Mừng Tết Trung Thu


2005.09.18

Thy Nga, phóng viên đài RFA

longden--trungthu200.jpg
Các em nhỏ và đèn trung thu. Photo courtesy of Vietnam Net

“Tết suối hồng” …

Chương trình kỳ này đến với quý thính giả và các em nhi đồng vào đúng đêm rằm tháng Tám âm lịch, giữa lúc Tết Trung Thu, lễ hội của trẻ em đang vui vẻ diễn ra.

Đêm nay trăng đẹp nhất trong năm, dưới ánh trăng huyền diệu ấy, các em từng nhóm rước đèn qua lối xóm, những gương mặt trẻ thơ sáng rỡ tin yêu.

“Tùng tùng rinh…

Tết Trung Thu trong văn thơ, âm nhạc

Trong những bài viết về Trung Thu, có bài mang tựa đề “Nét đẹp Trung Thu truyền thống” của Chu Quang Trứ, Thy Nga đọc thấy đề cập nhiều về tuổi thơ nên xin trích đoạn để chia xẻ cùng quý vị và các em.

“Chờ trăng lên…

Một năm có nhiều lễ tết, nhưng hầu hết các tết là của người lớn, chỉ riêng Tết Trung Thu là của trẻ em. Sau những tháng ngày tất bật làm việc, tới tháng Tám âm lịch, người lớn mới tạm được nhàn để có thời giờ tổ chức lễ hội cho con em chơi đùa.

Từ đầu tháng Tám, ở nông thôn, những món đồ chơi chân phương đã được bày bán tại các chợ quê. Thời xưa, những đồ chơi dân gian hầu hết là bằng giấy bồi hoặc dán lên bộ khung bằng tre nứa. Sau này, thêm đồ chơi bằng sắt tây hàn thiếc, rồi lan tràn đồ nhựa, và giờ đây thì đồ chơi điện tử.

Mời bạn tham gia mục Âm Nhạc Cuối Tuần. Xin gởi mọi đóng góp về email Vietnamese@www.rfa.org

Tại các thành thị như ở Hà Nội, phố Hàng Mã và khu vực chung quanh trở thành chợ đồ chơi Trung Thu.

Cụ Hoàng Đạo Thúy trong sách phố phường Hà Nội xưa có đoạn viết về phố Hàng Gai dịp Tết Trung Thu thật sống động:

“Từ mồng một tháng Tám, là cả phố nhộn nhịp. Tất cả các bà mẹ và trẻ con Hà Nội đều đến phố Hàng Gai. Tất cả các hàng trong phố đều đã biến ra những cửa hiệu bán đồ chơi Trung Thu bằng giấy, nào là voi giấy, ngựa giấy, đèn con thỏ, con thiềm thừ, cá hóa rồng, đầu sư tử, đèn kéo quân…

Trẻ em cứ nằng nặc đòi mua “ông nghè” ngồi ghế chéo, che lọng xanh, có cả cờ, cả biển, đủ mũ cánh chuồn và cân đai, bối tử mà giá chỉ vài xu thôi.

Những người khéo tay đã làm những cái đèn có máy, chiếu ra bóng, nào cá lớn nuốt cá bé, nào chú bé leo cột mỡ, nào cô gái hứng dừa …”

Thú vui Tết Trung Thu của người Việt

“Tết suối hồng”…

Những nhà khá giả, trong dịp Tết Trung Thu thường chơi đèn kéo quân. Tối đến, khi thắp sáng đèn, các vòng dán hình người, thú và cảnh vật chuyển động, từ ngoài nhìn qua các lớp giấy bóng màu, hoạt cảnh cứ liên tục diễn ra nhịp nhàng, sống động như một màn hình, hay một sân khấu nhỏ.

Người xem, có người lớn nhưng phần đông là con cháu trong nhà, và cả con em hàng xóm, cùng nhau chỉ trỏ và chuyện trò rôm rả, dựa vào hình của đèn mà kể lại những điển tích, sự tích, thậm chí cả sự thế, tình người.

Từng nhà, trẻ em thế nào cũng được mua cho vài món đồ chơi, trong đó ít khi thiếu được các ông phỗng giấy bồi, ông tiến sĩ giấy dán, đèn ông sao. Các đồ chơi bằng giấy màu ấy chẳng những làm bừng lên không khí Tết, nhất là khi nó tham gia vào “Cỗ trông trăng” mà còn tạo nên một cảnh huyền ảo.

Trời trong cao, sao trên trời được bổ sung bằng sao đèn của trẻ em như mời trăng, rước trăng về dự cỗ với các em.

Đêm trăng, nhà nhà bày cỗ giữa sân, nơi thoáng đãng để ánh trăng luôn soi tới. “Cỗ trông trăng” là cỗ chay chỉ một mâm, thế nào cũng có quả hồng, quả bưởi, nải chuối, rồi bánh dẻo, bánh nướng, ... cả ông phỗng, cả tiến sĩ giấy cũng vào cuộc như cùng thưởng thức với trăng.

Những người khéo tay còn bổ quả bưởi thành con chó bông, tỉa quả đu đủ thành bông hoa, tất cả được sắp xếp gọn đẹp. Các hình thể và màu sắc của những loại bánh trái mứt và đồ chơi hòa hợp với nhau.

Ngày hội của thiếu nhi

Quanh mâm cỗ trông trăng, các em thắp đèn sao, đèn cá, tạo nên không khí huyền hoặc như cảnh cung Quảng Hàn ở chốn trần gian vậy. Rồi dưới sự hướng dẫn của mẹ, của chị, các em nắm tay nhau thành vòng tròn quanh mâm cỗ, vừa đi vừa hát

“Dung dăng dung dẻ” …

Rồi các em ngồi xuống, nghe mẹ hoặc chị hay bà kể chuyện Chị Hằng xinh đẹp dịu dàng, hoặc về chú Cuội láu lỉnh

“Thằng Cuội” …

Vừa nghe truyện tích, vừa nhìn lên vầng Trăng sáng lơ lửng giữa trời, các em để trí tưởng tượng tha hồ bay bổng

“Thằng Cuội”…

Cứ thế cho đến khi muộn thì “phá cỗ”. Phụ huynh cắt bánh trái, bày ra đĩa, em nào thích gì ăn nấy. Các em vừa ăn vừa nô đùa, phá cỗ xong thì cũng coi như tàn cuộc chơi, phải về tuy nhiên trong giấc ngủ đêm ấy, miệng các em còn thoảng nụ cười của cuộc vui.

“Con tàu vũ trụ” … Tết Trung Thu là Tết của nhi đồng, lễ hội khởi đầu đời người, nó đẹp như lứa tuổi của các em, và như không gian huyền thoại của đêm rằm tháng Tám.

“Con tàu vũ trụ”…

Tuổi nhỏ hồn nhiên và trong sáng. Vui chơi, tham gia “Cỗ trông trăng” các em đã hòa đồng vào thiên nhiên. Và đây cũng là cách giáo dục cái đẹp cho trẻ nhỏ, chơi mà học, học mà chơi, nó thấm tự nhiên và để lại ấn tượng định hướng lâu dài.

“Rước đèn tháng Tám” ...

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.