Trao đổi thư tín với thính giả (ngày 14-6-2007)

0:00 / 0:00

Thanh Trúc, phóng viên đài RFA

Với những bức thư dặn dò RFA gởi bản tin hàng ngày đến quí vị, chúng tôi luôn cố gắng đáp ứng ngay. Trong trường hợp không nhận được, xin quí vị vui lòng email lại cho chúng tôi biết hoặc để lại lời nhắn trong máy. Cảm ơn quí vị quan tâm theo dõi bản tin hàng ngày của Ban Việt Ngữ.

RFAvoicemail200.jpg
RFA PHOTO

Góp ý với Ban Việt Ngữ

Tiện đây Thanh Trúc có đôi điều thưa cùng quí vị như sau. Tuần qua có người gởi thư cho chúng tôi, nhưng vì lời lẽ góp ý có phần gay gắt nên chúng tôi mạn phép không đọc nguyên văn mà chỉ trích thuật lại.

Vị thính giả này cho rằng RFA luôn rêu rao là chỉ đưa tin trong tinh thần trách nhiệm với sự dè dặt cố hữu và sự trung thực hết mức, nhưng rồi RFA toàn là đưa tin liên quan đến Việt cộng ở trong nước mà thôi.

Vị này dẫn chứng ra một loạt những tin tức mà chúng tôi thường loan tải về Việt Nam, rồi phê bình rằng tại sao phải nêu những tin có lợi cho nhà cầm quyền Việt Nam trong lúc thế giới có bao nhiêu chuyện hay ho mà mọi ngừơi cần biết.

Thưa ông, đây không phải lần đầu tiên RFA nhận được những thư góp ý có nội dung tương tự. Chúng tôi cũng đã nhiều lần trả lời với thính giả rằng đài Á Châu Tự Do phát sóng về trong nứơc nên nội dung phải phục vụ cho thính giả Việt Nam. Là một đài điền thế, RFA có bổn phận phát đi những tin tức mà ngừơi dân trong nứơc hoặc không nghe thấy, hoặc chưa nghe đến.

Với chủ trương đó, những chuyện như các doanh nghiệp đề nghị tăng giá gas, giá xăng dầu bán lẻ tăng theo giá dầu thô trên thị trường thế giới, cơn sốt chứng khoán vừa qua ở Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh, giới đầu tư Hoa Kỳ tạm ngưng mua hàng dệt may của Việt Nam, Ngân Hàng Phát triển châu Á ngưng số tiền tài trợ 100 triệu đô la ODA cho thành phố Hồ Chí Minh vì dự án cải thiện môi trường cho thành phố dậm chân tại chỗ đã 10 năm nay, rồi thì thực phẩm trong nước hay nhập từ Trung Quốc gây hại cho sức khỏe ngừơi dùng…

Đài Á Châu Tự Do phát sóng về trong nước nên nội dung phải phục vụ cho thính giả Việt Nam. Là một đài điền thế, RFA có bổn phận phát đi những tin tức mà người dân trong nước hoặc không nghe thấy, hoặc chưa nghe đến.

Thiết tưởng đó là những tin quan trọng vì liên hệ chặc chẽ đến cuộc sống của ngừơi bên nhà hơn là những vấn đề thời sự bên ngoài mà ông muốn chúng tôi khai thác .

Lời nhắn của thính giả

Tuần qua, từ ngày 5 cho đến ngày 11, RFA nhận được nhiều lượt nhắn tin trong hộp thư thoại của Ban Việt Ngữ, tiếc rằng chỉ một lời nhắn nghe được, một lời nhắn khác quá vắn tắt khiến chúng tôi không rõ vị này muốn nói điều chi? Cũng có vị gọi vào nhưng không nói gì mà gác máy ngay.

Một điểm đáng chú ý mà chúng tôi muốn trình bày cùng quí vị ở đây, đó là những lời nhắn không đầu không đuôi, kéo dài đến năm hay bảy phút. Hình như ngừơi gọi vô tình hay cố ý ghi âm vào voice mail của RFA những âm thanh dài dòng vô nghĩa và chiếm nhiều thời gian.

Cũng có một thính giả viết thư trách Ban Việt Ngữ chúng tôi sao lại nêu tên thật của ông khi trả lời thư. Ông hỏi tại sao RFA không lập một hồ sơ cho từng thính giả gởi thư vào để biết thính giả nào muốn tỏ lộ danh tánh như thế nào?

Thưa ông, RFA thành thực xin lỗi đã đọc tên thật của ông ra. Chúng tôi thử reply cho ông thì thư bị trả lại nói là không có tên và địa chỉ này. Vì công việc đa đoan cộng với số lượng thư tín mỗi ngày, RFA không thể nào lập hồ sơ danh sách từng thính giả như ông bảo. RFA lại càng không thể bịa đại một tên nào đó khi trả lời.

Nếu quí thính giả có thể giúp chúng tôi bằng cách tự đặt cho mình một cái tên khi email tới RFA thì hay biết mấy. Xin cảm ơn quí vị.

Các đề tài khác

Mời quý vị tham gia mục Trao Đổi Thư tín với thính giả. Mọi email xin gửi về Vietweb@rfa.org

Chuyện Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết sắp qua Hoa Kỳ vẫn là đề tài thời sự nóng. Tuần trứơc chúng tôi đã trích đọc hoặc phát lên một số ý kiến chống đối hoặc biểu đồng tình.

Hôm nay một thính giả họ Nguyễn gởi cho chúng tôi vài chữ như sau: Nếu Nguyễn Minh Triết qua Mỹ, và nếu Nguyễn Minh Triết không qua Mỹ thì có gì khác nhau (mấy chữ cúôi này ông viết bằng Anh ngữ)"

Thư của thính giả họ Huỳnh ở Maryland góp ý về những việc làm từ thiện bác ái ở Việt Nam:

“Xin bớt lại các tổ chức bác ái mù quáng làm chảy máu sức mạnh của cộng đồng ngừơi Việt hải ngoại, đó là trúng kế hoạch và sách lược của cộng sản Việt Nam, xin bớt lại việc đi du lịch Việt Nam.

Ngừơi cộng sản Việt Nam sẽ nói “quí vị - tức cộng đồng hải ngoại -đã chia sẻ gánh nặng cho chúng tôi. Quí vị xây nhà tình thương, xây trường học, quí vị xây chùa, xây nhà thờ. Nhà thờ, chùa do Mặt trận Tổ Quốc chúng tôi quản lý, chúng tôi vui vẻ trao gánh nặng cho quí vị. Chúng tôi đã trao cho quí vị tự do tôn giao rồi, qúi vị còn chống đối và đòi hỏi gì nữa hả.”

Một thính giả khác viết: "Có một điều tôi nhận thấy thính giả trong nứơc suy nghĩ rất mập mờ về những ngừơi tranh đấu dân chủ nhân quyền cho Việt Nam. Có thể nào Ban Việt Ngữ giới thiệu sơ lược về tiểu sử cá nhân và cuộc sống hiện tại của những nhà đấu tranh, những nhà lãnh đạo phong trào và các đảng phái chính trị trong và ngoài nứơc ? Vì với những thông tin như thế bạn trẻ trong nứơc sẽ có được cái nhìn rõ ràng hơn về những nhân vật này."

Xin cảm ơn lời nhắc nhở của ông, điều mà RFA luôn luôn và cần thiết phải làm là giới thiệu đầy đủ lai lịch, xuất xứ của những nhà bất đồng chính kiến trong nước. Thường thì chúng tôi vẫn sử dụng những danh từ hay tĩnh từ ngắn gọn để gọi tên những người bất đồng chính kiến thí dụ linh mục đòi hỏi tự do tôn giáo Tađêo Nguyễn Văn Lý, bác sĩ bất đồng chính kiến Phạm Hồng Sơn, nhà báo đối kháng Nguyễn Vũ Bình chẳng hạn.

Quan điểm của giới trẻ Việt Nam

Vì vị thính giả vừa rồi nhắc đến các bạn trẻ trong nước thì đến đây Thanh Trúc cũng xin thưa rằng trong thời gian qua những cuộc hội luận về ông Hồ Chí Minh trên Diễn Đàn Bạn Trẻ của RFA vẫn là chủ đề làm mọi ngừơi lưu ý nhiều nhất. Thí dụ như lời nhắn sau đây của một thính giả ở Bạc Liêu:

Qua hai cuộc hội luận trên mục Diễn Đàn Bạn Trẻ với đề tài lãnh tụ Hồ chí Minh, ba cô Trang, Phương, Thanh tôn sùng thành kính ông Hồ Chí Minh và đảng cộng sản Việt Nam, họ cũng giống như tôi hồi xưa mà thôi. Bởi vì sách vở ở miền Nam sau năm 75 bị đem đi đốt hết rồi, ngừơi dân và học sinh như tôi chỉ được học và đọc sách do đảng phát hành mà thôi.

“Qua hai cuộc hội luận trên mục Diễn Đàn Bạn Trẻ với đề tài lãnh tụ Hồ chí Minh, ba cô Trang, Phương, Thanh tôn sùng thành kính ông Hồ Chí Minh và đảng cộng sản Việt Nam, họ cũng giống như tôi hồi xưa mà thôi.

Bởi vì sách vở ở miền Nam sau năm 75 bị đem đi đốt hết rồi, ngừơi dân và học sinh như tôi chỉ được học và đọc sách do đảng phát hành mà thôi. Thì qua sách vở của đảng tôi lúc đó cũng giống như ba cô Trang, Phương và Thanh luôn tôn thờ ông Hồ và đảng mà khi suy xét ra không thấy đảng và ông Hồ đem đến cho dân sự tự do no ấm gì.

Chính ba cô trong buổi hội luận cũng chỉ nói lên được là đảng có làm sai mà mỗi lần làm sai như vậy là tai hại vô cùng cho nhân dân như cuộc cải cách ruộng đất chết oan cả trăm ngàn ngừơi và kéo dài trong nhiều năm… Xét về việc này ba cô cho rằng ông Hồ làm đúng nhưng vì cấp dứơi làm sai…”

Vừa rồi là lời nhắn của một ngừơi từ Bạc Liêu. Thư của một thính giả trong nứơc tạm gọi là Lê Thuý như bạn viết, cũng với nội dung xoay quanh hai cuộc hội luận giữa các bạn trẻ mới rồi mà bạn cảm thấy buồn và thất vọng. Bạn Lê Thuý đặt vấn đề thế này:

“Có một số mâu thuẫn trong cuộc hội luận giữ các bạn ấy mà tôi nghĩ cần làm rõ. Câu nói “chính sách không sai, chỉ có người thừa hành làm sai” tôi đã nghe lập đi lập lại rất nhiều lần, ít nhất cũng trên 30 năm rồi.

Thực chất có phải vậy không? Chúng ta từng nghe khi có được một thanh tích gì dù nhỏ hoặc lớn thì trong báo cáo sơ kết tổng kết đều có nói tới một nguyên nhân cơ bản là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của đảng và nhà nứơc, còn khi có vấn đề sai lầm thì được cho là do cấp dứơi.

Chúng ta từng bíêt đảng cộng sản Việt Nam được tổ chức rất chặc chẻ, trên có Bộ Chính Trị, ban chấp hành, dứơi có thành uỷ, tỉnh uỷ, đảng uỷ và các chi bộ. Một chủ trương nào đó đưa ra đều được quán triệt rất kỹ, công việc thức hiện cũng được theo dõi rất sát sao.

Điều ấy chứng tỏ những sai lầm trong thời kỳ cải cách ruộng đất cũng như cải tạo nông nghiệp, cải tạo công thương nghiệp sau năm 1975 đều có chủ ý cả… “

Đến đây cũng một thính giả từ Việt Nam mong chúng tôi cung cấp số điện thoại để liên lạc khi cần. Thưa nếu đã vượt được bức tường lửa đến với RFA rồi thì xin vui lòng email cho chúng tôi tiện hơn. Xin thư về vietweb@rfa.org là chúng tôi nhận được. Bạn cũng có thể gọi vào số 001 202 530 7775, để lại lời nhắn trong hộp thư thoại. Cảm ơn bạn. Mục Trả Lời Thư Tín tuần này xin tạm dừng ở đây. Thanh Trúc hẹn tái ngộ quí vị lần tới.