Lê Dân, phóng viên đài RFA
Từ đầu tháng Bảy, một số bộ luật quan trọng chính thức có hiệu lực. Thế nhưng hai luật rất quan trọng được doanh giới trông đợi, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài, là Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp lại chưa thể áp dụng vì chưa có các nghị định hướng dẫn cách thi hành, trong khi các luật cũ đã hết hiệu lực.

Thực tế đó gây ảnh hưởng thế nào đến việc thu hút đầu tư và làm doanh nghiệp tại Việt Nam.
Một trong những khó khăn lớn nhất đặt ra với những nhà đầu tư nước ngoài là luật pháp của Việt Nam, vốn dĩ chưa quen thuộc với hệ thống pháp luật quốc tế xưa nay, nên hầu như xa lạ đối với những người thường xuyên làm ăn trong môi trường kinh tế toàn cầu.
Nhận định đó không chỉ riêng của doanh gia ngoại quốc, mà còn được các giới chức kinh tế và thương mại của Việt Nam đưa ra khi bàn về vấn đề thu hút đầu tư nước ngoài. "Khó khăn mà tôi cho là lớn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài là sự thông hiểu về luật pháp của Việt Nam."
Nghiên cứu và soạn thảo
Từ vài năm qua, chính phủ Việt Nam đã nhìn thấy sự cần thiết của những bộ luật phù hợp với tinh thần pháp lý quốc tế nên với sự trợ giúp của nhiều quốc gia và tổ chức thế giới, đã tiến hành nghiên cứu để sửa đổi, hoàn chỉnh một số luật lệ, đặc biệt là về doanh nghiệp và đầu tư.
Khó khăn mà tôi cho là lớn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài là sự thông hiểu về luật pháp của Việt Nam.
Thế nhưng nghiên cứu là một chuyện, còn việc soạn thảo lại là việc khác. Từ khi dự thảo luật Doanh nghiệp và luật Đầu tư được chính phủ đưa sang Quốc hội thảo luận thông qua hồi năm ngoái, đã có những ý kiến phản đối và chỉ trích đến từ doanh giới nước ngoài, cụ thể như từ những tổ chức phòng Thương mại Việt-Mỹ, phòng Thương mại Liên minh Châu Âu, phòng Thương mại New Zealand, phòng Thương mại Nhật Bản....tại Hà Nội.
Phần lớn họ đều cho là mục tiêu của những luật mới là thu hút đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thêm nhiều thuận lợi cho giới đầu tư nước ngoài, tuy nhiên các luật mới vẫn chưa thể hiện được ý hướng đó. Lý do có lẽ là những nhà làm luật chưa hấp thụ được tư duy mới, thay cho nếp suy nghĩ cũ theo hướng xã hội chủ nghĩa, lấy doanh nghiệp nhà nước làm cột trụ cho nền kinh tế.
Dù bị phê phán, nhưng rồi hai bộ luật Doanh nghiệp và Đầu tư vẫn được thông qua trong sự hào hứng của nhiều quan chức kinh tế-thương mại địa phương, ngỡ rằng sau khi luật được áp dụng thì doanh nghiệp quốc tế sẽ chen chân, giành nhau vào Việt Nam.
“Mùng 1 tháng Bẩy năm 2006 này, luật Đầu tư và luật Doanh nghiệp được áp dụng thì tất cả các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài cùng chung một sân chơi. Các nhà đầu tư trong nước hình thành doanh nghiệp mình như thế nào, thực hiện dự án như thế nào thì cũng áp dụng với các nhà đầu tư nước ngoài cũng như vậy.”
Lỗ hổng pháp lý
Ngày mùng 1 tháng Bảy đã qua đi, luật cũ hết hiệu lực, luật mới đã có, nhưng chưa thể áp dụng vì các thông tư, nghị định hướng dẫn cách thi hành chưa được ban hành.
Hiện tượng này tạo ra một lỗ hổng lớn về pháp lý trong lãnh vực kinh doanh và đầu tư. Lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài mới đây trong một cuộc trao đổi với báo chí cũng thừa nhận rằng tình hình này tất nhiên sẽ ảnh hưởng tới việc đầu tư, nhưng theo Cục thì ảnh hưởng không lớn.
Lý do là vì các nhà đầu tư đến Việt Nam trước hết vì Việt Nam có môi trường đầu tư hấp dẫn, hệ thống pháp luật cải cách mạnh mẽ. Do vậy theo Cục Đầu tư Nước ngoài thì việc thiếu các nghị định chỉ là yếu tố nhỏ.
Có nhiều điều trong thực tiễn chưa hình dung hết được, thì khi ban hành phát sinh những bất cập. Chính mình là những người ở dưới, thực thi những điều đó, thấy bất cập thì phải có ý kiến, kiến nghị với trung ương xem xét, có quy trình điều chỉnh cho phù hợp.
Thật ra, đây không thể là chuyện nhỏ khi chính phủ mới loan báo hy vọng nghị định hướng dẫn thi hành luật Doanh nghiệp và luật Đầu tư có thể hoàn thành sớm lắm là vào cuối tháng Tám tới.
Vướng mắc lớn nhất bây giờ vẫn là những ưu đãi mà chính phủ đã cam kết lúc trước, giờ đây không còn thích hợp trong bối cảnh Việt Nam sắp tham gia vào sân chơi lớn cùng thế giới, nơi mọi sự đối xử phải được bình đẳng.
Những bất cập
Theo những cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, Việt Nam phải bỏ những ưu đãi xuất khẩu, ưu đãi nội địa hóa...nhưng hiện nay còn hàng trăm doanh nghiệp với hành chục ngàn lao động hưởng các ưu đãi đó thì phải giải quyết làm sao để tránh xáo trộn.
Ngoài ra còn những ưu đãi cam kết khi mời gọi các nhà đầu tư vào những khu chế xuất, khu công nghiệp làm sao điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện mới ?
Một giới chức kinh tế thương mại cấp địa phương bày tỏ về khó khăn hiện nay: "Có nhiều điều trong thực tiễn chưa hình dung hết được, thì khi ban hành phát sinh những bất cập. Chính mình là những người ở dưới, thực thi những điều đó, thấy bất cập thì phải có ý kiến, kiến nghị với trung ương xem xét, có quy trình điều chỉnh cho phù hợp."
Một chuyên viên kinh tế, thành viên ban nghiên cứu của Thủ tướng chính phủ, là bà Phạm Chi Lan, cho rằng các dự thảo nghị định hiện vẫn chưa thể hiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, thủ tục vẫn còn hết sức phức tạp. Việt Nam vẫn muốn thu hút đầu tư bằng cách đặt ra các ưu đãi, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài chỉ cần duy nhất sự minh bạch, nhất quán, để họ biết đường yên tâm làm ăn là đủ.
Nghị định đã qua ít nhất là 15 lần dự thảo với biết bao ý kiến đóng góp của phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, của Hiệp hội Các nhà Đầu tư Tài chính, của Hiệp hội Công thương thành phố Hà Nội.....thế nhưng võ khí mới của Việt Nam thu hút đầu tư và doanh giới nước ngoài sẽ ra sao thì còn phải chờ, sớm lắm là vào cuối tháng Tám tới.