Việt Nam qua nhận xét của một doanh gia Nhật Bản

Nhã Trân, phóng viên đài RFA

Giao thương giữa Việt Nam và Nhật Bản đang chuyển biến quan trọng. Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký với Nhật 5 thương ước lớn, ngoài một số hiệp ước song phương.

BusinessWTO200.jpg
Một cửa hàng bán sản phẩm của Nhật ở Hà Nội hôm 18-10-2006. AFP PHOTO

Trong chiều hướng tăng cường giao dịch với Việt Nam, chính phủ Nhật ra sức khuyến khích doanh nghiệp xứ họ đầu tư vào vùng đất còn được xem là khá mới mẻ này, vào khi Việt Nam sắp bước chân vào Tổ chức Thương mại Thế giới WTO.

Nhã Trân tìm hiểu cái nhìn của doanh giới xứ Phù Tang qua nhận xét của đại diện tổ chức JETRO. Phần tiếng Việt do Thanh Trúc đọc.

Chuyến công du thuận lợi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Nhật Bản vừa được thực hiện mới vài tuần trước thì Việt Nam lại đón nhận thêm một tin lạc quan, là một đoàn doanh nghiệp hàng đầu của xứ Phù Tang sẽ theo Thủ tướng Shinzo Abe đến thăm Việt Nam vào ngày 20 tháng 11. Điều này cho thấy doanh giới Nhật đang thăm dò, cân nhắc việc đầu tư.

Cùng một lúc, doanh gia Nhật vừa được mời tham dự hội thảo về triển vọng đầu tư vào Việt Nam do Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản JETRO phụ trách, để được giới thiệu triển vọng làm ăn tại nước thành viên mới nhất của Tổ chức Thương mại Thế giới.

Một trong những mục tiêu chính của Nhật Bản trong thế kỷ mới là thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài và hỗ trợ các doanh nghiệp cỡ nhỏ và vừa đạt mức xuất khẩu cao nhất.

Là một tổ chức thương mại có liên hệ với chính phủ, JETRO thành lập đã gần 50 năm với mục đích thúc đẩy giao thương của doanh nghiệp trong nước với thế giới bên ngoài, vì vậy đã đứng ra tổ chức loạt thảo luận đầu tháng này; một tại thủ đô Tokyo và một ở thành phố Nagoya, hướng dẫn doanh giới bản xứ về vấn đề bỏ vốn đầu tư vào Ấn Độ, miền Nam Trung Quốc và Việt Nam.

Về nội dung các buổi nói chuyện, bà Sayaka Izume, điều hợp viên của hội thảo cho hay: "Hội luận nói về thể thức, điều lệ về đầu tư ở Việt Nam, hướng dẫn doanh nghiệp Nhật những thủ tục đăng ký kinh doanh cùng các cơ hội phát triển thương mại tại Việt Nam".

Một số doanh nghiệp Nhật đã thu được lợi nhận tốt nhờ lao động rẻ, và nói chung họ cho rằng trình độ chuyên môn của lao động người Việt khá tốt so với một số nước trong vùng như Indonesia và Thái Lan

Động lực thu hút

Đại diện JETRO cho hay một trong những lý do thu hút doanh nghiệp Nhật đầu tư là vấn đề nhân công rẻ ở Việt Nam. Tuy thương giới Nhật không nghĩ rằng trình độ chuyên môn của lao động người Việt đạt mức cao nhất, tuy nhiên nói chung thì tạm đủ, và có khả năng:

“Một số doanh nghiệp Nhật đã thu được lợi nhận tốt nhờ lao động rẻ, và nói chung họ cho rằng trình độ chuyên môn của lao động người Việt khá tốt so với một số nước trong vùng như Indonesia và Thái Lan”.

Theo cam kết của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới đây, chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật về vấn đề đầu tư, trong đó có nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp lý. Doanh giới xứ Phù Tang nghĩ thế nào về luật kinh doanh của Việt Nam lâu nay?

Bà Izume cho biết:"Có một số bất cập trong hệ thống luật pháp Việt Nam, tuy nhiên chính phủ Nhật đã được sự cam kết của chính phủ Việt Nam là sẽ cải thiện".

Ngoài các cam kết về hoàn chỉnh luật đầu tư, chính phủ Việt Nam có hứa sẽ cung cấp một môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch cho doanh giới Nhật.

Niềm tin

Được hỏi niềm tin vào viễn ảnh một môi trường kinh tế tốt, một thị trường tài chánh có triển vọng, người đại diện Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản cho biết doanh giới xứ Hoa Anh Đào tỏ ra hy vọng và mong kỳ vọng của họ được đáp ứng.

Qua chuyến công du của người lãnh đạo Việt Nam vừa rồi, doanh giới Nhật tỏ ra hy vọng môi trường đầu tư Việt Nam sẽ thu hút thương giới Nhật Bản nhiều hơn, đặc biệt là các lãnh vực công nghiệp nặng, du lịch và dệt may.

Với lượng doanh nghiệp đầu tư vào thị trường Việt Nam chiếm 1 phần 10 tổng doanh nghiệp nước ngoài tại đây, Nhật giữ địa vị đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam từ nhiều năm qua.

Trước các hứa hẹn của Việt Nam, doanh giới xứ Phù Tang hiện đặt nhiều hy vọng vào tương lai mậu dịch của hai quốc gia. Tuân thủ những cam kết với Tokyo sẽ giúp Việt Nam giữ bền vững, và còn nâng cao mức độ đầu tư của đối tác.