Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
Ngân Hàng Phát Triển Á Châu là một định chế tài chính lớn của thế giới đã giúp Việt Nam rất nhiều trong những dự án cải tạo và phát triển cơ sở hạ tầng cũng như hệ thống giao thông, và môi trường cho Việt Nam trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên hồi gần đây, sau khi dự án xây dựng tuyến đường metro tại Thành Phố Hồ Chí Minh bị trì hoãn nhiều lần và dự án cải tạo môi trường cho rạch Hàng Bàng đã không xúc tiến đúng hợp đồng đã đưa đến việc đình chỉ số tiền mà định chế tài chính này cho Việt Nam vay trước đây. Mặc Lâm có bài viết về vấn đề này mời quý vị theo dõi.
Thành Phố Hồ Chí Minh hiện có rất nhiều sông rạch cần được cải tạo để bảo vệ người dân khỏi những tác hại của ô nhiễm môi trường. Song song với việc nâng cấp thành phố mà trong nhiều năm qua hết lãnh đạo này tới lãnh đạo khác cố gắng thực hiện cho bằng được, đã phát sinh những biểu hiện trì trệ trong công tác cải thiện môi trường cho dân chúng.
Người dân các khu vực nhà ổ chuột và sống tiếp cận với kinh rạch ô nhiễm vẫn chưa hưởng được nhiều phúc lợi từ nhà nước, hay nói chính xác hơn vẫn chưa thấy được những thay đổi cụ thể khả dĩ giúp cho không khí họ hít thở hàng ngày trong sạch hơn.
Không triển khai đúng tiến độ
Ngân Hàng Phát Triển Á Châu trong kế hoạch cấp kinh phí cho Việt Nam vay vào năm 1996 đã quyết định cấp số tiền mà theo báo chí Việt Nam cho biết là 100 triệu đô la để thực hiện dự án cải tạo môi trường cho rạch Hàng Bàng. Tuy nhiên thời gian trôi qua đã hơn 10 năm mà dự án này không hiểu sao vẫn dậm chân tại chỗ, không triển khai đúng như tiến độ mà Ngân Hàng Phát Triển Á Châu đòi hỏi.
Chúng tôi liên lạc với Ông Ayumi Konishi, hiện là giám đốc Ngân Hàng Phát Triển Á Châu tại Việt Nam để tìm hiểu thêm vấn đề. Khi nghe chúng tôi thuật lại số tiền mà ADB hứa cho Việt Nam vay theo tin từ báo chí Việt Nam là 100 triệu đô la sẽ bị hủy bỏ, ông Ayumi Konishi cho biết:
Trước tiên tôi muốn nói lại cho rõ là ADB không hủy bỏ việc cho vay này và số tiền mà ADB cho Việt Nam vay không phải là 100 triệu mà chỉ 70 triệu mà thôi. Để nói một cách ngắn gọn lại câu chuyện này thì dự án cải tạo môi trường tại Thành Phố Hồ Chí Minh có tổng kinh phí cho dự án này là 100 triệu đô la trong đó số tiền mà WB cho vay là 70 triệu.
“Trước tiên tôi muốn nói lại cho rõ là ADB không hủy bỏ việc cho vay này và số tiền mà ADB cho Việt Nam vay không phải là 100 triệu mà chỉ 70 triệu mà thôi. Để nói một cách ngắn gọn lại câu chuyện này thì dự án cải tạo môi trường tại Thành Phố Hồ Chí Minh có tổng kinh phí cho dự án này là 100 triệu đô la trong đó số tiền mà WB cho vay là 70 triệu.
Trong văn bản hợp đồng cho Việt Nam vay số tiền vừa nói có quy định thời gian từ năm 1999 cho đến tháng 12 năm 2005. Nguyên nhân việc đính kèm thời gian trong hợp đồng vì chúng tôi phải tổng kết vào tháng 6 năm 2006.”
Khi nghe chúng tôi muốn giải thích thêm chi tiết kỹ thuật trong vấn đề khá phức tạp này ông Ayumi cho biết:
“Nó cũng giống như chúng ta xử dụng một thẻ tín dụng vậy. Thẻ này có thời hạn xử dụng nhất định và nếu đến ngày quá hạn thì chúng ta phải gọi cho đơn vị cấp thẻ để xin gia hạn hoặc thay mới lại. Giữa năm 1999 cho đến năm 2005 rồi kéo dài đến tháng 6 năm 2006 tổng cộng số tiền giải ngân cho dự án này chỉ vỏn vẹn 6 triệu đô la.
Cho đến cuối tháng 6 năm ngoái, mọi chuyện vẫn không có gì thay đổi có nghĩa là không có một điều nào trong hợp đồng được thực hiện từ phía Việt Nam. Nói một cách rõ ràng hơn là Thành Phố Hồ Chí Minh không thực hiện việc xử dụng số tiền này vào mục đích chính của dự án, điều này cũng giống như thời hạn vay đã hết trên chiếc thẻ tín dụng vậy.”
Những thực tế khách quan
Thông thường nếu một dự án bị đình chỉ hay sắp bị hủy bỏ thì phía đứng vay phải có giải trình về những lý do khách quan khiến cho tiến độ thực hiện chậm chạp hay trở ngại. Điều này cũng sẽ được áp dụng cho dự án Hàng Bàng để tiếp tục nhận giải ngân từ phía cấp vốn là ADB. Chúng tôi được ông Ayumi chia sẻ những thực tế khách quan khiến việc cứu xét lại dự án này trở nên khó khăn hơn cho cả hai phía như sau:
“Không có một dữ kiện nào khiến cho ADB phải xem xét lại việc gia hạn thời gian cho dự án này vì không có một hoạt động nào chứng tỏ rằng Việt Nam vẫn quan tâm đến dự án. ”
Từ thực tế vừa được ghi nhận cho thấy phần nào bức tranh hành chính hiện nay tại Việt Nam. Mặc dù đích thân Thủ Tướng Chính Phủ vẫn nhiều lần kêu gọi nhưng chừng như hệ thống hành chính trong nước vẫn đang chạy theo lối mòn mà hơn mấy chục năm qua đã trở thành quen thuộc. Là người quen với cách làm việc của các nước tiên tiến ông Ayumi đã có cái nhìn tương đối chính xác nơi ông đang làm việc khi ông cho biết:
“Hệ thống hành chính của Việt Nam hiện nay đã có rất nhiều cải tổ, đặc biệt trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên ở khu vực cải tổ môi trường và những dự án như hệ thống xe điện ngầm của Thành Phố Hồ Chí Minh chẳng hạn đã bị trì hoãn cho tới nay đã cho thấy việc tốn kém thời gian trong quá trình thực hiện. Những tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực kinh tế của Việt Nam chắc chắn đòi hỏi thêm những cải tổ hành chính nhanh hơn và nhiều hơn. ”
Khi được hỏi với kinh nghiệm của ông thì Việt Nam phải tiến hành cải tổ như thế nào để phù hợp với tiến trình hiện nay và bắt đầu từ mấu chốt nào ông Ayumi trả lời:
“Chúng tôi tin rằng việc cải tổ hành chính của Việt Nam nên tập trung vào việc đơn giản hóa hệ thống là khâu quan trọng nhất vì khi đơn giản được hệ thống hành chính rồi thì chúng tôi tin rằng hệ thống hành chính sẽ trở nên minh bạch hơn và đồng thời cũng làm cho những người trong hệ thống hành chính này có trách nhiệm hơn.”
Mới tuần trước, một bài báo được đăng tải trên Việt NamExpress cho rằng hệ thống hành chính lỗi thời không những phiền hà cho người dân nhưng nó còn có thể gây thiệt hại không lường hết trong quan hệ với những định chế tài chính ngoại quốc đang trực tiếp giúp Việt Nam phát triển. Bài báo kết luận rằng lối thoát duy nhất để tiến xa hơn là phải mạnh dạn cải tổ cho dù khó khăn và trở ngại tới đâu chăng nữa.