Gia Minh, phóng viên đài RFA
Có những ý tưởng cứ ngỡ là bình thường; thế nhưng nếu thực hiện một cách hữu hiệu có thể mang lại những kết quả vượt ngoài sức tưởng tượng của nhiều người. Đó là trường hợp của tiến sĩ Muhammad Yunus, người Bangladesh, vừa được trao giải Nobel Hoà Bình năm 2006.

Trong chương trình Sáng Kiến và Đời sống tuần này, Gia Minh mời quí vị và các bạn cùng nghe câu chuyện của người được trao giải Nobel Hoà Bình năm 2006 nhờ vào sáng kiến giúp người dân nghèo khó thuộc đất nước Bangladesh tại vùng Nam Á vượt qua được cảnh cùng cực, thiếu thốn của cuộc đời.
Sau khi biết tin giải Nobel Hoà Bình năm nay được trao cho ông Muhammad Yunus, 66 tuổi, người sáng lập ra ngân hàng Grameen cho người nghèo Bangladesh vay vốn làm ăn, thì nhiều người tỏ ra hết sức ngạc nhiên.
Kết quả tốt đẹp
Bản thân một người từng được giải thưởng Nobel Hoà Bình hồi năm 1983 là ông Lech Walesa, chủ tịch Công đoàn Đoàn kết một thời nổi tiếng của Ba Lan, phát biểu là ông lấy làm ngạc nhiên, có lẽ tốt hơn nên trao cho ông Muhammad Yunus một giải thưởng kinh tế nào đó nhờ sáng kiến độc đáo trong lĩnh vực đó thôi.
Ngay tại nơi giải thưởng được công bố, giới nhà báo săn tin cũng hết sức ngạc nhiên khi tai họ nghe người đứng đầu của Ủy Ban Nobel, ông Ole Danbolt Mjoes, xướng tên của người được trao giải năm nay và lời khen ngợi về công việc làm của người được trao giải.
Đại ý theo ông Ole Danbolt Mjoes thì người được trao giải xứng đáng với vinh dự này nhờ vào những khoản tín dụng nhỏ cho dân nghèo vay để vượt khó. Tuy bất ngờ, nhưng sau khi Ủy ban đã công bố giải thưởng thì hầu như khắp thế giới đã lên tiếng chúc mừng ông Muhammad Yunus, chủ nhân của giải Nobel Hoà Bình năm nay.
Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc trong một thông báo đưa ra trong ngày thứ sáu khi giải Nobel hoà bình được công bố là bản thân ông Muhammad Yunus và ngân hàng Grameen của ông này lâu nay là những đồng minh của Tổ chức Liên Hiệp Quốc trong công cuộc phát triển và giúp đỡ cho nữ giới.
Cao ủy trưởng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, bà Louise Arbour, cho rằng thật đáng mừng khi mà mối quan hệ được thiết lập giữa hai lĩnh vực phát triển và nhân quyền nay trở nên một phần của đối thoại quốc tế.
Tại thủ đô Washington của Hoa Kỳ, ngoại trưởng Condolezza Rice lên tiếng khen ngợi đây là một sự lựa chọn tuyệt vời cho giải Nobel Hoà bình năm nay.
Từ Âu sang Á hay Phi Châu đều có những lời chúc mừng cho ông Muhammad Yunus và Ngân hàng Grameen của ông ta. Đa số những khen ngợi đều nói đến giá trị của việc cho vay tín dụng nhỏ như là biện pháp hữu hiệu giúp người nghèo khó có thể vượt lên số phận của họ.
Chủ tịch Ủy ban Trao giải Nobel, ông Ole Danbolt Mjoes, nói về hiệu quả của những khoản vay nhỏ với tác dụng lớn.
Bản thân người nhận được giải thưởng là ông Muhammad Yunus lên tiếng cho rằng đó là một tin vui lớn cho đất nước Bangladesh của ông. Ông khẳng định rằng xóa nghèo sẽ đem lại sự bình an đích thực.
Động lực thúc đẩy
Hồi năm 1974, sau khi theo học chương trình học bổng Fulbright tại Hoa Kỳ trở về nước, ông Muhammad Yunus bị chóang vì nạn đói ở quê ông. Tình trạng đó thôi thúc ông đi về các làng quê xem bản thân có thể giúp được gì cho dân nghèo.
Càng đi sâu vào đời sống người dân ông nhận thấy nhiều phụ nữ lâm vào cảnh nợ nần gay gắt trong tay những người cho vay nặng lãi. Thoạt đầu ông thuyết phục một chủ ngân hàng địa phương cho dân nghèo vay vốn; thế nhưng người đó khước từ vì theo người này không thể cho vay mà không có cầm cố thế chấp.
Với quyết tâm chứng tỏ cho người đó thấy ai đúng ai sai, ông Muhammad Yunus đã Ông đứng ra thành lập ngân hàng Grameen, tiếng Bangladesh có nghĩa là thuộc vùng quê, hồi năm 1976. Đầu tiên ngân hàng Grameen cho vay 5 tỷ bảy và sau đó gần 5 tỷ mốt được trả lại.
Thống kê cho thấy từ khi thành lập đến tháng 5 năm nay, ngân hàng Grameen cho sáu triệu sáu trăm ngàn người nghèo vay vốn, và trong số này có đến 97% là phụ nữ.
Hiện nay ngân hàng Grameen có đến 94% cổ phần do những người nghèo ở nông thôn nắm giữ và sáu phần trăm còn lại của nhà nước Bangladesh. Bản thân ông Muhammad Yunus là giám đốc điều hành ngân hàng. Hầu như tại tất cả các làng quê của Bangladesh đều có chi nhánh ngân hàng Grameen. Ngân hàng Grameen cho những người thiếu vốn, đặc biệt là phụ nữ, vay vốn để khởi nghiệp mà không phải thế chấp. Mô hình này được hơn 100 quốc gia trên thế giới học tập áp dụng; từ nước giàu có như Hoa Kỳ cho đến các nước nghèo ở Phi Châu như Uganda.
Kinh tế gia Asif Dowla, một người từng là học sinh cũ của ông Muhammad Yunus, hiện đang sinh sống ở Hoa Kỳ cho biết ý tưởng tín dụng nhỏ của thầy mình từng được giới thiệu vào đất Mỹ ra sao.
Ngân Hàng Thế giới đánh giá là hiện nay có hơn 7 ngàn cơ sở tài chính cung cấp những khoản tín dụng nhỏ, phục vụ chừng 16 triệu người nghèo tại các quốc gia đang phát triển và cả những quốc gia công nghiệp phát triển.
Tại Việt Nam
Tại Việt Nam, lâu nay cũng có hệ thống tài chính với tên gọi ngân hàng phục vụ người nghèo. Thế nhưng các khoản tín dụng như thế có thể đến được những người dân nghèo hay không? Hiện nay nhiều người dân từ các vùng quê nghèo của Việt Nam cũng lên thành phố để kiếm kế sinh nhai. Họ có thể tiếp cận những nguồn cho vay dành cho người nghèo hay không?
Sinh viên nghèo cũng là một trong những diện được cho biết có thể vay vốn từ những khoản tín dụng đặc biệt. Một sinh viên nói về vấn đề vay vốn để phục vụ việc học từ những ngân hàng dành cho số người nghèo: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Những trở ngại về phía ngân hàng phục vụ người nghèo tại Việt Nam ra sao khi không thể hoạt động hữu hiệu nhằm giúp cho thành phần nghèo vượt khó.
Giới thiệu trên trang Web của Ngân hàng Grameen cho biết ngân hàng này đi ngược lại hoạt động truyền thống của các ngân hàng là loại trừ đòi hỏi phải có thế chấp. Trái lại xây dựng một hệ thống dựa trên tín chấp, trách nhiệm, cùng tham gia và sáng tạo.
Tại ngân hàng Grameen, tín dụng là một vũ khí hữu hiệu về chi phí giúp chống lại nghèo đói, và nó là chất xúc tác trong sự phát triển toàn diện những điều kiện kinh tế - xã hội cho những người nghèo bị loại khỏi quỹ đạo ngân hàng do lập luận là họ nghèo không có khả năng chi trả cho ngân hàng.
Tiến sĩ Muhammad Yunus, người sáng lập và là giám đốc điều hành của ngân hàng Grameen thì lập luận rằng nếu người nghèo được tiếp cận với các nguồn tài chính trên cơ sở thích hợp, có lý thì hằng triệu con người nhỏ nhoi với hằng triệu công việc nhỏ cộng lại sẽ tạo thành những kỳ tích phát trỉên lớn nhất.
Mục Sáng kiến & Đời sống tùân này tạm dừng tại đây. Gia Minh hẹn gặp lại quí thính giả và các bạn trong chương trình kỳ tới cũng vào giờ này trên làn sóng phát thanh của Đài Á Châu Tự Do.
Thông tin trên mạng:
- The Nobel Peace Prize 2006
- Grameen-Banking for the poor
- Muhammad Yunus