Nhiều cơ quan tố tụng ở Việt Nam phải xin lỗi vì những vụ xử oan người vô tội


2006.06.17

Thanh Quang, phóng viên đài RFA

Trong mấy ngày nay, tin tức trong nước cho biết là nhiều cơ quan tố tụng ở Việt Nam phải xin lỗi vì những vụ xử oan người vô tội, hay không phát hiện được những kẻ có tội. Thanh Quang tìm hiểu xem tình hình này đáng ngại như thế nào. Qua cuộc trao đổi sau đây, luật sư Nguyễn Văn Hậu từ Saigòn trước hết mô tả bối cảnh liên quan vấn đề này.

LawCourt200.jpg
Một tòa án tại Việt Nam. AFP PHOTO

Luật sư Hậu: Quốc hội đã ban hành nghị quyết 388 là nói về cơ quan tiến hành tố tụng đã có những sai sót, dẫn tới việc xét xử oan sai cho công dân. Nhân dịp hội họp, Quốc hội mới tổng kết lại xem việc thực hiện nghị quyết này có những mặt mạnh và mặt yếu như thế nào.

Thanh Quang: Như vậy tình trạng xét xử oan sai hiện như thế nào, thưa Luật sư ?

Luật sư Hậu: Vấn đề xử sai hiện phải bồi thường. Thí dụ cấp sơ thẩm xử người ta có tội, nhưng phúc thẩm xử cho là không tội thì cấp sơ thẩm phải bồi thường cho công dân đó; người gây ra tình trạng này phải chiụ kỹ luật.

Thanh Quang: Như Luật sư vừa trình bày thì có vẻ như tòa án cấp huyện là phạm phải sai sót này nhiều nhất ?

Luật sư Hậu: Tòa ở huyện cũng có, ở tỉnh cũng có, mà tại tòa tối cao ở TPHCM cũng có; tức là cấp nào cũng có xử sai. Nhưng có mấy vấn đề như thế này: Thứ nhất là do luật của Việt Nam có thay đổi để đáp ứng nhu cầu cuộc sống trong khi người cầm cân nẩy mực lại không bắt kịp yêu cầu đó.

Điểm thứ hai tôi là rằng những người đó yếu kém về mặt pháp luật. Hai nguyên nhân này, theo tôi, nó dẫn tới tình trạng xét xử oan sai khiến ảnh hưởng tới quyền cơ bản của công dân.

Bạn nghĩ gì về tình trạng này? Xin email về Vietweb@rfa.org

Thanh Quang: Theo nhận định của Luật sư thì nói chung quá trình khởi tố, điều tra, truy tố và kết án của những tòa án cấp địa phương hiện có những sơ hở như thế nào ?

Luật sư Hậu: Tôi nghĩ rằng vấn đề là cần phải chỉnh sửa trong cải cách tư pháp. Trước hết bắt đầu từ cơ quan khởi tố, rồi đến cơ quan điều tra, rồi công tố. Vì vấn đề là nó sai từ đọan đầu. Còn vấn đề nữa là vai trò của luật sư để tham gia tố tụng ngay từ đầu cũng gặp khó khăn. Chính vì vậy mà tôi cho là nó tạo ra sự oan sai. Nếu cho Luật sư tham gia từ đầu thì tôi nghĩ là sẽ giúp ích hơn cho công tác điều tra.

Thanh Quang: Nhân nói tới công tác điều tra, thưa Luật sư, được biết hiện trong số hơn 4.000 người làm công tác điều tra thì khoảng hơn 50 phần trăm có trình độ đại học. Luật sư nhận xét như thế nào về vấn đề này ?

Luật sư Hậu: Tôi nghĩ điều tất nhiên là phải đào tạo lại thôi chứ còn trình độ cơ quan điều tra hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu. Hoạt động như vậy của cơ quan điều tra một phần là do trình độ, năng lực nữa. Tôi nghĩ đây là việc phải khẩn trương làm thôi.

Thanh Quang: Trước tình trạng có nhiều sai trái trong việc xét xử như vậy thì hiện giới hữu trách Việt Nam có nhanh chóng đề ra giải pháp thích hợp nào chưa ?

Luật sư Hậu: Có rồi, có một lộ trình. Người ta đang tính cải cách tư pháp, đến năm 2010 phải có lộ trình là các cơ quan tiến hành tố tụng phải nâng cao trình độ của mình, yêu cầu phải tốt nghiệp đại học pháp lý hay đại học của ngành công an thì họ mới ngồi vào vị trí của cơ quan điều tra được.

Ở Việt Nam người ta đang tính việc đó, còn nếu không thì tình trạng xét xử oan sai tiếp tục xảy ra.

Thanh Quang: Cảm ơn Luật sư Hậu.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.