Việt Nam: Hơn 14 ngàn người chết vì tai nạn giao thông trong năm 2006

0:00 / 0:00

Đỗ Hiếu, phóng viên đài RFA

Ủy ban an ninh giao thông quốc gia phối hợp với quỹ phòng chóng thương vong Châu Á gọi tắt là AIPF, hôm thứ hai 23 tháng tư đã phát động tuần lễ “an toàn giao thông đường bộ” lần thứ nhất trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

TrafficTransport200.jpg
Giao thông trên đường phố Sài Gòn hôm 21-1-2007. AFP PHOTO

Trong suốt tuần lễ an toàn giao thông từ ngày 22 đến 29 tháng tư do Liên Hiệp Quốc phát động trên thế giới, tại Việt Nam chiến dịch này khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện giao thông hai bánh hãy đội nón bảo hiểm, để không phải hối tiếc một khi tai nạn lưu thông xảy ra. Tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, một số nón bảo hiểm và phiếu giảm giá mua nón được phân phát.

Ngoài ra chiến dịch an toàn giao thông cũng chú trọng đến công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trong dân chúng, đặc biệt là đối với giới trẻ, giải thích rõ ràng về hiểm họa của tai nạn giao thông, phổ biến quy định chung về các hành vi phạm luật đi đường, không điều khiển xe khi không có giấy phép hợp lệ.

Ông Greig Craft, người sáng lập và điều hành AIPF tức quỹ phòng chống thương vong Châu Á thì khi đội nón bảo hiểm lúc tham gia giao thông đường bộ là điều đơn giản nhất mà người dùng phương tiện lưu thông có thể làm để bảo vệ bản thân mình và gia đình.

Theo thống kê, hàng năm trên toàn thế giới có trung bình trên một triệu người chết và 25 triệu người bị thương trong các tai nạn giao thông. Thiệt hại vật chất lên tới hơn hàng trăm tỷ đô la chưa kể những chi phí liên hệ khác.

Ý thức chấp hành luật lệ giao thông

Riêng tại Việt Nam, trong năm vừa qua có trên 14 ngàn người chết vì tai nạn giao thông, 40% số tử vong là thanh niên. Ngoài ra còn có hơn 30 ngàn người bị thương, gây ra những tổn thất đáng kể cho gia đình và xã hội. Chỉ riêng tại thành phố Hồ Chí Minh không thôi, hàng năm có khoảng một ngàn người thiệt mạng vì tai nạn giao thông.

10 người thì có 2 người sẵn sáng vượt đèn đỏ, ngay cả bản hiệu cấm đi ngược chiều, người ta cũng không nhận thức được. Trong lúc vội vàng thấy vượt được đèn đỏ thì người ta cứ phóng nhanh, hậu quả là đã có biết bao nhiều người chết.

Tai nạn giao thông ở Việt Nam xuất phát từ nhịều nguyên do mà phần lớn là do ý thức chấp hành luật lệ chưa cao, xem thường hay tuân thủ không đúng mức. Những chuyện khá phổ biến diễn ra trên đường phố hàng ngày là chạy xe vượt đèn đỏ, chạy ngược chiều bị cấm, vượt quá tốc độ quy định, lạng lách, lái xe có phân khối lớn mà không có bằng hợp lệ.

Một thanh niên từ thành phố Hồ Chí Minh nói rằng: "10 người thì có 2 người sẵn sáng vượt đèn đỏ, ngay cả bản hiệu cấm đi ngược chiều, người ta cũng không nhận thức được. Trong lúc vội vàng thấy vượt được đèn đỏ thì người ta cứ phóng nhanh, hậu quả là đã có biết bao nhiều người chết."

Nguyên do vì đâu mà có luật lệ nhưng ít ai chịu chấp hành ??? Một người dân khác đưa ra nhận xét: "Người ta không biết được mức độ nguy hiểm như thế nào lúc vượt đèn đỏ hay chạy ngược chiều trên đoạn đường cấm vào. Cần phải đặt nặng vấn đề giáo dục để ngăn chặn những sự việc đáng tiếc như vậy."

Lối thoát

Vậy đâu là lối thoát cho tình trạng cho tình trạng tai nạn giao thông không ngừng gia tăng ở Việt Nam ??? Câu trả lời chúng tôi ghi nhận được là: " Phải phạt nặng những người vi phạm luật giao thông, vì nếu cứ nói khơi khơi hoài, thì sẽ không thay đổi được điều gì."

Theo ông Hồ Nghĩa Dũng, bộ trưởng giao thông vận tải thì tại nạn giao thông đường bộ là một vấn đề nhức nhối của xã hội vì trung bình tại Việt Nam mỗi ngày có trên dưới 30 người chết vì tai nạn xe cộ.

Riêng tai nạn do các loại xe hai bánh như mô tô, xe gắn máy gây ra chiếm 75% tổng số vụ tai nạn trên đường bộ trong phạm vi cả nước. Phần lớn số nạn nhân là người đi xe máy và không có mũ bảo hiểm.

Vẫn theo ông bộ trưởng giao thông vận tải thì mặc dù nhà nước đã cho thi hành nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu số tai nạn giao thông nhưng số người chết vì tai nạn giao thông đường bộ còn rất cao. Nhiệm vụ trước mắt rất khó khăn và nặng nề do đó nhà nước cần thực hiện các biện pháp kiên quyết và mạnh mẽ hơn nửa thì mới có thể kiềm chế được tai nạn giao thông.

Ông Dũng nhắc tới một số biện pháp thiết thực như bắt buộc đội nón bảo hiểm, không uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông, hạn chế tốc độ, xe quá tải, xe chở ba và quan trọng hơn hết là có kế hoạch cải thiện hệ thống lưu thông đường bộ.

Tiến sĩ Hans Troedsson, đại diện của WHO tức tổ chức y tế thế giới tại Hà Nội cho biết, tại Việt Nam gần 40% tổng số tai nạn nghiêm trọng là do các thanh thiếu niên ở độ tuổi từ 15 đến 24 tuổi gây ra. ADB tức Ngân Hàng Phát Triển Châu Á thì ước tính mỗi năm thiệt hại về tài chánh do hậu quả từ các tai nạn giao thông ở Việt Nam lên tới khoảng 885 triệu đô la.

Báo cáo của Ngân Hàng Phát Triển Châu Á cũng viết rằng Indonesia, Thái Lan và Việt Nam là ba nước có số người chết vì tai nạn lưu thông cao nhất trong khu vực.