Hiện tình Việt Nam theo nhận định của Đại sứ Hoa Kỳ

Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA

Nhân chuyến công tác về thủ đô Washington, hôm thứ Hai mồng 2-10 vừa qua, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam ông Michael Marine đã có buổi gặp gỡ với nhiều đại diện các hội đoàn và tổ chức của người Việt Hải Ngoại.

MichaelMarine150.jpg
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Michael Marine. Photo courtesy of state.gov

Trong cuộc gặp do Hội Ái Hữu Người Việt tại Maryland tổ chức, Đại sứ Michael Marine đã trình bày với cử toại những vấn đề liên quan đến mối quan hệ Việt – Mỹ, triển vọng của nền kinh tế Việt Nam, cùng nhiều lĩnh vực khác tại Việt Nam mà Hoa Kỳ quan tâm.

Ngay sau khi cuộc gặp gỡ kết thúc, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam đã dành cho biên tập viên Nguyễn Khanh của đài Á Châu Tự Do một cuộc phỏng vấn đặt biệt, trong đó ông Marine đề cập thẳng thắn đến một sô vấn đề tại Việt Nam mà dư luận chính giới Mỹ và người Việt tại Mỹ quan tâm.

Nguyễn Khanh: Rất mừng được gặp lại ông Ðại Sứ và xin chúc mừng ông. Ông đón mừng kỷ niệm ngày 2 năm làm Ðại Sứ ở Việt Nam như thế nào?

Đại sứ Michael Marine: Thú thật với ông là hình như ngày hôm đó tôi không có làm gì đặc biệt cả. Ngày nào với tôi cũng là ngày làm việc, tôi làm việc 7 ngày một tuần ở Việt Nam, và công việc chính là đam mê của tôi.

Những đổi thay tại Việt Nam

Nguyễn Khanh: Nhìn lại hai năm ông có mặt ở Hà Nội, đã có những thay đổi đáng chú ý. Ông Ðại Sứ có hài lòng với những thay đổi đó không?

Lúc nào tôi cũng mong thấy mọi chuyện tốt hơn nữa, nhưng đồng thời, cũng phải nói là tôi mừng với các tiến bộ đã đạt được, với những thành quả tốt, xây dựng, trong nhiều lãnh vực khác nhau tại Việt Nam.

Đại sứ Michael Marine: Lúc nào tôi cũng mong thấy mọi chuyện tốt hơn nữa, nhưng đồng thời, cũng phải nói là tôi mừng với các tiến bộ đã đạt được, với những thành quả tốt, xây dựng, trong nhiều lãnh vực khác nhau, từ vấn đề tự do tôn giáo cho đến những nỗ lực liên quan đến vấn đề Việt Nam gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới WTO. Nói chung thì đúng, tôi vui mừng với những gì đang có.

Nguyễn Khanh: Về tự do tôn giáo ở Việt Nam, ông Ðại Sứ cũng thấy là sinh hoạt tôn giáo vẫn gặp khó khăn ở miền Bắc, nhưng ở miền Nam thì có vẻ dễ dãi hơn. Trong những ngày tháng tới, Hoa Kỳ sẽ làm gì để giúp giải quyết tình trạng đó? Thúc đẩy Chính Phủ Việt Nam làm tốt hơn chẳng hạn?

Đại sứ Michael Marine: Chúng tôi luôn luôn cổ vũ Chính Phủ Việt Nam đẩy mạnh chính sách cho các tôn giáo ở miền Bắc được đăng ký hoạt động. Chúng tôi cũng ghi nhận những nỗ lực mà Chính Phủ Việt Nam đã làm với các sinh hoạt tôn giáo ở miền Tây Nguyên, nhưng đúng như ông nói, sinh hoạt tôn giáo ở miền Bắc, đặc biệt ở vùng Thượng Du Bắc Bộ vẫn chưa được tốt lắm.

Nhưng cũng thẳng thắn mà nói thì ở miền Bắc có những cơ sở tôn giáo nhỏ hơn, tổ chức chưa được chặt chẽ. Ðây là chuyện 2 chiều, các cơ sở tôn giáo này phải tổ chức chặt chẽ hơn để có thể đăng ký với Chính Phủ.

Vẫn còn nhiều việc phải làm, nhưng chúng tôi thấy con số tổ chức tôn giáo được quyền đăng ký hoạt động ngày càng tăng, và hy vọng sẽ tăng hơn nữa trong những tháng sắp tới.

Các vấn đề còn lại: CPC và PNTR

Nguyễn Khanh: Chúng ta đang ở những ngày đầu tháng Mười và chẳng bao lâu nữa, Bộ Ngoại Giao Mỹ sẽ công bố danh sách những nước cần đặc biệt quan tâm vì tự do tôn giáo chưa được tôn trọng đúng mức, thường được gọi là danh sách CPC. Trường hợp của Việt Nam thì sao? Năm nay Việt Nam có còn nằm trong danh sách không?

Đại sứ Michael Marine: Tôi nghĩ có thể có và cũng có thể không, tùy thuộc vào ý kiến mà ông John Hansford, Ðại Sứ Toàn Quyền Về Tự Do Tôn Giáo sẽ đề nghị với Bà Ngoại Trưởng Rice.

Khoảng 1 tháng trước đây ông Hansford có sang Hà Nội, tiếp tục cuộc thảo luận với Việt Nam. Tự do tôn giáo là một trong những vấn đề mà Hoa Kỳ liên tục đưa ra bàn thảo với Chính Phủ Việt Nam…

Nguyễn Khanh: Thưa ông Ðại Sứ, thảo luận như thế nào?

Đại sứ Michael Marine: Chúng tôi trình bày cho phía Việt Nam hiểu rõ quan điểm của Hoa Kỳ về hiện trạng, trình bày cho Việt Nam biết chúng tôi mong muốn thấy thành quả tốt hơn, nhanh hơn những gì đang xảy ra.

Nguyễn Khanh: Trong thời gian có mặt ở Hà Nội, ông Ðại Sứ John Hansford chắc thế nào cũng bàn thảo với ông. Ông Hansford có bày tỏ dấu hiệu nào để ông Ðại Sứ nghĩ là sẽ đề nghị bỏ, hay giữ, Việt Nam trong danh sách CPC không?

Đại sứ Michael Marine: Nếu ông Hansford có thảo luận với tôi thì tôi không muốn công khai trình bày những gì chúng tôi đã bàn thảo với nhau.

Nguyễn Khanh: Về quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn PNTR cho Việt Nam, ông Ðại Sứ thấy có còn cơ hội không?

Tôi nghĩ họ là những người dũng cảm, lên tiếng kêu gọi thay đổi chính trị. Tôi hy vọng trong tương lai, những người như vậy sẽ có một môi trường hoạt động rộng hơn ở Việt Nam, nhưng hiện giờ, môi trường hoạt động của họ vẫn đang bị kiềm chế.

Đại sứ Michael Marine: Ông cũng rõ Quốc Hội Liên Bang Hoa Kỳ đang nghỉ họp, và phải đợi đến khi các đại biểu họp trở lại chúng ta mới biết được chuyện gì sẽ xảy ra. Theo tôi hiểu thì đã có ý kiến là sau khi cuộc bầu cử vào đầu tháng 11 hoàn tất, Quốc Hội sẽ họp để bàn về chuyện này. Ðó là cơ hội mà tôi trông thấy.

Quan điểm của Mỹ về Khối 8406

Nguyễn Khanh: Hoạt động của nhóm tranh đấu 8406 là đề tài đang được những người Việt sinh sống ở nước ngoài nói đến, và dù ở Hà Nội, chắc ông Ðại Sứ cũng nghe nói về nhóm này và những hoạt động của họ. Trước hết, xin được hỏi cảm nghĩ riêng của ông Ðại Sứ về sự kiện đang được nhiều người chú ý này?

Đại sứ Michael Marine: Tôi nghĩ họ là những người dũng cảm, lên tiếng kêu gọi thay đổi chính trị. Tôi hy vọng trong tương lai, những người như vậy sẽ có một môi trường hoạt động rộng hơn ở Việt Nam, nhưng hiện giờ, môi trường hoạt động của họ vẫn đang bị kiềm chế.

Nguyễn Khanh: Thưa ông đại sứ, liệu việc làm của nhóm 8406 có được sự ủng hộ của Hoa Kỳ không? Ít nhất là ủng hộ về tinh thần?

Đại sứ Michael Marine: Những điều họ kêu gọi như quyền tự do phát biểu, quyền được phê bình xây dựng với chính quyền, ngay cả quyền được chỉ trích chính phủ, quyền được tự do hội họp, đều là những quyền căn bản của con người, và luôn luôn được Hoa Kỳ ủng hộ. Chúng tôi ủng hộ các quyền làm người căn bản này cho nhân dân toàn thế giới, chứ không phải chỉ ở riêng Việt Nam.

Nguyễn Khanh: Quan hệ giữa ông đại sứ và các nhà lãnh đạo mới ở Việt Nam như thế nào? Ông Ðại Sứ có thể chia sẻ với chúng tôi được không?

Đại sứ Michael Marine: Đương nhiên gọi điện nói chuyện với các nhà lãnh đạo Việt Nam là điều mà chúng tôi thường hay làm. Họ cũng rất bận, thành ra không phải lúc nào tôi muốn gặp họ cũng được.

Chúng tôi làm việc chung với nhau để giải quyết những vấn đề cần giải quyết, để xây dựng quan hệ sao cho hai nước cùng có lợi. Theo tôi, điều đó quan trọng hơn chuyện xây dựng quan hệ thân thiết cá nhân.

Chuyến thăm VN của Tổng thống Bush

Nguyễn Khanh: Khoảng thời gian này tháng tới, Tổng Thống Mỹ George W. Bush sẽ sang thăm Việt Nam. Ngoài Hà Nội, Tổng Thống có định ghé đâu nữa không? Tổng Thống có nói chuyện với sinh viên Việt Nam không?

Đại sứ Michael Marine: Chúng tôi vẫn đang làm việc về lịch trình chuyến đi của Tổng Thống. Hiện giờ chưa có chương trình cụ thể để thông báo.

Nguyễn Khanh: Sau chuyến thăm của Tổng Thống Mỹ, liệu Chủ Tịch Nước Nguyễn Minh Triết hoặc Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng có sang thăm Washington không?

Bạn nghĩ gì về cuộc phỏng vấn này? Hãy gửi đến Ban Việt Ngữ ý kiến của bạn. email: vietweb@rfa.org

Đại sứ Michael Marine: Tôi không biết có một kế hoạch như thế trong tương lai gần hay không, do đó tôi không thể trả lời câu hỏi của ông được.

Nguyễn Khanh: Câu hỏi cuối của chúng tôi. Xin được trở lại với thời gian 2 năm làm đại sứ Mỹ ở Việt Nam. Trong 24 tháng đã qua, giây phút nào là giây phút ông Ðại Sứ cảm thấy hạnh phúc nhất?

Đại sứ Michael Marine: Tôi nghĩ là ông hỏi lầm người rồi. Tôi không bao giờ thái quá, không quá vui mừng và cũng chẳng bao giờ quá buồn. Tôi thấy thoải mái với thời gian sống và làm việc ở Việt Nam, đặc biệt tôi mừng vì có được cơ hội đi nhiều nơi, gặp nhiều người, nghe họ trình bày những vấn đề cụ thể mà hàng ngày họ gặp phải. Tôi rất quý trọng tinh thần của người dân Việt.

Nguyễn Khanh: Xin cám ơn ông Ðại Sứ.