Câu chuyện về ca sĩ Diễm Liên, vai nữ chính trong phim “Vượt sóng”
2007.04.30
Thy Nga, phóng viên đài RFA
Đại hội Điện Ảnh Việt Nam Quốc Tế kỳ 3 tổ chức tại Nam California, Hoa Kỳ đã kết thúc vào chiều Chủ Nhật 22 vừa qua. Về thể loại phim ngắn, “Window breaker” đoạt giải Trống Đồng do ban Giám khảo trao tặng.
“Bolinao 52” và “Going home” cùng lãnh giải “Khán giả bình chọn” với số điểm bằng nhau. Về thể loại phim dài, “Dòng máu anh hùng” chiếm giải “Khán giả bình chọn” trong khi giải Trống Đồng về tay phim “Vượt sóng” …
Chương trình kỳ này, Thy Nga xin gửi đến quý vị câu chuyện về ca sĩ Diễm Liên, vai nữ chính trong phim “Vượt sóng”.
Xem video clip trailer phim Vượ Sóng (Journey From The Fall)
Cuốn phim này đã hoàn tất từ khoảng hai năm nay nhưng chờ có công ty Mỹ phát hành để phổ biến rộng rãi hơn ra quốc tế. Kết quả là công ty ImaginAsian nhận phát hành, và hôm 23 tháng 3 vừa qua, đã tung phim “Vượt sóng” ra chiếu tại rạp, thoạt tiên là ở nhiều tiểu bang Hoa Kỳ.
Sau khi đã chiếm 13 giải thưởng quốc tế, “Vượt sóng” dự tranh tại Đại hội Điện Ảnh Việt Nam Quốc Tế và như vừa nói, đã lãnh giải Trống Đồng 2007 về thể loại phim dài. Nghe tin, Thy Nga đã điện thoại hỏi chuyện Diễm Liên, xem cảm nghĩ của cô thế nào
Diễm Liên: Tất cả các diễn viên, director, producer, ai cũng mừng khi nghe được thêm một giải thưởng rất đặc biệt cho cuốn phim.
Thy Nga: Diễm Liên vui lòng thuật lại cho thính giả của Đài được biết là về việc đóng phim, thoạt đầu, Diễm Liên được mời ra sao?
Diễm Liên: Diễm Liên là người cuối cùng được mời vào thử, thì Diễm Liên vô thử một đoạn ngắn. Được nhận, khi về nhà đọc kịch bản, mới biết rằng Mai là nhân vật trải dài từ đầu đến cuối phim thì đâm ra lo.
Thy Nga: Trong suốt thời gian đóng phim “Vượt sóng”, Diễm Liên thấy điều gì khó nhất?
Diễm Liên: Đoạn nào Diễm Liên cũng lo như đoạn nào. Và đoạn nào cũng thấy quan trọng hết, vì mỗi giai đoạn xuất hiện, là mỗi cái nối liền qua một mấu chuyện khác. Nếu mình làm không chu toàn thì e rằng khán giả hiểu sai truyện phim đi. Diễm Liên cố gắng hết sức để diễn đạt được điều mà đạo diễn muốn.
Thy Nga: Và cực nhất, chắc là những màn diễn trên chiếc ghe?
Diễm Liên: Dạ, những cảnh vượt biển rất cực vì phải quay đêm và đi vô những cánh đồng bùn lầy, ruồi muỗi nhiều lắm (quay tại Thái Lan).
Thy Nga: “Vượt sóng” vừa đoạt giải thưởng nữa, là 14 giải. Với thành quả tốt đẹp như thế, chắc Diễm Liên sẽ tiếp tục đóng phim, song song với nghề ca hát?
Diễm Liên: Ồ, bắt buộc! mình mê đó, Cô à. Điện ảnh có cái gì đó, cứ lôi cuốn mình vô thôi. Vai gì cũng vậy, nếu mình hợp với vai đó, là nó cuốn mình theo hồi nào không hay!
Thy Nga: Trong giới nghệ sĩ, ca sĩ thì Diễm Liên thấy các bạn đi xem phim này nhiều không?
Diễm Liên: Diễm Liên không biết, nhưng mà Diễm Liên được bạn bè khuyến khích và ủng hộ phim Vượt sóng rất nhiều. Đi đâu cũng được người khen, là điều làm cho Diễm Liên rất vui. Đây là cái phim mà theo như Diễm Liên thấy, là người trẻ cũng có cái nhận định rất đúng về phim.
Thy Nga: Chúc mừng Diễm Liên, và cám ơn Diễm Liên về buổi nói chuyện hôm nay.
Diễm Liên: Dạ, cám ơn Cô nhiều cho Diễm Liên có cơ hội để nói chuyện với Cô, và tâm sự thêm chút chút nữa với thính giả.
“Đà Lạt trong niềm nhớ” nhạc bản của Diệu Hương, Diễm Liên hát …
Trường hợp Diễm Liên vào vai “Vợ người tù cải tạo” trong phim “Vượt sóng” thật đặc biệt, như Thy Nga đọc thấy trong một bài viết của nhà báo Đinh Lang, tức Đinh Tiến Dũng, bố của Diễm Liên. Cũng như nhiều người, Thy Nga đã xúc động khi đọc bài ấy. Để chính tác giả trình bày với quý thính giả nhé.
Ông Đinh Tiến Dũng: Thưa quý thính giả, sau khi Diễm Liên đóng phim xong, từ Thái Lan trở về Mỹ, vợ chồng chúng tôi đến thăm con ngay. Vào buổi tối, hai bố con ngồi bên cạnh nhau, ngắm trăng tại sân sau nhà. Vầng trăng vằng vặc làm tôi nhớ lại những đêm trăng ở quê hương Việt Nam đã xa mù khơi. Tôi hỏi con:
“Khi Bố đi tù cải tạo, con mới 4 tuổi, làm sao con biết được cái khổ cực và tủi nhục của các bà vợ người tù cải tạo để diễn xuất cho đúng vai trò mà con được giao trong phim?”
Nghe hỏi, con gái tôi gục mặt xuống hai cánh tay nhỏ bé, bờ vai khẽ rung, dường như thổn thức. Một lúc sau, Diễm Liên mới ngẩng đầu lên và nói:
“Thưa Bố, khi anh Hàm Trần (đạo diễn) và anh Nguyễn Lâm (nhà sản xuất phim) nói con đóng vai “vợ người tù cải tạo” thì con rất bối rối. Con đã thức trắng một đêm để nhớ lại những ngày khổ cực nhất của Mẹ và 5 chị em gái chúng con từ ngày Bố đi tù cải tạo rồi biệt tăm.
Ở nhà khi đó, Mẹ đang mang bầu em Mai Liên, và bốn chị em con thì còn quá nhỏ. Vào năm 1975, Mẹ mới 32 tuổi. Với tuổi còn trẻ và với sắc đẹp như Mẹ lúc bấy giờ, lại không có Bố ở bên cạnh, Mẹ là mục tiêu tán tỉnh, dụ dỗ của những người đàn ông háo sắc.
Bọn chúng đều mong chiếm đọat Mẹ, cũng như những phụ nữ vợ của những người đi tù cải tạo. Nhưng Mẹ vẫn chịu đựng cảnh đơn độc trong vòng vây của những người đàn ông rất xấu.
Sự kiên quyết của Mẹ không chỉ trong tâm tư mà cả bên ngoài nữa. Bố biết không, sau 30/4/1975, trong khi ai ai cũng sợ hãi, cất hết trang phục cũ để mặc quần áo nâu đen cho thích ứng với hoàn cảnh mới thì Mẹ nhất định mặc những chiếc áo dài của Mẹ thời trước.
Thái độ của Mẹ khiến trong các buổi tối họp Tổ Dân phố ở Phường, Mẹ là người luôn luôn bị kiểm điểm nặng nề nhất. Rồi đến một ngày, do căm ghét Mẹ, và để dằn mặt các gia đình có chồng đi cải tạo, họ tuyên bố cắt khẩu phần lương thực của gia đình mình.
Ngày đó, miếng ăn là quan trọng nhất, dù chỉ là những lát củ mì khô meo mốc, hay vài lon bo-bo, vài củ khoai lang gầy, … nhưng không hiểu sao vẫn thấy Mẹ tươi cười khi nghe tin gia đình mình bị cắt khẩu phần.
Rồi Mẹ vét hết tiền để dành còn lại, nài nỉ người ta bán cho một con gà nhỏ, mang về nhà. Chúng con trố mắt nhìn Mẹ, nhưng Mẹ vẫn lẳng lặng làm gà, rồi cho vào nồi kho xả, làm thơm lừng cả cái xóm nhỏ bé nghèo nàn.
Xong xuôi, Mẹ dọn lên bàn ăn một bữa cơm thịnh soạn hơn mọi ngày. Rồi Mẹ hỏi từng đứa chúng con:
“Nhà mình bị cắt khẩu phần lương thực rồi, như các con đã biết đó, Mẹ quyết định kho nồi thịt gà này với thuốc giết chuột để cả nhà mình ăn rồi chết. Vậy Mẹ hỏi các con: đứa nào đồng ý ăn với Mẹ?”
Chị Quỳnh Liên, Phượng Liên ôm mặt khóc, Thảo Liên và Mai Liên thì còn bé quá chưa biết gì, chỉ có con lúc đó là ba-trợn nhất nhà, nên con đồng ý liền và dơ tay nói:
“Con xin tình nguyện ăn với Mẹ, nhưng không biết sau khi ăn thịt gà có thuốc giết chuột này, con chết rồi, người ta cho con vào hòm, chắc là con ngộp thở lắm hả Mẹ?”
Câu nói ngây ngô của con làm mọi người đang khóc cũng phải bật cười nên cuối cùng, Mẹ quyết định đem đổ nồi thịt gà vào thùng rác. Và hàng xóm xung quanh không hay biết gì về một dự tính tự sát tập thể trong gia đình mình đêm hôm ấy.
Sau đó, khẩu phần lương thực của nhà mình được cấp lại vì họ vẫn phải nhờ đến chúng con trong những đêm văn nghệ ở phường khóm.
Nhớ lại hôm anh Trần Hàm yêu cầu con đóng cảnh cực khổ nhất trong cuộc đời, con đã hỏi lại anh “Cảnh nào?” là bởi vì cuộc đời nhà mình có nhiều khổ cực quá, biết diễn cảnh nào bây giờ? Con phải thú thật với Bố là con đã hoàn tất vai “vợ người tù cải tạo” là nhờ hình ảnh của Mẹ trong thời gian Bố đi tù cải-tạo. Hình ảnh đó đã in sâu vào trí nhớ để con thực hiện vai diễn, Bố có biết không?”
Điều Diễm Liên kể lại, khiến tôi bồi hồi xúc động. Tôi vội ôm lấy con vào lòng, như hồi nó còn bé.
Thưa Chị, đó là những lời trao đổi của bố con tôi đêm hôm ấy, mà tôi ghi lại trong bài viết.
Thy Nga: Câu chuyện thật là cảm động, cám ơn ông đã chia sẻ. Từng trải qua 13 năm tù cải tạo, chắc hẳn những cảnh tù tội trong cuốn phim này gợi lại nhiều xúc động nơi ông?
Đinh Tiến Dũng: Dạ thưa Chị, tôi đã coi phim Vượt sóng được 3 lần. Thú thật với Chị là mỗi lần coi, đều khiến tôi bồi hồi xúc động và nhớ lại cảnh tù trong các trại cải tạo.
Tôi rất cảm ơn những người làm phim, đóng phim, là những người trẻ đã tìm hiểu và dựng lên một cuốn phim mang hình ảnh chúng tôi hồi trước.
Thy Nga: Những người “bạn tù” của ông, nhiều người đi xem phim này chứ?
Đinh Tiến Dũng: Những người đã từng qua các trại cải tạo như tôi, đều muốn chứng kiến sự hình thành của cuốn phim này.
Những người mà tôi quen biết, từng đi cải tạo với tôi trước kia thì hầu hết đã tìm cách để coi phim Vượt sóng, và cũng xác nhận với tôi là phim đã làm họ xúc động rất nhiều.
Họ thầm cám ơn những người trẻ, sinh sau, trưởng thành ở trên đất Mỹ, đã dựng cuốn phim để cho tất cả mọi người biết hoàn cảnh họ từng trải qua, mà đôi khi chính tôi và những người bạn của tôi trong cái hoàn cảnh được nêu trong phim, không muốn nhắc lại, cũng không muốn kể lại cho con cháu mình nghe những cái giây phút đen tối nhất của cuộc đời mình, thì cuốn phim Vượt sóng đã nói giùm cho chúng tôi tâm tư mà chúng tôi muốn nói lên để cho con cái và thế hệ trẻ ở hải ngoại thấy được cuộc đời của cha mẹ là như thế, và tại sao hiện diện ở trên đất Mỹ.
“Bản giao hưởng Việt Nam 1975” …
Không chấp nhận chế độ Cộng sản, hàng trăm ngàn người Việt đã ra đi bất chấp hiểm nguy tới cả tính mạng.
Những người đến được bến bờ tự do đã, từ hai bàn tay trắng, xây dựng đời sống mới và tương lai mai hậu. Kết quả là con em của họ thành đạt rực rỡ.
Thy Nga xin kết thúc chương trình trong âm thanh “Bản giao hưởng Việt Nam 1975” qua đó, nhà soạn nhạc Lê Văn Khoa diễn tả hành trình vượt qua bão táp, hướng đến ánh sáng Tự do …
Những bài khác trong mục Âm Nhạc Cuối Tuần
- Ca sĩ Nguyễn Thắng và vai diễn trong phim “Dòng máu anh hùng”
- Các nhạc khúc mừng lễ đầu năm của sắc tộc Chàm
- Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Quán Văn
- Tưởng nhớ Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
- Đoàn Văn nghệ dân tộc Lạc Hồng
- Những hoạt động bảo tồn truyền thống của Người Việt Chàm ở Hải Ngoại
- Giáo sư Nguyễn Châu với công cuộc duy trì và phát huy nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam
- Tưởng nhớ La Sương Sương
- Cuộc tuyển lựa tài năng của đài truyền hình SBTN và Trung tâm Asia