Trà Mi, phóng viên đài RFA
Các vị dân biểu liên bang Hoa Kỳ vừa đồng ký tên vào lá thư ngỏ bày tỏ sự ủng hộ đối với gần 120 nhà hoạt động dân chủ Việt Nam, những người đã lên tiếng qua bản Tuyên Ngôn dân chủ 2006 và Lời kêu gọi quyền thành lập và hoạt động đảng phái trong nước.

Trong cuộc trao đổi với Trà Mi, nữ dân biểu Loretta Sanchez thuộc đảng Dân Chủ, nhân vật kiên trì vận động cho dân chủ-nhân quyền của Việt Nam và cũng là một trong những người ký tên đầu tiên trong bức thư ngỏ, cho biết.
Nữ dân biểu Loretta Sanchez: Như cô biết đó, đã có 118 công dân Việt Nam đồng ký tên vào Bản tuyên ngôn dân chủ và tự do cho Việt Nam đề ngày 8/4 vừa qua. Chúng tôi cho đây là một vấn đề có tầm quan trọng cao.
Và tôi rất vui mừng thông báo rằng có 50 vị dân biểu liên bang Mỹ đã đặt bút ký tên vào lá thư ngỏ, với thông điệp rằng chúng tôi ủng hộ những người dân Việt đòi hỏi và tranh đấu cho dân chủ.
Trà Mi: Bà đánh giá như thế nào về các phong trào dân chủ mới tại Việt Nam ?
Nữ dân biểu Loretta Sanchez: Tôi nghĩ đây là điều rất tuyệt vời. Dân chủ luôn luôn phải dựa trên cơ sở dân chúng. Giữa lúc Việt Nam thường xuyên có những nhân vật bất đồng chính kiến đại diện cho dân chúng đấu tranh vì dân chủ như Hoà thượng Thích Quảng Độ hay bác sĩ Nguyễn Đan Quế chẳng hạn, thì quả là thật tuyệt vời khi có được một lực lượng dũng cảm cùng nhau đứng lên đòi hỏi dân chủ và chứng tỏ hoài bão về một nền dân chủ thật sự cho Việt Nam.
Trà Mi: Theo bà, tương lai của viễn ảnh tốt đẹp đó sẽ ra sao ?
Tôi nghĩ đây là điều rất tuyệt vời. Dân chủ luôn luôn phải dựa trên cơ sở dân chúng. Giữa lúc Việt Nam thường xuyên có những nhân vật bất đồng chính kiến đại diện cho dân chúng đấu tranh vì dân chủ như Hoà thượng Thích Quảng Độ hay bác sĩ Nguyễn Đan Quế chẳng hạn, thì quả là thật tuyệt vời khi có được một lực lượng dũng cảm cùng nhau đứng lên đòi hỏi dân chủ và chứng tỏ hoài bão về một nền dân chủ thật sự cho Việt Nam.
Nữ dân biểu Loretta Sanchez: Dĩ nhiên, chúng ta phải nhìn lại nhà nước cộng sản Việt Nam, vốn nổi tiếng với các hành động đàn áp, sách nhiễu nhân quyền. Họ vừa kết thúc đại hội đảng X mà dường như chẳng có mấy dấu hiệu cho thấy thay đổi đường lối trong lĩnh vực nhân quyền.
Thế nên, theo tôi, cho đến khi nào xuất hiện một nhóm dân chủ quy mô lớn hơn thế này gấp nhiều lần và sẵn sàng đứng lên tranh đấu thì lúc đó chúng ta mới có thể thấy được những chuyển biến thực thụ từ bên trong.
Trà Mi: Đã xảy ra các hành động sách nhiễu từ phía chính quyền Việt Nam đối với những ai liên quan đến bản Tuyên ngôn dân chủ 2006. Bà và các vị dân biểu liên bang ký tên trong lá thư ngỏ này có dự định gì nhằm ủng hộ và cổ võ cho một nền dân chủ tốt hơn tại Việt Nam ?
Nữ dân biểu Loretta Sanchez: Trong suốt 10 năm qua, với tư cách là một nữ dân biểu Hoa Kỳ, có thể nói tôi là người đi tiên phong trong công tác cổ võ cho nhân quyền cho người dân Việt Nam, đặc biệt là các quyền tự do tôn giáo, báo chí, hội họp; nhưng tiếc thay chính phủ Hoa Kỳ lại đi bãi bỏ cấm vận, bình hoá quan hệ mậu dịch, và còn hướng tới tương lai gia nhập Tổ chức mậu dịch thế giới của Việt Nam...
Tôi cho rằng chính sách làm việc của Mỹ đối với Việt Nam như thế này là không đúng vì đã không thật sự thúc đẩy những cải tiến về nhân quyền cho xứ này.
Là một dân biểu liên bang, cá nhân tôi sẽ tiếp tục công cuộc vận động nhân quyền cho người dân Việt Nam, và tôi hy vọng là các thành viên trong quốc hội Hoa Kỳ sẽ ủng hộ và tiếp tay với tôi.
Trà Mi: Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần từ chối cấp visa nhập cảnh cho bà. Bà có nghĩ tới 1 cơ hội đi thăm Việt Nam trong một ngày gần đây nữa hay không? Và bà dự định là khi nào ?
Nữ dân biểu Loretta Sanchez: Tháng 11 tới đây là tổ chức bầu cử cho nên tôi sẽ không đi ra nước ngoài. Tôi đang nghĩ tới một thời điểm nào đó vào đầu năm tới, tôi sẽ thử xin visa đi Việt Nam một lần nữa.
Trà Mi: Và mục đích dự định của chuýên đi sắp tới này là gì ?
Nữ dân biểu Loretta Sanchez: Mục đích vẫn xoay quanh vấn đề nhân quyền cho Việt Nam, bàn thảo với các nhân vật bất đồng chính kiến về các vấn đề đang diễn ra trong nước, cổ võ và khích lệ các nhà dân chủ tiếp tục vững tin. Ngoài ra, còn nhiều vấn đề quan trọng khác giữa 2 quốc gia như tệ buôn bán nô lệ tình dục và các vấn đề khác nữa.
Trà Mi: Và bà dự định sẽ làm gì nếu như nhà nứơc Việt Nam lần này vẫn tiếp tục từ chối cấp visa cho bà ?
Nữ dân biểu Loretta Sanchez: Tôi chẳng thể làm gì hơn nếu như họ từ chối không cho tôi vào. Đó là một điều đáng buồn. Tôi đoán là họ đặc biệt lo sợ về tự do ngôn luận.
Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn bà đã dành thời gian cho cuộc trao đổi hôm nay.