Bài thuyết trình của Tiến sĩ Lê Đăng Doanh trước Bộ Chính Trị (phần 2)


2005.03.12

Dưới đây là nguyên văn bài phát biểu dài 32 trang cuả Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, trong một cuộc họp kín của các thành viên Bộ Chính Trị hôm 2-11-2005, nhằm chuẩn bị cho Đại Hội lần thứ 10 của đảng CSVN. Ông Doanh nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế Trung Ương, một chuyên gia kinh tế hàng đầu của CSVN, từng giữ vai trò cố vấn cho nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam như các ông Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Nguyễn Duy Trinh... *** (tiếp theo)

Bây giờ mình làm phải làm sao?

Một nền kinh tế thị trường có quá nhiều độc quyền. Và như chúng ta đã thấy, nguyên ở trong năm nay, chưa bao giờ các bệnh tật (…) các tổng công ty độc quyền của chúng ta nó bộc lộ rầm rộ như vậy. Và tôi cũng xin nói thực, các đồng chí còn biết rõ hơn tôi, lả chuyện tảng băng nổi trên mặt nước thôi, chứ còn tìm ra ở dưới thì nó còn nhiều chuyện phong phú lắm. Và với mức độ tham nhũng như thế này thì chúng ta không cạnh tranh được. Không cạnh tranh được cả về thu hút đầu tư, cả về chi phí. Bởi vì chi phí để vận chuyển một công ten nơ, để vận chuyển một quả nhãn, vận chuyển một con cá từ trong Nam ra ngoài Bắc đi đến Trung Quốc và đến các nơi quá lớn.

Cho nên tình hình, xin báo cáo với các đồng chí là bối cảnh quốc tế đã thay đổi. Chúng ta không chỉ có thể tự đánh giá chúng ta bằng cách so sánh chúng ta với quá khứ và cứ bảo chúng ta như thế là hay rồi. Thì đồng ý, tôi đồng ý rằng chúng ta hơn so với trước rất nhiều. Còn chúng ta phải so sánh chúng ta với lại những thằng khác chứ. Chúng ta đang chạy đua với nó cơ mà. Vả lại mọi người không đánh giá chúng ta trên cơ sở so sánh chúng ta với quá khứ mà lấy cái thực tại của chúng ta và chúng ta phải học tập xem rằng đáng lên mặt chưa. Thế thì chúng ta phải chấp nhận và Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cái dân tộc này phải chấp nhận phải chịu trách nhiệm và phải đặt cho mình cái sứ mạng đưa dân tộc này, xây dựng hệ thống chính trị cho nó phát triển để đi lên, có năng lực cạnh tranh được.

Về tư duy và mô hình phát triển, cho đến nay là có chuyển biến rồi nhưng đang có hai chiều hướng, và có một chiều hướng là vẫn nhấn mạnh kinh tế tự lực tự cường, vẫn nhấn mạnh là Việt Nam phải tự làm ô tô rồi tiến tới cả xe tăng, rồi tiến tới là đại bác, rồi thì đóng tàu thủy, tiến tới làm tàu chiến và vân vân.

Xin báo cáo với các anh các chị, các tiết mục xe tăng tàu chiến bây giờ mua trên thị trường thế giới nhiều lắm, nó có gì đâu mà, ông có tiền ông mua máy bay cũng được. Đấy tôi xin báo cáo các anh các chị là tại sao thằng Nhật Bản nó không làm máy bay? Không phải là công nghiệp của nó không làm được máy bay đâu.

Mà bởi vì là nó làm cái máy ảnh kỹ thuật số nó lãi nhiều hơn. Chứ máy bay không có nhôm, không có thứ này khác, nó làm làm gì. Chứ không phải thằng Nhật Bản là thằng ngu, thằng khờ, đến mức nó không làm được máy bay. Nó làm được khối, nó làm được máy bay chiến đấu của nó khá ra phết chứ không phải là ít đâu. Thế nhưng mà những gì mà nó cho rằng không cạnh tranh được thì không làm, làm cái khác, thế thôi.

Thế bây giờ nước mình bé bằng ngần này tài nguyên bằng ngần này, mình phải lựa chọn cái gì thông minh nhất chứ lại, bây giờ cái gì mình cũng đứng ra làm, thế thì không thể được. Tôi cũng xem báo cáo rằng đằng sau những cái này là những cái lợi ích tư lợi là rất rõ ràng.

Quốc doanh là nền tảng?

Các anh các chị cứ thấy trên tivi độ hai ba ngày lại thấy có trịnh trọng mấy ông com lê, cravat, trên ngực có cài bông hoa rất đẹp, rồi máy điều hoà khí hậu chạy, rồi thì ký vốn cho vay gì đấy 1.500 tỷ các thứ này khác. Thế thì tôi cũng bảo giá mà tao làm món này thì tao cũng... *. Chứ không phải là ký để cho ông bà nông dân vay được một triệu, vay 5 triệu, hay là tư nhân vay được 100 triệu. Tôi xin báo cáo là nông dân trồng cây, trồng con ít nhất cũng phải 2 năm chứ.

Làm gì có quy luật sinh học gì 6 tháng từ con bê ra thành con bò. Thế nhưng mà ông có cho người ta vay đúng chu kỳ sinh học đâu. Ông cho vay chu kỳ là một năm. Từ khi ông ấy cho người ta vay đến, khi trả lãi là 8 tháng. Trong khi mấy đứa ngồi mà ký cái giấy đấy á, thì ân hạn là 0 năm, thời hạn hoàn vốn là 30 năm. Lúc bấy giờ em hạ cánh an toàn từ lâu rồi. Mà tôi cũng xin báo cáo với Ban Tổ chức Trung ương, là ở cái nước Việt Nam này, có ai vay được 100 triệu đồng mà không phải đút lót không? Thử hỏi Ban Tài chính Quản trị xem. Bố không lì xì à? Lì xì quá đi chứ lại, đúng không? Mặc dù là ông lợi thế, thế của ông là "thượng phương bảo kiếm" rồi, còn gì nữa.

Tôi kể một câu chuyện rất thật. Một hôm có một tay doanh nghiệp nó đến gặp tôi, bảo bây giờ em mới hiểu ra. Tôi hỏi cậu hiểu cái gì? Bảo rằng em cũng ngồi trong hội đồng quản trị của một ngân hàng cổ phần, em có nhu cầu, em phải vay 2 tỷ, thằng hội đồng quản trị đồng ý rồi. Thế là đến vỗ vai thằng tổng giám đốc bảo mày ký cho tao nhé, nó bảo ừ. Xong rồi còn gì nữa? Xong rồi vẫn ngày mai.

Ủng hộ Việt Nam là ủng hộ về mặt chính trị, về mặt tinh thần, về mặt đạo lý, còn về lợi ích thương mại thì Trung Quốc không nhân nhượng một xu, Việt Nam phải trả giá thì mới được.

Ngày mai rồi lại ngày mai nữa. Bởi vì nó luôn luôn là ngày mai, chứ không phải là hôm nay. Thế rồi sau đó thằng này thấy hạn hết đến nơi rồi, thế thì lúc ấy có thằng đến rỉ tai mày không làm thủ tục kia thì có đến mùng thất, có phải mày ngồi ở tổng quản trị là mày oách đâu. Thế là thằng này cũng phải mang đến sấp tiền cho thằng kia nó mới ký cho.

Đấy là cùng hội đồng quản trị với nhau đấy chứ, không phải đơn giản đâu. Chừng nào mà trong xã hội nó còn khan hiếm, thì cái chênh lệch cung cầu ấy nó bị trả bằng một cái giá trên. Chứ còn bằng một thị trường mà nó tràn đầy, cung vượt cầu thì bây giờ nó mới khỏi cái chuyện đó. Thế thì những việc đó cần phải có một sự xem xét rất là nghiêm túc.

Một việc nữa tức là chúng ta nói quốc doanh là nền tảng. Có nên nói thế không? Nền tảng là cái gì, chủ đạo là cái gì? Trung Quốc nó nói thế nào? Và báo cáo các anh các chị là các doanh nghiệp nhà nước ta chiếm phần lớn tài nguyên, thiên nhiên, hầm mỏ, mặt nước rồi thì tài sản, tri thức. Nhưng chỉ tạo ra 5% chỗ lao động.

Thế đất nước này muốn phát triển lên thì lúc bấy giờ thất nghiệp hết à. Bây giờ bỏ tiền ra làm nhà máy xi măng. Báo cáo với các anh các chị là thằng Nhật Bản nó làm cái nhà máy xi măng Nghi Sơn đấy, 2,4 triệu. Nó nói với tôi là biên chế của chúng tôi theo đúng Nhật Bản là 80 người, bây giờ các ông đến ép tôi quá, tôi cố gắng đưa lên đến 120 người, các ông ép tôi nữa.

Mà nó bảo là các anh cứ bảo đấy là người địa phương, có phải đâu, toàn quan chức cả, con ông bí thư này, con ông giám đốc sở kia này khác đến nói với tôi hết, bảo tôi phải nhận, thế thì tôi nhận cho các vị. Nhưng mà một cái nhà máy xi măng của mình 1,2 triệu, thiết kế 8-900 người, thế làm sao có thể là cạnh tranh được. Cái chỗ đó không phải là tôi và tại anh em nhà máy ấy, mà tội vạ tại một cơ chế chung, về trách nhiệm như thế nào, về động lực như thế nào? Đấy là một việc.

Liệu cuối năm 2005 có vào WTO ?

Bây giờ một việc nữa. Hội nhập như vậy rõ ràng là không được. Hội nhập là chậm. Năm 2005 liệu cuối năm có vào WTO được không. Cho đến hôm nay tôi vẫn chưa thấy gì về cái việc đàm phán Việt Nam - Hoa Kỳ là xong. Mà tôi xin báo cáo là đàm phán Việt Nam - Trung Quốc là còn chưa nữa. Tôi đã nói chuyện với thằng Long Chong Du, Thứ trưởng Bộ Ngoại thương, trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc.

Thằng ấy là thằng nói tiếng Anh rất hay và đi sang làm nhân viên Liên Hợp Quốc từ rất sớm, xong rồi nó móc về để làm. Tôi hỏi sao chúng mày đưa tao cái đơn đặt hàng khó thế mày. Mày bảo mày ủng hộ tao. Nó bảo ừ, ủng hộ mày là ủng hộ về mặt chính trị, về mặt tinh thần, về mặt đạo lý, còn về lợi ích thương mại thì tao không nhân nhượng mày một xu, mày đừng tưởng, mày phải trả giá thì mày mới được. Thằng nào trả chậm thằng ấy càng chết.

Bây giờ vào WTO cũng như vào Đảng CSVN thôi, chi bộ giơ tay biểu quyết hết. Có một thằng ngang nó không biểu quyết thế là ông chết! Thế bây giờ là mình phải xin cả thằng Campuchia. Campuchia thì không có gì để mà mặc cả lắm. Nhưng mà thằng Nhật, thằng Trung Quốc, thằng Hoa Kỳ, thì làm sao? Hôm vừa rồi đàm phán ở Hà Nội với EU, mình cũng coi như thuốc thang dầy đủ lắm chúng nó mới ký cho đấy. Không có nó bảo chưa chắc chúng tôi đã ký cho ông đâu.

Đơn giản có một chuyện mà mình đòi nó mãi là sau khi vào WTO sang năm mày vẫn cứ cho tao quota đàng hoàng. Tức là đừng có cho mấy thằng khác, thị trường dệt may của mày cứ tràn ngập, cứ cho tao một chế độ tương đương như bọn nó. Thế nhưng mà nó có nhận cho đâu. Nó bảo mày còn phải thêm cho tao cái gì. Bởi vì thương mại là quyền lợi hai chiều. Ông thò chân giò, bà thò chai rượu, ông không thò chân giò thì em giấu chai rượu đi, có thế thôi.

Bây giờ vào WTO cũng như vào Đảng CSVN thôi, chi bộ giơ tay biểu quyết hết. Có một thằng ngang nó không biểu quyết thế là ông chết! Thế bây giờ là mình phải xin cả thằng Campuchia.

Tình hình nó là như thế. Tức là nó đòi hỏi một cách rất là cấp bách là nước Việt Nam phải mạnh lên. Mạnh lên không phải về quy mô, mạnh lên về trí tuệ, về bản lĩnh, về đường hướng, về toàn bộ bằng các tổng lực nền kinh tế. Về các cái khác thì tôi không nói, tôi chỉ có một hình ảnh để nói thêm thôi. Chúng ta nói xuất khẩu.

Thế thì cơ cấu xuất khẩu của chúng ta hiện nay như thế nào? Và với cơ cấu xuất khẩu này thì liệu chúng ta có tiếp tục được mãi như thế này không. 27% xuất khẩu là dầu thô, thủy sản là 16%, tất cả nông lâm sản toàn là thô hết. Về chế biến thì có gì có dệt may, có da giày và năm nay có ông đồ gỗ. Xin báo cáo là đồ gỗ ta cũng gặp thời, bởi vì thằng Trung Quốc vào Mỹ ghê quá, Mỹ nó đánh thuế 15%/ Thế là trong thời mở cửa đổ xô sang mua đồ gỗ của Việt Nam. Thế tức là trong kinh tế thị trường này thì nỗi buồn của thằng này có thể là niềm vui của thằng khác.

Các anh các chị thấy là trong vòng 20 năm vừa qua, cơ cấu xuất khẩu của nước Việt Nam thay đổi chậm quá. Chúng ta tăng xuất khẩu lên bằng cái gì, chúng ta móc tài nguyên chúng ta thêm hàng thô, chúng ta bán than thô, bán thủy sản, rồi thì cà phê, thô cả. Bấy giờ thử hỏi cà phê anh làm được cà phê hòa tan, giá trị của anh lên mấy chục lần không. Gạo anh đừng có làm anh thành mỳ, thành miến, anh làm thành bánh, cái này khác thì giá trị nó có lên không.

Đấy còn chưa kể ông đừng có bán quặng không thôi. Rồi các thứ này khác nữa. Với cơ cấu như thế này mà anh không có phát triển về dịch vụ thì làm sao anh có thể lên được. Dịch vụ là gì? Bây giờ anh bán phần mềm, anh bán các sản phẩm về văn hóa, phẩm anh đưa ra thì lúc bấy giờ mới phát triển được chứ. Thế là trong lối này không thấy có ông dịch vụ, du lịch đâu hết cả. Cái đó có thể là thống kê chưa đầy đủ, nhưng phải thừa nhận cái đó của chúng ta là thấp. Và chúng ta là một đất nước, như lúc đầu tôi đã chủ ý nói là diện tích, dân số để thấy chúng ta như thế nào thì anh sẽ thu hồi vốn lớn.

Kinh tế thị trường

Thế chúng ta thấy ngay rằng kinh tế thị trường, cái ưu việt của kinh tế thị trường là gì ở chỗ tiền vốn được tự động điều tiết vào những nơi nào có năng lực nhất. Mà phá sản là gì, phá sản là sự cản phá sáng tạo. Cản phá sáng tạo là bởi vì bộ máy phá sản không bị lấy đi, không bị tiêu đi, không bị biến mất, mà nó vẫn còn đấy, chỉ có ông chủ là thay thôi. Còn sẽ có ông chủ khác lấy cái máy móc này, nó thuê người lao động này, nó làm ra sản phẩm còn hơn ông chủ trước.

Đấy là một điều hết sức là quan trọng. Tức là cuộc đời mọi người đều phải phấn đấu. Anh phấn đấu, anh phát tài, anh phát triển lên lúc bấy giờ anh sẽ được. Và quá trình sàng lọc đó, đào thải diễn ra theo nguyên tắc thử và sai và hiệu quả. Tức là anh học của thằng bên cạnh, thấy nó mở hiệu phở, anh mở hiệu phở, đắt quá, thế thì mình đừng mở hiệu phở nữa, mình mở miến lươn.

Thằng kia nó làm món này mình phải làm món khác. Như vậy tức là xã hội nó vô cùng phong phú và nó cứ tiếp tục nó phát triển lên. Thế nhưng nếu mà thấy rằng nhiều phở quá, giá nó bắt đầu rẻ thì lúc bấy giờ phải nghĩ đến món gì khác. Tiêu chuẩn của nó là hiệu quả.

trong một xã hội không có minh bạch về thông tin thì những người làm ăn lương thiện chết hết, vì sẽ bị những thằng lừa đảo cướp hết khách hàng. Người bán đồ rởm thì sẽ lãi, người bán đồ thật sẽ không thể sống được. Thế tức là nguy cơ rất lớn.

Thứ ba nữa là, mọi quan hệ trong xã hội được tiến hành thông qua hợp đồng. Bởi vì mọi người là chủ thể, mọi người tự quyết định nên quan hệ giữa mọi người phải thông qua hợp đồng. Xã hội là một xã hội được ràng buộc bằng hợp đồng. Bây giờ ta mới hiểu được tại sao người ta lại nói đến hợp đồng xã hội, khế ước xã hội, bởi vì mọi quan hệ đều được quan hệ đều được xử lý bằng hợp đồng, và phải có một cơ quan tài phán không thiên vị để tuân thủ pháp luật.

Nếu không có mà chưa thực hiện trong hợp đồng, anh không làm tròn nhiệm vụ của anh, anh đi anh nợ người khác, thế thì anh phải ra tòa để phán xét. Chứ đấy là chiếm đoạt tài sản công dân, thì lúc bấy giờ rất là nguy hiểm. Giá cả phải phản ánh quan hệ cung cầu, giá cả là thông tin quan trọng trong kinh tế thị trường hiện đại.

Thông tin là vô cùng quan trọng. Ông Stiglitz sang đây ấy, ông ấy được giải thưởng Nobel, công trình của ông ấy (là) về kinh tế học thông tin, ông đã tìm ra khái niệm bất đối xứng về thông tin. Mà ví dụ đầu tiên là ví dụ nghiên cứu về ông bán chanh. Ông bán chanh thì biết quả chanh nào ít nước, quả chanh nào nhiều nước. Thì ông bán chanh lương thiện thì sẽ chọn chanh loại 1 tôi bán chừng này, chanh loại 3 tôi bán chừng này. Nhưng mà ông bán chanh không lương thiện thì cho lẫn chanh loại 3 với chanh loại 1, ông bán với một cái giá thấp hơn chanh loại 1 một tí nhưng mà có lãi hơn thằng bán chanh loại 1.

Nghĩa là, trong một xã hội không có minh bạch về thông tin thì những người làm ăn lương thiện chết hết, vì sẽ bị những thằng lừa đảo cướp hết khách hàng. Người bán đồ rởm thì sẽ lãi, người bán đồ thật sẽ không thể sống được. Thế tức là nguy cơ rất lớn.

Và một nguyên tắc nữa là nguyên tắc sòng phẳng. Tức là nguyên tắc phải có ngang giá. Cái này tôi thấy cần phải minh oan cho cái khái niệm thương mại hóa. Thương mại hóa không có gì là xấu cả, chỉ có điều là anh bán cái gì thôi. Chứ còn nguyên tắc ngang giá có nghĩa là không có bao cấp, anh có làm thì mới có ăn, không làm thì không có ăn và được bảo hộ được quyền tự do cá nhân, quyền sở hữu hợp pháp về tài sản.

Một mệnh đề quan trọng nhất là tất cả những nước nào không có pháp luật rõ ràng thì những nước đó vĩnh viễn nghèo. Bởi vì pháp luật tài sản không rõ ràng thì sẽ bị lạm dụng. Phải có người chủ sở hữu thì người chủ sở hữu nó mới đem biến tài sản đó thành tư bản, mới đem đầu tư.

Bạn nghĩ gì về sự kiện này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

Thí dụ như anh có chủ miếng đất. Anh mới lấy miếng đất đó anh thế chấp với ngân hàng anh mới đầu tư được. Bây giờ anh bảo một ông chủ sở hữu trời ơi đất hỡi, ông bảo ông là chủ rừng, nhưng ông không làm gì được cả, nên ông chỉ có lạm dụng thôi. Làm gì có ông chủ sở hữu nào tự chặt rừng của mình.

Tức là vấn đề chủ sở hữu có vấn đề. Và nhà nước phải là nhà nước pháp quyền, nhà nước hoạt động theo pháp luật và chỉ theo pháp luật thôi và phải am hiểu thị trường, thân thiện với thị trường, trong sạch và quan tâm đến hiệu quả kinh tế. Ông Chirac đi sang Việt Nam cũng bán máy bay và ông đi sang Trung Quốc cũng bán máy bay; và tổng thống Mỹ đi đâu cũng bán máy bay ông thủ tướng Ôn Gia Bảo, ông Hồ Cẩm Đào đi đâu cũng mua dầu lửa. Nhà nước làm như thế. Nhưng không có nghĩa là tự ông ấy đứng ra làm, mà ông mở đường, ông ký hiệp định cho mọi người cùng làm. Vậy ưu điểm của kinh tế thị trường là phát huy được tiềm năng sáng tạo của người dân.

Thứ nữa là các sai lầm trong xã hội được phát triển rất nhanh vì có nhiều người làm. Thằng nào làm sai thì thằng kia nó học. Chứ nó không còn chờ đến thủ tướng kết luận. Mà nó thấy là thằng kia nó lỗ rồi thì thôi, tao nhảy ra tao làm cái khác. Tức là quá trình học trong xã hội diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Và nó rút ra kết luận ngay lập tức, rất nhanh chóng khác hẳn với kinh tế, kế hoạch hóa tập trung.

Thứ ba nữa là cơ chế cạnh tranh dẫn tới sự phân phối nguồn lực một cách rất công bằng. Khuyết tật của kinh tế thị trường là do thông tin hàng giả, hàng nhái, đầu tư méo mó. Lợi nhuận là một phạm trù cực kỳ ích kỷ, không có lợi nhuận của toàn dân tộc, không có lợi nhuận của cả nhân loại đâu. Chỉ có lợi ích của dân tộc, lợi ích của nhân loại thôi. Lợi nhuận chỉ là lợi nhuận của một công ty nào đó của Ban Tài chính quản trị thôi chứ làm gì có lợi nhuận chung của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thế thì, lợi nhuận là một phạm trù ích kỷ, nó không quan tâm đến lợi ích lâu dài, không quan tâm đến ô nhiễm môi trường. Cho nên, phải có những tiêu chuẩn, những tiêu chí, những thước đo để khắc phục tính ích kỷ, thiển cận này. Những người bị thiệt thòi, tàn tật, tai nạn thì anh Trần Đình Hoan khi còn làm Bộ trưởng Bộ Lao động rất quan tâm đến những người thiệt thòi đấy.

Và... không có bàn tay của nhà nước thì khoảng cách giàu nghèo ngày càng rộng, nếu không giải quyết được thì nền kinh tế thị trường tự nó sẽ dẫn tới những khủng hoảng, bế tắc. Cho nên, rất cần bộ máy của nhà nước.

Nhà nước phải làm gì?

Chỉ có lợi ích của dân tộc, lợi ích của nhân loại thôi. Lợi nhuận chỉ là lợi nhuận của một công ty nào đó của Ban Tài chính quản trị thôi chứ làm gì có lợi nhuận chung của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thế thì nhà nước phải làm gì? Nhà nước phải xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp luật. Và phải áp dụng công bằng, không ai được đứng ngoài pháp luật và đứng trên pháp luật. Và phải bảo hộ quyền sở hữu tài sản, phải tổ chức xây dựng các dịch vụ cung ứng hàng hóa đến tạo cơ hội đồng đều cho mọi người. Phải thực hiện cạnh tranh và xóa bỏ độc quyền. Và điều rất quan trọng là phải điều tiết thu nhập. Điều tiết thu nhập để cho những người như trẻ con chưa kiếm được tiền thì có cơ hội đi học, người già không kiếm được tiền nữa, lúc bấy giờ bệnh tật nhiều bởi vì già mà càng về già càng lắm bệnh tật, lúc bấy giờ kinh phí càng cao lên. Lúc bấy giờ thì vai trò của bảo hiểm sẽ quan trọng hơn.

Một nguyên lý là quyền lực phải được giám sát. Quyền lực tuyệt đối dẫn đến tham nhũng tuyệt đối. Đấy là mệnh đề mà ông Jean Jacques Rousseau đã nêu lên rồi. Thế thì nhà nước có khuyết tật không? Nhà nước cũng có khuyết tật. Nếu như không có sự cải cách, sự khống chế, thì nhà nước luôn luôn muốn phình to ra. Hiện nay loài người chưa tìm được liều thuốc để làm cho nhà nước miễn dịch được với quan liêu tham nhũng, lạm dụng chức quyền.

Chỉ có một điều phòng ngừa là công khai minh bạch, giám sát chế ngự quyền lực. Nếu như anh làm không được thì tôi sẽ thay anh khác. Thế thôi. Chứ nếu còn để ông nhà nước thì ông ta sẽ ôm đồm, nay ông có cục thì ngày mai ông ta sinh thêm hai, ba chi cục, ngày kia ông lên tổng cục vv. Nhà nước của chúng ta bao nhiêu cục, bao nhiêu tổng cục, từ tổng cục ông ấy có chi nhánh khắp nơi rồi ông ấy lại sinh thêm văn phòng ở nước ngoài. Nhiều sáng kiến lắm.

Cứ ngồi nghe ông ấy nói thì lý sự gì ông ta cũng đúng hết đấy. Cho nên nhà nước có xu hướng phình to, đó là một xu thế. (…) Nếu như quan liêu tham nhũng mà kết hợp với những khuyết tật của kinh tế thị trường thì có thể dẫn đến những căn bệnh rất nghiêm trọng như là mafia. Như vậy tức là bộ máy nhà nước của chúng ta trong kinh tế thị trường phải khác rất nhiều so với bộ máy nhà nước của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung.

Hội nhập

Bây giờ tôi xin nêu điểm cuối cùng là hội nhập, sau đó tôi sẽ nêu vấn đề mà các anh có nói trong đề cương. Về cấp độ hội nhập thì chúng ta thấy, việc sơ đẳng nhất là ký hợp đồng thương mại ưu đãi giữa hai nước như ta với ông Lào là tôi có thủy sản, mực khô thì ông bán cho tôi xe máy. Thế rồi nó lạm dụng đến mức là mỗi người dân Lào mỗi ngày tính ra phải ăn đến mười mấy ký mực khô, mấy ký tỏi. Dĩ nhiên là không có chuyện đó, đó là nó lấy tiền để nó buôn lậu xe máy thôi.

Một thể chế chính trị trong khung cảnh hội nhập kinh tế phải hướng tới các giá trị chung, các quy luật chung. Chứ anh không thể nào tiếp tục cứ bảo hội nhập, nhưng quy trình hải quan anh là khác, thuế anh làm khác, mọi thứ anh làm khác.

Chưa đủ thì nó lập khu vực thương mại tự do. Khu vực thương mại tự do sẽ loại bỏ thuế quan chung. Trong đó sẽ lập ra một mục ông bỏ thuế quan gì, tôi bỏ thuế quan gì. Nhưng nếu một thằng trong đó lại ký hiệp định bên ngoài với một thằng thứ ba, rồi thằng bên ngoài thứ ba lại cho hàng hóa nước ấy chạy đi khắp khu vực này.

Giống như thằng Singapore, mình cho thằng Coca Cola vào đầu tư với cách là công ty Singapore, hồi mình chưa bình thường hóa quan hệ, năm 92 nó đã vào đây rồi. Mình biết thừa Coca Cola là của Mỹ, nhưng nó lấy danh nghĩa là như thế. Đến một bước nữa là liên minh thuế quan, tức là thuế quan chung đối với người trong khu vực, còn anh không được tùy tiện ký hiệp định với nước ngoài, mà thái độ thuế quan đối với nước ngoài phải được hành động chung.

Xong rồi đến thị trường chung nghĩa là đến một mức nữa là dịch chuyển lao động tự do, tiền vốn tự do. Tức là trong khu vực thị trường tự do đó, thì lao động muốn đi làm chỗ nào thì làm, tiền vốn muốn đầu tư cái gì thì đầu tư. Đến liên minh kinh tế thì chúng ta thấy có chính sách kinh tế chung, có đồng tiền chung như liên minh châu Âu.

Như vậy là đồng tiền chung thì không phải đổi tiền nữa, chính sách thương mại chung thì anh không thể tùy tiện bội chi ngân sách nữa. Nghĩa là tất cả thứ đó anh bị ràng buộc và sẽ tiến tới hình thành một thế giới đại đồng như Liên minh Châu Âu, có Quốc hội chung, nó sẽ dự kiến thành một Liên bang châu Âu hay Hợp chủng quốc châu Âu; rồi thì nó có chính phủ châu Âu, có chính sách chung.

Thế thì, một thể chế chính trị trong khung cảnh hội nhập kinh tế phải hướng tới các giá trị chung, các quy luật chung. Chứ anh không thể nào tiếp tục cứ bảo hội nhập, nhưng quy trình hải quan anh là khác, thuế anh làm khác, mọi thứ anh làm khác. Nghĩa là nó đã “kẹp chì” rồi thì anh không giám sát nữa, anh đã “kẹp chì” rồi thì nó không phải kiểm tra nữa. Chứ còn ông hải quan cứ mở tung hết tất cả ra để kiểm tra, kể cả kiện bông ông cũng tháo tung ra hết để kiểm tra, thế thì chết rồi.

Thế rồi đi thì nó bảo là chèn bốn thước hai, thì bốn thước hai anh phải cho nó đi chứ. Đằng này anh không nói không được, phải dỡ ra. Như thế là không được. Như vậy, tôi muốn tóm lại phần mào đầu hơi dài của tôi, rằng là, chúng ta đang đứng trước những cơ hội và thách thức rất là lớn. Môi trường trong và ngoài nước cũng rất khác.

Chênh lệch giàu nghèo

Chúng ta đã tiến rất nhanh, đã vượt lên trước rất nhiều, nhưng cho đến nay chúng ta vẫn là một nước nghèo, tốc độ phát triển chung của chúng ta vẫn chậm, pháp luật của chúng ta vẫn chưa rõ ràng. Chúng ta nhận là chúng ta có định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng bất công trong xã hội hiện nay cực kỳ lớn. Cực kỳ lớn bởi vì nguồn thu của ngân sách là toàn thuế gián thu cả, 24% là thu từ bán dầu lửa, 22% là thuế nhập khẩu; sắp tới ông giảm thuế rồi thì ông thu bằng cái gì. Trong khi đó, các nước trên thế giới có 40% là thuế bất động sản, 40% là thuế thu nhập; còn lại 20% là các thứ khác. Chứ đằng này, ông không điều tiết được chút nào cả. Thuế thu nhập của Việt Nam đóng được 2% vào tổng thu ngân sách trong đó phần lớn là tiền người nước ngoài ở Việt Nam và người Việt Nam làm việc cho nước ngoài.

Chúng ta nhận là chúng ta có định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng bất công trong xã hội hiện nay cực kỳ lớn. ...Hiện nay, ở Hà Nội mức chênh lệch giàu nghèo là khủng khiếp luôn. Chỗ nhà tù Hỏa Lò cũ, nó có một nhà trẻ quốc tế, giá là 2.800 đô la một tháng.

Chênh lệch giàu nghèo đấy là mới được đo bằng tiêu dùng, chứ hiện nay chưa biết được chênh lệch về tài sản là bao nhiêu. Gần đây có một tổ chức quốc tế có hỏi tôi, lúc bấy giờ tôi có làm cố vấn để điều tra về vấn đề chênh lệch giàu nghèo, về tiêu dùng và về tài sản như thế nào? Thế thì bây giờ lấy cái gì để đo chênh lệch giàu nghèo về tài sản trong một đất nước mà không có khai báo mọi việc đều là bằng tiền mặt và không có công khai minh bạch. Cho nên, nếu chúng ta không có một bước tiến trong chuyện công khai, minh bạch thì nguy cơ lớn lắm.

Tôi thấy nói về nguy cơ ta mới chỉ nói tới những méo mó hay mặt trái của kinh tế thị trường. Theo tôi, nguy cơ quan liêu, tham nhũng, bộ máy nhà nước bất lực không thu được của anh giàu ví như những anh giàu bất chính bằng cách đầu tư đất đai. Xin báo là nguồn tiền tiết kiệm trên địa bàn Hà Nội một năm là: 144 nghìn tỷ đồng, tiết kiệm ở TP. Hồ Chí Minh chỉ 7 nghìn tỷ đồng.

Thế mà kinh tế Hà Nội chỉ bằng một phần tư kinh tế TP. Hồ Chí Minh, chưa kể TP. Hồ Chí Minh một năm kiều hối gửi về 1, 2 tỷ đô la. Thế thử hỏi ông Hà Nội làm sao mà lãi nhiều tiền tiết kiệm thế. Chính vì thế, ông không có cách gì đứng ra kinh doanh, ông chỉ đi mua đất cát, đẩy giá bất động sản lên làm cho giá đất như ở Hàng Gai lên đến 4 nghìn đôla một mét vuông, cao nhất thế giới, cao hơn cả Tôkyô.

Nến như chúng ta không làm được điều tiết định hướng xã hội chủ nghĩa, mọi người đều kinh doanh, anh nào có lãi anh chia sẻ, đóng góp cho xã hội; xã hội ngày càng phát triển thì rất nguy.

Người không đáng hoan nghênh một tý nào là ông tham nhũng, là ông lạm quyền, là ông đi chiếm đất mà không đóng thuế, bóp méo thị trường bằng cách ông nâng giá lên. Hiện nay chúng ta đang đứng trước một thách thức rất lớn là chúng ta có trở thành Nhà nước pháp quyền được không, có trở thành một Nhà nước mà pháp luật có hiệu lực không, chúng ta có điều tiết được không.

Nếu không, tôi thấy nước Việt Nam đang đứng trước ngã ba đường. Đại hội X đang đứng trước ngã ba đường. Nếu tiếp tục đi con đường này thì những mâu thuẫn và thách thức nội bộ ở nước Việt Nam sẽ rất lớn. Thách thức và cơ hội trên thế giới có thể giải quyết được nên Việt Nam mạnh, phát huy được nội lực lên, phát huy được trí tuệ lên.

Hai loại đảng viên

Hiện nay trong Đảng có hai loại đảng viên. Một loại đảng viên có chức có quyền và một đảng viên không có chức có quyền. Hai loại đảng viên này xa cách nhau lắm, xa cách nhau rất nhiều.

Nhưng thách thức cũng rất lớn. Một chức năng nữa của Nhà nước là kịp thời phát hiện những mâu thuẫn và giải quyết những mâu thuẫn lợi ích. Những chuyện như vụ Trảng Cát vừa rồi, có đáng gì đâu. Có phải là người ta không kêu đâu. Kêu suốt cả năm rồi. Nhưng bộ máy của anh không làm được việc đó.

Hiện nay trong Đảng có hai loại đảng viên. Một loại đảng viên có chức có quyền và một đảng viên không có chức có quyền. Hai loại đảng viên này xa cách nhau lắm, xa cách nhau rất nhiều. Tôi không biết anh chị có gặp mấy chiến hữu cựu chiến binh, mấy anh em đang phò tá anh Nguyễn Nam Khánh viết thư này khác đấy.

Mấy anh em đó rất có tâm huyết. Họ sinh hoạt có trí tuệ, họ có những suy nghĩ có thể là hơi cổ một chút vì họ chưa hiểu đầy đủ nguyên lý của kinh tế thị trường v.v... Nhưng họ rất tâm huyết. Những anh em đấy, hiện nay đi đâu họ cũng đều phải đút lót hết và làm gì cũng phải đút lót. Ra đến phường, bị quát nạt bởi một cô phục vụ bé tý vừa mới ra trường nhưng bởi vì là con ông bí thư.

Các anh nói là nó không làm gì được cả, ngay cả bộ máy của phường cũng “kinh” con bé này luôn, đụng đến nó không khéo nó về ton hót với bố nó thì mình chưa dọn được nó, nó đã dọn mình đi rồi. Thế thì, một bộ máy như vậy, một sự méo mó như vậy dẫn đến những hành vi mà nó không thể hiện bản chất chế độ của chúng ta. Cho nên, điều đầu tiên tôi thấy muốn báo cáo là trước những sự thay đổi rất sâu sắc của kinh tế trong nước, đã xuất hiện những lợi ích khác nhau.

Vì mỗi cá nhân tự kinh doanh thì lợi ích sẽ khác nhau. Bây giờ không phải lấy làm ngạc nhiên là một tỉnh có những lợi ích khác nhau. Anh không nên hy vọng rằng là mọi việc, mọi người đều nói thật với anh hết. Anh không nên hy vọng là bằng phê bình, tự phê bình, mọi việc anh đều có thể giải quyết được hết cả.

Chuyện ấy là quá ngây thơ. Mô hình sinh hoạt ấy của thời kỳ Đảng hoạt động bí mật thì rất tốt; bởi vì lúc bấy giờ là gươm kề cổ, thằng nào làm không đúng quy định thì nó tống cổ anh luôn. Bây giờ lại là trong kinh tế thị trường. Trời ơi, cơ hội là đi ra nước ngoài, nó gửi tiền ra nước ngoài, nó làm mọi thứ.

Tất cả việc đó Đảng không kiểm soát được, thế mà bảo là mày cứ phê bình, tự phê bình. Thế tức là anh đề cao một công cụ mà hiệu lực của nó ngày càng thu hẹp lại, bởi vì mức độ thông tin và hoạt động của người ta càng mở rộng ra mà thông tin mình có được lại càng thu hẹp lại. Thế tức là mình sẽ dẫn đến một tình hình là sinh hoạt nó rất dữ, nhưng hiệu lực không tương xứng. Có thể đi đến một kết luận là: Hệ thống chính trị của chúng ta đang bộc lộ ngày càng nhiều những bất cập để giải quyết những vấn đề lâu dài, cơ bản, cấp bách của dân tộc và của đất nước.

Có thể đi đến một kết luận là: Hệ thống chính trị của chúng ta đang bộc lộ ngày càng nhiều những bất cập để giải quyết những vấn đề lâu dài, cơ bản, cấp bách của dân tộc và của đất nước.

Theo tôi, sứ mạng đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam phải là sứ mạng của Đảng cầm quyền là phải chỉ ra một chiến lược, chỉ ra một cương lĩnh, tạo cơ hội phát triển cao độ nhất tính sáng tạo của dân tộc để đất nước này đi lênh nhanh và thực hiện được công bằng, dân chủ, thực hiện được quyền tự do kinh doanh, tự do phát triển của mỗi con người. Đấy là câu mà ông Mác đã viết trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản cơ mà. Đó là sự tự do của mỗi người là điều kiện cho sự tự do của tất cả mọi người. Mỗi một người có tự do thì mọi người mới được tự do, chứ không phải một vài người có điều kiện tự do ông muốn đi đâu cũng được. Tôi muốn Ban Tổ chức Trung ương nắm tình hình để báo cáo ra.

Hiện nay, ở Hà Nội mức chênh lệch giàu nghèo là khủng khiếp luôn. Chỗ nhà tù Hỏa Lò cũ, nó có một nhà trẻ quốc tế, giá là 2.800 đô la một tháng. Quá 16h30 mà anh không nhận trẻ thì nó giữ lấy cho anh, nhưng mỗi giờ nó đòi thêm anh 4 đôla.

Có một cô người nước ngoài tưởng rằng là giá cao thế chắc không đến lượt người Việt Nam nên cô ấy đến chậm một chút. Cô ấy gặp tôi bảo là có 20 chỗ thì người Việt Nam làm hết rồi, không đến chỗ cho con bà nữa, lại phải đi kiếm nhà trẻ khác. Thế tức là 2.800 đô la không là cái gì.

Các anh chị cứ xem mà xem, có rất nhiều người đi khám bệnh ở Singapore, đi nghỉ, đi chữa bệnh luôn xoành xoạch, rồi giám đốc đi Macao đánh bạc luôn xoành xoạch. Thử hỏi các cơ quan xuất nhập cảnh báo cáo xem nào, những ai đi nhiều, đi đâu lúc này chúng ta sẽ biết. Thì đấy là một điểm.

(còn tiếp)

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.