Nữ nghệ sĩ Kim Cương
2006.05.23
Phương Anh, phóng viên đài RFA
Vào ngày 14 tháng 5 vừa qua, trong ngày Hội Ngộ kỷ lục gia Việt Nam được tổ chức ở công viên Đầm Sen ở Sàigòn, nữ nghệ sĩ Kim Cương đã được Trung Tâm Sách Kỷ Lục Việt Nam xác lập kỷ lục là nữ tác giả sáng tác kịch bản sân khấu nhiều nhất Việt Nam. Nhân dịp này, Phương Anh đã liên lạc với nữ nghệ sĩ Kim Cương để gửi đến quí vị những chi tiết lý thú liên quan đến người phụ nữ tài ba này.
Kim Cương tên thật là Nguyễn thị Kim Cương, sinh năm 1937 tại Sàigòn. Cha cô là ông bầu Nguyễn Ngọc Cương và mẹ là bà Bảy Nam. Ngay từ khi còn bé, Kim Cương đã theo cha mẹ lưu diễn trên khắp nẻo đường đất nước. Năm 1948, không may, cha cô qua đời vì bạo bệnh, gánh hát của cha mẹ cô tan rã. Năm 1954, cô trở thành đào chánh của gánh hát Nam Phong của dì cô.
“Kỳ nữ” Kim Cương
Và cũng bắt đầu từ thời gian này trở đi, với tài diễn xuất thật đặc biệt, Kim Cương bắt đầu nổi tiếng. Nhưng cuối thập niên 1950 đến đầu thập niên 1960 thì Kim Cương chuyển hẳn sang ngành kịch nói và phim ảnh, và chính cô tự mình viết các kịch bản Thời bấy giờ, báo chí kịch trường đã gọi cô là “kỳ nữ” Kim Cương. Chúng ta hãy nghe cô kể lại:
“Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 4 đời theo sân khấu, từ bà cố, bà nội, ba má cho tới tôi là 4 đời phụng sự cho sân khấu. Ngoài nghề diễn ra, tôi không biết làm gì hết (cười). Từ năm 1954, 55 tôi đã nổi tiếng bên sân khấu cải lương và được ký giả Nguyễn Ang Ca của báo chí Sàigòn lúc đó, đặt cho biệt hiệu là “Kỳ Nữ”, nhưng đến năm 1960, tôi thấy rằng mình phù hợp với kịch nói nhiều hơn, thích diễn hơn.
Và thực sự phải nói là ca cũng không hay lắm ! (cười) và hơn nữa, tôi thấy rằng bên kịch nói có thể đặt ra những vấn đề xã hội gần gũi hơn, bên cải lương thì có cái hay của cải lương, cái trữ tình của cải lương, nhưng kịch nói thì có thể đi vào mũi nhọn của xã hội được, chính vì thế mà tôi chuyển sang kịch nói và làm phim.
Những năm 60, 61, Sài gòn chưa có kịch nói, chỉ có những buổi phụ diễn cho điện ảnh hay tân nhạc thôi…Hồi đó, đoàn Kim Cương và đoàn Vân Nam là hai đoàn kịch nói đầu tiên diễn kịch dài trên sân khấu. Những vai đầu tiên mà bà con thương nhiều là Lâm Hương Xuân Nương, Áo Người Trinh Nữ, sau đó, khi tôi viết với bút danh là Hoàng Dũng thì mới có Trà Hoa Nữ, Lá Sầu Riêng, Nước Mắt Con Tôi, Tôi Là Mẹ…tới bây giờ thì có khá nhiều, khoảng bẩy, tám chục vở.”
Cả đời một người không thể nào chặt khúc ra được, mỗi một giai đoạn mình có một đóng góp khác…có gia đoạn mình có phương tiện hơn, có giai đoạn mình có sức khoẻ hơn, có giai đoạn không phù hợp cho hoàn cảnh mình làm việc…Nhưng tôi nghĩ rằng đối với thính giả ở Việt Nam hiện nay, tôi cũng có một chỗ đứng nho nhỏ, vì ngoài chuyện đóng góp cho sân khấu mấy chục năm nay, tôi còn hoạt động về công tác xã hội, từ thiện nhiều…hai chuyện đó nó quyện vào nhau, thành một Kim Cương bây giờ.
Thưa quí vị và các bạn, được biết, ngoài tài diễn xuất trên sân khấu, cô cũng là người mở một hướng mới về hoạt động phim ảnh cho giới nghệ sĩ cải lương; vì chính cô đã đề nghị và đóng liên tiếp hai phim cổ tích Việt Nam: An Tiêm- Quả Dưa Đỏ và Phạm Công Cúc Hoa với hang phim Việt Thanh, là hãng phim Việt Nam duy nhất hoạt động vào thập niên 1960.
Sau đó, các nhà làm phim Việt Nam thời bấy giờ chú trọng tìm kiếm các nội dung về xã hội và gần gũi với quần chúng hơn. Và liên tiếp về sau, Kim Cương còn tham gia đóng trên 50 bộ phim cho đến thời điểm tháng 4 năm 1975. Có những ý kiến cho rằng, sự nghiệp của Kim Cương được phát huy mạnh trước năm 1975 mà thôi. Nhưng, theo nghệ sĩ Kim Cương thì:
“Cả đời một người không thể nào chặt khúc ra được, mỗi một giai đoạn mình có một đóng góp khác…có gia đoạn mình có phương tiện hơn, có giai đoạn mình có sức khoẻ hơn, có giai đoạn không phù hợp cho hoàn cảnh mình làm việc…Nhưng tôi nghĩ rằng đối với thính giả ở Việt Nam hiện nay, tôi cũng có một chỗ đứng nho nhỏ, vì ngoài chuyện đóng góp cho sân khấu mấy chục năm nay, tôi còn hoạt động về công tác xã hội, từ thiện nhiều…hai chuyện đó nó quyện vào nhau, thành một Kim Cương bây giờ.”
Quyết định ở lại Việt Nam sau năm 1975
Được biết, vào thời gian trước ngày 30 tháng 4 năm 1975, Kim Cương cùng gia đình có cơ hội để di tản ra nước ngoài một cách dễ dàng, nhưng cô đã quyết định ở lại. Về chuyện này, cô cho biết:
“Thật tình là tôi đã đắn đo lắm, lúc đó thì nhiều tin đồn lắm, đồn tôi là Thượng Tá, chuyện đó không hề có…Sở dĩ tôi chấp nhận ở lại Việt Nam là vì: trước hết là vì gia đình, má tôi đã già, không đi, thứ hai, là tôi thương khán giả của tôi, tôi nghĩ rằng đi ra nước ngoài sẽ có cuộc sống vật chất bảo đảm hơn, nhưng sẽ không có số khán giả nào thương tôi như khán giả ở Việt Nam.
Tôi có học ở Pháp 4 năm, ở nơi này nơi kia, và tôi thấy rằng, tôi không thể nào sống ở nơi khác ngoài Việt Nam, nên tôi đã quyết định ở lại, chứ tôi không phải là Thượng Tá Công An mà tôi ở lại đâu (cười).”
Với tài diễn xuất thật tài tình, lại biết tự mình viết kịch bản, rồi làm đạo diễn cho ban kịch, hầu như mọi người đều cho rằng cô đã được đào tạo trường lớp nào đó thật chuyên nghiệp. Về điểm này, cô nói: “Ai cũng hỏi tôi ra sân khấu hồi nào, tôi biết diễn hồi nào? Tôi trả lời rằng: tôi biết diễn trước khi tôi biết nói. Hồi nhỏ, mới có hơn mười ngày tuổi, gia đình đã cho tôi ra sân khấu trong vai con của Quan Âm Thị Kính, quấn tôi vô trong khăn lông, đạo cụ đầu tiên của tôi là một chai sữa, hễ mà khóc thì nhét vô miệng liền…
Chuyện đó phải thú thật, tôi làm việc cũng nhiều, đóng nhiều vai tuồng, vừa làm con, vừa làm chị, vừa làm trưởng đoàn, vừa làm nghệ sĩ, thậm chí vừa làm mẹ, vừa làm cha nữa, nhưng làm vợ thì tôi làm không được! Tôi ở độc thân như thế gần 20 năm nay…
Nghĩa là từ nhỏ đến lớn tôi đã sống trong không khí sân khấu thì biết diễn hồi nào tôi cũng không biết. Hai người ảnh hưởng tôi nhiều nhất là má tôi, bà Bảy Nam, và má nuôi tôi, đồng thời là dì tôi, bà Năm Phỉ. Từ nhỏ đến lớn, tôi sống với hai má đó, nên từ cách diễn xuất, quan niệm sân khấu, cho đến tất cả tâm hồn tôi, con người tôi, tôi chịu ảnh hưởng hoàn toàn.”
Những vai diễn ấn tượng
Khi được hỏi, trong suốt 50 năm qua, khi nhìn lại vai diễn nào đã để lại trong cô nhiều ấn tượng nhất, nghệ sĩ Kim Cương cho hay:“Đối với một người nghệ sĩ, nếu mình không thích vở nào thì không diễn được. Nhưng đối với tôi, thì có lẽ khán giả thích nhiều là những vở như Lá Sầu Riêng, Dưới Hai Mầu Áo, Trà Hoa Nữ, hay Nước Mắt Con Tôi…Tới bây giờ vẫn được bà con nhắc nhở.”
Thưa quí vị và các bạn, cũng như những phụ nữ khác, ai cũng mong muốn mình có một mái ấm gia đình, thế nhưng, hạnh phúc không mỉm cười với Kim Cương. Tuy thành công trên con đường sự nghiệp, nhưng cô lại gặp những trở ngại trên con đường tình duyên, và đến khi lập gia đình rồi, thì cô cũng lại không được may mắn như những người phụ nữ khác. Cô tâm sự:
“(Cười) Chuyện đó phải thú thật, tôi làm việc cũng nhiều, đóng nhiều vai tuồng, vừa làm con, vừa làm chị, vừa làm trưởng đoàn, vừa làm nghệ sĩ, thậm chí vừa làm mẹ, vừa làm cha nữa, nhưng làm vợ thì tôi làm không được! Tôi ở độc thân như thế gần 20 năm nay…
Có lẽ nhờ vậy mà có thì giờ tập trung cho sân khấu, và công tác từ thiện nhiều hơn. Tôi nghĩ đây là luật bù trừ của trời đất thôi, không thể nào một người làm tròn hai vai được, vừa của sân khấu và xã hội, thì bắt buộc người đàn bà của gia đình thiệt thòi thôi.”
Cái giá phải trả cho vinh quang
Trải qua 50 năm cuộc đời nghệ sĩ, khi nhìn lại cả quãng đời dài của mình với biết bao thăng trầm, giờ đây, ngoài giờ vui hưởng hạnh phúc với gia đình của người con trai duy nhất, Trần Trọng Gia Vinh, cô hăng say hoạt động từ thiện không mệt mỏi. Và, cũng thật bất ngờ khi kỳ nữ Kim Cương bộc lộ:
“Ngày xưa khi tôi bắt đầu lớn lên, má tôi và má nuôi tôi, là những người sáng lập ra sân khấu cải lương miền Nam, ca ra bộ lúc bấy giờ, đã cùng gia đình ngồi lại quyết định không cho Kim Cương theo nghề hát bằng cách bỏ tôi vào trường bà phước, biệt giam tôi mười mấy năm…
Nhưng nếu tôi có con, nhất là con gái, thì chắc chắn tôi cũng không cho theo nghiệp nghệ sĩ bởi vì cái giá vinh quang phải trả rất đắt, nhất là đối với người phụ nữ. Bề trái của mề đay đó nhiều nước mắt lắm, nhiều đắng cay lắm, chứ không suông sẻ, đẹp đẽ như những tràng vỗ tay, những bằng khen.
Cứ tưởng là chấm dứt cái nghiệp nghệ sĩ, nhưng sau khi ra trường, cái nghiệp cũng vẫn theo và tới giờ này, 50 năm qua, thật sự tôi không tiếc, nếu kiếp sau tái sinh lại, thì tôi cũng xin làm nghệ sĩ…Nhưng nếu tôi có con, nhất là con gái, thì chắc chắn tôi cũng không cho theo nghiệp nghệ sĩ bởi vì cái giá vinh quang phải trả rất đắt, nhất là đối với người phụ nữ. Bề trái của mề đay đó nhiều nước mắt lắm, nhiều đắng cay lắm, chứ không suông sẻ, đẹp đẽ như những tràng vỗ tay, những bằng khen…”
Trong mười năm qua, nữ nghệ sĩ Kim Cương không còn xuất hiện trên sân khấu nữa, mà tập trung thời gian vào các việc phúc lợi, làm việc từ thiện. Cô thường xuyên tổ chức các buổi văn nghệ gây quỹ trong công cuộc cứu trợ bão lụt, giúp cho các trẻ em mồ côi, những người tàn tật. Hiện nay, Kim Cương là Phó chủ tịch Hội Bảo Trợ Người Tàn Tật, Trẻ em Khiếm Thị, Trẻ em Mồ Côi ở thành phố Hồ Chí Minh.
Được biết, cô cùng các bạn đang nỗ lực xây dựng một trung tâm dậy nghề cho người tàn tật và các trẻ em mồ côi tại Hóc Môn. Nhận xét về nữ nghệ sĩ Kim Cương, soạn giả lão thành Nguyễn Phương, hiện đang sinh sống tại Canada, người đã từng có thời gian làm việc nhiều năm với Kim Cương nói:
“Kỳ nữ Kim Cương được khán giả thương mến không phải chỉ nhờ ở đức độ trong cuộc sống nghệ thuật và cuộc đời riêng, sống biết thương yêu đồng nghiệp, tôn sư trọng đạo, biết giúp người bần khổ hoạn nạn. Chính cái Tâm vì người quên mình làm cho chữ Tài của Kim Cương thêm sáng tỏ…”
Quí vị vừa nghe những chi tiết lý thú về nữ nghệ sĩ Kim Cương. Trang Phụ Nữ xin dừng nơi đây, hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong chương trình kỳ sau.
Những bài liên quan
- Cha mẹ có nên nói chuyện với con cái về vấn đề tình dục?
- Những phụ nữ Hoa Kỳ trong cuộc chiến Việt Nam
- Lưu xá La Vang cho nữ sinh nghèo ở Việt Nam
- Quấy rối tình dục: Nạn nhân phải tự bảo vệ mình
- Chị Trịnh Thị Mùi, một phụ nữ Việt thành công trong ngành kinh doanh ở Đức (phần 2)
- Chị Trịnh Thị Mùi, một phụ nữ Việt thành công trong ngành kinh doanh ở Đức (phần 1)
- Cô sinh viên Nguyễn Thị Phương Dung, gương mặt trẻ tiêu biểu 2005 của Việt Nam
- Chị Trần Thị Hằng, chuyện cổ tích giữa đời thường
- Quan niệm dạy con ngày nay
- Cuộc thi nhiếp ảnh Tôn Vinh Vẻ Đẹp Người Phụ Nữ Việt Nam
- Vai trò và trách nhiệm của người mẹ đi làm
- Tình trạng buôn bán phụ nữ Việt sang Cambodia lên tới mức báo động
- Chloe Đào, giấc mơ đã thành sự thật
- Hội nghị về phụ nữ do NGO tổ chức tại New York
- THÔNG BÁO
- Bạo lực gia đình, nguyên nhân của nhiều vụ ly hôn tại Việt Nam
- Tấm lòng bác ái của Sơ Mai Thị Mậu
- Ích lợi của việc cho Con bú sữa Mẹ
- Bà Correta Scott King, ý nghĩa của tình yêu
- Thực trạng các thẩm mỹ viện tư nhân hoạt động vượt các quy định cho phép