Viên chức Tòa án xét xử Khmer bắt đầu làm việc

Nguyễn Bình, đặc phái viên đài RFA

Việc thương lượng giữa Liên Hiệp quốc và Chính phủ Hoàng gia Cambodia đã đi đến thỏa thuận thành lập Tòa án đặc biệt để xét xử cựu lãnh đạo Khmer đỏ. Theo thông cáo báo chí đưa ra vào hôm mùng 9 tháng 2 vừa qua cho biết, bộ phận hành chính của Tòa án đặc biệt này đã chính thức hoặc động. Phóng viên Nguyễn Bình của đài RFA chúng tôi có bài tường trình chi tiết về sự kiện này, mời quí thính giả đón nghe.

Bà Michelle Lee, đại diện Liên Hiệp quốc và ông Sean Visoth, Chánh văn phòng Tòa án đặc biệt xét xử cựu lãnh đạo Khmer đỏ đã tổ chức họp báo tại thủ đô Phnom Penh vào sáng thứ năm ngày 9 tháng 2 vừa qua. Trong buổi họp báo đó, bà Michelle cho biết, tuần tới bà và đồng nghiệp sẽ bắt đầu vào làm việc tại văn phòng mới, tọa lạc tại làng Cambol, cách thủ đô Phnom Penh khoảng 20 cây số.

Căn cứ quân sự Cambol

Cambol, cũng là nơi được chọn để xây căn cứ quân sự vừa hoàn tất. Được biết, Chính phủ Phnom Penh đã dành 2 tòa nhà khang trang cho Tòa án đặc biệt này. Tòa án sẽ sử dụng 2 tòa nhà đó để làm công việc hành chính, hội họp và mở phiên tòa xét xử. Dự kiến sẽ xây thêm hàng rào chắn giữ khu quân sự và khu Tòa án.

Tòa án xét xử cựu lãnh đạo Khmer đỏ dự kiến sẽ hoạt động kéo dài khoảng 3 năm, kinh phí được dự trù khoản 56 triệu Mỹ kim. Trong đó, phần đóng góp của Chính phủ Cambodia là 13 triệu. 43 triệu còn lại do Liên Hiệp quốc vận động các nước thành viên đóng góp.

Liên quan đến vấn đề kinh phí, ông Sean Visoth nói rằng hiện nay Chính phủ Cambodia còn nợ hơn 9 triệu rưỡi Mỹ kim dành cho tòa án đặc biệt này hoạt động. Nhưng ông cũng nói rằng vấn thiếu kinh phí không phải là trở ngại chính cho hoạt động xét xử tới đây. Có ý kiến cho rằng các nước tài trợ cho Cambodia sẽ chi trả cho phần nợ này.

Giai đoạn chuẩn bị

Bà Michele Lee cho biết việc bổ nhiệm thẩm phán, điều tra viên và kiểm sát viên giữ quyền công tố sẽ được thực hiện vào tháng 6 năm 2006 tới đây. Phiên tòa xét xử sẽ được chính thức mở vào năm 2007.

Bà Michele nói rằng đây là giai đoạn chuẩn bị rất quan trọng. Kiểm sát viên có thể lập hồ sơ, thu thập nhiều tài liệu, rồi chuyển cho điều tra viên để bộ phận này làm việc.

Theo thỏa thuận đạt được giữa Liên Hiệp quốc và Chính phủ Phnom Penh, sẽ có đồng thẩm phán xét xử trong phiên tòa. Trong đó một số thẩm phán do Liên Hiệp quốc bổ nhiệm và một số do Chính phủ nưởc sở tại bổ nhiệm. Nhưng cho đến nay vẫn chưa có thông tin chính thức về đối tượng sẽ được bổ nhiệm thẩm phán, điều tra viên và kiểm sát viên. Đồng thời cũng chưa biết bao nhiêu cựu lãnh đạo Khmer đỏ sẽ bị Tòa án đặc biệt này đưa ra xét xử.

Ông Khiêu Samphon, nhân vật thứ ba trong hàng ngũ lãnh đạo Khmer đỏ dự kiến sẽ bị đưa ra xét xử tới đây. Ông có vẻ như rất lạc quan. Liên quan đến diễn biến chính trị gần đây, ông đã lên tiếng với báo chí hoan nghinh việc hòa giải thành công giữ Thủ tướng Hun Sen và Chủ tịch đảng đối lập Sam Rainsy. Ông cũng ca ngợi Thủ tướng Hun Sen đã trả tự do cho những người chỉ trích về vấn đề biên giới.