Lần đầu tiên VN cho xuất bản tiểu thuyết viết về Cải cách Ruộng đất
2007.01.21
Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
Trong chương trình Văn học Nghệ thuật tuần này, Mặc Lâm hỏi chuyện nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân ở trong nước về cuốn tiểu thuyết "Ba Người Khác" của nhà văn Tô Hoài vừa mới được xuất bản.
Cuốn sách đã mất 14 năm mới được ra mắt bạn đọc trong nước nếu tính từ khi bản thảo được hoàn thành. Lý do đơn giản là vì sách kể chuyện về cuộc cải cách ruộng đất tại miền Bắc Việt Nam hơn 50 năm trước, vốn là cơn ác mộng kinh hoàng không ai có thể quên nhưng lại thuộc lọai cấm kỵ, dư luận không được nhắc đến.
Mặc Lâm: Thưa nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân, xin ông vui lòng sơ lược nội dung auyển sách để thính giả chưa được đọc tác phẩm này có một khái niệm về những gì mà tác phẩm này chứa đựng?
Lại Nguyên Ân: Tác giả đã lấy hồi ức của mình để viết nên quyển tiểu thuyết này, nhân vật chính trong quyển sách nói về một anh cán bộ có học thức rất là xoàng được cử vào đội cải cách ruộng đất nhưng vì học thức và tư cách quá thấp anh ta đã làm nhiều việc lăng nhăng. Vì là thời đói kém anh ta phải làm sao để có ăn rồi thì đi đến đâu cũng ngủ với những cô gái nông thôn.
Mặc Lâm: Ông có rằng cách xây dựng nhân vật như vậy có làm nổi bật lên được chủ đề của quyển sách không ạ?
Lại Nguyên Ân: Theo tôi thì đây là một cách tiếp cận rất hiệu quả để nói về cái phần mà có lẽ ông Tô Hoài có sở trường tức là phần nhìn ra cái phần thấp của con người.
Mặc Lâm: Giới phê bình văn học trong nước đánh giá cao quyển sách này không phải vì văn phong hay kỹ thuật viết vì Tô Hoài là nhà văn đã tự khẳng định mình hơn nửa thế kỷ nay mà những người điểm sách hay phê bình nhìn nhận sự thành công của quyển sách ở một khía cạnh khác, đó là nhà văn đã mạnh dạn vén lên tấm màn lịch sử mà nửa thế kỷ qua chế độ đã bưng bít. Ông nghĩ sao về điều này?
Lại Nguyên Ân: Tôi thấy điều anh nhận xét vẫn đúng vì cải cách ruộng đất rõ ràng là một cái chấn thương của xã hội Việt Nam và ngay cả phía cách mạng do đảng Cộng Sản làm ra cũng là một chấn thương cho họ vì cho tới hôm nay họ vẫn hãnh diện về sự giải phóng dân tộc nhưng việc cải cách ruộng đất vẫn là một nhức nhối cho họ.
Mặc Lâm: Thưa ông lúc gần đây nhà nước tỏ ra dễ dãi hơn khi cho phép xuất bản những quyển sách được coi là nhạy cảm với chính trị ông có cho rằng đây là một dấu hiệu của mùa xuân Hà Nội đang dần dần trở lại hay không?
Lại Nguyên Ân: Tôi không nghĩ là có một mùa xuân vì tôi nghĩ mùa xuân đó đã bị kềm hãm từ năm 87-88 nếu để nó nảy nở lúc đó thì có lẽ nó sẽ rất mạnh mẽ nhưng vì người ta đã ngăn cản nó nên chỉ có đời sống kinh tế là còn động đậy thôi.
Mặc Lâm: Ông có vẻ bi quan về hình ảnh của nền văn học nước nhà, vậy thì theo ông giới sáng tác phải có những động thái gì để thoát ra cái vòng kềm tỏa này?
Lại Nguyên Ân: Tôi nghĩ người viết cần phải dũng cảm nêu tiếp những vấn đề như vậy để tiếp tục cho dư luận biết những chân thương mà không thể nào để những việc này chìm vào quên lãng.
Mặc Lâm: Xin cám ơn nhà phê bình Lại Nguyên Ân.
Theo dòng câu chuyện:
- Tác phẩm “Ba người khác”, chuyện kể về cuộc cải cách ruộng đất
Các tin, bài liên quan
- Mạn đàm với nhà thơ Trần Mộng Tú
- “Hiện tượng” nhật ký Ðặng Thùy Trâm
- Vì một nền văn học sạch
- Về công tác phê bình văn học
- Hậu giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam 2006
- Giải thưởng Văn học Năm 2006 của hội nhà văn Hà Nội
- Thực chất công tác biên tập tại các nhà xuất bản ở Việt Nam
- Những chuyện ‘cười ra nước mắt’ trong việc duyệt xét tác phẩm văn học VN
- Phương pháp sáng tác hiện thực Xã hội chủ nghĩa (phần 4)