Dự án bảo tồn đồng cỏ bàng Kiên Giang được giải thưởng LHQ

0:00 / 0:00

Gia Minh, phóng viên đài RFA

Tại Việt Nam thời gian gần đây diện tích lọai cỏ bàng và cỏ năng tại huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang bị thu hẹp, gây ảnh hưởng đến môi trường sống của lòai sếu đầu đỏ, một sinh vật được ghi vào Sách Đỏ Thế giới.

Cỏ bàng đồng bằng sông Cửu Long

Vừa qua, nhằm bảo tồn môi trường sống cho sếu đầu đỏ, đồng thời tạo thêm công ăn việc làm cho người dân địa phương, Hội Sếu Quốc Tế đầu tư thực hiện dự án 'Bảo tàng đồng cỏ bàng Phú Mỹ' tại xã Phú Mỹ, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang.

Dự án này vừa nhận được giải thưởng Xích đạo về quản lý và bảo vệ đa dạng sinh học của Liên Hiệp Quốc năm 2006. Dự án 'Bảo tàng đồng cỏ bàng Phú Mỹ' là một trong 12 dự án đọat giải trong tổng số 720 dự án được đề cử trên khắp thế giới.

Lễ trao giải diễn ra hồi tháng ba vừa qua tại Dubai , Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất. Trong chương trình Khoa học & Môi trường kỳ này, Gia Minh giới thiệu cùng quý thính giả về dự án 'Bảo tồn đồng cỏ bàng Phú Mỹ' đó.

Cây cỏ bàng đối với người dân Phú Mỹ và nhiều người dân tại vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long đã quá quen thuộc. Thế nhưng đối với nhiều nguời dân ở các vùng miền khác của Việt Nam hẳn là còn xa lạ.

Một người dân tại xã Phú Mỹ giới thiệu về cây cỏ thân thuộc tại quê ông, cũng như công dụng và giá trị kinh tế mà nó mang lại cho nguời dân tại đó, đặc biệt là sau khi có dự án 'Bảo tồn đồng cỏ bàng Phú Mỹ':

“Cỏ bàng ở đây thì đa số chỗ nào nó cũng mọc được hết trơn. Cây đó dễ sống lắm. Mình tưởng tượng nó cũng tương tự như cộng cỏ năng vậy đó nhưng nó cao hơn, lớn hơn cộng năng. Ruột nó cũng giống như ruột cộng năng bộng vậy. Đương Giao thì nhiều hơn, chứ còn các vùng khác cũng có mà ít lắm. An Giang cũng có nhưng mà ít hơn. Loai cỏ này tự mọc trong thiên nhiên.”

Gia Minh: Bây giờ họ hướng dẫn bảo tồn bằng cách gì vậy?

Người dân: Mình muốn trồng chỗ nào thì dọn đất chỗ đó sạch hết cỏ tạp rồi nhổ nguyên bụi cỏ năng mà cấy xuống đó giống như cấy lúa vậy, rồi mình cho nước vô và bón phân cho cây cỏ bàng tốt hơn, cộng nó to hơn.

Gia Minh: Hồi xưa người ta lấy cây tự nhiên đó để làm gì ạ?

Người dân: Hồi xưa dân ở đây đa số người ta làm bằng thủ công không à, ngưòi ta làm bằng tay đó. Ngưòi ta đan nón bàng nè, đan tấm đệm, đan giỏ xách để người ta đựng đồ như là đựng gà v.v. chủ yếu là mấy thứ đó thôi.

Gia Minh: Bây giờ, sau khi có dự án này thì ngưòi ta có làm thêm được thứ gì khác không?

Người dân: Bây giờ có dự án thì ngưòi ta làm thêm mấy thứ như nón nhưng không phải loại nón giống như trước mà nó đẹp hơn. Về giỏ xách thì ngưòi ta làm các loại giỏ xách kiểu mới để bán ở các khu du lịch, đẹp lắm. Người ta cũng đan chiếu các loại nữa.

Gia Minh: Người dân họ làm các thứ đó là chính hay chỉ là công việc làm phụ thêm?

Người dân: Dân mình ở đây chủ yếu ở hai ấp Trần Thệ và Kinh Mới đa số sống bằng nghề nông khong à. Đàn ông thì làm nông, làm lúa. Đàn bà có số thì vô công ty làm, còn có số thì nhận về nhà làm. Đó cũng là một nghề tương đương như nghề chính của ngưòi dân đó.

Hồi xưa ngưòi ta tự làm bằng tay. Cộng cỏ bàng ngoài thiên nhiên được ngưòi ta cắt đem về rồi giã ra. Lấy chày giã cho nó dập ra rồi đem phơi khô rồi đem đan. Cộng bàng của mình cũng giống như cộng cỏ thôi, đừng cho thấm nước thì cộng bàng dùng cũng được khá lâu đến 4-5 năm. Làm tốt thì có thể cao hơn nữa.

Dự án bảo tồn cỏ bàng ĐBSCL

Bây giờ ở đây chủ yếu là nằm đệm thôi, vì người dân tộc nằm đệm đó không à. Mình ở đây sát biên giới Campuchea mà nên có số dân ngưòi ta đan và tự chở đi bán.

Gia Minh: Ngoài giá trị làm đồ dùng thì cỏ bàng còn có giá trị gì nữa không?

Người dân: Nói chung ở Phú Mỹ của mình đây thì còn nhiều đất hoang nhưng đã bị đưa vào dự án chung là "Dự Án Bảo Tồn Đồng Cỏ Bàng" nên nó đảm bảo môi trường. Động vật ở nơi đây không còn nữa vì bị người dân săn bắt quá trời.

Vì vậy với dự án này người ta tìm cách lôi cuốn các động vật quý quay về. Hiện tại loài sếu đầu đỏ đã quay về đây được mười mấy hai mươi con gì đó. Sếu đầu đỏ là loài chim quý đó. Nó sống trong phạm vi dự án đồng cỏ. Ban ngày nó đi kiếm ăn ở khu rừng trống và tối thì nó quay về.

Gia Minh: Thành quả của Dự án bảo tồn 2000 héc ta đồng cỏ bàng tự nhiên tại xã Phú Mỹ, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang sau hai năm thực hiện được ông Tăng Phương Giản, điều phối viên của dự án cho biết.

Tăng Phương Giản: Dự án có hai mục tiêu chính, thứ nhất là bảo tồn tự nhiên ở trong khu vực và thứ hai là phát triển về kinh tế của người dân.

Gia Minh: Tự nhiên của khu vực đó là cái gì, thưa ông?

Tăng Phương Giản: Khu vực tự nhiên đó là khu vực đồng cỏ bàng rộng lớn và duy nhất còn sót lại trong Đồng Bằng Sông Cửu Long. Và cái thứ hai nữa là sếu đầu đỏ. Sếu là loài động vật quý hiếm sắp tuyệt chủng. Trong đồng cỏ bàng có những bãi cỏ năng là nguồn thức ăn của sếu, cho nên hàng năm sếu về đây ăn rất là nhiều.

Cỏ bàng mọc quanh năm. Cánh đồng này rất rộng, hàng ngàn hecta. Và khi mùa lũ về thì cỏ sẽ mọc lên theo nước lũ và người dân sẽ thu hoạch loại cỏ bàng đó để làm ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Còn cỏ năng thì mọc xen lẩn với nhũng đồng cỏ bàng, nhưng cỏ năng không có giá trị kinh tế, nhưng lại là nguồn cung cấp thức ăn cho sếu, bởi vì củ của cây cỏ năng là thức ăn của loài sếu đầu đỏ. Nếu muốn bảo tồn đồng cỏ năng thì phải bảo tồn luôn đồng cỏ bàng, bởi vì hai thứ đó mọc xen lẩn nhau.

Gia Minh: Qua thời gian vừa rồi, theo đánh gía của dự án thì số lượng sếu về đồng cỏ bàng ra sao?

Tăng Phương Giản: Sau 3 năm thực hiện, từ năm 2004 đến năm 2007, số lượng sếu gia tăng dần. Năm thứ nhất sếu về thống kê được 34 con, năm thứ hai là 52 con, năm thú ba là 102 con. Trước đây không có thông tin và chỉ từ lúc thực hiện dự án mới ghi nhận thì số lượng sếu theo ghi nhận về ngày một đông hơn.

Gia Minh: : Sẽ có đầu tư thêm cho 2 năm nữa, vậy vấn đề đầu tư ra sao và bước thứ hai thì như thế nào ạ?

Tăng Phương Giản: Đơn vị đầu tư là Hội Sếu Quốc Tế. Hội thông qua Trường Đại Học Khoa Học Tự Nhiên mà đầu tư xuống đây. Mục tiêu của họ là bảo tồn thiên nhiên và phát triển kinh tế ngưòi dân. Qua 2 năm thực hiện họ cảm thấy chưa đầy đủ cho nên họ tiếp tục đầu tư trong thời gian tới. Mục tiêu của dự án vẫn là phát triển một cách bền vững kinh tế địa phương, đồng thời bảo tồn cũng bền vững hơn.

Gia Minh: Ông Đặng Thanh Sơn – Giám Đốc Trung Tâm Khoa Học Công Nghệ thuộc Sở Khoa Học Công Nghệ tỉnh Kiên Giang, cho biết thêm thông tin về dự án bảo tồn cỏ bàng ở Kiên Giang như sau:

Đặng Thanh Sơn: Tuỳ theo cam kết trong hợp đồng thoả thuận thì chúng tôi phải đầu tư để phát triển về nông nghiệp với một số chăn nuôi trồng trọt để giúp cho người dân tăng thu nhập, giảm áp lực lên việc khai thác cỏ bàng. Năm rồi chúng tôi cũng đã đầu tư một số mô hình về trồng trọt, chăn nuôi. Và năm nay thì dự kiến tiếp tục giai đoạn hai là tiếp tục phục hồi cỏ bàng hiện có. Còn bên dự án kia thì nó bảo tồn và có thể trồng mới nữa vì đang có xu hướng trồng mới trên những khu đất bị khai thác kiệt quệ rồi. Chúng tôi phục hồi diện tích cỏ bàng hiện có, tức là đầu tư phân bón, hướng dẫn kỹ thuật để người dân bón phân, chăm sóc làm sao để cỏ bàng cho năng suất cao hơn, tốt hơn, và như vậy thì thu nhập sẽ nhiều hơn.

Gia Minh: Việc giúp cho người dân khôi phục lại được thực hiện cụ thể ra sao?

Đặng Thanh Sơn: Năm nay chúng tôi đang xây dựng dự án của giai đoạn tiếp theo. Năm rồi chúng tôi đầu tư cho nông nghiệp để làm giảm áp lực, còn năm nay chúng tôi đầu tư trực tiếp cho cỏ bàng hiện nay đang còn như đầu tư phân bón, chăm sóc thu hoạch, để làm sao cho không bị kiệt quệ. Tức là đầu tư phân bón, hướng dẫn người ta kỹ thuật chăm sóc, rồi thu hoạch như là thu hoạch như thế nào để cho cỏ bàng tiếp tục tái sinh chứ không bị kiệt quệ luôn. Một số phân bón để cho nó phát triển thân lá vì mình thu hoạch thân lá.

Gia Minh: Kỹ thuật chăm sóc ra sao ạ?

Đặng Thanh Sơn: Vì vùng đó có một mùa nước ngập (mùa nước lũ) cho nên mình phải bón phân trước khi nước lũ lên, rồi khi nước lũ rút đi thì mình bắt đầu thu hoạch. Hiện nay thời gian thu hoạch kéo dài quanh năm, tức là khi cỏ bàng lớn thì mình thu hoạch thôi.

Gia Minh: Trước khi nước lũ đến thì mình bón phân, nhưng khi nước lũ rút đi thì phân có bị hoà tan không?

Đặng Thanh Sơn: Khi mực nước chưa cao lắm thì cỏ bàng đã hấp thu được phân bón rồi. Khi nước lũ đến thì nó mang theo phù sa nữa. Khi lũ rút thì cỏ bàng đạt được chiều cao từ 1 mét trở lên hơn 1 mét, nhiều khi một mét rưởi hai mét tuỳ theo vùng ngập sâu hay ngập cạn và tuỳ theo tốt xấu nữa.

Gia Minh: Làm sao đảm bảo thu hoạch tốt?

Đặng Thanh Sơn: Hiện nay mình cũng đang nghiên cứu thôi tại vì người dân thu hoạch thông thường trong mùa nước lũ cao, nghĩa là người ta lặn xuống nước nhổ cả thân cỏ bàng lên để rửa sạch luôn. Thu hoạch như vậy thì công việc đơn giản hơn, nhưng như vậy thì cây cỏ bàng không có tác dụng được. Hiện nay mình đang nghiên cứu xem mình có thể cắt được hay không. Mình chờ nước rút đi mình mới cắt. Chờ đến lúc đó thì cây cỏ bàng cao quá nó sẽ ngã đổ.

Gia Minh: Ông thấy vì sao chủ đầu tư dự án quốc tế lại đến giúp để bảo tồn cỏ bàng ở Kiên Giang vậy?

Đặng Thanh Sơn: Bởi vì nó có liên quan tới môi trường sinh thái: khi còn cỏ bàng thì sếu đầu đỏ mới kéo đến để sinh sống vì có thức ăn, đồng thời người dân cũng có nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm đan lát truyên thống của địa phương.

Gia Minh: Chúng tôi xin phép được nhắc lại cỏ bàng có tên khoa học là Lepironia Grass. Còn Sếu Đầu đỏ, tên khoa học là grus antigone. Theo Wikipedia thì sếu đầu đỏ là lòai chim cao nhất trong các lòai chim biết bay.

Có ba lòai sếu đầu đỏ thường gặp là sếu đầu đỏ Ấn Độ, tiểu lòai Australia , sếu Phương Đông. Lòai thấy ở Việt Nam là sếu Phương Đông. Tuy nhiên lòai này ở Việt Nam chưa sinh sản mà chỉ trở lại vào mùa khô với số lượng khỏang từ 800 đến 1000 con ở các vùng thuộc đồng bằng sông Cửu Long.

Dự án bảo tồn 2000 hécta đồng cỏ bàng tự nhiên tại xã Phú Mỹ, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang là một trong những biện pháp giúp Sếu Phương Đông trở lại ngày một đông hơn tại vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long của Việt Nam.