Thanh Trúc, phóng viên đài RFA
Kính chào quí vị, ngày 26 tháng Chín năm 2005, chiếc máy bay đầu tiên do Tổ Chức Di Dân Quốc Tế IOM thuê bao của hãng hàng không ATA, đã cất cánh từ phi trường quốc tế Manila ở Philippines, mang theo 229 người Việt từ Phi sang Mỹ định cư.

229 người này là đợt đầu tới Hoa Kỳ trong số 1.600 người được Mỹ nhận, sau khi đã ở Philippines 16 năm dài mà không giấy tờ tuỳ thân, cũng không được chính phủ bản địa cấp qui chế thường trú chính thức.
Và đây cũng là công lao của một người trẻ Australia gốc Việt, luật sư Trịnh Hội, đã bỏ ra 5 năm để vận động với chính phủ Philippines, với bộ ngoại giao Hoa Kỳ và với một số đại diện dân cử Mỹ, xin cho đồng bào của anh đang sống trong cảnh gạo chợ nước sông quá lâu ở Philippines được tái định cư tại Hoa Kỳ và các quốc gia khác.
Tính từ tháng Chín 2005 đến giờ, Mỹ đã cho phép nhập cảnh và định cư 1500 người trong tổng số gần 2000 thuyền nhân Việt kẹt lại Philippines. Hiện tại còn 60 người đang chờ danh sách máy bay đi Mỹ.
Những trang sách về người Việt tị nạn ở Philippines chưa thể lật qua vào khi còn 140 gia đình tức khoảng 400 người không được vào thủ tục phỏng vấn. Những hộ không may này nằm trong hai diện, nếu là chồng Việt vợ Phi hay chồng Phi vợ Việt thì Hoa Kỳ cho rằng lập gia đình với người bản xứ tất nhiên đã có nơi chốn nương tựa.
Diện thứ hai là những hộ con lai, nghĩa là cha mẹ mua một đứa trẻ lai Mỹ rồi làm giấy tờ giả mạo để xuất ngoại theo người con lai đó. Dưới mắt Hoa Kỳ, những chủ hồ sơ này dứt khoát là bị từ chối vì khai man với chính phủ Mỹ, nhưng đứa con lai thì vẫn được Mỹ nhận.
Nỗ lực cuối cùng
Đầu tháng Ba này, trong nổ lực mới nhất để can thiệp cho trường hợp các hồ sơ bị bác, luật sư Trịnh Hội trở qua Washington DC, tiếp xúc cùng một số viên chức trong bộ ngoại giao Hoa Kỳ.
Dịp này, anh đã đưa một vài người mới từ Philippines qua Mỹ đến gặp dân biểu Chris Smith tại văn phòng của ông ở hạ viện. Ông Chris Smith là người đầu tiên trong số 18 dân biểu ký vào bức thư yêu cầu Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nhận người Việt tị nạn từ Phi qua theo chương trình nhân đạo.
Thanh Trúc đã có mặt tại buổi tiếp xúc này, đã gặp Trịnh Hội, dân biểu Chris Smith, và một số người mới từ Phi qua trong đó có hai anh em một gia đình mà cha mẹ bị từ chối vì ra đi theo diện con lai.
Để hiểu rõ câu chuyện hơn, trước hết mời quý vị nghe lời trình bày của luật sư Trịnh Hội: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Và đây là hai anh em, qua Mỹ ba tháng trước, nhưng trường hợp bố mẹ thì không được cứu xét: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Sau khi nghe những người mới qua trình bày hoàn cảnh gia đình bị phân rẻ như vừa nói, đồng thời giải thích lý do vì sao bố mẹ họ phải khai man giấy tờ và mua con lai như vậy, dân biểu Chris Smith cho biết ông đang tính chuyện đi Philippines trong 6 tháng tới.
Ông nói ông sẽ nhân dịp này đề cập đến trường hợp những người bị từ chối hồ sơ đi Mỹ đối với chính phủ Philippnes, và ông cũng sẽ đi thăm những gia đình không may mắn đó để tìm hiểu thêm.
Vẫn theo lời ông, cuộc gặp gỡ hôm nay nhắc cho ông nhớ là nên chú trọng hơn đến những trường hợp khó khăn đó, bởi trong tư cách một người có một vợ và 4 con, ông không thể tưởng tượng đời sẽ ra sao nếu chẳng may gia đình của ông bị phân tán.
Tin vui
Cũng có một tin vui mà Thanh Trúc mong được chia xẻ với quí vị trong Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi hôm nay.
Đây là những gia đình đang lâm cảnh tuyệt vọng vì hồ sơ xin định cư không được Hoa Kỳ cứu xét. Trong số 26 gia đình đi Na Uy, có 3 hộ là vợ Việt chồng Việt, gần 100 người khác thuộc diện gia đình chồng Phi vợ Việt hay chồng Việt vợ Phi.
Gia đình của anh Hoà và chị Yến, có hai con, đã được chấp thuận đi Mỹ nhưng nay đổi ý qua Na Uy. Nguyên nhân thay đổi là vì hai anh chị có người thân cư trú tại Na Uy. Từ văn phòng trợ giúp người tị nạn của luật sư Trịnh Hội ở Manila, anh Hoà kể cho Thanh Trúc nghe là hiện vợ chồng anh đang được nhân viên tổ chức Di Dân Quốc Tế IOM hướng dẫn thường thức về cuộc sống ở nơi anh chị sắp qua định cư là Na Uy. Được hỏi về chính sách trợ cấp của Na Uy đối với người từ Philippines qua, anh Hoà trả lời: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Thưa quí vị, vậy thì tính ra vẫn còn 292 người không được rời Philippines để đi một quốc gia thứ ba. Theo luật sư Trịnh Hội, họ là những người đau khổ nhất trước tương lai mịt mù trong một đất nước mà họ không có quyền công dân, không được pháp luật nước đó bảo vệ. Đó là lý do khiến Trịnh Hội nói anh phải cố gắng thêm một lần sau cùng.
Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi tới đây tạm kết thúc. Thanh Trúc kính chào và xin hẹn quí vị kỳ tới.