Kiến thức về lịch sử của học sinh đang ở mức báo động


2006.07.29

Thanh Quang, phóng viên đài RFA

Sau kỳ thi tuyển sinh đại học trong nước vừa rồi, số liệu thống kê sơ khởi cho thấy nói chung điểm của môn lịch sử thấp tới mức báo động. Nguyên nhân vì sao ? Thanh Quang tổng hợp các thông tin liên hệ, cũng như tìm hiểu một số ý kiến trong nước, và trình bày vấn đề như sau.

student200.jpg
AFP PHOTO

Trong mấy ngày nay, kết quả sơ khởi về môn sử từ các trường đại học trong nước khiến những người có tâm huyết không khỏi giật mình và lo ngại cho ý thức học tập của học sinh Việt Nam hiện giờ nói chung và mức độ cảm nhận về lịch sử nước nhà, nói riêng. Từ đó người ta nêu lên nghi vấn về chất lượng dạy và học môn lịch sử Việt Nam.

Nỗi âu lo này đã thể hiện qua nhiều tựa đề bài báo, chẳng hạn như “Bội thực điểm 0 môn lịch sử”, “Môn lịch sử: Kết quả thấp nhất trong các môn thi”, “Ý thức học lịch sử của học sinh quá kém”, “Thất vọng với việc dạy và học Lịch sử”…

Học vẹt

Một giáo viên ở Huế nhận xét về tình trạng này: “Vấn đề này tồn tại từ lâu rồi, bắt nguồn từ lối học vẹt của học sinh, trong khi phương pháp đào tạo cũng rất kém. Bây giờ phải lo cải cách lại thôi.”

Được biết tại Trường Đại học KHXH &NV ở Hà Nội, đa số thí sinh thi khối C có điểm rất thấp về môn sử, mặc dù theo giới giảng dạy của nhà trường, thì đề lịch sử năm nay không khó, đó là chưa kể có những câu hỏi cơ bản – tức không đòi hỏi khả năng phân tích sử kiện – để giúp thí sinh kiếm điểm.

Vấn đề này tồn tại từ lâu rồi, bắt nguồn từ lối học vẹt của học sinh, trong khi phương pháp đào tạo cũng rất kém. Bây giờ phải lo cải cách lại thôi.

Nhưng theo Tin Nhanh trong nước, một cuộc khảo sát ngẫu nhiên đối với 4 túi bài thi về môn sử - mỗi túi có khoảng 40 bài – thì số thí sinh chỉ được từ 0 tới một điểm “nhiều đến mức giật mình”.

Nhiều giám khảo bày tỏ thất vọng, và lại càng mệt mỏi thêm giữa tiết trời oi bức của mùa Hè, khi phải chấm nhiều bài thi gọi là “ngô nghê về lịch sử dân tộc”. Chẳng hạn như đa số thí sinh không phân biệt được lực lượng Đồng minh với Việt Minh, khiến dẫn tới những câu như “quân Đồng minh xây dựng căn cứ địa cách mạng, quân Đồng minh phát động phong trào phá kho thóc của Nhật.”

Một phu huynh học sinh bày tỏ quan ngại về tình hình này: “Rất là lo, thứ nhất về cái nhận thức của học sinh, thứ nhì là cách dạy nữa. Bây giờ người ta mở ra quá nhiều trung tâm ôn thi, luyện thi, rồi giảng dạy chính trị…khiến học sinh mất tập trung. Có nhiều đứa ngây ngô đến độ không có khái niệm gì về “Đồng minh” và “Việt minh”.

Giáo sư Vương Kim Trang thuộc Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cho biết chương trình học hiện nay “quá ôm đồm khiến học sinh “học lơ mơ”, thiếu kiến thức cơ bản, viết “rất linh tinh, bậy bạ”, lấy “râu ông nọ cắm càm bà kia”, như “câu hỏi về hiệp định Genève mà tưởng tượng thành hai đội Việt Nam và Pháp đá bóng với nhau.”

Theo Giáo sư Ngô Đăng Tri, Phó chủ nhiệm khoa Sử thuộc Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn Hà Nội, thì sau mỗi buổi chấm thi, đa số thầy cô bày tỏ thất vọng trước tình trạng yếu kém của thí sinh trong việc phân tích lịch sử; đa số chỉ trình bày lại nội dung thuộc lòng từ sách giáo khoa. Ông Nguyễn Văn Mạo, Trưởng phòng Đào tạo của trường, đánh giá sơ khởi rằng trong 3 môn thi của thí sinh ở Khối C, môn lịch sử kém nhất.

Tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, điểm thi môn sử trong khối C cũng lâm vào tình trạng tương tự. Được biết có tới 15% bài thi bị điểm 0.

Phương pháp đào tạo

Chương trình và cách dạy chưa thu hút được học sinh, thành ra dẫn tới tình trạng này. Bây giờ người ta đang cố cải tiến về chương trình, lẫn sách giáo khoa, để năm nay áp dụng vào lớp 10.

Trong khi đó được biết điểm môn sử của thí sinh thi vào Trường ĐH KHXH &NV ở Saigòn năm nay, nói chung, còn yếu kém rất nhiều, phần lớn từ 3 điểm trở xuống, mà theo TS Trần Thị Mai, Tổ trưởng chấm thi môn sử, “là do thí sinh không có kiến thức về môn sử và không có khả năng tổng hợp sự kiện.”

Đại học Cần Thơ thì cho biết nói chung điểm của 3 môn khối C, nhất là môn sử, không cao hơn năm ngóai, thậm chí điểm thi khối này còn thấp hơn mọi năm.

Một viên chức giáo dục ở Cần Thơ giải thích: “Chương trình và cách dạy chưa thu hút được học sinh, thành ra dẫn tới tình trạng này. Bây giờ người ta đang cố cải tiến về chương trình, lẫn sách giáo khoa, để năm nay áp dụng vào lớp 10. Hy vọng có thay đổi. Ở Cần Thơ tôi thấy có tổ chức thi học sinh giỏi về môn sử. Có đứa làm bài được lắm, nhưng chỉ số ít thôi.”

Tình hình không sáng sủa về môn sử như vừa nói khiến nhiều người thắc mắc về phương cách dạy và học môn lịch sử ở cấp phổ thông trong bối cảnh nền giáo dục Việt Nam đang bị than phiền là mang nặng bệnh thành tích, nạn dạy thêm học thêm, học từ chương, không tạo môi trường phát huy sáng kiến, khả năng phân tích, phán đóan của học sinh…

Theo giáo sư Hà Văn Thịnh thuộc khoa lịch sử Trường ĐH Khoa học Huế, thì “từ cách dạy và kể cả đáp án làm môn sử đang giống như là đống gạch vụn lổn nhổn, không gắn kết gì với nhau cả.” Vẫn theo giáo sư Thịnh, thì “mình chỉ một chiều, lúc nào cũng chỉ địch thua-ta thắng, địch bao giờ cũng hèn nhát, ta bao giờ cũng cao thượng, dũng cảm. Một chiều như vậy mãi thì học sinh cũng không thích, thậm chí tạo mặc cảm lừa dối.”

Còn tiến sĩ sử học Phạm Ngọc Tung thuộc ĐHKHXH &NV Hà Nội thì đề cập tới tình trạng “thiếu trách nhiệm với tương lai”, nhận định rằng “chúng ta đang nhìn lịch sử dân tộc một cách phiến diện, chỉ có chiến tranh cách mạng, không đưa vào lịch sử văn hiến, lịch sử dựng nước nên không hấp dẫn được người học.”

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.