Trao đổi thư tín với thính giả (ngày 23-8-2007)

0:00 / 0:00

Trà Mi, phóng viên đài RFA

RFAvoicemail200.jpg
RFA PHOTO

Trà My hân hạnh trở lại cùng quý thính giả trong chuyên mục Thư Tín Hàng Tuần.

Tuần trước, Trà My có nói là tuần này Anh Việt Long sẽ trở lại để trò chuyện cùng quý vị, nhưng giờ chót Ban Biên Tập trao cho anh việc khác, nên Trà My lại lãnh công tác trả lời thư của thính giả khắp nơi gửi về trong bảy ngày qua.

Tuần trước là lần đầu bắt tay vào việc trả lời thư tín, đến bây giờ nghĩ lại thấy vẫn còn lo. Tuần này lại bị “bắt cóc bỏ dĩa”, Trà My thấy hình như nỗi lo của mình bây giờ đã tăng lên gấp bội, nhưng cũng sẽ cố gắng hết sức.

Bây giờ, mời quý vị và các bạn bước vào mục Trả Lời Thư Tín Hàng Tuần, sáng Thứ Năm 23 tháng Tám năm 2007.

Thính giả với RFA

Trong bảy ngày qua, Ban Việt Ngữ nhận được gần trăm lá thư của quý vị và các bạn nghe đài từ khắp nơi gửi về, đa số là thư email xin đăng ký bản tin hoặc nhờ hướng dẫn vượt tường lửa. Bên kỹ thuật đã có trả lời riêng cho từng quý vị và hy vọng đạt yêu cầu.

Đài Á Châu Tự Do hiện đang cung cấp dịch vụ Podcast để thính giả có được các chương trình phát thanh của RFA dưới dạng mp3 cho các máy mp3 player, và tất nhiên là cả ipod. Muốn đăng ký sử dụng dịch vụ Podcast của chúng tôi để có được các file mp3 mà quý vị và các bạn mong muốn, xin vào https://www.rfa.org/vietnamese/podcast/.

Xin quý vị tiếp tục viết thư cho chúng tôi, giới thiệu thêm người để chúng tôi gửi bản tin, đăng ký tin cho bạn bè, người thân, cũng như thông báo cho biết mỗi khi gặp trở ngại, kể cả trở ngại khi quý vị tìm cách vượt tường lửa để truy cập vào mạng của Ðài.

Nhân nói về kỹ thuật, xin thưa thêm là hiện trang web của RFA chỉ upload các chương trình phát thanh dưới dạng m3u (playlist), vì vậy quý vị và các bạn không thể download trực tiếp vào ipod được.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng cung cấp một phương thức khác để thính giả có được các chương trình phát thanh của RFA dưới dạng mp3 cho các máy mp3 player, và tất nhiên là cả ipod. Muốn đăng ký sử dụng dịch vụ Podcast của chúng tôi để có được các file mp3 mà quý vị và các bạn mong muốn, xin vào https://www.rfa.org/vietnamese/podcast/.

Trong số thư chúng tôi nhận được, có nhiều thư nói đến những vấn đề liên quan đến giới trẻ Việt Nam. Chuyện bạn trẻ Tiến Trung quyết định trở về nước là điều vẫn được nhắc đến. Xin trích dẫn một vài đoạn để gửi đến quý vị.

“Qua đài RFA tôi được biết là du sinh Nguyễn Tiến Trung đã về nước. Qua quý đài tôi xin gửi lời chúc sức khỏe, sự cảm phục của chúng tôi, sự ủng hộ của những người yêu đạo lý tới anh Trung. Sự dũng cảm của anh Trung làm tôi cảm phục và phải xem lại bản thân mình. Cám ơn Trung và mong Ðài thường xuyên đưa tin về Trung.

Một thư khác của thính giả tên Ngân viết: "Anh Nguyễn Tiến Trung khi trở về Việt Nam là một hành động can trường người tuổi trẻ đã đong đầy lý tưởng của tự do dân chủ. Anh Trung và các bạn bên Âu Châu và các bạn trẻ khác họ thực sự bắt đầu lên đường. Tôi hay tâm tình với bạn tôi về vấn đề tranh đấu trong bối cảnh xã hội Việt Nam ngày nay và trào lưu tự do dân chủ toàn cầu muốn tranh đấu một cách thiết thực thì phải về dưới bất cứ hình thức nào nhưng phải về trực diện mới được. Làm được chuyện này phải đòi hỏi con người can trường mới làm được chuyện phi thường và một hậu phương vững mạnh hai điểm này anh Trung đã có. Cầu mong anh luôn bền trí."

NguyenTienTrung150.jpg
Nguyễn Tiến Trung. RFA file photo

Những chia sẻ của giới trẻ

Bên cạnh những chia sẻ quý vị và các bạn dành cho Tiến Trung, Trà My không thể quên những lá thư khác liên quan đến giới trẻ Việt Nam ngày nay, đặc biệt trong lãnh vực giáo dục. Thư của thính giả Bùi Ðình Minh viết:

“Tôi có thể thổ lộ tâm tình của mình được không? Vì những suy nghĩ bị bế tấc không có lối thoát cho một vấn đề ở Việt Nam. Hôm nay tôi muốn đề cập tới vấn đề giáo dục ở Việt Nam.

Tôi thiết nghĩ không biết những học sinh THPT mà bị đẩy ra trường dân lập thì gọi chúng là gì? Chúng không được hưởng những sự đầu tư từ chính phủ, chúng phải đóng tiền học theo trường tự quy định. Tất nhiên chúng không được bảo vệ từ phía pháp luật.

Tôi không phản đối trường dân lập mà phải cảm ơn họ vì họ đã đầu tư để cho con tôi cũng như những đứa trẻ bị chế độ loại bỏ nó ra khỏi trường gọi là quốc lập. Tôi suy nghĩ không biết gọi chúng là những đứa trẻ vô chính phủ hay gọi thế nào cho đúng?

Xin các bạn cho tôi một lời khuyên và một tiếng nói chung về chúng.”

Hoặc chuyện giới trẻ bây giờ không màng đến chuyện học lịch sử được một thính giả ký tên là “Bạn Của RFA” đặt câu hỏi:

“Nghe đài RFA đưa tin, tôi thật sự bỡ ngỡ. Không ngờ học sinh mình bây giờ kém lịch sử nước nhà đến thế? Hay tại thời thế tạo ra con người như thế?”

Qua đài RFA tôi được biết là du sinh Nguyễn Tiến Trung đã về nước. Qua quý đài tôi xin gửi lời chúc sức khỏe, sự cảm phục của chúng tôi, sự ủng hộ của những người yêu đạo lý tới anh Trung. Sự dũng cảm của anh Trung làm tôi cảm phục và phải xem lại bản thân mình. Cám ơn Trung và mong Ðài thường xuyên đưa tin về Trung.

Hoặc nhận xét của ông Trần Văn trong thư gửi cho Chị Nhã Trân:

“Tôi rất thích cuộc phỏng vấn của cô với học sinh, phụ huynh về lịch sử Việt Nam. Ðã bao nhiêu năm, học sinh chỉ học nhớ, không có sáng kiến hay suy luận nên nhàm chán thì không có gì ngạc nhiên.”

Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận đựơc một số email và lời nhắn qua hộp thư thoại của những thính giả quan tâm đến chuyên mục Diễn đàn bạn trẻ hàng tuần. Trà My xin mượn dịp này xin được cảm ơn quý thính giả khắp nơi đã góp ý và ủng hộ chương trình. Đây quả là những món quà khích lệ rất quý giá đối với những người làm chương trình như chúng tôi.

Xin được đính chính

Cũng được nói đến qua những thư gửi về Ðài trong tuần qua là sự việc liên quan đến những chi tiết trong 2 phóng sự của Ban Việt Ngữ về "một cuộc điều trần trước Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ do đức Tổng Giám Mục William Stephen Skylstad chủ toạ và người được mời trình bày về những vấn đề mà giáo hội Hoa Kỳ quan tâm là Linh Mục Đinh Xuân Minh đến từ Đức Quốc" Anh Mặc Lâm, người thực hiện các phóng sự này xin trả lời như sau:

“Trong bản tin ngày 10 tháng 8 vừa qua Mặc Lâm có đưa tin Linh Mục Đinh Xuân Minh đến Spokane để điều trần về nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam. Chúng tôi xác định là có nhầm lẫn trong việc đưa ra nhận định là Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ mời Linh Mục Đinh Xuân Minh đến điều trần.

Nay xin được nói lại cho rõ, là thông qua câu hỏi chúng tôi gửi cho ngài Tổng Giám Mục Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ tại Spokane là Đức cha William S. Skylstad hai tuần trước khi buổi hội kiến xảy ra xin được phỏng vấn ngài có câu sau đây: "Thưa Ðức Giám Mục xin ngài cho biết ý kiến sau khi nghe cuộc điều trần của cha Đinh Xuân Minh về vấn đề tự do tôn giáo và nhân quyền cho Việt Nam" Câu hỏi này được gửi đi và Ðức Tổng Giám Mục cho phép chúng tôi hỏi ngài nguyên văn trong buổi gặp gỡ ngày 10 tháng 8 vừa qua.

Chúng tôi nghĩ rằng Ðức Cha William S. Skylstad không câu nệ gì từng câu chữ nên ngài không xác định kịp thời trước khi bài phỏng vấn của chúng tôi được phát đi cùng ngày.

Mời quý vị tham gia mục Trao Đổi Thư tín với thính giả. Mọi email xin gửi về Vietweb@rfa.org

Việc nhầm lẫn này xuất phát từ những thông tin không chính xác mà chúng tôi nhận được, tuy nhiên là một phóng viên giữ vai trò truyền thông, chúng tôi đã không kiểm chứng cẩn thận trước khi loan tải và gây hiểu lầm cho nhiều cộng đoàn công giáo.

Nay xin được nói lại cho rõ và xin xác định một lần nữa là hai chữ "điều trần" và “Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ mời Linh Mục Đinh Xuân Minh đến Spokane” chúng tôi dùng trong lời giới thiệu là không chính xác.”

Chuyện gì đang xảy ra ở báo Tuổi Trẻ?

Trong tuần này, chuyện tờ Tuổi Trẻ thay đổi nhân sự cũng là đề tài được một số thính giả bàn đến. Qua những thư chúng tôi nhận được, mọi người đều nghĩ đây không phải là chuyện thay đổi bình thường, và có thư viết cho rằng “đây là sự sắp xếp đến từ cấp trên, của Cơ Quan Chủ Quản”, bất kể sự không đồng tình của các nhà báo đang làm việc ở tòa soạn Tuổi Trẻ hay những người yêu mến tờ báo này.

Theo riêng Trà My, thú vị nhất là một thư gửi từ Sài Gòn, kèm theo một bài viết không thấy nêu tên tác giả. Xin phép được gửi bài viết ngộ nghĩnh này đến quý vị và các bạn.

Một chuyện kể rằng:

Gia đình nhà Tí có nhiều con, Tí lớn, Tí bé, Tí sồn sồn, Tí Anh, Tí Em v.v… Riêng có một đứa nhờ tính cách trẻ trung, năng động, tài giỏi vượt trội so với các anh em, được cha mẹ nâng niu, đặt cho cái tên trìu mến là “Tí Trẻ”.

Tí Trẻ ra đời vào đúng cái năm giải phóng, thống nhất đất nước 1975. Đúng là đứa bé có tài năng thiên bẩm, nên chỉ trong thời gian ngắn đã nên người. 5 tuổi đã phát triển vượt bậc, 10 tuổi đã khôn lớn. Năm 16 tuổi thì Tí Trẻ đã trở thành một nhà báo nổi tiếng trung thực, dũng cảm, luôn đi đầu trong việc đấu tranh chống tiêu cực, viết nên những bài báo gây chấn động toàn cầu. Tên tuổi của Tí Trẻ không còn quanh quẩn ở cái thành phố Tí sinh ra, mà đã nổi tiếng khắp nước, thậm chí trên trường quốc tế.

LanAnh_Newspaper200.jpg
Được coi là một tiếng nói mạnh dạn, thẳng thắn; trong quá khứ tờ Tuổi Trẻ cũng đã từng gặp nhiều rắc rối với chính quyền. RFA file photo.

Thời gian thấm thoát trôi. Tí Trẻ nay đã là người đàn ông trưởng thành, lấy vợ, có con. Từ một người nghèo khổ, với nhà cấp 4, xe đạp cọc cạch, nay Tí Trẻ đã sắm được nhà cao tầng, đi xe hơi, có của ăn của để. Ngoài việc chu cấp cho anh em trong nhà, Tí Trẻ còn tặng học bổng, làm công tác xã hội, giúp đỡ người nghèo khó, đóng góp cho nhà nước không biết bao nhiêu mà kể.

Những tưởng cuộc đời của Tí Trẻ từ nay sẽ chỉ có thể phơi phới đi lên… Đùng một cái, Tí Trẻ bị bắt đi nhà trẻ! Tí Trẻ giãy nảy, nhưng lệnh là lệnh. Sáng sớm, chàng Tí Trẻ 31 tuổi phải leo lên xe cho mẹ chở đi, Tí Trẻ dư sức có thể đi 1 mình, nhưng ba mẹ không cho, còn quát cho một trận: “Con có thấy đứa bé nào đi nhà trẻ 1 mình chưa?”. Đồ đạc đem theo không có thuốc lá, kẹo chewingum, mà là hộp sữa, khăn vải mùng, núm vú cao su và tã giấy. Tí Trẻ còn phải chạy nhảy, chơi đùa với những đứa bé lóc nhóc, phải nhơi cơm nát, ăn những thức ăn dành cho trẻ 3 tuổi.

Khốn khổ chưa hết, khi con của Tí Trẻ lên 3, Tí Trẻ phải đi nhà trẻ cùng với con mình. Oái oăm nhất là chuyện xưng hô giữa Tí Trẻ và con. Xưng hô “cha, con” hợp lý, hợp tình nhất thì bị cô la, còn gọi nhau là “bạn” thì kỳ cục quá. Nên có những lúc Tí Trẻ đành ngậm miệng làm thinh. Tới giờ ngủ là phải nằm im, không được nhúc nhích. Mà cái thân Tí Trẻ to đùng, nên lúc nào nó cũng phải co quắp, dòm tới ngó lui tứ phía mà vẫn còn “đụng” lung tung, không ngày nào không bị la, bị mắng.

Đến đây chắc sẽ có người nói được chăm sóc vậy là sướng quá còn gì? Thì Tí Trẻ cũng mong có lúc sẽ được các cô bảo mẫu… tắm rửa, thay quần áo cho mình như cô làm cho các “bạn”, thế nhưng, ác cái các cô lại chỉ chăm chăm hỉ mũi cho Tí Trẻ mà thôi. Thế cũng chưa khổ bằng giờ học. Dù đã có bằng tiến sĩ, song Tí Trẻ vẫn phải ngồi ê a đọc “a, cái ca”, “anh, trái banh”, nhai lại những điều đã biết. Nếu Tí tỏ vẻ buồn chán, lơ là lập tức sẽ bị cô giáo nhắc nhở, kiểm điểm ngay.

Sở dĩ Tí Trẻ 31 tuổi mà vẫn phải bị bắt đi nhà trẻ là vì lúc mới sanh ra, Tí Trẻ đã bộc lộ năng khiếu. Mà theo qui định lúc đó, trẻ năng khiếu phải được quản lý đặc biệt bởi một nhóm giữ trẻ, ở nhà trẻ có tên gọi là “Cơ quan chủ quản”. Lúc ra luật, người ta quên, không tính tới chuyện sau này khi Tí Trẻ lớn lên thì sao? Khi Tí Trẻ lớn chồng ngồng lên rồi, thì người ta lại quên không sửa luật. Mà hễ chưa có luật mới thì cứ luật cũ mà áp.

Sáng nào Tí Trẻ cũng chèo nẹo không chịu đi nhà trẻ, nhưng ba mẹ hai bên xách nách, ép buộc Tí Trẻ phải đi. Thấy thương cho tình cảnh, một vài dì, cô của Tí Trẻ cũng có lên tiếng bênh vực, nhưng ba nghiêm khắc lắm, bảo cơ chế là vậy không được cãi!

Chẳng biết Tí còn bị đi nhà trẻ “Cơ quan chủ quản” tới bao giờ!

Trà Mi: Bài mà Chị Thy Nga mới đọc chấm dứt vào đúng lúc "Cơ Quan Chủ Quản" của Trà My báo hiệu thời lượng dành cho chuyên mục Trả Lời Thư Tín hôm nay đã hết. Xin thân chào. Trà My hẹn gặp lại quý vị và các bạn vào tuần sau, nếu anh Việt Long vẫn đi công tác chưa về, và nếu "Cơ Quan Chủ Quản" còn tín nhiệm Trà My trong công tác thật khó khăn này.