Công lý trong vụ án Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân?


2007.11.26

Luật sư Trần Thanh Hiệp & Việt Long, RFA

Ngày 27-11 tới đây, bản án sơ thẩm trong vụ hai luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân sẽ được đưa ra trước tòa án Phúc Thẩm Hà Nội xét xử lại. Tin tức thông thạo cho biết, khác với lần xử sơ thẩm, phiên tòa phúc thẩm sắp tới, lần đấu tiên dưới chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, sẽ là một dịp cho hai quan điểm về công lý trái ngược hẳn nhau được trình bày.

tranthanhhiep150.jpg
Luật sư Trần Thanh Hiệp. RFA photo.

Trao đổi với biên tập viên Việt Long của Chương trình Việt ngữ Đài Á Châu Tự Do, Luật sư Trần Thanh Hiệp, chủ tịch Trung Tâm Viêt Nam về Nhân Quyền, trụ sở đặt tại Paris, sẽ đối chiếu để so sánh hai thứ công lý này để bàn thêm về nền công lý chân chính đang rất được chờ đợi ở Việt Nam, nhất là trong phiên xử phúc thẩm sắp diễn ra.

Cũng xin đựơc thưa, rằng ý kiến của luật sư Hiệp không nhất thiết phản ánh quan điểm của đài Á Châu Tự Do.

Phiên tòa phúc thẩm 2 Luật sư tranh đấu

Việt Long: Theo luật sư thì phải nhận định như thế nào về vụ xử phúc thẩm sắp tới?

Trần Thanh Hiệp: Hai luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân vì không chấp nhận bản án sơ thẩm nên đã kháng án để tòa phúc thẩm xử lại nghĩa là dể tòa cấp trên này xem lại nội vụ từ đầu, coi như là chưa xét xử. Tất nhiên là chúng ta không đủ thời giờ đẻ bàn hết mọi chuyện.

Tôi chỉ xin nói sơ lược về ba điểm. Một là tòa sơ thẩm đã xét xử nội vụ NVD & LTCN như thế nào? Hai là phải đánh giá ra sao về mặt công lý bản án ngày 11-05-2007 của tòa sơ thẩm? Ba là nên đòi hỏi tòa trên phải phúc thẩm nội vụ trên co sở nào để mang công lý lại cho các luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân?

Việt Long: Xin Luật sư cho biết theo luật sư thì trong vụ NVD va LTCN, tòa sơ thẩm đã xét xử như thế nào?

Trần Thanh Hiệp: Nói chung, nhà cầm quyền Hà Nội muốn cho mọi người hiểu và tin rằng NVĐ và LTCN đã lãnh án tù vì đã có những hành vi “chống Nhà nước” như đã được điều 88 của Bộ luật Hình sự dự lieu. Nhưng thật ra, Hà Nội đã lừa dối dư luận bằng từ ngữ.

Không có chuyện Nhà nước hay nhân dân gì cả và, như chính Hà Nội đã gián tiếp thú nhận trong bản án sơ thẩm ngày 11-05-200,7 hai luật sư NVĐ va LTCN đã bị tù chỉ vì đã dám chống Đảng cộng sản.

LeThiCongNhanTrial200.jpg
Nữ Luật sư Lê Thị Công Nhân trong phiên tòa sơ thẩm hôm 11-5-2007. AFP PHOTO.

Tôi xin trích dẫn đoạn dưới đây của bản án đó mà tôi cho là đã vạch trần được sự thật:

“…bị cáo Nguyễn Văn Đài thừa nhận đã viết một số bài như: “Quyền tự do thành lập đảng“, “Dân trí Việt Nam có đủ khả năng để xây dựng chế độ đa đảng”, v.v... Các bị cáo đã phát tán các tài liệu này trên các phương tiện thông tin cho các tổ chức phản động người Việt tai nước ngoài; trả lời phỏng vấn trực tuyến qua Internet với các đối tượng chống chủ nghĩa xã hội ở nước ngoài. Những bài viết nêu trên đều có nội dung bôi nhọ, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cho rằng trong điều kiện hiện nay Đảng Cộng sản Việt Nam không đủ năng lực để lãnh đạo cách mạng nên cần phải có một đảng khác thay thế hoặc phải đa nguyên, đa đảng mới đưa đất nước thoát khỏi tình trạng nghèo đói.

- Theo quy định tại Điều 4 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng duy nhất lãnh đạo Cách mạng Việt Nam nên mọi đảng phái, hoạt động đều là vi phạm, đều là bất hợp pháp. Bị cáo là người trực tiếp soạn thảo „Điều lệ Đảng dân chủ", là người ủng hộ “Cương lĩnh Đảng dân chủ“ của Hoàng Minh Chính, đồng thời viết một số bài phê phán chế độ, phê phán Đảng Cộng Sản và ủng hộ đa nguyên, đa đảng là vi phạm nghiêm trọng Hiến pháp và luật pháp của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (…)”. Nghĩa là vì NVĐ và LTCN đã chống Đảng cộng sản nên họ bị coi là đã chống Nhà nước, chống nhân dân v.v…”

Công lý của đảng Cộng sản VN

Việt Long: Vậy phải hiểu như thế nào sự kiện nhà cầm quyền Hà Nội đã áp dụng luật pháp bằng tòa án để phạt tù hai lyuật sư NVĐ và LTCN?

Trần Thanh Hiệp: Phải hiểu rằng Hà Nội đã áp đặt bằng bạo lực một thứ công lý đảng trị để áp đặt nền thống trị độc tôn của Đảng Cộng sản. Đảng cộng sản đã tự quyền đồng hóa mình với Nhà nước, với nhân dân, cho nên Đó bản án sơ thẩm đã chỉ phản ánh một nền công lý của một nước độc tài giả mạo dân chủ và không phải là nền công lý của một nước dân chủ chân chính tôn trọng nhân quyền, dân quyền.

Việt Long: Tìm đâu ra nền công lý này?

Trần Thanh Hiệp: Nói công lý là, như Luật La Mã đã nói, mang lại cho mỗi người quyền mà ngưới ấy đã có. Trong vụ án NVĐ và LTCN vì có tranh chấp giữa hai bên dân và Nhà nước nên phải định xem phía cá nhân những người dân NVĐài và Lê Thị Công Nhân có những quyền gì và phía những người cầm quyền có những quyền gì.

Việc xem xét này phải khách quan và công bằng để cho quyền ở cả hai phía được tôn trọng. Nhưng tòa án nhân dân sơ thẩm đã không xử lý một cách công bằng như vậy mà lại đứng hẳn về phía người cầm quyền để đàn áp phía người dân.

Điều này đã quá rõ, các đương sự nạn nhân của bản án phạt tù đã tuyên, những thân nhân hai bị cáo, những người có nghĩa vụ phụ tá việc thực hiện công lý ở Việt Nam là các luật sư cũng như những cơ quan quốc tế hoạt động bảo vệ nhân quyền đều vạch trần ra trước ánh sang, thài độ xử lý sai trái, thiên vị không thể chấp nhận được, của tòa án sơ thẩm Hà Nội. Họ bác bỏ thứ công lý đảng trị và chờ đợi tòa phúc thẩm mang lại công lý dân chủ nhân quyền.

Việt Long: Mang lại như thế nào?

Trần Thanh Hiệp: Tòa phúc thẩm là một tòa án có quyền toàn phán nghĩa là xét lại toàn bộ vụ án đã được tòa sơ thẩm xét xử nếu có kháng án. Xét từ hình thức đến nội dung. Sự kháng án của hai bị cáo NVĐài và LTCNhân đã không có gíới hạn thì tòa phúc thẩm phải dung quyền toàn phán của mình để xử lại.

NguyenVanDaiCongNhan200.jpg
Hai Luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân bị tuyên án 9 năm tù về tội "tuyên truyền chống phá nhà nước CHXHCNVN". RFA file photo.

Xem về mặt hình thức tòa sơ thẩm có tôn trọng thủ tục tố tụng hay không. Cũng như xem về mặt nội dung, tòa này có áp dụng đúng luật hay không. Nếu có chỗ nào không đúng thì xử lại cho đúng. Hai luât sư NVĐài và LTCNhân không có tội mà bị phạt tù thì phải hủy bỏ bản án đã phạt tù họ.

Việt Long: Biết thế nào là đúng? Ý kiến của ba luật sư đã lên tiếng khi trả lời cuộc phỏng vấn về việc phúc thẩm không hoàn toàn giống nhau. Luật sư Trần Lâm không muốn bàn gì tới luật quốc tế về nhân quyền trong khi luật sư Đặng Dũng lại cho rằng tòa phúc thẩm cần phải xem xét các hành vi của hai bị cáo dưới khía cạnh luật quốc tế về nhân quyền. Luật sư nghĩ thế nào về hai quan điểm trái ngược nhau trên đây?

Trần Thanh Hiệp: Tôi không biết là giữa các luật sư có sự phân công hay không. Nếu đúng là đã có phân công thì luật sư Trần Lâm đã chỉ muốn đưa ra những thỉnh cầu tối thiểu để cho đồng nghiệp của mình là luật sư Đặng Dũng yêu sách điều tối đa. Nhưng nếu không có sự phân công thì tôi cho rằng quan điểm tối thiểu không cần biết đến luật quốc tế về nhân quyền là một thiếu hụt rất đáng tiếc gây thiệt hại cho hai bị cáo. Vì hai lý do.

Trước hết theo qui phạm của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị thì hai bị cáo NV Đài và LTCNhân vô tội.Vả lại, thật ra luật quốc tế này cũng là luật quốc nội mà thôi vì một mặt nhà cầm quyền Hà Nội có nghĩa vụ phải hội nhập công ước quốc tế này vào luật quốc nội từ lâu rồi mà cứ lần lữa không chịu làm để duy trì nền độc tài của họ.

Mặt khác, theo văn bản pháp luật của Hà Nội là Luật Ký kết, Gia nhập và Thực hiện Điều ước Quốc tế, nguyên tắc là trong trường hợp văn bản quy phạm luật và điều ước quốc tế mà CHXHCNVN là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì quy định của điều ước quốc tế phải được áp dụng.

Tức là muốn xem xét lại việc bản án sơ thẩm định tội hi bị cáo NVĐ và LTCN, muốn tìm công ly, Tòa phúc thẩm phải qui chiếu vào Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, và như thế thì phải tuyê phán rằng không đủ tội chứng để áp dụng điều 88 của Bộ luật hình sự đối với hai luật sư này.

Việt Long: Theo luât sư Bùi Quang Nghiêm thì tội của hai đồng nghiệp của ông, NVĐài và LTCNhân không trầm trọng đến mức như bản án sơ thẩm nêu là phạt 5 và 4 năm tù. Như vậy phải chăng là dưới mắt luật gia này thì hai bị cáo đã phạm tội nhưng nhẹ thôi?

Trần Thanh Hiệp: Luật sư Bùi Quang Nghiêm là phó chủ nhiệm đoàn luật sư Sài Gòn nên có lẽ vì thế mà ông đã phải chọn một lối nói thích hợp, nhưng vẫn ở trong chiều hướng bênh khéo các đồng nghiệp của mình. Ông cho biết mấy luật sư biện hộ cho hai bị cáo đang suy nghĩ xem là điều 88 của bộ luật hình sự nó có phù hợp với hiến pháp hay không?

Ông tỏ ra còn dè dặt vì ông chỉ muốn tranh luận trong khuôn khổ luật thực định của chế độ. Nhưng ông cũng sẽ nêu lên trước tòa phúc thẩm nhu cầu xem điều 88 có sai trái không và ông cố ý nhấn mạnh rằng chủ tịch Nguyễn Minh Triết cũng nói là bất đồng chính kiến là chuyện bình thường, tức là không có lý do gì để kết tội hai bị cáo.

Việt Long: Luật sư có cho rằng tình trạng quan điểm rất khác biệt của các luật sư là điều đáng lo ngại cho hai bị cáo NVĐài và LTCNhân không?

Trần Thanh Hiệp: Theo tôi thì chẳng có gì đáng lo ngại cả. Công lý dân chủ nhân quyền vốn đa nguyên. Nó không một chiều như công lý đảng trị. Lo sợ nếu có thì chỉ ở phía nhà cầm quyền Hà Nội mà thôi. Áp lực của dư luận quốc tế, như ta đã thấy, càng ngày càng đè nặng lên Hà Nội.

Không nhượng bộ, nghĩa là vẫn cứ tìm cách đàn áp, dù giảm nhẹ, đối lập ôn hòa thì Hà Nội sẽ khó lòng tránh được những khó khăn chưa thể lương trước. Nhượng bộ thì Hà Nội sẽ phải làm điều mình không muốn làm nghĩa là mở đường cho tự do, dân chủ nhân quyền để bước vào đoạn đường chót của độc tài.

Việt Long: Xin cảm ơn luật sư Hiệp.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.