Nguyên nhân và giải pháp cho tình trạng ngập úng ở Sài Gòn


2007.11.28

Gia Minh, phóng viên đài RFA

Một trong nhiều nỗi khổ của cư dân thành phố Hồ Chí Minh là tình trạng nhiều nơi bị ngập sâu trong nước sau những trận mưa hay mỗi đợt triều cường. Các đợt triều cường vào hồi cuối tháng 10 vừa qua và hôm đầu tuần này, được cho là lớn nhất tại đó kể từ năm 1960 cho đến nay. Tình trạng ngập úng ở thành phố Hồ Chí Minh do nguyên nhân gì gây nên và được giải quyết ra sao? Mời quí thính giả và các bạn cùng nghe ý kiến của chuyên gia Phan Khánh, kỹ sư thủy lợi cao cấp tại thành phố Hồ Chí Minh, bàn về những vấn đề liên quan trong chuyên mục Khoa học & Môi trường kỳ này.

SaigonFlood150.jpg
Triều cường gây ngập nước nhiều khu vực của Sài Gòn. file photo.

'Nước chảy chỗ trũng' là câu nói mà dân gian dùng để đề cập đến hiện tượng tự nhiên trên trái đất qua bao đời nay. Đó là nước bao giờ cũng chảy xuống và đọng lại ở nơi thấp. Cho nên đối với vấn đề nước ngập tràn và không thóat được ở thành phố Hồ Chí Minh theo kỹ sư Phan Khánh thuộc Hội Thủy Lợi, cũng cho rằng một trong những nguyên nhân gậy ngập lâu nay ở thành phố đông dân nhất Việt Nam này cũng không nằm ngòai qui luật đó.

Trước hết ông nêu lại quá trình hình thành nên thành phố và những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập úng lâu nay.

Kỹ sư Phan Khánh: Sài Gòn là Chúa Nguyễn chọn. Chúa Nguyễn chọn Sài Gòn làm thủ phủ Gia Định, mà người chọn địa điểm Sài Gòn chính là Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Ông ấy chọn địa điểm. Mà địa điểm hồi đó thì ông ấy nhìn về vấn đề quân sự, nhìn vấn đề kinh tế. Quân sự tức là đường thuỷ thuận lợi. Kinh tế là giao thông buôn bán được. Vê mặt cốt nền thì lúc ấy Sài Gòn tương đối cao hơn cả trong vùng này. Chứ không thể đem lên Đồng Tháp Mười, không thể đem lên trên chỗ Tây Ninh được. Thành Gia Định khi Pháp đánh là hiện nay nó nằm ở trên Quận I, Bến Nghé ấy.

Cho nên khi Pháp chiếm được Gia Định thì trên cơ sở đó Pháp mở rộng. Mà thời ấy có lẽ Pháp cũng chẳng quy hoạch gì đâu. Cứ thế mở rộng, mở rộng dần. Cho đến khi chiếm được toàn Đông Dương thì tư bản nhảy vào rồi khoa học nhảy ra thì từ đó phát triển chứ không mở gì.

Mà trước Sài Gòn cũng bé như kiểu Thành Nội thôi mà vì do nhu cầu. Đáng lẽ mở rộng, nên mở rộng ra một chút. Pháp có biện pháp, mà mình làm tốc độ mở rộng thì nhanh, tốc độ giải quyết thì chậm. Cái côt nền nó đã như thế thì nó như thế. Cái người làm sau phải tuân thủ cái hiện trạng và kế thừa, chứ không trách mạ cái trước. Ngưòi làm sau (có) khoa học kỹ thuật thì làm sau bao giờ cũng kế thừa cái trước. Cái trước người ta đã làm rồi thì bây giờ mình phải trên cơ sở đó kế thừa. Nhẹ ra thì phát triển thành phố của những nước như chúng ta đó, như Việt Nam đó, thì phát triển theo kiểu tôi vẫn phục cái phát triển Paris của Pháp. Tức là không kiến thiết chồng lên cái cũ mà nên làm các khu mở ra bên ngoài. Cái cũ vẫn để thế.

Bây giờ trong thành phố cổ chẳng có quá nhiều nhà cửa, cung đình khang trang. Kinh nghiệm như xây dựng cái Pacific nó phá lung tung beng ở đưói. Đó là những cái sai lầm hết sức. Đáng lẽ những cao ốc đấy không được dặt ở những khu phố cổ đó. Đáng lẽ nó phải bắt thằng này ra ngoài, như ra khu Thủ Thiêm đắy. Bây giờ lại đưa vào đó.

Tôi nghĩ rằng cốt đã như thế nào thì bây giờ phải tuân thủ nó để mà cải thiện và kế thừa thôi, chứ đừng hy vọng cải tạo cốt nền. Không cải tạo được, không làm cao ốc được, cái tôn cao là điều ngu xuẩn nhất. Nói thất đấy!

Bây giờ điều quan trọng là thành phố phải quản lý vấn đề xây dựng, chứ không để lâm trình trạng lún là vô phương đấy. Hiện nay hiện tượng lún chưa thấy rõ, nhưng nếu khai thác nước ngầm, rồi xây lung tung để dẫn đến tình trạng lún thì vô phương.

Rồi một vấn đề nữa tôi muốn nói là thế này. Việt Nam quá dễ dãi đối với các nhà đầu tư cho nên ông đầu tư chỉ lo cúi cổ đầu tư để kiếm lợi nhuận mà không lo đến vấn đề môi trường, vấn đề ô nhiễm. Mà trong cái vấn đề ô nhiễm môi trường có vấn đề là úng ngập đấy.

Chứ đối với các nước, tôi cũng đi một số nước mà tôi biết, là trước khi đầu tư một khu công nghiệp nào là hoàn thiện cho nó dự án môi trường đã. Không có đó thì nó không cho xây dựng cái nhà máy chính. Nhưng bây chừ làm nhà máy chính xong, vận hành một thời gian bị kêu la mới bắt đầu sắm.

Gia Minh: Đó là với các nhà đầu tư, còn dân chúng các nơi họ tập trung vào rồi việc xây dựng nhà cửa.

Kỹ sư Phan Khánh: Ấy, ấy, đúng rồi. Thành phố đa chủng mà. Sau chiến tranh rồi thì bao giờ dân chúng cũng hồi cư, và dân chúng đi vào thành phố là nơi dễ kiếm ăn nhất. Nhất là Việt Nam chúng tôi đang công nghiệp hoá cho nên nông thôn thừa lao động là phải đến thành phố mới kiếm được công ăn việc làm. Cái đó là lẽ tất nhiên rồi, thì nước nào cũng vậy cả, có điều phải biết cách làm. Đáng lẽ các khu công nghiệp, nhà máy, các trường đại học phải đưa ra ngoại thành hết, thì bây giờ ở trong nội thành 7-8 trường đại học, rồi bao nhiêu khu công nghiệp nằm trong nội thành, bất hợp lý hết sức.

Bây giờ tình trạng tất nhiên là thành phố HCM là nơi tất cả nước ở nhiều khu cao đổ về 4 quận nội thành này, rồi nước ở các tỉnh Tây Ninh, Sông Bé, rồi Bình Dương, Đồng Nai tập trung đổ về uy hiếp bên ngoài nội thành. Hiện nay thành phố HCM bị vây tứ phía về nước ngoại lai và nước triều, mà triều này lại là triều bán nhật, tức là một ngày hai ngọn. Thành phố nào mở rộng mà không tính đến vấn đề úng ngập là sẽ bị úng ngập là v ì sẽ nhảy vào những vùng ruộng nương, đất thấp.

Gia Minh: Trong khi đó nhứng kênh rạch mà cần thiết trong thành phố thì cũng bị lấp đi phải không?

Kỹ sư Phan Khánh: Ở nhiều diện tích tiêu nước trong thành phố HCM thì bị lấp, lấp độ 85% rồi.

Gia Minh: Thống kê cho thấy mỗi năm thành phố Hồ Chí Minh chi ra 60 tỷ đồng cho công tác duy tu bảo dưỡng hệ thống thóat nước. Sở Giao thông - Công chánh tại đó thì cho rằng nếu muốn thực hiện dự án thóat nước hằng năm cần đến 2000 tỷ đồng. Tuy nhiên theo kỹ sư Phan Khánh thì số tiền thực tế cần phải hơn thế nữa, và ông cũng tỏ ra lạc quan về kế họach sắp tới.

Kỹ sư Phan Khánh: Sắp tới sẽ cải thiện được. Biện pháp thì không phải là không có. Biện pháp thì có rất nhiều rồi, nhưng mà trước là vì một mình thành phố mà thành phố thì không có tiền. Bây giờ muốn chống ngập thành phố HCM mà biện pháp thì ít nhất cũng phải sáu bảy chục nghìn tỷ đồng và phải làm toàn diện, từ ngoài vào, ngăn triều, ngăn nước ngoại lai, rồi mới tiêu thoát thành phố.

Lần này nhà nước nhảy vào rồi, mà nhà nước vào tức là Bộ Nôgn Nghiệp & Phát Triển Nông Thôn bắt đầu đầu tư vào vấn đề nghiên cứu, quy hoạch. Mà cái quy hoạch đấy không có gì là ghê gớm, trong tầm tay chúng tôi thôi.

Gia Minh: Đối với những chương trình chống ngập được thực hiện lâu nay của các cơ quan chức năng trong thành phố thì kỹ sư Phan Khánh có nhận xét.

Kỹ sư Phan Khánh: Còn từ trước đến nay thì dư luận nói oan quá, chứ thực ra không phải chi nhiều tiền mà không làm đến nơi đến chốn đâu, tức là không hiểu là chưa có tiền. Chỉ có một cái vừa rồi dư luận hơi lộn xộn. Theo tôi, dư luận không chính xác và lộn xộn là do nhiều tín hiệu. Ông nào cũng muốn cho là ta đây cả, nhưng mà thiếu một người chỉ huy, thiếu một người đứng đầu.

Lần này Bộ Nông Nghiệp & Phát Triển Nông Thôn nhảy vào thì sẽ là chỉ huy, sẽ là đứng đầu bỏ tiền ra, cho nên sẽ không có tiếng nói là không kỹ thuật, không khoa học, mưu mẹo này khác là không được. Mà ít nhất cũng phải mươi năm nữa mới hoàn thiện.

Nếu Bộ Nông Nghiệp & Phát Triển Nông Thôn làm thì tôi chắc chắn là làm khôn ngoan hơn và tiền bỏ đến đâu là làm được đến đó, chứ không phải như kiểu mà vừa qua là bỏ 5 nghìn tỷ là mới có 8%. Tổng số muốn chi phí cho vấn đề 165 cây số vuông thành phố HCM là phải 60 nhìn tỷ nhé, mà mới đầu tư có 5 nghìn tỷ, tức là mới có 8% chứ gì. Mà 8% đấy nếu như Bộ Nông Nghiệp & Phát Triển Nông Thôn làm thì cũng nâng tiếng được một chút ít. Nhưng đây vì anh Giao Thông Công Chính làm, không biết cách làm, bơi lắm chỗ cho nên không có tác dụng. Tiền đã ít mà chi mỗi nơi một tí thì hình dáng bôi ra. Cái dự án nào cũng bé bé cũng không làm được, làm không đến nơi đến chốn mà chậm như rùa.

Cái thứ hai là không quản lý được cái phát triển đô thị, rồi thì phá nhiều. Tức là san lấp nhiều, san ủi nhiều, phá nhiều, mà làm thì ít. Thứ ba nữa là cái quy hoạch của JK làm với chúng tôi thì bây giờ về mặt thuỷ văn, hải văn (thuỷ triều) là lạc hậu rồi. Vì thuỷ triều trước ổng lấy 1,3 mét, mà bây giờ thuỷ triều đo đến 1,45 mét rồi, tức là cái thuỷ triều nó sẽ tăng lên.

Tôi là một nhà khoa học, tôi tin tưởng là lần này Bộ Nông Nghiệp & Phát Triển Nông Thôn, tức là nhà nước nhảy vào là làm được. Từng bước đi làm cụ thể là sẽ có tác dụng cụ thể, chứ không phải làm phiêu lưu như bấy lâu nay.

Chúng tôi hiện nay đang gấp rút tiến hành làm quy hoạch. Mà hiện nay những đơn vị làm quy hoạch là Viện Khoa Học lớn nhất của Bộ, nhiều kinh nghiệm nhất của Bộ. Đó là Viện Khoa Học Thuỷ Lợi Miền Nam, Viện Quy Hoạch Thuỷ Lợi Miền Bắc. Viện Quy Hoạch huỷ Lợi Miền Bắc thì có kinh nghiệm về quy hoạch chống úng thành phố Hà Nội rồi.

Còn Viện Quy Hoạch Thuỷ Lợi Miền Nam thì hiện nay đang trấn thủ ở Nam Bộ đấy, cho nên chác chắn là có kinh nghiệm về đồng bằng sông Cửu Long, về vùng sông nước. Còn Viện Khoa Học Thuỷ Lợi thì viện này nguyên là một viện ở ngoài kia sang vào, rất có kinh nghiệm trong chỉnh trị sông và hiện nay đang làm vấn đề chỉnh trị sông toàn đồng bằng sông Cửu Long. Và hiện nay lớp tiến sĩ mới với tiến sĩ giáo sư sẽ là bọn giỏi rất nhiều.

Gia Minh: Thưa ông, ông vừa mới nói đến kế hoạch của JK làm trước đây thì đến bây giờ qua một thời gian thì nó có những thay đổi trong các điều kiện tự nhiên như là thuỷ triều nó cao hơn, vậy thì dự kiến cho kế hoạch sắp đến mà ông nói sẽ hoàn thành vào khoảng chừng chục năm nữa, thì điều kiện nhìn thấy trước để cho sắp đên mà các kế hoách đó đưa ra thì nó cũng đáp ứng được các thay đổi của tự nhiên đó?

Kỹ sư Phan Khánh: Những cái dự kiến của khoa học thì không thể nói phiêu lưu được, nhưng mà ít nhất thì cũng dự kiến được 50 năm về sau. Chúng tôi sẽ tính toán đầy đủ, sẽ tính cả toàn diện. Mà lần này là Bộ Nông Nghiệp & Phát Triển Nông Thôn không phải quy hoạch nội thành mà thôi, mà quy hoạch cả 2.100 cây số vuông của thành phố, tức là ngăn nước ngoại lai, ngăn thuỷ triều, ngăn nước các sông, ngăn nước các hồ xả xuống, rồi mới tiêu thoát. Như vậy mới là chống úng ngập. Chứ còn từ xưa tới nay thì loay hoay vần đề tiêu thoát, thì triều nó vào thì ngập như mấy bữa nay nó ngập đây.

Gia Minh: Dự báo khí tượng thủy văn cho biết từ nay đến trước tết Âm lịch sắp tới còn có thêm mấy đợt triều cường nữa với đỉnh triều cao. Tuy kỹ sư Phan Khánh tỏ ra lạc quan là tình trạng ngập nước do triều cường ở Tp Hồ Chí Minh sẽ được giải quyết khi mà Bộ Nông Nghiệp & Phát triển Nông thôn chính thức vào cuộc. Tuy vậy, từ nay cho đến thời điểm đó, người dân vẫn phải gánh chịu bao hệ quả do triều cường gây ngập trên diện rộng.

Hiện nay một quan ngại lớn của cư dân thành phố lả triều cường đang là nguyên nhân chính khiến sốt xuất huyết gia tăng đột biến tại các quận nội thành của thành phố Hồ Chí Minh; trong khi đó công tác phòng chống sốt xuất huyết trở nên kém hiệu quả do không triệt được nguồn sinh bệnh xuất phát từ nước tù đọng lâu ngày.

Thông tin mới nhất cho hay trong vài ngày tới, cơ quan chức năng thành phố sẽ có cuộc họp với mục tiêu chính là thống nhất đề án chống ngập cho thành phố Hồ Chí Minh.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.