Phỏng vấn anh Ngô Ðức Thành về tình hình dự báo khí tượng thủy văn tại Việt Nam


2006.05.27

Gia Minh, phóng viên đài RFA

Trong những ngày qua, nổi bật trên các cơ quan truyền thông trong nước một nhân vật có tên Ngô Đức Thành, khi báo chí đưa ra những sai sót của cơ quan dự báo khí tượng thủy văn trung ương vào đợt bão Chanchu vừa qua, mà hậu quả là nhiều ngư phủ và tàu thuyền Việt Nam bị bão nhấn chìm.

NgoDucThanh150.jpg
Anh Ngô Ðức Thành.

Ngô Đức Thành là người nêu vấn đề có sự khác biệt giữa những dự báo bão của Vịêt Nam so với những bản dự báo của những đài khí tượng khác trong khu vực. Hiện nay Ngô Đức Thành là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Khoa Thủy Văn và Nguồn Nước thuộc Viện Khoa học Công nghiệp, Đại học Tokyo.

Gia Minh đã có cuộc chuỵện trò với tiến sĩ Ngô Đức Thành, về một số thông tin liên quan. Trước hết, tiến sĩ Ngô Đức Thành cho biết: “Vấn đề này có nhiều phức tạp bên trong của nó. Lần trước tôi nói trên diễn đàn VISA những thắc mắc dựa trên kết quả chạy mô hình của tôi. Nhưng tôi cũng thấy là Việt Nam cũng có những khó khăn.”

Gia Minh: Hạn chế là về trang thiết bị hay cách dự báo?

Tiến sĩ Ngô Đức Thành: Khả năng dự báo 24 giờ thì được nhưng dự báo xa hơn thì có vấn đề. Một điều nữa là số sinh viên, người giỏi làm trong nghề này ít. Sau vụ này một trong những cái được là ý thức về dự báo thời tiết sẽ tăng lên. Tôi nghĩ ngòai cái mất mát đau thương thì cũng có tác dụng xã hội nhất định để ngành nghề này phát triển.

Gia Minh: Lĩnh vực nghiên cứu của anh?

Tiến sĩ Ngô Đức Thành: Tôi học khí tượng thủy văn nhưng tập trung vào thủy văn. Xu hướng hiện nay là nghiên cứu về vùng Đông Nam Á.

Gia Minh: Quan tâm nhất của Ngô Đức Thành trong lĩnh vực khí tượng thủy văn tại Việt Nam là gì?

Tiến sĩ Ngô Đức Thành: Quan tâm nhất của tôi là dự báo lũ lụt trên sông ngòi Việt Nam. Điều này khó, ngay cả đối với thế giới.

Gia Minh: Nghiên cứu kéo dài bao lâu và khi nào thì có thể về để đóng góp cho đất nước?

Tiến sĩ Ngô Đức Thành: Hiện nay một dự án thế này theo kế họach của tôi là vài tháng đến hai năm; sau đó có thể về Việt Nam hay nghiên cứu ở nước ngàoi. Xu hướng của tôi là về Việt Nam làm việc.

Gia Minh: Còn nghiên cứu về biển thì thế nào?

Tiến sĩ Ngô Đức Thành: Trong thời gian qua tôi nghiên cứu về thủy văn tòan cầu, ảnh hưởng đến mực nước biển; tôi cũng nghiên cứu đến El Nino và La Nina.

Gia Minh: Tiến sĩ đã có những nghiên cứu nào chia xẻ với Việt Nam?

Tiến sĩ Ngô Đức Thành: Nói nghiên cứu hẳn thì không có. Nhưng có viết với bạn bè một cuốn sách nhỏ sau đợt sóng thần tại Indoneisa; tài liệu này thì chia xẻ trên mạng với các bạn trẻ, và các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng tìm đọc.

Gia Minh: Đóng góp hiện nay của tiến sĩ cho ngành khí tượng thủy văn ở Việt Nam ra sao?

Tiến sĩ Ngô Đức Thành: Tôi chưa tiếp xúc với ngành ở nhà nhiều nhưng tôi hy vọng nó sẽ phát triển và tôi có thể góp phần nhỏ vào đó.

Gia Minh: Ngành cần làm gì để thu hút nhân tài?

Tiến sĩ Ngô Đức Thành: Ngành tôi để làm tốt thì toán, lý, tin học rất cần. Nhưng từ trước đến nay thì các bạn giỏi đều được định hướng từ ở nhà nên ít bạn chọn ngành này. Ngành này liên quan rất thiết thực đến cuộc sống; nhưng việc thu hút để các bạn vào thì còn nhiều điều cần bàn.

Gia Minh: Nếu được mời đến một trường đại học hay phổ thông trung học để giới thiệu ngành này thì bạn nói gì với sinh viên và học sinh?

Tiến sĩ Ngô Đức Thành: Tôi sẽ kể ra những ảnh hưởng và tầm quan trọng của dự báo thời tiết đến đời sống con người; tôi sẽ lấy những ví dụ trực quan sinh động như bão Katrina để nói với các bạn.

Gia Minh: Cám ơn Ngô Đức Thành.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.