõ ràng rất hạn chế cho việc phát triển cái sáng tạo, tư duy riêng biệt của người nghệ sỹ.
Mặc Lâm: Phê bình lý luận là xương sống của mỹ thuật thế giới từ xưa tới nay, riêng Việt Nam thì hoàn toàn thiếu vắng hoạt động này. Theo ông đây có phải là một nguyên nhân nữa dẫn đến những tác phẩm đơn điệu và sáo mòn hay không?
Họa sĩ Trịnh Cung: Thật ra là thừa chứ không phải thiếu, nhưng sự thừa này không có lợi gì cho sự phát triển đất nước. Cái sự thừa này muốn nền mỹ thuật Việt Nam đi theo trên một con đường ray mà bản chất sáng tạo thì không thể chấp nhận được.
Mặc Lâm: Chương trình giáo dục Việt Nam hình như không chú ý đến việc khai mở kiến thức mỹ thuật qua các hoạt động học hỏi, nghiên cứu hay thưởng thức tác phẩm mỹ thuật trong các đơn vị chuyên nghiệp như phòng trưng bày tranh, viện bảo tàng hay những festival mỹ thuật v..v..Ông có chia sẻ gì về vấn đề này?
Họa sĩ Trịnh Cung: Tôi có dịp đi vào các Viện Bảo Tàng của châu Âu cũng như của Mỹ thì tôi thấy từng đoàn học sinh, sinh viên đi ngắm các tác phẩm mỹ thuật và họ còn biểu thị sự hiểu biết của họ trước những tác phẩm đó nữa. Tôi mơ tới những em học sinh Việt Nam sẽ có một tập quán văn hóa như vậy.
Ở Việt Nam các em học sinh được đến bảo tàng là không có rồi nhưng kể cả người lớn cũng không biết bảo tàng là gì, không bao giờ đến xem tranh trong các cuộc triễn lãm vậy thì tương lai của nền mỹ thuật Việt Nam sẽ như thế nào?
Mặc Lâm: Xin cám ơn họa sĩ Trịnh Cung về cuộc nói chuyện thú vị hôm nay.
Các tin, bài liên quan
- Nhà thơ Hoàng Hưng, tù tội chỉ bởi một tập thơ (phần 2)
- Nữ diễn viên điện ảnh Elyse Đinh và tình yêu nghề nghiệp
- Nhà thơ Hoàng Hưng, tù tội chỉ bởi một tập thơ
- Điêu khắc gia trẻ Ưu Đàm nói về sự liên hệ hỗ tương giữa người sáng tác và giới thưởng thức
- Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp được tặng Huân chương Văn học Nghệ thuật Pháp
- Lễ hội đời sống dân gian do viện bảo tàng di sản văn hóa Smithsonian tổ chức
- Sách mới về Việt Nam thời giao chiến
- Nhà văn nữ Lý Lan, một cây viết có sức sáng tác đa dạng (phần 2)
- Nhà văn nữ Lý Lan, một cây viết có sức sáng tác đa dạng (phần 1)
- Charlie Trực Nguyễn, đạo diễn phim Dòng Máu Anh Hùng