Thy Nga, phóng viên đài RFA
“Thư tín” kỳ này là kỳ cuối cùng trong năm âm lịch sắp tàn, chú Chó khôn lanh đang sửa soạn nhường chỗ cho chú Heo ủn ỉn đến.
Điểm lại năm sắp kết thúc, qua những lời nhắn và thư phản hồi của quý vị, chúng tôi đã có thể biết những gì quý vị ưa thích cũng như chờ đợi nơi chương trình RFA Việt ngữ.
Ngoài ra, chúng tôi hiểu rằng còn rất nhiều người không vào được web RFA Việt ngữ vì bị “tường lửa” ngăn chặn; và danh sách các tiết mục được xem nhiều nhất cũng không ghi được số những người sử dụng Proxy để truy cập web của chúng tôi.
Một năm nhìn lại
Theo suy đoán của ban Kỹ thuật RFA thì tổng số người vào xem web RFA Việt ngữ có thể nhiều gấp 40 lần số ghi được, tuy nhiên sau đây, chúng tôi cũng trình bày cùng quý vị theo như ghi nhận số lượt người truy cập Website RFA Việt ngữ trong năm 2006:
Phân mục được xem nhiều nhất là Tin Việt Nam, kế đến là Nhân quyền, Tư liệu, Tin Quốc tế, Hỗ trợ, …
Về chuyên mục (hay còn gọi là tạp chí) thì quý vị ưa thích nhất là “Âm nhạc cuối tuần”, kế đến theo thứ tự là “Diễn đàn Kinh tế”, “Đời sống người Việt khắp nơi”, “Câu chuyện hàng tuần”, “Cổ nhạc”, “Trang Phụ nữ”, “Đọc báo trong nước trên mạng”, “Văn học Nghệ thuật”, “Sống vui sống khỏe”, “Thư tín”, “Diễn đàn bạn trẻ”, “Câu chuyện thời sự hàng tuần”, “Khoa học và Môi trường”.
Các bài được xem nhiều nhất là về chính trị như “Giới lãnh đạo Việt Nam sẽ ra sao trong 5 năm tới?”, chi tiết xoay quanh Đại hội 10 của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thành lập của Khối dân chủ 8406, những cuộc thẩm vấn các nhà dân chủ, và vụ Công an tra khảo đánh đập Mục sư Nguyễn Công Chính được rất nhiều người theo dõi.
Loạt bài về cuộc “Cải cách ruộng đất” đứng rất cao trong danh sách, cũng cho thấy sự quan tâm ngày càng nhiều của quý vị về những vấn đề chính trị.
Trong năm, ban Việt ngữ nhận được rất nhiều thư góp ý về chương trình cũng như các tiết mục. Chúng tôi trân trọng những ý kiến ấy và đã cải tiến ngay khi có thể. Xin cám ơn quý vị đã cho biết ý kiến để chúng tôi có thể đáp ứng đúng hơn, và chương trình được phong phú hơn, hay hơn.
Thủ tướng Việt Nam trả lời online
Trở lại với các vấn đề thời sự mà quý vị quan tâm và viết đến đài trong tuần qua, thì phản ứng mà chúng tôi ghi nhận nhiều nhất là về cuộc trả lời trực tuyến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với nhân dân.
Trước khi diễn ra sự kiện này thì một phụ nữ tên là Dương thị Xuân ở Hà Nội đã nhờ loan tải trên mạng lá thư ngỏ bà viết gửi đến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày ý kiến với tư cách một công dân.
Sau khi nhắc lại sự kiện vào năm 1919, ông Nguyễn Tất Thành (mà sau trở nên Hồ-Chí-Minh) nhân danh những người Việt Nam yêu nước, gửi tới Hội nghị Hòa Bình triệu tập tại Versailles, bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” trong đó đòi các quyền : 1/ Tổng ân xá cho tất cả những người bản xứ bị án tù chính trị, 2/ Tự do báo chí và tự do ngôn luận, 3/ Tự do lập hội và hội họp …
bà Dương thị Xuân viết:
“Các điều này cũng là các mục tiêu mà gia đình tôi, đã cống hiến hết sức mình kể cả xương máu từ đời ông cha, để các mục tiêu trên được thực thi trên đất nước ta. Nhưng tôi thấy ở Việt Nam ta hiện nay, có những người tiếp theo truyền thống đó lại bị khép vào tội tù chính trị, như nhà báo Nguyễn Vũ Bình, các ông Trương Văn Sương, Bàn Văn Thụy … đang bị cầm tù tại trại giam Nam Hà.
Vì vậy, tôi khẩn thiết đề nghị Thủ tướng hãy xem xét để các tù nhân chính trị được trả lại tự do ngay tức khắc và vô điều kiện. Tôi tin chắc rằng nghĩa cử đó sẽ được dư luận nhân dân trong nước, đồng bào ở hải ngoại và quốc tế nhiệt liệt hoan nghênh, đánh giá cao.
Về vấn đề tự do báo chí và tự do ngôn luận, tôi là một người đã tham gia biên tập tờ Tập san Tự Do Dân Chủ, nhưng khi ý tưởng báo mới được đưa ra thì đã bị Công an đến bắt giữ hỏi cung, thẩm vấn, khám nhà, khủng bố cả gia đình chúng tôi, và bảo rằng đây là tội hoạt động chính trị chống nhà cầm quyền! Vậy tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin có phải đã bị bóp nghẹt, bị đàn áp không? xin ông cho biết quan điểm về vấn đề vừa nêu.
Còn về Tham nhũng thì tôi thấy ở Việt Nam hiện nay, người dân chúng tôi muốn tham gia chống tham nhũng nhưng thật khó lắm, khó như tự trèo lên trời vậy! Thực tế như gia đình tôi phát hiện việc đổi sổ đỏ cho một hộ ở số nhà 69 phố Hàng Gai, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội bị sai chênh hàng chục mét, trị giá hàng nghìn cây vàng, lại xảy ra ngay giữa thủ đô vậy mà gần 10 năm nay, mặc dù chúng tôi liên tục khiếu tố và đưa rất nhiều hồ sơ chứng minh vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Thủ tướng hiện đang là trưởng ban chỉ đạo chống tham nhũng trung ương sẽ giải quyết vụ tham nhũng, sai phạm nghiêm trọng này như thế nào?”
Vừa rồi là các đoạn trích trong lá thư ngỏ mà bà Dương thị Xuân gửi đến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhân dịp ông mở đối thoại với người dân. Chúng tôi mong là Thủ tướng chính phủ đã nói thế thì chắc cũng ghé mắt, xem thư của bà. Còn giải quyết ra sao thì chưa biết được, bà ráng chờ tiếp vậy.
RFA Việt ngữ cũng được tin là vào sáng 9 tháng 2, dân oan chầu chực lâu nay ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng được biết ngày có chương trình Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đối thoại trực tuyến với nhân dân nên kéo đến số 16 phố Lê Hồng Phong để xin được đối thoại, nhưng họ đã bị một lực lượng đông đảo công an và an ninh mật vụ xua đuổi quyết liệt.
* Thính giả Du Lam mong mỏi là "sau khi đối thoại với dân, ngài thủ tướng sẽ biến lời nói thành hành động, để người dân có thể quên phần nào những khẩu hiệu đầy đường …"
nhưng bạn Jimmy Hoàng ở Anh quốc lại cho rằng "Ông Nguyễn Tấn Dũng muốn tỏ với thế giới là chính quyền đã cởi mở hơn và bắt đầu lắng nghe ý kiến người dân. Nhưng thực tế thì không vậy đâu! Người dân trong nước được tự do bày tỏ ý kiến, quan điểm chưa? được tự do thông tin chưa? Các quyền căn bản của con người còn chưa có thì làm gì đã có dân chủ tự do!"
Từ trong nước thì thính giả mà chúng tôi xin gọi tắt là L.Q. nhận xét về câu ông Nguyễn Tấn Dũng trả lời một bạn trẻ là "cho đến ngày Quốc hội bỏ phiếu bầu Thủ tướng chính phủ, Chú cũng chưa nghĩ mình sẽ là Thủ tướng …"
Theo thính giả này thì ông Dũng đã không thật với mọi người vì "Ông Nguyễn Tấn Dũng biết rằng Quốc hội có bổn phận phải thông qua những điều mà Đảng đã quyết định … Chúc các anh chị trong Đài luôn mạnh khỏe để phục vụ những người yêu sự thật ở khắp năm châu."
Thính giả Hoàng Minh thì cho đó chỉ là một trò mới, trả lời đấy nhưng không có câu đáp số.
Ý kiến của về các vấn đề khác
Nói đến vấn đề khiếu kiện đất đai thì không những thường dân bị mất nhà đất, mà các tôn giáo cũng đã bị chiếm nhiều cơ sở. Như vụ Dòng Thánh Giu-se Nha Trang nghiêm trọng tới nỗi giáo dân đã biểu tình để đòi lại cơ sở của nhà dòng.
Về vụ này, ông Nguyễn Thế Danh, Trưởng ban Tôn giáo của chính phủ Việt Nam, có phát biểu là: "Chúng tôi quan niệm rằng cái gì đã mượn, nếu có giấy tờ hẳn hoi thì sẽ trả."
Điều này thì thính giả Tính Nguyễn cho rằng ông đứng đầu Tôn giáo của chính quyền cũng không quên là khi đó, làm gì có chuyện cán bộ viết giấy gọi là “mượn tài sản” ký trên giấy trắng mực đen, để tới bây giờ những nạn nhân có thể trưng ra mà đòi lại!
Bài phỏng vấn luật sư Lê thị Công Nhân và mẹ chị đã khiến nhiều người không nén được xúc động, như thính giả Ngân từ Nhật Bản:
“Qua đài RFA, chúng tôi xin tỏ lòng kính phục trước tinh thần “Tiền phương can đảm" của luật sư Lê thị Công Nhân và “Hậu phương vững mạnh” của gia đình Chị. Ở xa, chúng tôi không thể làm gì cụ thể góp sức với Chị nhưng chúng tôi sẽ lắng nghe và đồng tình với Chị. Mong Chị coi đó như là “Hậu phương ngàn dặm” vậy. Chúc Chị nhiều sức khỏe và vững tin.”
Từ Đức thì bạn Huỳnh lo ngại:
“Tôi vô cùng cảm phục tinh thần của luật sư Lê thị Công Nhân cũng như của các nhà dân chủ ở trong nước nhưng tôi không tán thành việc cô tuyệt thực, hoặc người nào đấu tranh mà tuyệt thực cũng vậy, bởi vì người dân trong và ngoài nước cần quý vị có sức khỏe.”
Trong khi đó, nhiều thính giả tiếp tục quan ngại về tin dân-sự-hóa Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa, ông Vĩnh Thịnh viết:
“Tôi đã có quốc tịch Mỹ nhưng được Nhà nước Hà Nội ưu ái, vẫn coi là con dân của mình, như vậy thì tôi có quyền ứng cử trong kỳ bầu cử Quốc hội sắp tới. Xin quý Đài cho tôi biết cách thức ứng cử, vì tôi muốn ra tranh đấu bảo vệ Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa đang bị nguy cơ dẹp bỏ. Tôi vô cùng bi quan về số phần của nghĩa trang này chứ không “hồ hởi” như ông Nguyễn Cao Kỳ!”
Thính giả họ Lê đưa đề nghị:
“Quí Đài nên nêu đích danh các quan chức gây ra những tai hại đến đất nước và người dân Việt Nam. Ví dụ, về những vụ tham nhũng, hiếp đáp, lạm quyền, Đài hãy nghiên cứu xem ai là người chịu trách nhiệm? tại cơ quan nào? rồi nêu chức danh của họ ra. Sẽ có tác động trực tiếp hơn là nói chung chung như “Đảng hoặc Nhà nước …”
Đề nghị của bạn hay đấy, chúng tôi xin ghi nhận và sẽ cố gắng thực hiện.
Chia sẻ của Thính giả với Ban Việt ngữ RFA
Email của thính giả Trinh Nguyễn đề ngày 6 tháng 2:
“Hôm nay đi làm về, như thường lệ, tôi vào web của quí đài để xem tin tức thì được biết hôm nay cũng là ngày quí vị kỷ niệm mười năm hoạt động. Tôi xin có lời chúc mừng gởi đến tất cả quí anh chị trong ban. Nhân đây, tôi cũng xin cảm ơn quí vị về những thông tin trung thực và cập nhật mà quí vị đã đăng tải mỗi ngày, cập nhật đến nỗi mỗi khi nói chuyện điện thoại với người nhà ở Việt Nam, ai cũng ngạc nhiên là tại sao tôi ở xa mà lại biết rõ tình hình đất nước đến như vậy? và đó cũng là một trong những lý do tại sao ở chỗ tôi bây giờ, có rất nhiều người nghe đài Á Châu Tự Do.”
Bạn không nói là cư ngụ ở đâu tuy nhiên, RFA Việt ngữ cũng rất mừng được biết ngày càng có thêm thính giả, nhất là khi nghe người trong nước xác nhận rằng chúng tôi “biết rõ tình hình đất nước đến như vậy”.
Lời thư thân tình và khích lệ, chúng tôi cám ơn bạn nhiều.
Gia đình thính giả họ Nguyễn
“Cả gia đình tôi nghe đài qua radio đã khá lâu. Đài Á Châu Tự Do có những thông tin chính xác về kinh tế, chính trị. Nay, lên mạng được biết nhiều tin lý thú hơn nữa. Tôi xin góp ý là nhạc cuối tuần nên thêm nhiều hơn, và phát những bản nhạc trữ tình, mang lại những khoảnh khắc đáng nhớ của một thời lừng danh …”
Xin ghi nhận ý kiến, và cám ơn gia đình ông đã theo dõi chương trình lâu nay.
Cũng từ trong nước, thính giả Q.V. viết là "gửi tặng ban Việt ngữ "Mùa Xuân Việt Nam"
mở ra thì đó là hình hoa mai! Nhớ quá, vì ở Mỹ không có hoa mai, và mấy tuần nay, chúng tôi đang bị tuyết giá quá chừng.
Thư Bác Sáu cho biết có 15 năm trong quân đội, 8 năm tù cải tạo, 11 năm đạp xích-lô ở Saigon trước khi được ra hải ngoại, gửi lời chúc Tết ban Việt ngữ.
Những lá email chúc Tết vẫn tiếp tục bay đến Đài, như của thính giả Châu Nguyễn từ trong nước, các bạn Ngọc Tuấn, Ngọc Anh, Việt Nguyễn ở Mỹ, Việt Hoàng từ Nga, và bạn Nguyễn Cường lần đầu tiên viết đến ban Việt ngữ, cho hay từ khi nghe Đài (là một năm nay), bạn quan tâm nhiều về đất nước Việt Nam.
Chúng tôi cũng nhận được nhạc bản “Xuân vui ca” của nhạc sĩ Nguyễn Nhật Tân ở Sydney bên Úc, và “Ông đồ ngày xưa” của Nhật Tùng ở Mỹ gửi tặng.
Xin cám ơn các bạn.
Toàn ban mến chúc quý vị Năm Mới an khang, hạnh phúc, thịnh vượng, may mắn.