Lễ Vu Lan và hiếu đạo của người Việt


2005.08.15

Thy Nga, phóng viên đài RFA

Thứ Sáu tới đây nhằm ngày rằm tháng Bảy âm lịch, là lễ Vu Lan. Mùa lễ Vu Lan theo đạo Phật và truyền thống văn hóa Việt Nam, còn là mùa báo hiếu.

PhatBa150.jpg
Chùa Việt Nam ở Houston, Hoa Kỳ. Photo by ThyNga/RFA

Nhân lễ Vu Lan, trong cuộc điện đàm với chúng tôi, Thượng Tọa Thích Hải Tạng trụ trì tại chùa Long An ở Quảng Trị nhắc nhở về những điều thiết thực mà người con nên thể hiện với Cha Mẹ, về bổn phận mà trong cuộc sống bận rộn thời nay, nhiều người trong chúng ta thiếu sót với bậc sinh thành.

Về hiếu đạo, thày nói tiếp: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

“Tiếng kinh chùa tôi” ...

Có bài phóng sự tựa đề là “Saigon mùa Vu Lan” của Thu Thủy và Pha Lê đăng trên Nguyệt san Liên Hoa số ra tháng này, Thy Nga đọc thấy hay hay nên xin trích để chia xẻ cùng quý thính giả.

“Mưa ngâu” …

“Ông bà ta xưa vẫn thường nhắc nhau “dù ai buôn bán đâu đâu cứ rằm tháng Bảy mưa Ngâu thì về”

Khi những cơn mưa nhẹ rả rích kéo dài, những cơn ngâu phủ xuống đất trời, chính là lúc nhắc mọi người một mùa Tết Trung Nguyên lại đến, mùa của những ngày “xá tội vong nhân”, của lễ Vu Lan báo hiếu.

“Tháng Bảy Vu Lan” Võ Tá Hân phổ thơ Hàn Trúc, Trung Hậu hát …

Mời bạn tham gia mục Âm Nhạc Cuối Tuần. Xin gởi mọi đóng góp về email Vietnamese@www.rfa.org

Theo tín ngưỡng truyền thống của người Việt thì rằm tháng Bảy là ngày các tội nhân ở cõi âm được tha tội bởi vậy, các gia đình ở dương gian bày mâm cúng gia tiên, đốt vàng mã và cầu cúng tụng kinh độ trì cho họ. Phật tử và khách thập phương đến chùa để tưởng nhớ, tôn vinh công sinh thành dưỡng dục, cầu nguyện cho cha mẹ, cho vong hồn người thân và các “cô hồn thập phương” được siêu thoát.

Tục lệ này đã thành một nếp sinh hoạt văn hóa tinh thần của dân tộc Việt từ nhiều đời nay chứ không chỉ dành riêng cho giới Phật tử. Người ta mong là trong ngày này, không ai phải đói khát, khổ sở. Các cửa chùa đều rộng mở, phân phát cơm chay cho mọi người, trẻ mồ côi, người nghèo, kẻ hành khất, những người sống lang thang khắp nơi đều được hưởng lộc Phật.

Tháng Bảy, bên cạnh một Sàigòn với nhịp sống sôi động không dứt thì có một điểm xuyết của một Sàigòn với ý nghĩa tâm linh, cùng song hành: nhiều người dành thời gian tìm tới cửa Phật để cầu nguyện cho người thân đã khuất, cầu an cho gia đình, đất nước.

Họ tạm quên đi những đua chen vất vả để được thả hồn vào những câu kinh báo hiếu mẹ cha, cứu độ chúng sinh.

Tại chùa Xá Lợi, Vu Lan là mùa khách thập phương kéo đến đông nhất trong năm. Từ mùng 8 đến ngày rằm tháng Bảy, chùa tổ chức tụng kinh báo hiếu ở nhiều thời khắc khác nhau. Đêm 14, ngoài lễ chính còn có giảng kinh, và đêm rằm có tổ chức văn nghệ mừng mùa Vu Lan báo hiếu.

“Tôi lên chùa” Mộng Lan phổ thơ Huệ Thu và trình bày … Ngoài việc đến chùa lễ Phật, tại nhà, người ta còn tiến hành nhiều nghi lễ khác. Đầu tiên là lễ cúng cô hồn. Với lễ này, người sống muốn gửi chút lòng thành tới người đã khuất, dành cho những vong linh vất vưởng không ai chăm lo, cúng giỗ.

Ngay từ những ngày đầu tháng Bảy âm lịch, tập trung nhất là vào các ngày mười bốn và rằm, trên các đường phố buôn bán sầm uất của Sàigòn, đặc biệt là khu vực Chợ Lớn, hình ảnh đặc trưng nhất là những mâm cúng cô hồn đặt trước cửa nhà, thường là vào buổi tối.

Trên mâm có gạo, muối, trái cây, vàng mã, … Nhà khá giả có khi còn có cả heo quay, vịt quay, tiền lẻ hoặc một nồi cháo bốc hơi nghi ngút.

Khi những nén nhang vừa tàn, bầy trẻ con lao vào giật các món trên mâm cúng, tiếng reo hò vang dội cả một góc phố. “Giật cô hồn” là một thú vui của trẻ con, còn người cúng thì cũng cười vui, nhìn lũ trẻ lao vào “dọn sạch” mâm cúng, điều đó chứng tỏ là Trời Phật và những vong hồn đã về chứng giám cho lòng thành của họ.

Tháng Bảy là tháng mà mọi người thường ăn chay để tích đức cho cả năm vì thế đây cũng là dịp để các nhà hàng, quán ăn chay ra sức trổ tài. Trong khi ấy, những bữa cơm chay của gia đình trong các ngày mười bốn và ngày rằm cũng là dịp để cả nhà đoàn tụ, chúc thọ mẹ cha.

“Ơn nghĩa sinh thành” (hợp ca thiếu nhi) …

Trong nhiều gia đình, thường có lệ tặng quà cho cha mẹ để tỏ lòng biết ơn công lao sinh thành, dưỡng dục. Quà tặng trong ngày lễ báo hiếu là áo quần và các loại bánh trái. Nhiều người còn dành cho cha mẹ món quà bất ngờ và độc đáo hơn như đưa cha mẹ đi vãn cảnh chùa tại Vũng Tàu, Nha Trang hay Đà Lạt.

Đúng ngày rằm tháng Bảy, những ai đến viếng chùa còn được gắn một bông hồng, bông hồng màu đỏ thắm gắn cho ai còn đủ cả mẹ cha; bông hồng màu hồng gắn cho những người chỉ còn cha hoặc mẹ; những ai đã mất cả cha lẫn mẹ thì gắn bông hồng trắng. Đây là một phong tục rất đẹp có nguồn gốc từ Nhật Bản, đã du nhập vào nhiều nước châu Á trong đó có Việt Nam.

Việt Dzũng đang gởi đến quý vị ca khúc “Bông hồng cài áo” Phạm Thế Mỹ phổ từ ý thơ Nhất Hạnh …

Phóng sự này, tác giả (và cả Thy Nga nữa) mong quý vị xem đây là một bông hồng đỏ để cài lên áo, một bông hồng đỏ thắm cho tất cả mọi người mặc dù không phải ai ai trong chúng ta đều có được niềm hạnh phúc còn đủ mẹ cha.

Một bông hồng đỏ thắm để nhắc chúng ta rằng những ngày Vu Lan đẹp nhất, chính là những ngày ta được sống bên mẹ, bên cha, bên những người thân yêu nhất của mình.

Trong âm thanh ca khúc “Bông hồng cài áo” qua giọng hát Việt Dzũng, Thy Nga xin kết thúc chương trình kỳ này, cầu mong quý vị hưởng mùa lễ Vu Lan trong niềm an lạc.

“Bông hồng cài áo” …

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.