Trung Tâm Mai Hòa, nơi chăm sóc bệnh nhân AIDS giai đọan cuối


2005.10.25

Phương Anh, phóng viên đài RFA

Kính chào quí vị và các bạn, trong chương trình kỳ trước, Phương Anh đã gửi đến quí vị và các bạn câu chuyện về Vườn Cây Thuốc Nam của những người đang cai nghiện tại trung tâm Phú Văn ở Bình Phước.

MaiHoa200.jpg
Trung Tâm Mai Hòa, nơi chăm sóc những bệnh nhân ở giai đọan cuối. Hình của Phương Anh/RFA

Chúng ta đã được nghe tâm sự và nỗi lòng của những thầy thuốc cùng những người có trách nhiệm khi cố gắng đưa những thanh niên chẳng may vướng vào vòng ma túy trở về với xã hội để làm lại cuộc đời. Thế còn những người đã quá nặng, và bị nhiễm HIV, rồi mang bệnh AIDS trong người thì sao?

Ở xã hội Việt Nam ngày nay, mặc dù đã có nhiều thông tin giáo dục về sự lây lan của vi khuẫn HIV, sự khinh miệt, rẻ rúng, cùng sự kỳ thị vẫn còn rất cao. Cùng với các cơ quan chức năng của nhà nước, các cơ sở từ thiện đã cố gắng tổ chức những nơi chăm sóc cho những người không may bị nhiễm HIV.

Một trong những cơ sở ấy là Trung Tâm Mai Hòa, ở xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh. Trong chương trình hôm nay, mời quí vị và các bạn nghe Phương Anh kể về trung tâm này.

Những tấm lòng nhân hậu

Thưa quí vị và các bạn, khi Phương Anh liên lạc được với nữ tu Tuệ Linh, thuộc dòng Nữ Tử Bác Ái, hiện là giám đốc Trung Tâm Mai Hòa, thì cùng là lúc trung tâm mới nhận nuôi thêm em bé thứ 10, khi cả cha mẹ đều qua đời vì bệnh AIDS. Nơi đây, tất cả những bệnh nhân khi được nhận vào đều ở giai đoạn cuối. Chúng ta hãy nghe Sơ Tuệ Linh kể lại:

"Trung tâm được khánh thành vào ngày 3-7- 2001, bệnh nhân đầu tiên đến là ngày 29-6-2001…Hiện nay có 5 sơ phụ trách, các sơ thì không ở lâu ở đây, chúng tôi chuyên lo cho những người nghèo nhất, những người bị bỏ rơi.

Ở đây trường hợp nào cũng đáng thương hết, có những trường hợp vô đây chừng nửa tiếng thì qua đời, có những trường hợp bỏ vào đây thì chúng tôi cũng đến tận gia đình để kêu gọi vì bao giờ chúng tôi cũng chủ trương hòa giải với gia đình.

Chúng tôi thấy vào những năm 1990, thì ở Việt Nam bệnh HIV phát triển nhiều nhất. Chúng tôi nhìn thấy họ là những người lang thang trên đường phố, bị gia đình sợ hãi, xã hội ai cũng bỏ rơi, chúng tôi thấy những người đó là những người nghèo nhất, những người bị bỏ rơi thì chúng tôi tiếp nhận họ, ưu tiên những người vô gia cư ở những ngày cuối đời, chúng tôi giúp họ có nhân phẩm và bình an để mà ra đi. "

Khi được hỏi làm thế nào để chi phí, Sơ Tuệ Linh cho hay: "Nguồn kinh phí chính là của các ân nhân, nếu không có thì của nhà dòng. Nhà nước thì giúp về chuyên môn, kỹ thuật, thiêu tử thi, đốt rác y tế, hỗ trợ về chụp X quang phổi, cho thuốc giảm đau mạnh, và mỗi năm thì cho các vật dụng y tế."

Các nạn nhân ngây thơ vô tội

Hiện nay, tại trung tâm Mai Hòa, có 22 bệnh nhân, có 10 em bé từ 3 đến 10 tuổi, tất cả đều mồ côi cha mẹ.

Sơ cho biết: "Các cháu gia đình không nhận thì chúng tôi mới nhận, còn lại 12 người thì ở giai đoạn cuối, bên trong này thì được chăm sóc về tinh thần, có thuốc và dinh dưỡng đầy đủ, nên họ vượt qua, và những người nào khỏe lại thì họ chăm sóc những người yếu… mình cũng kiếm việc cho họ làm, như lau nhà, làm vườn, in lụa, làm những vật thủ công mỹ nghệ.

Các em bé thì do từ gia đình gửi tới, sau khi bố mẹ qua đời, thì ông bà không nuôi, từ chối, thì gửi tới. Trước khi đó, thì chúng tôi cũng cố gắng thuyết phục gia đình, chỉ khi nào gia đình không chấp nhận cháu thì chúng tôi mới nhận.

Ở đây trường hợp nào cũng đáng thương hết, có những trường hợp vô đây chừng nửa tiếng thì qua đời, có những trường hợp bỏ vào đây thì chúng tôi cũng đến tận gia đình để kêu gọi vì bao giờ chúng tôi cũng chủ trương hòa giải với gia đình.

Mình kiếm gia đình cho họ để hai bên tha thứ cho nhau, nhiều khi gia đình cũng không đến, họ bỏ luôn, có khi mình thiêu tử thi xong, mình kêu gia đình đến nhận, gia đình cũng không muốn nhận, hoặc gia đình nhận rồi, nhưng sau này khi chúng tôi phát giác ra thì vẫn nằm ở Bình Hưng Hòa, chúng tôi lại phải đem về…có những trường hợp bỏ rơi tới chết rồi cũng bỏ rơi."

Về trường hợp các em bé, các em được các sơ săn sóc thật cẩn thận về đời sống cũng như tinh thần. Vì có sự kỳ thị nên các sơ đành phải tìm cách cho các em học hành tại chỗ, Sơ Tuệ Linh nói:

MaiHoaChildren200.jpg
Các em nhỏ ở trung tâm Mai Hòa vẫn hồn nhiên vui đùa hàng ngày. Hình của Phương Anh/RFA

"Khi chúng tôi xin cho các em học ở trường gần , nhưng các thầy cô giáo nói là họ không có ngại, nhưng vấn đề phụ huynh, vấn đề kiến thức hiểu biết của mình chưa đủ, thành ra ai cũng sợ hết, nên hiện tại các cháu học tại đây, có cô giáo đến dậy.

Còn hy vọng mai sau sẽ có sự nối kết với các trường học ở ngoài để các cháu có mức học bình thường, có thi cử này nọ, bây giờ thì các cháu uống thuốc đặc trị, hy vọng là các cháu cũng khỏi, thì cũng phải chuẩn bị tương lai cho nó."

Tâm sự của người bệnh

Thưa quí vị và các bạn, một trong những bệnh nhân ở Mai Hòa, anh Dương Trí Đức, năm nay 30 tuổi, tâm sự:

"Em vào Mai Hòa được 20 tháng, coi như cuộc sống ở đây bình an, không phải lo lắng như hồi trước ở ngoài xã hội. Trước đây ở trại Cải tạo, sau đó ở bệnh viện Nhiệt Đới, rồi vào đây. Hồi trước vào đây coi như là để mà chôn thôi.. bị bệnh AIDS rồi mới có hai bệnh phụ khác là xơ gan cổ trướng và lao…

Khi vào đây cái bụng to lắm, nhưng được bác sĩ và mấy sơ chăm sóc nên nó nhỏ lại từ từ, không ai ngờ được, rồi từ từ bệnh gan hết, kèm theo bệnh lao cũng hết luôn…bây giờ coi như vẫn còn bị nhiễm, nhưng tình trạng sức khoẻ tốt…Bệnh AIDS của Đức là bị nhiễm qua đường tiêm chích ma tuý, hồi bước vào con đường ma túy là năm 1996, lúc đó Đức 25, 26 tuổi…

Lúc nằm ở bệnh viện Bến Tre, có người cho một ca nước đá, nhưng khi người ta biết Đức bị bệnh, người ta hoảng hồn, liệng ca nước đá, người ta chạy…Khi về bệnh viện Nhiệt Đới, người ta nói nhiều câu mình nghe không thể chịu nổi, lúc nào người ta cũng tránh né, mình đi mua đồ ăn người ta cũng nhìn, cũng tránh né, nên bị mặc cảm, chỉ muốn tự vận thôi."

Với lòng hy sinh và tận tuỵ chăm sóc của các dì phước và bác sĩ tại Trung Tâm Mai Hòa, từ một bệnh nhân chỉ chờ chết, nay anh đã từ từ hổi phục sức khoẻ, rồi cùng các sơ chăm sóc các bệnh nhân khác. Khi hỏi anh có điều gì để thưa cùng các bạn đang nghe Đài, anh nói:

Đối với những bạn trẻ là sinh viên hay học sinh, Đức xin nói với những người đó là đừng bao giờ nên thử ma tuý. Bởi vì không có ai đến với ma tuý mà có ước nguyện chơi ma túy hết, là chỉ thử thôi, để chỉ chơi cho biết thôi, nhưng mà không ngờ chuyện thử đó sau này sẽ thành thiệt.

"Ở đây gần hai năm, chứng kiến gần 100 trường hợp, có những trường hợp vợ bị chồng truyền, hay là con cái bị cha mẹ truyền thì nhìn cái cảnh đó, Đức chịu không được…bởi vì họ là nạn nhân, còn như Đức thì không đáng nói.

Nhìn thấy, mình xót xa, mình không muốn cho những người khác tiếp tục con đường tội lỗi như vậy nữa, để cho những người khác vô tình, không có chơi cái gì hết, mà lại mắc cái bệnh này, mình nhìn thấy như vậy rất ray rứt, có cảm giác như chính mình cũng gây nên tội đó.

Đối với những bạn trẻ là sinh viên hay học sinh, Đức xin nói với những người đó là đừng bao giờ nên thử ma tuý. Bởi vì không có ai đến với ma tuý mà có ước nguyện chơi ma túy hết, là chỉ thử thôi, để chỉ chơi cho biết thôi, nhưng mà không ngờ chuyện thử đó sau này sẽ thành thiệt. Còn những người nghiện mà chưa nhiễm, thì nên cố gắng cai đi và cai thì đòi hỏi phải có tinh thần và đòi hỏi gia đình, xã hội giúp đỡ họ, chứ một mình họ cai, họ cũng không làm gì được hết…

Bởi vì họ cai thì người khác nhìn họ bằng cặp mắt không tin tưởng thì họ không cai được… Còn những người đã nhiễm rồi thì ráng sống vui vẻ và đừng nghĩ gì hết, tìm đến những chỗ hoạt động xã hội, thì cuộc sống có bình an hơn, chứ không ở ngoài được, ở ngoài xã hội bị kỳ thị, khó sống lắm."

Ứơc muốn của các em

Về phần các em bé, tuổi thơ vẫn hồn nhiên vô tư, một em kể về mình: "Em tên là Bùi thị Yến Vi, con học lớp hai… Năm nay con 10 tuổi, mẹ con chết từ hồi con còn nhỏ, khi mà con bị bệnh thì bà con gửi con vô đây. Con sống ở đây được các sơ và bác sĩ cho uống thuốc, cho con đi chơi, dậy cho chúng con học. Con thích học cho giỏi để mai mốt lớn lên đi phụ các dì…, con thích làm cô giáo với làm bác sĩ, để khám bệnh cho những người bệnh.

Khi biết con bị bệnh, bà ngoại con cũng buồn, con cũng buồn, lúc đó con 8 tuổi…Bà ngoại kể cho con nghe là hồi con còn trong bụng mẹ, thì mẹ con bị bệnh rồi, nên truyền qua cho con, rồi khi con bị bệnh thì bà nói các chú đưa con vô đây…

Lúc mới vô, con buồn lắm vì bà đi rồi, bà không ở với con nữa, bà sợ lây, nhưng các dì nói là lây qua đường máu không à…Các dì dậy con là ai bị chảy máu thì phải đi băng ngay, chứ không thôi bạn nào mà lỡ cũng chảy máu, rồi hai người đụng nhau là lây…

MaiHoaKid200.jpg
Vì có sự kỳ thị nên các em tại Trung tâm Mai Hòa đành phải học tại chỗ. Hình của Phương Anh/RFA

Chừng nào ai sốt thì các dì cho uống thuốc, còn mỗi ngày thì uống thuốc một lần, uống buổi sáng. Các bạn ở trong nhà thì ai cũng chơi với con hết, nhưng các bạn ở ngoài thì không ai muốn chơi với con."

Em Thúy Vi, năm nay 10 tuổi, cũng nói: " Ba mẹ con chết hết rồi, con chỉ còn cô thôi, thỉnh thoảng cô con đến thăm, cho con kẹo bánh, con lớn lên thích làm bác sĩ."

Còn em Tuyền, 9 tuổi, thì nói: "Má con chết rồi…con học lớp một, biết đọc, biết viết.. con được dì dẫn đi chơi, đi sở thú…Ở đây chị Thúy Vi lớn nhất, bé Lục 3 tuổi nhỏ nhất. Con thích nghe kể chuyện Tấm Cám, Alibaba và cây đèn thần. Tuyền lớn lên thích làm cô giáo…Tuyền thích hát nữa…Con hát bài Kìa Con Bướm Vàng"

Mong ước của các sơ

Mời bạn tham gia mục Câu chuyện Hàng Tuần do Phương Anh phụ trách. Mọi email xin gửi về Vietnamese@www.rfa.org

Thưa quí vị và các bạn, cũng giống như các trẻ thơ khác, các em ở Mai Hòa vẫn đang hồn nhiên vui đùa hàng ngày. Trong vòng tay thương yêu của các dì phước và các bác sĩ, các em ngày thêm khoẻ mạnh, vì sự kỳ thị, dẫu cho các em là nạn nhân, nhưng vẫn chưa được gia đình và xã hội đón nhận như lời của nữ tu Tuệ Linh tâm sự:

"Điều ước muốn của chúng tôi, duy nhất và mạnh nhất là cho mọi người thấy là sống với những người bệnh HIV/AIDS là sống được. Chúng tôi đã sống ở đây và chăm sóc họ, thì không có cớ gì mà gia đình hay xã hội sợ hãi và có những phân biệt đối xử…

Chúng tôi ao ước nhất là cho các cháu được đi học. Chúng tôi chỉ mong là quí vị đừng có phân biệt đối xử, hãy giúp đỡ họ và cho họ sống đúng với nhân phẩm…"

Phương Anh xin dừng nơi đây, hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong chương trình kỳ sau.

Thông tin trên mạng

- Cantonese feature about aids orphans in China

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.