Các phương pháp phòng ngừa và điều trị bệnh sỏi thận

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Sỏi thận là một trong những chứng bệnh gây đau đớn nhất và cũng là bệnh lý thường gặp ở Việt Nam, chủ yếu vì điều kiện khí hậu và thói quen ăn uống. Số người bị sỏi thận hằng năm có xu hướng ngày càng gia tăng, và đặc biệt đáng quan ngại là bệnh thường hay tái phát sau khi đã được can thiệp điều trị.

0:00 / 0:00
KidneyStone150.jpg
Bệnh sỏi thận. Photo courtesy Kidney.niddk.nih.gov

Chức năng của thận

Chương trình Sức khoẻ và Đời sống hôm nay, bác sĩ Việt, chuyên khoa tiết niệu đang hành nghề tại TPHCM sẽ trình bày về bệnh sỏi thận cũng như các phương pháp phòng ngừa, điều trị hữu hiệu đối với bệnh này.

Trà Mi: Xin cảm ơn sự cộng tác của bác sĩ đối với chương trình. Để giúp quý thính giả hiểu rõ hơn về căn bệnh sỏi thận, trước tiên xin bác sĩ giới thiệu khái quát về thận và các chức năng của thận đối với cơ thể con người?

Bác sĩ Việt: Trong cơ thể con người có 2 quả thận. Chức năng đầu tiên của thận là lọc máu, loại bỏ những chất độc, thải ra qua đường tiểu. Ngoài ra, thận còn có 1 số chức năng nội tiết khác như tham gia vào quá trình tạo máu và điều hoà việc chuyển hoá calci.

Nguyên nhân

Vì vậy, quan trọng nhất trong vấn đề phòng ngừa và điều trị sỏi tiết niệu đó là khuyên mọi người uống thật nhiều nước, khoảng trên 2,5 lít mỗi ngày. Uống chia đều ra trong ngày để tránh việc khát nước và tạo điều kiện cho dòng nước tiểu bài tiết liên tục, không bị cô đặc.

Trà Mi: Xin bác sĩ cho biết sỏi thận được hình thành như thế nào và những yếu tố nào khiến gia tăng nguy cơ sỏi thận?

Bác sĩ Việt: Như chúng ta biết, thận bài tiết nước tiểu. Trong nước tiểu có rất nhiều tinh thể, khi nước tiểu bị cô đặc quá mức sẽ tạo thành sỏi trong thận, với kích thước nhỏ ban đầu và dần dần biến thành những sỏi lớn. Ngoài ra, nếu có hiện tượng nhiễm trùng trong thận hay có hiện tượng làm thay đổi độ pH của nước tiểu thì sẽ thúc đẩy quá trình tạo sỏi.

Sỏi trong thận sẽ gây ra hai hiện tượng. Một là gây bế tắc đường tiểu, ứ nước vào thận làm ảnh hửơng chức năng thận. Hai là gây nhiễm trùng.

Trà Mi: Nhiều người thắc mắc không biết thói quen nín tiểu có phải là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh sỏi thận hay không?

Bác sĩ Việt: Một số trường hợp nếu nín tiểu quá lâu cũng có thể là nguyên nhân gây ra nhiễm trùng ở bàng quang. Ngoài ra, nín tiểu lâu cũng làm giảm dòng nước tiểu đổ từ niệu quản xuống dưới bàng quang, làm tăng hiện tượng bế tắc trên niệu quản và thận. Đó cũng là nguyên nhân thúc đẩy quá trình nhiễm trùng, tạo sỏi ở thận.

Bên cạnh đó, nguyên nhân thường gặp nhất dễ tạo nên sỏi thận là uống ít nước, dẫn tới hiện tượng cô đặc nước tiểu và tạo sỏi. Đa số các trường hợp bị sỏi thận đều do nguyên nhân chủ yếu là làm việc trong môi nóng mà lại uống quá ít nước.

Vì vậy, quan trọng nhất trong vấn đề phòng ngừa và điều trị sỏi tiết niệu đó là khuyên mọi người uống thật nhiều nước, khoảng trên 2,5 lít mỗi ngày. Uống chia đều ra trong ngày để tránh việc khát nước và tạo điều kiện cho dòng nước tiểu bài tiết liên tục, không bị cô đặc.

Các dấu hiệu và triệu chứng

Trà Mi: Xin hỏi bác sĩ các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh sỏi thận là gì?

Biến chứng đáng sợ thứ hai là suy thận, vì sỏi thận 2 bên gây bế tắc 2 bên đường tiết niệu. Có 2 dạng suy thận. Suy thận mạn tính bệnh nhân sẽ bị huỷ hoại dần chức năng thận và cuối cùng phải ghép thận nhân tạo. Suy thận cấp nếu điều trị không kịp thời cũng có thể dẫn tới tử vong.

Bác sĩ Việt: Triệu chứng thường gặp nhất là bị đau nhiều mức độ, hoặc là đau nhẹ ở vùng hông lưng hoặc là đau dữ dội gọi là đau quặng thận từng cơn từ vùng hông lưng rồi có thể lan dần xuống vùng hố chậu.

Khi bệnh nhân có những biến chứng thì cũng kèm thêm những triệu chứng khác như sốt khi có biến chứng nhiễm trùng, hay những triệu chứng của suy thận hoặc các triệu chứng của đường tiết niệu như tiểu gắt, tiểu buốt, tiểu ra máu…

Trà Mi: Xin được hỏi thêm là nếu như không được phát hiện điều trị kịp thời, bệnh sỏi thận sẽ gây những hậu quả như thế nào đối với sức khoẻ con người ?

Bác sĩ Việt: Hai biến chứng đáng sợ nhất của sỏi thận, thứ nhất là nhiễm trùng. Hòn sỏi ở trên đường tiết niệu sẽ làm bế tắc và gây nhiễm trùng do dòng nước tiểu không được bài tiết liên tục, vi trùng dễ lắng đọng lại , khiến cho nhiễm trùng càng lúc càng nặng hơn.

Ở mức độ nhẹ có thể là nhiễm trùng ở đường tiểu dưới. Trầm trọng hơn sẽ gây ra viêm đài bể thận cấp có thể gây biến chứng nhiễm trùng máu dẫn tới tử vong, hoặc gây mủ thận, huỷ hoại toàn bộ chức năng thận.

Biến chứng đáng sợ thứ hai là suy thận, vì sỏi thận 2 bên gây bế tắc 2 bên đường tiết niệu. Có 2 dạng suy thận. Suy thận mạn tính bệnh nhân sẽ bị huỷ hoại dần chức năng thận và cuối cùng phải ghép thận nhân tạo. Suy thận cấp nếu điều trị không kịp thời cũng có thể dẫn tới tử vong.

Trà Mi: Xin hỏi bác sĩ tình hình bệnh sỏi thận ở Việt Nam hiện nay ra sao?

Bác sĩ Việt: Ở Việt Nam bệnh lý đường tiết niệu gặp nhiều nhất là sỏi thận. Trong tất cả bệnh lý về đường tiết niệu, mổ can thiệp ngoại khoa về sỏi chiếm 50%-60%, tức là chiếm tỷ lệ cao nhất.

Nguyên nhân được nghĩ tới nhiều nhất là ở nước ta khí hậu nóng ẩm, người bệnh mất mồ hôi nhiều cộng với thói quen uống ít nước làm nước tiểu cô đặc lại tạo sỏi. Đồng thời chế độ ăn uống cũng là một nguyên nhân nhưng không rõ ràng bằng nguyên nhân uống ít nước.

Phương pháp điều trị

Nếu sỏi nhỏ dưới 4mm khuynh hướng điều trị là dùng thuốc điều trị nội khoa để hòn sỏi theo dòng nước tiểu đi ra. Những hòn sỏi lớn hơn, nhất là lớn hơn 7mm thì khả năng bài tiết theo dòng nước tiểu rất kém nên có những phương pháp điều trị khác nhau như tán sỏi ngoài cơ thể.

Trà Mi: Bệnh sỏi thận được điều trị như thế nào? Thuốc men ra sao và thời gian chữa trị thường kéo dài bao lâu?

Bác sĩ Việt: Nếu sỏi nhỏ dưới 4mm khuynh hướng điều trị là dùng thuốc điều trị nội khoa để hòn sỏi theo dòng nước tiểu đi ra.

Những hòn sỏi lớn hơn, nhất là lớn hơn 7mm thì khả năng bài tiết theo dòng nước tiểu rất kém nên có những phương pháp điều trị khác nhau như tán sỏi ngoài cơ thể.

Những sỏi lớn hơn 2cm thì có thể dùng phương pháp nội soi lấy sỏi qua da.

Những trường hợp quá phức tạp như sỏi san hô thì dùng phương pháp mổ hở thông thường.

Sỏi rớt kẹt dưới niệu quản thì dùng phương pháp nội soi niệu quản và dùng tia laser tán sỏi.

Thường đối với sỏi nhỏ dưới 4mm, thời gian theo dõi và điều trị để sỏi bài tiết ra là từ 1-3 tháng nếu sỏi không có biến chứng. Đối với sỏi có kích thước lớn phải can thiệp ngoại khoa thì có các trường hợp như tán sỏi ngoài cơ thể bệnh nhân sẽ xuất viện trong ngày, không cần nằm viện.

Các phương pháp như nội soi lấy sỏi qua da thì bệnh nhân cần phải nằm viện khoảng 4 ngày. Đối với mổ hở, bệnh nhân có thể nằm lại 6-7 ngày, sau đó 1 tháng cần phải tái khám. Thường 3 năm sau thời gian điều trị, tỷ lệ tái phát là 15%.

Phòng tránh nguy cơ tái phát

Chế độ ăn uống rất quan trọng. Chúng tôi thường hướng dẫn bệnh nhân lưu ý đầu tiên là uống nhiều nước, ăn lạt, tránh ăn nhiều muối, chế độ thực phẩm chứa calci nên đều đặn (tức lượng thức ăn chứa calci khoảng 800-1300 mg mỗi ngày) vì quá dư calci cũng có thể gây nên sỏi , ngược lại, quá thiếu calci cũng có khả năng tạo sỏi và đồng thời loãng xương.

Trà Mi: Bệnh sỏi thận này có khả năng tái phát khá cao sau khi điều trị, vậy xin bác sĩ hướng dẫn những phương cách phòng tránh nguy cơ tái phát bệnh?

Bác sĩ Việt: Bệnh nhân đã mắc bệnh sỏi thận khi điều trị cần phải đảm bảo 3 nguyên tắc. Thứ nhất phải điều trị sao cho hết sạch sỏi. Thứ hai là điều trị hết nhiễm trùng do hòn sỏi gây ra.

Thứ ba là phải điều trị những dị dạng bất thường trên đường tiểu, đảm bảo không còn những bế tắc hay dị dạng bất thường. Sau khi đảm bảo những nguyên tắc này, để tránh tái phát, bệnh nhân được hướng dẫn tái khám định kỳ trong thời gian từ 6 tháng đến 1 năm/lần.

Chế độ ăn uống rất quan trọng. Chúng tôi thường hướng dẫn bệnh nhân lưu ý đầu tiên là uống nhiều nước, ăn lạt, tránh ăn nhiều muối, chế độ thực phẩm chứa calci nên đều đặn (tức lượng thức ăn chứa calci khoảng 800-1300 mg mỗi ngày) vì quá dư calci cũng có thể gây nên sỏi , ngược lại, quá thiếu calci cũng có khả năng tạo sỏi và đồng thời loãng xương.

Bệnh nhân nên uống nhiều nước chanh, nước cam có nhiều chất citrat chống lại việc tạo sỏi. Ngoài ra cần tránh ăn các loại thực phẩm dễ gây sỏi niệu như cá khô, thịt khô hoặc mắm, lòng heo, lòng bò.

Đặc biệt cũng khuyên bệnh nhân khi phát hiện những triệu chứng của bệnh sỏi thận, nên quay lại tái khám ngay. Thường trước khi bệnh nhân xuất viện, chúng tôi có làm phân tích sỏi để biết được thành phần sỏi của bệnh nhân, cũng như cho bệnh nhân biết được các loại thực phẩm nào thường gây ra sỏi của mình để tránh.

Tại TPHCM, có rất nhiều bệnh viện có đầy đủ trang thiết bị điều trị bệnh sỏi thận như bệnh viện Chợ Rẫy, Hoàn Mỹ, Bình Dân, hay Việt-Pháp…

Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn thời gian và những thông tin bổ ích bác sĩ dành cho chương trình hôm nay.

Bác sĩ Việt: Xin cảm ơn quý thính giả đã lắng nghe.

Chương trình này chỉ nhằm cung cấp kiến thức tổng quát về sức khoẻ. Cho các vấn đề cụ thể, chi tiết của từng bệnh nhân, xin liên lạc trực tiếp với bác sĩ cuả quí vị để được thăm khám trực tiếp.

Thông tin trên mạng:

- Kidney Stones in Adults

- linePlus: Kidney Stones

- Điều trị và phòng ngừa sỏi tiết niệu