Nhã Trân, phóng viên đài RFA
Vòng đàm phán giữa Hoa Kỳ và Việt Nam về việc Việt Nam gia nhập WTO vừa kết thúc. Bộ trưởng Trương đình Tuyển, vì vậy, đã lưu lại Washington để tiếp tục cuộc thảo luận. Cuộc thương thuyết còn bế tắc là do một số vấn đề vẫn chưa được đồng thuận. Nhã Trân thu thập ý kiến của giáo sư Đoàn viết Hoạt về các vấn đề này.

Giáo sư Đoàn viết Hoạt là một nhà tranh đấu dân chủ được biết đến nhiều tại hải ngoại. Ông từng bị giam giữ nhiều năm trước khi định cư tại Hoa Kỳ năm 1998. Từ đó đến nay, ông tiếp tục quan tâm đến những diễn biến liên quan đến Việt Nam.
Nhã Trân: Thưa giáo sư, Hoa Kỳ cho rằng Việt Nam vẫn chưa có một nền kinh tế thị trường. Giáo sư nghĩ thế nào về nhận định này?
Giáo sư Đoàn viết Hoạt: Tôi nghĩ rằng nhận định đó chính xác. Tôi cũng đồng ý là nền kinh tế của Việt Nam hiện nay vẫn chưa phải là một nền kinh tế thị trường.
Điều này có nhiều lý do mà chắc chắn các chuyên viên của Bộ Thương mại Hoa Kỳ và của các tổ chức quốc tế khác cũng nhận ra, và ngay cả người dân Việt Nam bình thường cũng đều thấy rõ; vì khi cho rằng nền kinh tế của Việt Nam phải là một nền kinh tế theo định hướng của xã hội chủ nghĩa thì tính chất của một nền kinh tế thị trường không còn nữa. Thứ hai, cụ thể là khi nhà nước trợ giúp cho kinh tế quốc doanh, và vẫn coi kinh tế quốc doanh là chủ đạo trong vấn đề kinh tế, thì điều đó vi phạm tính chất của nền kinh tế thị trường v.v..
Ngoài rằng còn các điều khác nữa, đặc biệt là luật pháp chưa bảo đảm được quyền tự do cho nền kinh tế tư nhân. Nền kinh tế tư nhân vẫn chưa được nâng bằng hay là cạnh tranh công bằng với nền kinh tế quốc doanh; thì tôi nghĩ rằng có nhiều yếu tố khiến chính phủ Hoa Kỳ cũng như các nước khác cho rằng Việt Nam chưa có kinh tế thị trường.
Bạn nghĩ gì về nhận xét này? Xin email về Vietweb@rfa.org
Nhã Trân: Như vậy, theo Giáo sư nếu muốn trở thành một quốc gia có nền kinh tế thị trường, Việt Nam cần phải bỏ chính sách kinh tế xã hội chủ nghĩa?
Giáo sư Đoàn viết Hoạt: Điều này thì thứ nhất, chính các người cộng sản tiến bộ trong nước, và những người nhận ra được xu thế phát triển của kinh tế thị trường đã nói đến rất nhiều ở trong nước. Ngay cả các báo chí và các cơ quan thông tin dưới sự kiểm soát của nhà nước cũng đã nói đến, và có rất nhiều đề nghị, đặc biệt trong các tháng trước kỳ đại hội đảng kỳ 10, rằng nên bỏ cái đuôi xã hội chủ nghĩa đi, vì nó chẳng có nghĩa gì cả.
Trong thực tế, Việt Nam bây giờ bắt buộc phải có một nền kinh tế thị trường thật sự. Một nền kinh tế thị trường có những quy luật phát triển khách quan theo cung, cầu. Khách quan theo nghĩa là có sự tự do cạnh tranh để có được những sản phẩm tốt nhất. Người dân là người quyết định mua sản phẩm của công ty nào, và sản phẩm đó được sản xuất ở đâu.
Trong khi đó, Việt Nam lại đang phải hội nhập vào nền kinh tế khu vực cũng như nền kinh tế thế giới. Khi hội nhập vào thì có nghĩa là phải mở cửa thị trường tự do cho hàng hóa lưu thông, kể cả hàng hoá ngoại cũng như hàng hóa nội địa. Lúc đó, sự cạnh tranh phải là công bằng và tự do, vì nếu không áp dụng nền kinh tế thị trường thật sự thì khi ấy hàng hóa nội địa sẽ thua hàng ngoại nhập. Điều đó sẽ gây tác hại rất lớn. Tác hại chính là người tiêu thụ sẽ không được chọn lựa những sản phẩm tốt.
Nhã Trân: Thưa, ông có thể cho ý kiến về vấn đề trao đổi văn hóa phẩm giữa hai quốc gia?
Giáo sư Đoàn viết Hoạt: Ngay từ khi thương ước Mỹ - Việt bắt đầu, chúng tôi đã có những ý kiến với các nhà lãnh đạo của chính phủ Mỹ, trong khi chính phủ Mỹ thương lượng với nhà nước Việt Nam về thỏa ước thương mại này.
Chúng tôi thấy chính phủ Mỹ đã nhân nhượng cho Hà Nội quá nhiều, đặc biệt là các vấn đề có liên hệ về lãnh vực văn hóa, thông tin; nên chúng tôi đã đề nghị ngay lúc đó, và cũng luôn đòi hỏi là Việt Nam phải có một nền kinh tế thương mại thật sự tự do, và hai chiều. Nếu Việt Nam được đưa các sản phẩm văn hóa của mình vào cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở Mỹ thì các sản phẩm văn hóa của người Mỹ, trong đó có người Mỹ gốc Việt, cũng phải được tự do lưu hành ở trong nước.
Điều này chúng tôi đã đòi hỏi rất nhiều năm nay, và sau đó thì rất nhiều anh em trong cộng đồng ở Mỹ cũng như ở các nước khác cũng đã đòi hỏi như vậy.
Tôi cũng nghĩ rằng lúc này chính phủ Mỹ cũng thấy rằng đã đến lúc cần phải đòi hỏi một sự tự do lưu hành những sản phẩm văn hóa như âm nhạc, nghệ thuật, sách báo… của người Mỹ, cũng như của người Mỹ gốc Việt, một bộ phận của xã hội Mỹ, được nhập cảng tự do vào Việt Nam. Tôi nghĩ đây là một đòi hỏi chính đáng. Có như vậy thì nó mới thật sự là một nền thương mại tự do, và đó cũng là một điều kiện để gia nhập WTO.
Nhã Trân: Giáo sư cho rằng đã đến lúc Việt Nam nên "cởi trói", cho các văn hóa phẩm nước ngoài được hoàn toàn tự do nhập khẩu và lưu hành tại Việt Nam?
Giáo sư Đoàn viết Hoạt: Thật sự ra thì các quyền như tự do thông tin, tự do tư tưởng và tự do báo chí là những điều căn bản của nhân quyền mà chúng tôi, cũng những các nhà dân chủ ở trong nước và hải ngoại, đã đòi hỏi suốt 20 năm nay.
Chúng tôi nghĩ rằng nó liên quan đến việc xuất bản sách báo nói chung ở trong nước, cũng như việc nhập cảng sách báo từ hải ngoại về trong nước, hay từ trong nước ra hải ngoại. Nếu chúng ta đã chấp nhận kinh tế thị trường cũng như chấp nhận tự do thương mại, xu hướng của kinh tế thế giới mà Việt Nam đang cố gắng hội nhập vào, thì ta bắt buộc phải chấp nhận tự do đó, và tự do đó không phải là cởi trói, mà là quyền của người dân.
Nhà nước cho đến nay vẫn chưa chấp nhận sự tự do này. Chúng tôi nghĩ rằng điều này đi ngược lại với xu thế chung; do đó, chúng tôi đòi hỏi và mong mỏi rằng, Việt Nam, để gia nhập vào WTO, phải chấp nhận tự do về truyền thông, xuất bản và phát hành sách báo, trong nước cũng những xuất cảng về trong nước
Nhã Trân: Đó là điều người Việt trong cũng như ngoài nước mong mỏi. Nếu được gia nhập vào WTO, Giáo sư có nghĩ Việt Nam rồi sẽ nghiêm túc tuân hành các điều kiện đã cam kết?
Giáo sư Đoàn viết Hoạt: Rút kinh nghiệm của Trung hoa sau khi gia nhập WTO, tôi nghĩ rằng Mỹ cũng như các nước đều đã nhìn thấy, là có rất nhiều điều khoản mà Trung Quốc vẫn không thi hành, hoặc có thi hành nhưng không triệt để.
Tôi nghĩ rằng Mỹ đã rút kinh nghiệm, và hiện nay đang áp dụng để ngăn Việt Nam trong việc không thi hành những điều đã ký kết. Đồng thời, trong xu hướng hiện nay của WTO, theo sự hiểu biết của chúng tôi, thì từ năm 2006 trở đi WTO ngày càng sẽ có các biện pháp chặt chẽ hơn.
Tôi nghĩ rằng Việt Nam vì vậy sẽ khó có thể không thi hành những điều khoản đã được quy định cho hội viên WTO. Nếu Việt Nam vẫn nghĩ rằng không cần phải thi hành những điều đã cam kết một khi trở thành hội viên thì tôi nghĩ rằng điều đó không có lợi cho chính nhà nước Việt Nam và cho đất nước chúng ta nói chung, nên tôi không nghĩ rằng chúng ta không phải lo ngại nhiều về điều này.
Nhã Trân: Theo Giáo sư Việt Nam sẽ được gia nhập WTO trong năm nay?
Giáo sư Đoàn viết Hoạt: Đó là cố gắng của cả hai bên. Hoa Kỳ cũng muốn Việt Nam sớm được vào WTO, còn phía Việt Nam thì chắc chắn là mong muốn được vào trong năm nay, đúng ra là từ năm ngoái, nhưng vì rất nhiều sự chậm trễ nên đã bị hoãn lại.
Tôi tin là điều Việt Nam vào WTO năm nay là điều có thể làm được. Tuy nhiên, những mắc mứu hiện nay ở giai đoạn cuối của cuộc thương thuyết là những vấn đề rất là nghiêm trọng và là căn bản cho sự thay đổi nền kinh tế của Việt Nam.
Cho tới nay với những lời tuyên bố của các nhà lý do lao động cao cấp nhất tại Hà Nội, chúng tôi thấy họ vẫn còn rất còn quan ngại vì sợ rằng nếu chấp nhận những điều kiện này thì có thể họ sẽ không kiểm soát được những lĩnh vực đụng chạm tới chế độ, tức là về lĩnh vực thông tin văn hóa, và nhất là lĩnh vực xí nghiệp công.
Xí nghiệp nhà nước chắc chắn là phải giải tư vì nếu không việc gia nhập WTO sẽ rất khó khăn, và nếu có gia nhập thì cũng không phát huy được những điểm mạnh của nó.
Nhưng tôi tin rằng Hà Nội có các nhà lãnh đạo sẽ cố gắng để thay đổi đường lối của mình, và chúng ta thấy rõ là nhà nước Việt Nam không còn nhiều thời gian nữa.
Nhã Trân: Xin cám ơn Giáo sư.