Ứng phó với Khủng hoảng

0:00 / 0:00

Nguyễn Xuân Nghĩa & Việt Long, RFA

Trong tuần qua, kinh tế Việt Nam bỗng gây hốt hoảng vì một số biến động liên tiếp về thời tiết, dịch bệnh và cả chính sách đối phó với áp lực lạm phát khiến nhiều ngân hàng gần như bị tê liệt. Đây đó đã có người nói đến chữ khủng hoảng, cũng nguy kịch như vụ khủng hoảng Đông Á mười năm về trước. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu vấn đề ấy qua cuộc trao đổi cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa do Việt Long thực hiện sau đây.

businessEconomic200.jpg
AFP PHOTO

Việt Long: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, hàng loạt những tin xấu đã xảy ra ngay sau mùa Tết tại Việt Nam khiến dư luận hoang mang không ít và có người đã nói đến khủng hoảng.

Khi dịch cúm gia cầm chưa thoái lui, thời tiết giá lạnh tại các tỉnh cực Bắc lại khiến sáu vạn trâu bò bị chết, và lại báo hiệu nạn hạn hán. Thiên tai và dịch bệnh lại xảy ra khi vật giá bắt đầu leo thang với tốc độ phi mã.

Trong khi ấy, thị trường chứng khoán đã có triệu chứng tuột đáy, với chỉ số VN-Index sụt dưới mức nâng là 800 điểm. Trước các vấn đề dồn dập đó, Chính quyền và Ngân hàng Nhà nước tung ra biện pháp tiền tệ để kềm hãm lạm phát với hậu quả trước mắt là các ngân hàng phải đồng loạt tăng lãi suất và nhiều ngân hàng tạm ngưng cho vay vì thiếu thanh khoản.

Trong chương trình hôm nay, chúng tôi đề nghị là ta sẽ cùng tìm hiểu về tình hình chung của nền kinh tế Việt Nam, mới chỉ một năm sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, và về phương cách ứng phó với nguy cơ khủng hoảng. Câu hỏi đầu tiên của chúng tôi là liệu kinh tế Việt Nam có thể gặp khủng hoảng hay không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi không nghĩ là kinh tế Việt Nam đang ở mé bờ khủng hoảng, nhưng lãnh đạo xứ này đang nhận được nhiều hồi chuông cảnh báo và nên sớm chấm dứt việc tự động viên hay ru ngủ nhau bằng khẩu hiệu. Kinh tế Việt Nam có những nhược điểm sinh tử đang được phơi bày và đòi hỏi một khả năng ứng phó tinh vi hơn những gì đã làm cho tới nay. Nếu không thì có thể đến cuối năm nay là Việt Nam sẽ bị khủng hoảng.

Việt Long: Mối lo của nhiều người dân hiện nay là nạn vật giá leo thang, so với năm ngoái thì đã tăng 14% và sẽ còn có thể tăng nữa, nhất là mặt hàng lương thực và thực phẩm rất cần thiết cho quảng đại dân chúng, trước tiên là người nghèo. Đã vậy lại còn thiên tai và dịch bệnh đang dồn dập xảy ra khiến lương thực càng khan hiếm và giá cả càng tăng. Vì sao Việt Nam lại bị lạm phát nặng như vậy và có cách gì ngăn chặn được không?

Việt Nam bị lạm phát cao hơn các nước trong khu vực vì nhiều lý do mà diễn đàn này đã nhiều lần đề cập tới, lần mới nhất là vào cuối tháng Giêng, ngay trước Tết.

Nguyễn Xuân Nghĩa: Việt Nam bị lạm phát cao hơn các nước trong khu vực vì nhiều lý do mà diễn đàn này đã nhiều lần đề cập tới, lần mới nhất là vào cuối tháng Giêng, ngay trước Tết.

Giá cả thương phẩm, là nguyên nhiên vật liệu và khoáng sản lẫn lương thực, đều tăng mạnh trên thế giới nên Việt Nam bị sức ép của vật giá từ đầu vào, do hiện tượng tạm gọi là nhập khẩu lạm phát. Lý do là kinh tế xứ này chủ yếu làm gia công cho thiên hạ, tức là mua thiết bị, kỹ thuật và vật liệu vào biến chế với nhân công rẻ để bán ra ngoài với hiệu năng thật ra rất kém và sức cạnh tranh rất yếu. Khi mua hàng đắt giá là bị lạm phát.

Nhiều nước cũng có thể bị áp lực lạm phát vì yếu tố khách quan đó của thị trường quốc tế. Nhưng lạm phát tại Việt Nam lại nặng hơn các xứ khác vì nhiều nguyên nhân nội tại, chủ yếu là do khả năng quản lý quá thô thiển trong một cơ chế có nhiều ách tắc, bị kềm hãm bởi một quán tính là sự thụ động và thiếu trách nhiệm của cán bộ nhà nước.

Đã thế, Việt Nam còn là nạn nhân của sự hồ hởi vì tuyên truyền, về những triển vọng to lớn sau khi gia nhập tổ chức WTO, nên bị tràn ngập bởi làn sóng tư bản từ ngoài đổ vào mà kinh tế hấp thụ không nổi và nhà nước quản lý không kịp.

Tai ách bất ngờ

Việt Long: Nhưng phải chăng Việt Nam cũng bị thiệt hại vì thiên tai dịch bệnh, là những yếu tố bất ngờ gây ảnh hưởng đến nông sản và lương thực?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Xứ nào trên mặt địa cầu cũng có thể bị những tai ách bất khả kháng như vậy và lãnh đạo hay quản trị là phải biết tiên liệu, biết ứng phó. Chúng ta trở lại nguyên nhân đầu tiên và cơ bản nhất là khả năng quản lý rất kém của bộ máy nhà nước trong cứu trợ và phân phối.

Việt Nam có bị lạm phát vì yếu tố khách quan là phí tổn gia tăng, hay vì tai nạn bất ngờ như dịch heo tai xanh, nạn sâu rầy, mà điều tiết phân phối không nổi. Rồi lại tự nhồi thêm một tai ách khác là chính sách quản lý tiền tệ quá thô thiển ù lì nên mới gặp nạn lạm phát vì tiền tệ. Như tháng Năm năm ngoái, nhà nước bơm một lượng tiền quá lớn vào kinh tế để thu hút ngoại tệ trong khi lãi suất ngân hàng vẫn được duy trì quá thấp, thực tế là số âm, nên tiền tệ lưu hành quá nhiều mới gây ra lạm phát. Mà sở dĩ phải bơm tiền ra mua ngoại tệ thuộc các diện như đầu tư trực tiếp, viện trợ, tiền bạc của người Việt gửi về, v.v… là để duy trì tỷ giá hối đoái thấp hầu đẩy mạnh xuất khẩu nếu không là bị nhập siêu.

Bây giờ, cán cân thương mại vẫn bị nhập siêu vì xuất khẩu ít hơn nhập khẩi hơn một chục tỷ Mỹ kim và sẽ còn tăng, trong khi ấy, vật giá cũng vượt qua hai số, và cũng sẽ còn tăng. Đã thế, tiền bạc dư dôi còn thổi lên nhiều trái bóng đầu cơ sẽ bể, trước hết trên thị trường chứng khoán và sau này trên thị trường địa ốc.

Xứ nào trên mặt địa cầu cũng có thể bị những tai ách bất khả kháng như vậy và lãnh đạo hay quản trị là phải biết tiên liệu, biết ứng phó. Chúng ta trở lại nguyên nhân đầu tiên và cơ bản nhất là khả năng quản lý rất kém của bộ máy nhà nước trong cứu trợ và phân phối.

Việt Long: Nếu nhìn trên toàn cảnh thì Việt Nam có những biện pháp ứng phó thế nào để có thể ngăn ngừa khủng hoảng bùng nổ trong tương lai?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Trên diễn đàn này, chúng ta đã có dịp tìm hiểu về những biện pháp kích cầu kinh tế để ngăn ngừa nạn suy trầm sản xuất. Khi phải ngăn ngừa lạm phát, ta cũng có loại biện pháp ấy, áp dụng theo chiều hướng trái ngược, nôm na là thay vì bơm tiền thì phải hút bớt tiền.

Thứ nhất là loại biện pháp tiền tệ và tín dụng, chủ yếu do Ngân hàng Nhà nước ban hành trong mục tiêu ổn định giá cả mà không phương hại cho sản xuất. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có lãnh đạo mới nên bắt đầu áp dụng biện pháp kềm hãm tiền tệ lưu hành và tiết giảm tín dụng. Cụ thể là nâng mức dự trữ pháp định, tăng lãi suất và nay mai sẽ còn phát hành tín phiếu để hút bớt tiền lưu hành ngoài thị trường.

Đây là biện pháp đúng, có thể bị các ngân hàng cho là quá nặng tay mà thật ra cũng cần thiết. Nhân dịp này ta cũng thấy một quy luật đào thải đáng sợ là các ngân hàng thương mại cổ phần non yếu vì thiếu vốn hay khả năng quản trị kém sẽ bị lỗ và có khi phá sản, hoặc bị sáp nhập.

Xin nói thêm là cũng trong loại biện pháp tín dụng, Ngân hàng Nhà nước vẫn bị kẹt với các ngân hàng thương mại cũng của nhà nước phải tiếp tục cấp phát tín dụng cho các doanh nghiệp cũng của nhà nước thực hiện những dự án có hiệu quả sản xuất rất tồi. Đấy vẫn là hiện tượng rỏ rỉ tài chính gây ra lạm phát mà vì thuộc diện chính sách nên không ai dám đụng tới. Rốt cuộc thì vẫn là vì khả năng quản lý vĩ mô quá kém.

Biện pháp ngăn ngừa lạm phát

Việt Long: Ngoài biện pháp tiền tệ và tín dụng ấy thì người ta còn cách nào khác để ngăn ngừa lạm phát?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Loạt biện pháp thứ nhì thuộc lĩnh vực tài chính công, tức là ngân sách quốc gia. Khi cần kích thích tiêu thụ, người ta có thể giảm thuế, hoặc trả lại tiền thuế, hay gia tăng công chi để bơm tiền vào kinh tế. Ngược lại, khi phải kiểm soát lạm phát thì có thể nghĩ tới việc giảm chi và trước mắt áp dụng khí cụ thuế khoá để quân bình được giá cả của hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu, miễn rằng đừng chỉ nhìn thấy một yêu cầu là xuất khẩu.

Một lãnh vực thiết yếu khác là cần xét tới các mục công chi về đầu tư trong khu vực công, là các dự án của nhà nước. Nếu tình hình nguy kịch thì có thể tạm giãn lịch trình thi công. Nếu là dự án kém hiệu năng thì đừng bơm thêm tiền như gió vào nhà trống vì tiền trút vào đó là chưa gia tăng sản xuất, vốn dĩ rất ít, thì đã thổi bùng lạm phát.

Loại biện pháp tài chính công như vậy chậm có tác dụng và đòi hỏi một khả năng phối hợp cao độ của các cơ quan nhà nước. Nhưng cũng vì chậm có tác dụng mà phải nghiên cứu áp dụng sớm, nhân đó cũng chấn chỉnh và thanh lọc lại các dự án vô bổ và kém hiệu năng.

Việt Long: Ngoài biện pháp tiền tệ và ngân sách thì còn loại biện pháp nào khác nữa?

Việt Nam đầu tư rất nhiều mà đạt hiệu năng rất thấp, nay bị lạm phát cao nhất và có tỷ lệ bất công xã hội cũng cao nhất trong khu vực. Người ta không nhìn vào sự thể đó trong không gian, tức là so sánh với các xứ khác, mà chỉ nhìn vào trục thời gian, và nghĩ là ta đã giàu hơn vài chục năm trước nên sẽ bắt kịp thiên hạ. Đây là điều mà Lê Nin từng gọi là ấu trĩ.

Nguyễn Xuân Nghĩa: Loại biện pháp thứ ba có hiệu quả còn chậm hơn mà lại cần thiết hơn, đó là cải tổ lại cơ chế để giải phóng sức sản xuất. Việt Nam cứ tự hào là có đà tăng trưởng kinh tế cao, mà không nhìn ra đặc tính thiếu phẩm chất của sự tăng trưởng, là điều chúng ta nói mãi từ nhiều năm nay. Khi đang bị nguy cơ lạm phát và khủng hoảng như vậy thì càng phải nghĩ tới việc cải tổ cơ chế. Cụ thể là tháo gỡ những ách tắc và chướng ngại cho sản xuất để nâng cao sản lượng hàng hoá và dịch vụ cung ứng cho thị trường. Mục tiêu gia tăng sản xuất này góp phần quân bình lại tình hình cung cầu và đẩy lui lạm phát trong thế động, trong tinh thần tích cực.

Một thí dụ có thể thấy là hiện tượng bong bóng trên thị trường gia cư địa ốc, làm giá nhà đất cứ vọt lên trời. Tiền bạc trút vào đó trong mục đích đầu cơ thì nhiều, nhưng sở dĩ có đầu cơ vì số cung về nhà đất bị hạn chế. Việc xây cất bị trở ngại vì hành chính rườm rà, ách tắc, tiền chè lá hay hoạt liệu "bôi trơn" quá cao. Sở dĩ như vậy là do nạn tham nhũng của một số người có tiền và có thế lực. Nếu có những quyết định giải tỏa các ách tắc hành chính ấy thì sản lượng gia tăng có thể chặn được nạn đầu cơ và giảm thiểu được lạm phát.

Việt Long: Nói như vậy thì có lẽ vấn đề chính lại không nằm trong chênh lệch cung cầu về hoàng hoá và tiền tệ mà nằm trong cơ chế hay chính sách kinh tế quốc gia. Điều ấy có đúng hay không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa hoàn toàn đúng. Việt Nam chỉ học lại mô thức phát triển của các nước Đông Á và thực hiện với hiệu năng rất tồi nên dẫn tới nhiều ẩn phí rất cao, những phí tổn chìm của kinh tế, xã hội và môi trường. Nếu có so sánh hoàn cảnh Việt Nam bây giờ với tình hình các nước tân hưng Đông Á, như Nam Hàn, Đài Loan hay Malaysia, Thái Lan chẳng hạn, khi họ ở vào cùng trình độ phát triển mấy chục năm trước, thì ta thấy các xứ đó có mức tăng trưởng cao hơn, với phẩm chất tốt đẹp bền vững hơn. Vậy mà họ còn bị trận khủng hoảng năm 1997-1998 và phải duyệt xét lại chiến lược và cải tổ lại cơ chế.

Nhược điểm

Việt Long: Một cách cụ thể cho Việt Nam thì nhược điểm hay vấn đề của chiến lược đó là gì?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Việt Nam đầu tư rất nhiều mà đạt hiệu năng rất thấp, nay bị lạm phát cao nhất và có tỷ lệ bất công xã hội cũng cao nhất trong khu vực. Người ta không nhìn vào sự thể đó trong không gian, tức là so sánh với các xứ khác, mà chỉ nhìn vào trục thời gian, và nghĩ là ta đã giàu hơn vài chục năm trước nên sẽ bắt kịp thiên hạ. Đây là điều mà Lê Nin từng gọi là ấu trĩ.

Đã đến lúc phải nhìn lại chiến lược ấy để khỏi lệ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu - tới 60% tổng sản lượng GDP là một sự dại dột báo hiệu rất nhiều bất trắc. Kế đó là phải cải thiện hệ thống quản lý vĩ mô sau khi mở cửa hội nhập với thị trường bên ngoài để trau dồi khả năng ứng phó. Và xây dựng lại nền tảng giáo dục để chú ý tới yếu tố năng xuất của tay nghề hơn là lương rẻ, mở rộng thông tin để tạo ra phản ứng đầu tư hơn là đầu cơ, vốn chỉ là phản ứng chụp giựt để giàu xổi và sẽ không bền.

Nếu không kịp sửa lại những nhược điểm ấy, Việt Nam có thể bị lạm phát trong khi sản xuất lại sa sút. Bất công và động loạn xã hội gia tăng sẽ dẫn tới khủng hoảng.