Việt Hùng, phóng viên đài RFA
Trong mấy ngày nay, việc Ðức Giáo Hoàng Joan Phao-lô II, vị chủ chăn của Giáo Hội Công Giáo toàn cầu băng hà đã là mối quan tâm chính của những người công giáo trên toàn thế giới. Xuất thân từ Ba Lan, Ðức Giáo Hoàng Joan Phao-lô II luôn được coi là người đã đưa ý tưởng tự do vào các cuộc cách mạng làm thay đổi chế độ cộng sản tại những quốc gia Ðông Âu. Từ Krakow - Ba Lan, quê hương của Ðức Giáo Hoàng, Việt Hùng có bài tường trình.

Vào lúc 9 giờ 37 phút tối ngày 2 tháng 4, giây phút buồn thảm nhất cho những người Công giáo Ba Lan, vị chủ chăn của họ, Ðức Giáo Hoàng John Paul II đã vĩnh viễn ra đi. Nhiều ngay trước đó hàng trăm ngàn người đã kéo về trước sảnh đường chính tại nhà thờ lớn Krakow, quê hương Ðức Giáo Hoàng, dường như để chờ đợi phép lạ.
Không chỉ với người Công giáo mà dường như ai cũng biết điều buồn sẽ đến nhưng không hề muốn tin, cũng như cách đây gần 27 năm, người dân Ba Lan đã không thể tin vào tai mắt mình khi biết rằng vị Hồng Y đồng hương của họ, Karol Josef Wojtyla, chính thức trở thành Đức Giáo Hoàng.
Vị Giáo Hoàng gốc Slavơ đầu tiên
Karol Josef Wojtyla trở thành vị Giáo Hoàng gốc Slavơ đầu tiên trong lịch sử Công Giáo La Mã, vị Giáo Hoàng trẻ nhất và tới từ một quốc gia lúc đó đang chìm đắm trong bóng tối cộng sản và những ý thức hệ vô thần.
Với người dân Ðông Âu, không phải Tổng Thống Hoa Kỳ R. Reagan hay ông M. Gorbacov đã có công đưa họ thoát khỏi chế độ cộng sản mà người đó chính là Đức Giáo Hoàng John Paul II. 8 tháng sau khi thụ phong Ðức Giáo Hoàng, Ngài đã vội vã trở về Ba Lan.
Bạn nghĩ gì về sự ra đi của Ðức Giáo Hoàng John Paul II. Xin email về Vietnamese@www.rfa.org
Trước những lời khích lệ của Ngài, rằng người dân Ba Lan hãy tự đứng trên đôi chân của mình, chỉ một thời gian ngắn sau đó, tại cầu cảng Gdansk, Công Ðoàn Ðoàn Kết ra đời dưới sự hướng dẫn của một người Công giáo mộ đạo, Lech Walesa. Chính ông Walesa mà sau này trở thành Tổng thống của Ba Lan nhớ lại.
Cựu Tổng Thống Ba Lan vừa nói, ông là người có đức tin, là người có đạo. Từ vị thế này ông Walesa đã hướng tới Ngài và coi Ngài như Thánh Phêrô hiện đại. Ngài là vị thánh Phêrô trong thời đại của chúng ta. Nhìn từ góc độ khác, Ngài ảnh hưởng rất nhiều tới những phần khác của cuộc sống.
Theo ông Walesa, nếu không có Ngài, thế giới có khi vẫn còn chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa cộng sản sẽ còn tiếp tục tồn tại và cuộc sống của người dân Ba Lan còn nhiều đau khổ. Ngài đã mang lại hi vọng, Ngài đã thức tỉnh người dân, những người dân đã vùng dậy và ngày nay Ba Lan và Ðông Âu đã có tự do.
Những cuộc cách mạng thanh bình
Cùng với phong trào Công Ðoàn Ðoàn Kết tại Ba Lan, hàng loạt các phong trào chống đối khác ra đời ở Tiệp Khắc, ở Hungari cũng như tại Cộng Hòa Dân Chủ Đức thời đó. Đức Giáo Hoàng John Paul II là người đã soi đường mở lối cho các Giáo Hội thầm lặng hoạt động, những Giáo Hội này tấn phong những Linh mục và hoạt động mạnh tại Ðông Âu mặc dù bị nhiều đàn áp của chế độ cộng sản.
Đức Giáo Hoàng cũng yêu cầu các nhà thờ hãy tạo cơ hội cho các lực lượng dân chủ gặp gỡ và họp mặt.
Năm 1989, khi xem cảnh tượng bức tường Berlin xụp đổ, một Tiến sĩ thần học người Tiệp là Ðức Cha Tomas Halik đã không tin khi Đức Giáo Hoàng nói với ông rằng, chủ nghĩa cộng sản cũng sẽ xụp đổ nhanh chóng trên quê hương ông. Hơn một tháng sau lời Ngài đã trở thành hiện thực với cuộc cách mạng Nhung tại Tiệp Khắc. Đức Giáo Hoàng lúc đó đã đưa ra cái nhìn của mình.
Ðức Giáo Hoàng John Paul II vừa nói những cuộc cách mạng thanh bình năm 1989 cho thấy đòi hỏi tự do của người dân không có gì là đáng ngạc nhiên. Điều này tới từ những nhận biết về những phẩm cách vô giá và giá trị của con người và nó không thể đi kèm với những tội ác chà đạp lên nhân phẩm con người.
Chủ nghĩa độc tài hiện đại, trước hết và trước nhất, là điều đi ngược lại với giá trị nhân phẩm con người, nó tấn công vào giá trị quí giá nhất của từng con người, đó là cuộc sống. Những cuộc cách mạng năm 1989 được hình thành bởi công sức của những con người dũng cảm đầy hứng khởi từ những sự nhìn nhận đầy uyên thâm và nghị lực.
Viếng thăm những quốc gia Đông Âu
Sau những cuộc cách mạng dân chủ, cũng chính Đức Giáo Hoàng John Paul II là người đã vội vã tới thăm những quốc gia Đông Âu, không kể tới các nguyên tắc của Tòa Thánh Vatican, để ủng hộ tinh thần và nâng cao đạo đức cho những người dân vừa mới thoát khỏi bóng tối tinh thần.
Mặc dù trong 26 năm tại chức, Ðức Giáo Hoàng John Paul II đã đi nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng với Ngài, Ba Lan & Krakow vẫn là nơi đẹp nhất trong trái tim Ngài.
Ngày 2 tháng 4 năm 2005, Đức Giáo Hoàng John Paul II đã vĩnh viễn ra đi. Những người Công giáo La Mã mất đi một vị chủ chăn. Dân chúng Ba Lan mất đi một người đồng hương tôn kính và những người dân Ðông Âu mất đi người đã giải phóng tinh thần cho họ khỏi chế độ độc tài.
Việt Hùng tường trình từ quê hương Ðức Giáo Hoàng, Krakow - Ba Lan