Ảnh hưởng của những cuộc biểu tình liên quan đến các bức biếm họa


2006.02.18

Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA

Trong suốt 3 tuần lễ vừa qua, nhiều cuộc biểu tình đã được các tổ chức, cộng đồng Hồi Giáo dấy lên khắp nơi, nhằm phản đối việc một số tờ báo Châu Âu đăng tải các bức biếm họa bị cho là có ý muốn khinh rẻ Ðấng Tiên Tri Muhammad của Ðạo Hồi.

MuslimProtest200.jpg
Nhiều cuộc biểu tình đã được các tổ chức, cộng đồng Hồi Giáo dấy lên khắp nơi. AFP PHOTO

Những cuộc biểu tình đang gây sôi nổi khắp nơi sẽ gây ảnh hưởng ra sao cho quan hệ giữa thế giới Thiên Chúa Giáo Tây Phương và thế giới Hồi Giáo? Sẽ ảnh hưởng thế nào đến tiến trình xây dựng hòa bình Trung Ðông mà Liên Hiệp Quốc, EU, Hoa Kỳ và Nga đang cố gắng gầy dựng, và ảnh hưởng thế nào đến cuộc chiến chống khủng bố mà Washington đang thực hiện, cũng như đến cuộc chiến Afghanistan và Iraq?

Ðó là những vấn đề được Ban Việt Ngữ chúng tôi đặt ra trong buổi thảo luận với Bà Azar Majedi một nhà bình luận nổi tiếng ở Trung Ðông, với những bài viết thường xuyên xuất hiện trên các tờ báo lớn ở Hoa Kỳ và Châu Âu, đồng thời cũng là Chủ Tịch của Tổ Chức Giải Phóng Phụ Nữ Iran. Sau đây là những điểm chính của cuộc thảo luận do Nguyễn Khanh thực hiện từ Washington D.C.

Nên hay không nên xin lỗi?

Nguyễn Khanh: Các đoàn biểu tình đòi báo chí phải xin lỗi. Quan điểm của Bà như thế nào?

Bà Azar Majedi: Không, tôi không đồng ý là báo chí phải xin lỗi. Theo tôi, những cuộc xáo trộn mà chúng ta thấy ở Trung Ðông cũng như ở một số nước đang bị cai trị bởi luật lệ Hồi Giáo được tổ chức do những lực lượng chính trị lợi dụng tôn giáo để hăm dọa cộng đồng thế giới, để thế giới không lên tiếng chỉ trích hành động của họ, đừng chỉ trích chính sách của họ nữa.

Không, tôi không đồng ý là báo chí phải xin lỗi. Theo tôi, những cuộc xáo trộn mà chúng ta thấy ở Trung Ðông cũng như ở một số nước đang bị cai trị bởi luật lệ Hồi Giáo được tổ chức do những lực lượng chính trị lợi dụng tôn giáo để hăm dọa cộng đồng thế giới, để thế giới không lên tiếng chỉ trích hành động của họ, đừng chỉ trích chính sách của họ nữa.

Nếu để ý thật kỹ, ông sẽ thấy những cuộc biểu tình này được tổ chức nhiều tháng sau ngày các bức biếm họa được đăng tải. Vì thế tôi không đồng ý là phải xin lỗi, và thế giới cũng đừng vì chuyện đang xảy ra mà ngừng lên tiếng bênh vực quyền lợi cho người dân các quốc gia Hồi Giáo, nhất là đừng ngưng bênh vực nữ quyền. Thế giới đừng vì những cuộc biểu tình được xếp đặt sẵn mà quên là người phụ nữ đang phải sống khổ đau ở những nước Hồi Giáo.

Nguyễn Khanh: Nhưng là tín đồ đạo Hồi, chắc chắn không ai bằng lòng khi thấy những bức biếm họa này được in trên báo…

Bà Azar Majedi: Thích hay không thích những bức biếm họa là chuyện tùy theo ý thích của từng người.

Nguyễn Khanh: Riêng với Bà thì sao?

Quyền tự do phát biểu

Bà Azar Majedi: Tôi thì tôi không thích hầu hết các bức biếm họa đó, vì phần lớn chẳng mấy đặc sắc về mặt nghệ thuật, và cũng chẳng có gì đáng để chúng ta quan tâm đến về mặt ý nghĩa. Nhưng đó chỉ là quan điểm cá nhân của tôi thôi và là điều không đáng kể, điểm quan trọng nhất là luật pháp cho phép báo chí được quyền đăng tải, phổ biến những bài viết phê bình, chỉ trích, và những bức biếm họa.

Ðó là quyền tự do phát biểu, quyền tự do bày tỏ tư tưởng. Chuyện ông hay tôi có đồng ý với những lời phê bình hay với những bức biếm họa đó không là chuyện rất nhỏ. Chuyện lớn là phải tôn trọng quyền tự do bày tỏ tư tưởng.

Tôi không phản đối nếu những người biểu tình bày tỏ quyền tự do phát biểu tư tưởng của họ theo đường lối ôn hòa, nhưng đằng này, điều chúng ta thấy ở Trung Ðông, ở thủ đô Luân Ðôn của nước Anh, và ở một số nước Hồi Giáo khác là những vụ bạo động kinh hoàng xảy ra, nhắm vào mục đích chận đứng tất cả những lời chỉ trích đúng đắn của thế giới đối với các Chính Quyền Hồi Giáo độc đoán. Ðó là điều không thể chấp nhận, không thể tha thứ được

Tự do và trách nhiệm

Tự do phát biểu là quyền được luật pháp bảo vệ, có liên hệ giữa người dân và chính quyền, còn trách nhiệm là vấn đề hoàn toàn mang tính cá nhân. Chúng ta có quyền đòi hỏi người khác phải có trách nhiệm về những điều họ nói, về những việc họ làm, về những điều họ viết, nhưng các chính phủ không có quyền kiểm duyệt. Tự do phát biểu và trách nhiệm là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.

Nguyễn Khanh: Bà nói đăng tải các bức biếm họa là quyền tự do phát biểu tư tưởng mà chúng ta phải tôn trọng. Ðiều này làm tôi nhớ lại mới tuần trước, chính Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush và ngay cả ông Tổng Thư Ký Kofi Annan của Liên Hiệp Quốc cũng nói tự do phải đi đôi với trách nhiệm…

Bà Azar Majedi: Tự do phát biểu là quyền được luật pháp bảo vệ, có liên hệ giữa người dân và chính quyền, còn trách nhiệm là vấn đề hoàn toàn mang tính cá nhân. Chúng ta có quyền đòi hỏi người khác phải có trách nhiệm về những điều họ nói, về những việc họ làm, về những điều họ viết, nhưng các chính phủ không có quyền kiểm duyệt. Tự do phát biểu và trách nhiệm là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.

Ông là một nhà báo, tôi cũng là một nhà báo, tôi và ông có thể tự quyết định không nên viết câu này, không nên viết câu khác, không nên phát thanh chuyện này, không nên phát hình chuyện khác, nhưng không một Chính Phủ nào có quyền cấm hay bắt tôi hoặc ông phải viết điều này hoặc điều khác. Tự do phát biểu là quyền căn bản của con người, và theo quan điểm của tôi, nếu muốn xây dựng một xã hội văn minh, một thế giới nhân bản thì người dân phải có quyền tự do phát biểu mà không có một điều kiện nào đi kèm cả.

Ảnh hưởng đến mối quan hệ

Nguyễn Khanh: Nhưng Bà cũng rõ là ít nhiều, những cuộc biểu tình gây cản trở cho mối quan hệ giữa Hoa Kỳ, EU và thế giới Hồi Giáo?

Bà Azar Majedi: Tôi ngần ngại không muốn dùng chữ thế giới Hồi Giáo như ông mới dùng. Tôi muốn gọi đó là những chính quyền Hồi Giáo để phân biệt giữa chính quyền với người theo đạo Hồi. Các chính phủ Hồi Giáo như Iran, Afghanistan, Ả Rập Xê Út, Syria và ngay cả Iraq đã dùng các bức biếm họa này cho mục đích chính trị.

Iran dùng chuyện này để trả đũa vụ EU và Hoa Kỳ lên án họ về vấn đề hạt nhân, Syria thì dùng chuyện này để mọi người quên chuyện họ đang gây trở ngại cho Trung Ðông, nhất là ở Li Băng. Các chính quyền Hồi Giáo lợi dụng các bức biếm họa để thực hiện các mục tiêu chính trị, làm lợi khí để ngăn cản không cho thế giới, không cho Hoa Kỳ và EU lên án họ nữa.

Tôi có thể quả quyết với ông là đại đa số người dân ở những nước đang biểu tình không biết gì về quyền tự do phát biểu tư tưởng. Là một người sinh ra ở Iran, lớn lên ở Iran, tôi mong có ngày người dân nước tôi biết thế nào là quyền phát biểu tư tưởng, biết sử dụng quyền tự do phát biểu tư tưởng để thay đổi thể chế chính trị. Tôi nhấn mạnh là tôi muốn thấy chính người dân thay đổi chính quyền, chứ không phải chế độ bị thay đổi bởi Chính Quyền Mỹ.

Cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu

Tôi ngần ngại không muốn dùng chữ thế giới Hồi Giáo như ông mới dùng. Tôi muốn gọi đó là những chính quyền Hồi Giáo để phân biệt giữa chính quyền với người theo đạo Hồi. Các chính phủ Hồi Giáo như Iran, Afghanistan, Ả Rập Xê Út, Syria và ngay cả Iraq đã dùng các bức biếm họa này cho mục đích chính trị.

Nguyễn Khanh: Nhưng xin bà đừng quên các cuộc biểu tình ảnh hưởng đến cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu và các công tác mà Hoa Kỳ đang thực hiện ở Iraq vì trong những ngày gần đây, rõ ràng các cuộc biểu tình đã chỉa mũi dùi vào Mỹ?

Bà Azar Majedi: Ðiều mà chúng ta cần phải nói đến là suy nghĩ của người dân Iraq, của người dân Palestine đối với chính sách của Hoa Kỳ, về những cuộc chiến không chính đáng mà Hoa Kỳ cho thực hiện trên lãnh thổ của họ. Người dân Iraq chán nản về nội tình của nước họ, họ không muốn thấy quốc gia tiếp tục bị quân đội ngoại quốc chiếm đóng.

Phúc trình của Human Rights Watch cho thấy tình trạng nhân quyền ở Iraq chẳng những không sáng sủa hơn thời Saddam Hussein mà còn tệ hơn trước. Các cuộc biểu tình nhắm vào Mỹ vì Chính Phủ Mỹ đứng đầu những gì đang xảy ra ở Trung Ðông. Các lực lượng chính trị Hồi Giáo lợi dụng các bức biếm họa và khai thác sự bất bình của quần chúng đối với chính sách của Hoa Kỳ để vận động chống lại cuộc chiến Iraq, chống lại việc Mỹ ủng hộ Do Thái chống lại người Palestine.

Quần chúng bất bình về cuộc chiến Iraq, về chính sách của Hoa Kỳ đối với người Palestine, chứ không hẳn họ bất bình về những bức biếm họa. Ðó là điều chúng ta đang nhìn thấy và đó cũng là điều chúng ta phải lên tiếng trình bày cho thế giới hiểu rõ.

Các chính phủ Iran, Syria

Nguyễn Khanh: Bà có nghĩ rằng các chính phủ Iran, Syria, chủ mưu làm to chuyện không?

Bà Azar Majedi: Có. Tôi tin rằng các chính phủ như Syria, Iran, lực lượng Hamas và ngay cả Ả Rập Xê Út đứng đằng sau giật dây những vụ biểu tình này. Theo sự hiểu biết của tôi thì Syri và Iran đóng vai trò rất quan trọng.

Nguyễn Khanh: Và theo bà dự đoán trong tương lai các cuộc biểu tình có bùng phát mạnh hơn nữa không?

Bà Azar Majedi: Tôi không nghĩ là các cuộc biểu tình sẽ bộc phát mạnh hơn đâu. Các phong trào tranh đấu Hồi Giáo cần phải khuấy động tình hình để có cớ mà hoạt động, nhưng dần dần, câu chuyện sẽ xẹp xuống, và lúc đó thế giới sẽ tiếp tục bàn luận về vấn đề hạt nhân ở Iran, về vai trò của Syri ở Li Băng, về tiến trình hòa bình cho Trung Ðông.

2 vấn đề phải giải quyết, thứ nhất là những lực lượng dân quân Hồi Giáo Trung Ðông và thứ nhì là vai trò của Hoa Kỳ ở Trung Ðông. Cả hai đều phải chấm dứt.

Ngay cả chuyện thẩm định lại vai trò của Hoa Kỳ và Anh Quốc ở Iraq cũng sẽ được đem ra mổ xẻ. Chuyện các bức biếm họa sớm muộn gì cũng sẽ kết thúc, các thành phần chính trị đang lợi dụng không thể cứ kéo dài mãi được.

Nguyễn Khanh: Như vậy, thưa bà, chúng ta đâu có gì phải lo nữa?

Bà Azar Majedi: Có chứ. Theo quan điểm của tôi, vẫn còn nhiều điều chúng ta phải lo. Một mặt phải ngăn cản thành phần lợi dụng tôn giáo ở Trung Ðông, một mặt phải nói cho Hoa Kỳ và Anh Quốc biết đừng có nhúng tay vào, phải để cho người dân Trung Ðông tự quyết định tương lai của họ, đừng tiếp tục yểm trợ các Chính Phủ độc tài ở Trung Ðông, đừng đi ngược lại với nguyện vọng của người dân Trung Ðông nữa.

Thành ta, tôi thấy có 2 vấn đề phải giải quyết, thứ nhất là những lực lượng dân quân Hồi Giáo Trung Ðông và thứ nhì là vai trò của Hoa Kỳ ở Trung Ðông. Cả hai đều phải chấm dứt.

Nguyễn Khanh: Xin cám ơn Bà Azar Majedi.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.