Việt Nam tìm kiếm giải pháp cơ giới hóa ngành nông nghiệp


2007.11.19

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Diện tích sản xuất nông nghiệp của Việt Nam khoảng 8 triệu hecta, nhưng được chia nhỏ thành 75 triệu thửa ruộng, theo số liệu chính thức. Để tăng thu nhập cho nông dân thì nông nghiệp phải được cơ giới hoá, nhưng sản xuất lớn bị trở ngại bởi vấn đề ruộng đồng nhỏ lẻ phân tán. Chính phủ Việt Nam đưa ra chủ trương gọi là 'Dồn Điền Đổi Thửa' như một giải pháp cấp bách. Nam Nguyên tìm hiểu vấn đề này với hai chuyên gia về lúa gạo ở Hà Nội và Cần Thơ.

FarmerRice200.jpg
Ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa được hiện đại hóa để theo kịp xu hướng phát triển của thời đại. AFP PHOTO.

Trước hết ông Lê Doãn Diên, phó chủ tịch thường trực Hội Khoa Học Lương Thực và Thực Phẩm Việt Nam từ Hà Nội đưa ra nhận xét:

Ông Lê Doãn Diên: Ở Việt Nam ngành nông nghiệp trước kia là tiểu nông, tức là mỗi nông dân có một mảnh ruộng của mình rất là nhỏ bé. Mỗi người có một mảnh ruộng như thế thì trồng cây gì, giống gì, lúa gì là tuỳ người ta thôi. Vì vậy cho nên đất đai bị manh mún. Bây giờ muốn hiện đại hoá và công nghiệp hoá tức là phải đi lên sản xuất lớn thì phải "dồn điền đổi thửa". Ví dụ trong cánh đồng này là của khoảng 500 người (500 nông dân) tức là có 500 mảnh ruộng, thì bây giờ người ta phải hợp lại làm thành một mảnh thôi để mà cơ khí hoá được. Dồn điền là như thế.

Còn đổi thửa, ví dụ như ông với tôi có 5 thửa chẳng hạn, tức là 5 miếng đất nhỏ, bây giờ ta phá tất cả các bờ đi để tạo thành một miếng rộng lớn, và như thế là có thể cơ khí hoá được, có thể sản xuất lớn được, sẽ cho năng suất cao và chất lượng tốt và rất đồng đều. Ví dụ như giống lúa, trước kia mỗi nông dân người ta trồng một giống khác nhau nên trên cánh đồng như thế có rất nhiều loại giống lẫn lộn và cuối cùng thì không xuất khẩu được, bởi vì hạt thóc khác nhau.

Bây giờ người ta phá tất cả các bờ ruộng đi để tạo thành một cánh đồng rất lớn có thể cơ giới hoá được, năng suất cao, đồng đều.

Nam Nguyên: Thưa ông, như thế là phải có sự đồng thuận cao và rất là khó làm?

Ông Lê Doãn Diên: Không khó làm. Hiện nay chúng tôi đã làm rồi và như thế là nông dân đã hưởng ứng lời kêu gọi của chính phủ. Và phong trào này thì người ta sẵn sàng như thế, và bây giờ là đã có những trang trại hàng trăm hecta.

Nam Nguyên: Ở Miền Bắc đã có nơi nào thực hiện "dồn điền đổi thửa"?

Ông Lê Doãn Diên: Rồi, rồi, rồi. Nhiều lắm!

Nam Nguyên: Ông có thể cho biết ví dụ ở tỉnh nào họ đã làm được thành công không?

Ông Lê Doãn Diên: Đây, đây! Nam Hà nhé, Hà Nam nhé, Thái Bình nhé. Đặc biệt Thái Bình làm rất nhiều nhé. Nói chung, các tình đồng bằng sông Hồng làm rất nhiều rồi.

Nam Nguyên: Thưa ông, như vậy là họ đã thiết lập mô hình hợp tác xã tự nguyện trở lại?

Ông Lê Doãn Diên: Vâng, vâng! Hợp tác xã tình nguyện và đông thời như thế là đạt rất tốt. Và cuối cùng là tạo nên được một phong trào rất là nông dân tự nguyện.

Nam Nguyên: Thưa ông, trước kia người ta có ấn tượng xấu về hợp tác xã của thời bao cấp, thành ra tiến qua hợp tác xã bây giờ thì làm sao phá bỏ được cái đó?

Ông Lê Doãn Diên: Rồi! Thời bao cấp thì bây giờ chúng ta phải quên đi và lẽ tất nhiên là đã rút kinh nghiệm rồi. Thời bao cấp làm như thế là không thể là tốt được. Và từ chỗ kinh nghiệm đấy, kinh nghiệm rất là xương máu đấy, thì chúng tôi bây giờ là đã làm cái này là nông dân tự nguyện làm và đồng thời những quy luật của hợp tác xã mới bây giờ do người dân người ta tự nguyện người ta làm. Hoàn toàn tự nguyện, không ai ép buộc cả.

Nam Nguyên: Đó là những thông tin từ ông Lê Doãn Diên, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa Học Lương Thực và Thực Phẩm Việt Nam, trụ sở ở Hà Nội. Thưa quý thính giả, nếu như "dồn điền đổi thửa" là một giải pháp có thể cứu vãn nền nông nghiệp Việt Nam từ chỗ làm ăn nhỏ sang sản xuất lớn, vậy thì áp dụng nó ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ như thế nào? Chúng tôi đặt câu hỏi này với Tiến sĩ Phạm Văn Dư, chuyên gia lúa gạo vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long. Ông đã đưa ra nhận xét của mình:

Tiến sĩ Phạm Văn Dư: Chúng tôi vẫn để cho người nông dân họ tự lo, tự canh tác trên mảnh đất của họ. Cái đó do nhà nước chủ trương. Sang nhượng, mua bán gì đó là tuỳ họ và ở mức độ nhỏ thôi. Còn cái đó (dồn điền dổi thửa) chắc không có.

Ở đồng bằng sông Cửu Long thì đất của đông bằng sông Cửu Long nó khác với ở ngoài Bắc. Đồng bằng sông Cửu Long của chúng tôi ở đây, trong Miền Nam này thì đất đai nó rộng mà, thành ra mức độ người nông dân canh tác trên thửa ruộng cũng đạt yêu cấu, không có vấn đề gì. Và tôi nghĩ rằng cái việc có một số đất đai theo kiểu trang trại chừng 1-2 hecta hay 3-4 hecta thì tự canh tác dễ dàng hơn.

Nam Nguyên: Thưa ông, có lẽ là do đặc thù của Miền Bắc cho nên họ phải thực hiện chính sách đó sớm?

Tiến sĩ Phạm Văn Dư: Tôi nghĩ làm như vậy sẽ tiện cho người nông dân, khi họ có đất ở xa mà họ muốn đổi lại để về gần bên (nhà). Nhiều người nông dân họ hợp tác với nhau thì họ sẽ thức đẩy sản xuất phát triển hơn. Tất cả mọi vấn đề đó vì yêu cầu là phải phát triển sản xuất thôi.

Nam Nguyên: Thưa ông, việc "dồn điền đổi thửa" phải liên quan tới cơ giới hoá thì Miền Bắc họ có những khó khăn hơn Miền Nam, thưa đúng không?

Tiến sĩ Phạm Văn Dư: Ở Miền Nam hiện nay chúng tôi cũng đang khuyến khích người nông dân cơ giới hoá trong khâu gặt. Tất nhiên cơ giới hoá như vậy khi đất đai rộng thì sẽ thực hiện được dễ dàng hơn. Người nông dân họ cũng dễ, tại vì máy móc qua lại dễ hơn. Còn những mảnh đất nhỏ tất nhiên là có khó khăn.

Tôi thấy cũng do tình trạng lao động. Ở Miền Nam thì lao động thiếu, còn ở Miền Bắc thì lao động ở tình trạng có thể chưa đến đỗi mình có yêu cầu bức thiết như ở trong đồng bằng Nam Bộ.

Tôi nghĩ bây giờ theo phương thức làm ăn mới thì người nông dân họ hiểu rất rõ và nhà nước Việt Nam cũng rất rõ và luôn luôn cũng muốn khuyến khích người nông dân theo cách làm ăn mới như thế nào để có thu nhập cao hơn và đời sống ngày càng tốt đẹp hơn. Và điều đó đã thể hiện trong sản xuất rất là rõ rồi. Vấn đề đó tôi nghĩ chắc không có bàn gì nhiều.

Nam Nguyên: Cảm ơn Tiến sĩ Phạm Văn Dư về các ý kiến của ông.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.