Trường Văn, phóng viên đài RFA
Vừa qua, tại An Giang, một cuộc hội thảo về “Liên kết Hợp Tác Xã nông nghiệp khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long trong điều kiện sau khi Việt Nam gia nhập WTO” được tổ chức với sự phối hợp của Văn phòng đại diện Đông Nam Á của Liên Đoàn Hợp Tác Xã Cộng Hoà Liên Bang Đức tại Lào, Liên Minh Hợp Tác Xã tỉnh An Giang và Trung tâm phát triển nông thôn.

Hầu hết các chủ nhịêm Hợp Tác Xã tham dự hội thảo đều đồng ý là nhà nước, nhất là các ngân hàng cần phải hỗ trợ vốn thì các Hợp Tác Xã mới có thể phát triển được. Ngoài ra các cơ quan chức năng trong ngành Hợp Tác Xã cần phải đứng ra để kết nối các Hợp Tác Xã lại nhằm tạo sức mạnh cho Hợp tác Xã trong tình trạng hội nhập hiện nay.
Hiện nay tại vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long có khoảng 1000 Hợp Tác Xã Nông nghiệp nhưng phần lớn ở qui mô nhỏ, vốn ít, năng lực sản xuất kinh doanh yếu kém. Hầu hết hàng hóa, nông sản làm ra vẫn chỉ để tiêu thụ nội địa, xuất khẩu rất ít.
Thời bao cấp
Đánh giá về tình hình Hợp Tác Xã nông nghiệp hiện nay tại Việt Nam, ông Ulrich Kurz, Trưởng đại diện Văn Phòng Đông Nam Á của Liên Đoàn Hợp Tác Xã Cộng Hoà Liên Bang Đức tại Lào cho rằng những Hợp Tác Xã này tưong tự với các Hợp Tác Xã nông nghiệp Đức vào khoảng những năm 50 và 60 của thế kỷ trước.
Ông Trần Văn Chưởng, Chủ nhiệm hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đồng Tiến, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau có nhận xét là nông dân vẫn còn sản xuất riêng lẻ, chưa muốn vào hợp tác xã vì họ vẫn còn e ngại ảnh hưởng không tốt của các hợp tác xã thời bao cấp:
“Họ chưa nhận thức được hợp tác xã kiểu mới, cái này cũng phải từ từ thôi chớ mình gấp, mình nóng vội không được. bởi vì ảnh hưởng của hợp tác xã cũ còn duy trì trong dân, họ ớn lắm…”
Ông Nguyễn Ngọc Chất, Chủ Nhiệm hợp tác xã nông nghiệp Vĩnh Thắng, huyện Thọai Sơn, tỉnh An Giang cũng đồng ý với ý kiến của ông Trần Văn Chưởng. Ông phát biểu:
“Quan điểm của tôi là tất cả các hợp tác xã của ngành nông nghiệp mình, thành thật mà nói trước đây nói chung là trên chính sách rất là ưu đãi nhưng mà ưu đãi trên giấy tờ thôi. Ngành hợp tác xã mình áp dụng theo các hợp tác xã miền Bắc, sau này có cải tiến lại.
Hồi đó thành lập theo kiểu màu mè cho có tiếng hợp tác xã. Từ cái đó, hợp tác xã có tính cách bao cấp, mất lòng tin trong nhân dân của miền Nam”
Băn khoăn, lo lắng
Đối với ông Nguyễn Minh Nhị, cựu chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang thì cho rằng hợp tác xã tại An Giang nói riên và tại vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long nói chung có thể phát triển được với điều kiện có cán bộ quản lý giỏi và có khả năng để hướng dẫn bà con nông dân thành lập các hợp tác xã:
“Người trụ cột hợp tác xã hiện nay mình đào tạo chưa được đội ngủ này hoặc mà có thì chưa đưa được vào bộ máy hợp tác xã vì nhiều lý do. Cho nên hiện nay hợp tác xã chỉ làm ở mức tầm tầm nhưng vượt lên thì chưa được. Muốn được như vậy thì phải có sự hỗ trợ của nhà nước chớ tự lực của họ thì rất khó khăn.”
Sự lo lắng, băng khoăn của các hợp tác xã nông nghiệp trong hoàn cảnh hội nhập hiện nay là vấn đề vốn để sản xuất, thu mua sản phẩm của xã viên, xây dựng kho bãi và các phương tiện sản xuất khác.
Ông Nguyễn Ngọc Chất, chủ nhiệm hợp tác xã Vĩnh Thắng cho biết:"Các doanh nghiệp họ dược vay vốn họ mới phát triển được. Đối với các hợp tác xã thì các ngân hàng họ lắc đầu không bao giờ cho vay vốn, họ sợ các hợp tác xã trả không nổi. Họ sợ là phải vì có nhiều hợp tác xã bị bể không trả nợ được.
Nhà nước phải nhìn các hợp tác xã theo một quan điểm mới. Nếu không tin thì hãy xóa sổ người ta đi còn nếu đã tin thì phải có chính sách hỗ trợ để nông dân có vốn. Chúng tôi mong Đảng và nhà nước quan tâm để các hợp tác xã mạnh hơn thì may ra chúng tôi mới hoà nhập WTO được.”
Góp vốn
Đối với đề nghị liên kết thành Liên Hiệp hợp tác xã do ông Ulrich Kurz đưa ra để góp vốn lại, tăng cường năng lực tài chánh của hợp tác xã, ông Nguyễn Ngọc Chất có ý kiến:
“Theo tôi mình thực hiện được chớ không phải không. Thật ra mà nói tất cả hợp tác xã đều là nhỏ lẻ, vốn chỉ bằng một ông trung nông thôi thành thử ra chúng tôi mong có sự liên kết lại. Đây là một ý tưởng rất hay, bản thân tôi cũng muốn như vậy nhưng mà liên kết như thế nào. Tôi đang chờ để xem các anh ở trên có chính sách như thế nào nhưng sau phiên họp chưa thấy có chuyển động gì chớ bản thân một hợp tác xã nhỏ mà liên kết thì liên kết không nổi.
Riêng mô hình ông Tiến sĩ Đức đưa ra thì tôi mê dữ dằn lắm và ý tưởng của tôi cũng mong sao được như vậy, được một phần nào đó thôi thì như vậy may ra nông dân chúng tôi bớt khổ.”
Giáo sư Võ Tòng Xuân, hiệu trưởng trường Đại học An Giang có đề nghị là cần phải sửa đổi chính sách nông nghiệp và luật hợp tác xã sao cho phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế thế giới và phải có biện pháp khuyến khích để nông dân tự nguyện họp lại thành những hợp tác xã đa năng gắn với doanh nghiệp tiêu thụ và những trang trại rộng lớn, sẵn sàng tham gia xuất khẩu.