Đón mừng Tết Trung Thu 2007


2007.09.23

Thy Nga, phóng viên đài RFA

Chỉ hai đêm nữa là rằm tháng Tám âm lịch, đêm trăng tròn sáng nhất trong năm. Vào giữa Thu, tiết trời mát mẻ, mùa gặt hái vừa hoàn tất nên một số dân tộc Á đông trong đó có Việt Nam mình, đã ấn định đây là thời điểm tốt đẹp nhất để mở lễ hội, gọi là Tết Trung Thu.

MidAutumnLantern200.jpg
Một tiệm bán lồng đèn trung thu ở Hà Nội hôm 28-9-2006. AFP PHOTO >> Xem hình lớn hơn

Trong bài “Nét đẹp Trung Thu truyền thống” tác giả Chu Quang Trứ viết: “Một năm có nhiều lễ tết, nhưng hầu hết các tết là của người lớn, chỉ riêng Tết Trung Thu là của trẻ em. Sau những tháng ngày tất bật làm việc, tới tháng Tám âm lịch, người lớn mới tạm được nhàn để có thời giờ tổ chức lễ hội cho con em chơi đùa.

Từ đầu tháng Tám, ở nông thôn, những món đồ chơi chân phương đã được bày bán tại các chợ quê. Thời xưa, những đồ chơi dân gian hầu hết là bằng giấy bồi, hoặc dán lên bộ khung bằng tre nứa. Sau này, thêm đồ chơi bằng sắt tây hàn thiếc, rồi lan tràn đồ nhựa, và giờ đây thì đồ chơi điện tử …”

Đúng như ông Chu Quang Trứ ghi nhận, mọi thứ đã chạy theo trào lưu mới mà đổi thay. Trước đây, các loại đèn Trung Thu được làm bằng giấy bóng kiếng màu sắc rực rỡ, và thắp lên bằng nến.

Nhưng vài năm nay thì chúng đã dần bị thay thế bởi đèn làm bằng nhựa và chạy bằng pin! Hết cả thơ mộng, chẳng còn thú vị, quý vị nhỉ. Nhớ lại những cái tết Trung Thu truyền thống, Thy Nga trích đoạn một số bài viết về những phong tục của lễ hội ấy, thân ái gửi đến lứa trẻ:

“Trăng lại sáng ngời” Bé Xuân Mai ca …

“Tết Trung Thu được sửa soạn với những cỗ đèn muôn mầu, muôn hình dáng, những bánh hình mặt trăng, mà ta gọi là bánh Trung Thu, tức là bánh nướng và bánh dẻo. Đến tối, trẻ em thắp lên, nào là đèn ngôi sao, đèn hình thú vật, đèn xếp, đèn lồng, ... rồi kéo nhau đi từng đoàn ca hát vui vẻ.

“Rước đèn tháng Tám” do Tốp ca của Trung tâm Thế Hệ Trẻ trình bày ...

Vào hai đêm 14 và rằm âm lịch, nhiều đám múa lân diễn ra rất náo nhiệt với tiếng trống, tiếng thanh la …

Trẻ em thường rủ nhau múa lân ngay từ mùng 7 mùng 8 cho vui. Rồi đến những cuộc rước đèn, và nhiều nơi mở cuộc thi đèn nữa. Và để thưởng trăng, có rất nhiều cuộc vui được bày ra.

Người lớn có những cuộc thi cỗ, thi làm bánh của các bà các cô; Tết Trung Thu ở miền Bắc còn có những buổi hát trống quân, đôi bên nam nữ vừa hát đối đáp với nhau, vừa đánh nhịp vào một sợi dây gai, hoặc dây thép căng trên một chiếc thùng rỗng, bật ra những tiếng “thình thùng thình” làm nhịp cho câu hát. Những câu hát vận, hoặc hát đố có khi có sẵn, có khi lúc hát mới ứng khẩu đặt ra.

Cuộc đối đáp nhiều khi gay go vì những câu đố hiểm hóc, nhưng rất vui.

“Thùng thình” ...

Người Việt ăn Tết Trung Thu phỏng theo phong tục của người Tàu. Chuyện kể rằng đầu thế kỷ thứ 8, vào một đêm rằm tháng Tám âm lịch, vua Đường Minh Hoàng dạo chơi vườn Ngự Uyển. Đêm Trung Thu, trăng rất trong sáng, Nhà vua đang thưởng thức cảnh đẹp thì gặp một đạo sĩ có phép màu, đưa ông lên cung trăng.

MidAutumnCakeShop200.jpg
Sạp bán bánh Trung Thu ở Hà Nội hôm 21-9-2007. AFP PHOTO >> Xem hình lớn hơn

Trên ấy, vua Đường thưởng thức cảnh tiên và du dương trong âm thanh huyền diệu … Các nàng tiên tha thướt, múa hát quanh ông. Trời gần sáng, đạo sĩ phải nhắc, nhà vua mới ra về nhưng trong lòng vẫn luyến tiếc tiên giới.

Về tới hoàng cung, vua còn vương vấn nên đặt ra khúc Nghê Thường Vũ Y. Cứ đến đêm rằm tháng Tám, vua Đường Minh Hoàng lại cùng với Dương Quí Phi uống rượu dưới trăng, ngắm đoàn cung nữ múa hát để nhớ lại lần du nguyệt điện kỳ diệu của mình. Và ngài ra lệnh cho dân chúng tổ chức mừng đêm rằm này hằng năm.

Tết Trung Thu thoạt đầu là lễ hội của người lớn để thưởng thức cảnh đẹp thiên nhiên, ăn bánh và uống trà ngắm trăng rằm. Chiếc bánh nướng không chỉ để nhâm nhi với trà khi thưởng trăng mà còn nhắc nhở cả một chiến tích trong lịch sử Trung Hoa. Vào thế kỷ thứ 14, Trung Thu năm ấy, lời kêu gọi khởi nghĩa và kế hoạch lật đổ ách cai trị của Mông Cổ được dấu trong các bánh nướng do quân nổi dậy truyền đến tay nhau. Kết quả là chiến thắng, và nhà Minh được lập ra.

“Bài ca dưới trăng” sáng tác của Lê Văn Phú do “Tốp ca học trò” Melbourne hát …

Dần dần, Tết Trung Thu trở thành tết của trẻ em tuy nhiên, người lớn cũng dự phần trong đó.

“Thằng Cuội” ...

Vừa rồi là bài “Thằng Cuội” của Lê Thương - bài hát không thể thiếu trong mỗi dịp Trung Thu.

Nhân vật này của huyền thoại Việt Nam, các em đã từng nghe qua các bài hát, câu vè, qua ca dao, sách vở, ... Cuội bị gọi là “thằng” bởi hay lừa dối, chuyện gì cũng dối quanh dối quẩn.

“Bên gốc cây đa” …

Ngoài ý nghĩa vui chơi cho trẻ em và người lớn, Tết Trung Thu còn là dịp để người ta ngắm trăng mà tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia. Nếu trăng thu màu vàng thì năm ấy sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu trăng màu xanh hay lục thì năm đó sẽ có thiên tai, và nếu trăng màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị.

“Mừng Trung Thu” Bé Xuân Mai hát …

Tết Nhi Đồng, lễ hội khởi đầu đời người, nó đẹp như lứa tuổi các em và như không gian huyền diệu của đêm rằm tháng Tám. Thy Nga thân ái chúc các em vui thật nhiều trong đêm Trung Thu!

“Thêm sáng sân nhà” …

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.