Thy Nga, phóng viên đài RFA
Trong khu vườn nghệ thuật Việt Nam, Văn Cao là một cây đại thụ với những tàng lá dịu mát của các nhạc phẩm vô cùng thơ mộng, nhưng đồng thời lại tỏa khí thế quật cường trong các bản hùng ca. Và cũng như hình ảnh cây đại thụ, Văn Cao đã kiêu hùng trải qua những bão táp của thế sự.

“… Ngồi đây, ta gõ ván thuyền ta ca trái đất còn riêng ta …”
( lời trong bài “Trương Chi” Cao Minh hát ) Văn Cao đã đạt tới đỉnh cao của âm nhạc, danh tiếng tột cùng của sự nghiệp thế nhưng bất cứ người nào xem thấy các hình ảnh về ông sau này, cũng đều thấy nơi ông cả một nỗi niềm u uẩn. Tấm ảnh chụp ông ngồi trước cây đàn, dường như đối diện với đời mình. Có lẽ, ông chỉ trải tâm sự trên phím dương cầm …
“Thiên thai” do Cao Minh trình bày …
Bóng dáng ông lững thững trên con đường hiu quạnh, và hình ảnh này tan dần để chấm dứt một cuốn vidéo về Văn Cao khiến người xem cũng nặng u hoài. Thy Nga ở trong số khán giả đó nên đã kiếm đọc nhiều tài liệu như của Phạm Duy, Trần Minh Phi, … để tìm hiểu về những thăng trầm của ông.
“Buồn tàn Thu” sáng tác đầu tay của Văn Cao, quý vị đang nghe … Như tựa đề nhạc bản này, Văn Cao chào đời vào một ngày cuối Thu trong khu lao động nghèo bên bờ sông Cấm ở Hải Phòng.
Bắt đầu học nhạc từ khi vào Trung học trường dòng Saint Joseph nhưng rồi gia cảnh sa sút, phải bỏ học, đi làm kiếm sống. Tự học thêm về nhạc, rồi cộng tác với Nhóm Đồng Vọng, Văn Cao sáng tác vài bài hát hướng đạo. Và “Buồn tàn thu” là tác phẩm đầu tay, viết vào năm 1939 khi mới 16 tuổi.
“Buồn tàn Thu” qua giọng hát Ánh Tuyết, nữ ca sĩ thành danh phần lớn do trình bày các nhạc phẩm của Văn Cao …
Với bài “Buồn tàn thu” Văn Cao nổi tiếng ngay. Qua năm 1941, sau chuyến du ngoạn miền Nam về, Văn Cao viết nên nhạc bản “Thiên thai”
“Thiên thai” do Mai Hương và Quỳnh Giao trình bày …
Ông viết câu đề tựa cho sáng tác này như sau: "Ảnh hưởng sông nước khúc Thiên thai cổ trong khung cảnh huyền diệu của Đường Thi với hai truyện Thiên thai và Đào nguyên. Người sông Ngự đã lạc cảm xúc rồi!"
(“Người sông Ngự” là một cái tên mà Văn Cao đặt cho mình, không rõ có phải là do lòng yêu mến sông núi xứ Huế?).
Trong cuốn vidéo “Giấc mơ một đời người” Văn Cao bày tỏ cảm nghĩ:
“Tại sao tôi nói đến Thiên thai? là bởi vì một nơi, một cõi nào đó, người ta coi là Đất Hứa, mà đất Hứa thì không ai tìm được trên trần gian này, đi tìm mãi trong cái hoài niệm của mình. Tuổi thanh niên thì nhớ rằng có lần tìm ra được …”
Có lẽ do nếm mùi gian khổ từ khi còn nhỏ, Văn Cao đã tự tạo ra một chốn an bình cho tâm hồn đến trú ẩn. Cảnh sắc Thiên thai do chàng thanh niên ấy miêu tả tưởng chừng như bức tranh thủy mạc, và ca từ trong nhạc bản này thì đầy chất thơ. Người nghe sẽ không còn ngạc nhiên khi biết ra rằng Văn Cao ngoài tài thiên phú về nhạc, còn vẽ tranh và làm thơ nữa.
Ca từ bài này, Văn Cao viết chung với Hoàng Thoại. Lời ca thanh thoát nhưng đồng thời lại có các câu lơi lả nhục cảm, thật là đặc biệt. Về cách viết thì tác phẩm “Thiên thai” với các bối cảnh nhạc khác nhau, đã đưa âm nhạc Việt Nam lên một hình thức lớn lao hơn, manh nha cho thể loại trường ca sau này.
Năm 1941, Văn Cao từ giã Hải Phòng, lên thủ đô Hà Nội sống đời nghệ sĩ. Các nhạc phẩm “Cung đàn xưa”, “Suối mơ”, “Bến xuân” ra đời, đưa tên tuổi Văn Cao ngày càng vang xa. Cũng trong năm 42, Văn Cao theo học dự thính hội họa tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông dương. Chàng thanh niên tài hoa ấy cũng bắt đầu cảm thấy lòng rung động
“Bến xuân” qua giọng hát Anh Dũng …
Văn Cao từng tâm sự là trong tình yêu, ông nhát lắm, chỉ dám bày tỏ tình cảm của mình qua lời hát, ước ao "Em đến tôi một lần" thì "bao lũ chim rừng họp đàn trên khắp bến xuân …"
Về bài này, ông nói: "Tôi yêu một người con gái mà tôi không ngỏ lời với người ta nhưng họ hiểu và họ tới với tôi …"
Bóng dáng người thiếu nữ mà Văn Cao miêu tả trong các bài “Bến xuân” và “Suối mơ” chắc hẳn là Nghiêm Thúy Băng, tiểu thư con nhà giàu sang bậc nhất thời ấy. Nhưng sau khi cha cô bỏ mình trong trại giam của Nhật thì Thúy Băng dấn thân vào hoạt động Cách mạng.
Lúc đó, tức là năm 1945 thì Văn Cao đang hoạt động mạnh mẽ cho Việt Minh, và đã viết bài “Tiến quân ca” cũng như hàng loạt hùng ca lịch sử, và những ca khúc với khí thế chiến đấu. Ngưỡng mộ tài năng nên khi gặp Văn Cao, là Thúy Băng đâm ra yêu ngay và rồi trở nên vợ ông.
Đa tài thì không tránh khỏi đa truân, dòng đời sắp sửa đưa Văn Cao qua những ngã rẽ cay nghiệt. Nhạc bản “Bến xuân” viết vào năm 42 nhưng rồi, tựa đề ấy bị coi là mang tính chất lãng mạn, phải đổi ra thành “Đàn chim Việt” với lời 2 cứng rắn hơn.
Năm 1946, Văn Cao như hầu hết thanh niên thời đó, tham gia kháng chiến chống Pháp. Tại chiến khu Việt Bắc, ông viết “Trường ca Sông Lô” tác phẩm mà sau này, trở nên chuẩn mực về thể loại trường ca cho các nhạc sĩ Việt Nam.
Và cũng trong năm 47, Văn Cao viết bài ca kháng chiến “Làng tôi” tuy nhiên lại đưa tính chất lãng mạn của mình với điệu Valse vào. Qua năm sau đó, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương.
Theo tài liệu của Hoàng Văn Chí thì vào năm 52, Văn Cao được gởi đi Liên Xô để nghiên cứu thêm về âm nhạc, và cuộc xuất ngoại này đã khiến ông thất vọng về thiên đường Cộng sản. Năm 54, ông bày tỏ ý tưởng ấy qua bức tranh vẽ cậu bé thổi sáo bằng hai cái mồm. Cũng từ đó, ông phải giữ mình
“ … Chiều năm nay, bóng người khơi thương tiếng đàn gieo oan, giấc mộng chàng Trương …”
( lời trong bài “Cung đàn xưa” Ngọc Tâm hát )
Đám mây đen sắp kéo đến trong cuộc đời và sự nghiệp Văn Cao. Làm sao mà khiến ông u uất tới vậy? Thy Nga sẽ trình bày cùng quý thính giả vào kỳ tới.
Theo dòng câu chuyện:
-Nhạc sĩ Văn Cao: “Trương Chi” thời cuối thế kỷ 20?