Bà Nguyễn Ngọc Xuân và dự án “Ngày Mới” ở Mũi Né – Phan Thiết
2006.06.12
Phương Anh, phóng viên đài RFA
Vào ngày 5 tháng 5 vừa qua, tổ chức tôn giáo Montana Synod of Hope của Hoa Kỳ đã quyết định trao giải Spirit of Hope - xin tạm dịch Tinh Thần của Hy Vọng – năm 2006 cho bà Nguyễn Ngọc Xuân- một phụ nữ Việt Nam, hiện cư ngụ tại thành phố Great Falls, bang Montana, để vinh danh lòng nhân ái và những hoạt động thiết thực của bà trong việc giúp đỡ những phụ nữ không may phải đi bán thân giúp gia đình. Trang phụ nữ kỳ này xin dành để nói về người phụ nữ đặc biệt này.
Bà Nguyễn Ngọc Xuân sinh ra ở một miền quê, sau đó, vì chiến tranh, cả gia đình tản cư về Sàigòn. Vào năm 1968, khi vừa tròn 14 tuổi, vì gia đình quá nghèo, cha chết, mẹ bệnh, vô cùng cùng túng quẫn, cô bé Xuân đành phải đi bán thân để giúp đỡ mẹ và các em còn nhỏ dại. Tuổi hoa niên của cô là những ngày vô cùng cơ cực.
Số phận cay đắng
Mặc cho những lời chê bai của hàng xóm láng giềng, họ hàng thân thuộc, cô bé Xuân chỉ biết cắn răng, chấp nhận số phận cay đắng của một cô gái “ăn sương”. Từ Great Falls, Montana, bà Xuân hồi tưởng lại:
“Tôi không có thời thơ ấu, giống như mình ngủ, tỉnh giấc ra mình là một người lớn…Lúc đó, nhà bị dội bom, những gì mình có đã đi theo khói lửa hết. Từ nhỏ đến lớn, tôi không được đi học, không biết đọc, không biết viết, một đứa con gái như tôi không có trình độ gì hết thì biết làm gì bây giờ…nên chỉ biết bán thân nuôi gia đình, nuôi mẹ và mấy đứa em.
Tôi đi lại những góc đường, đón những người lính Mỹ để đi ngủ với họ…nhiều khi, tôi nghĩ đến sáng mai phải đem tiền về để mua thuốc cho em, mua thức ăn cho mẹ…”
Năm 16 tuổi, một người lính trong quân đội Việt Nam Cộng Hoà biết rõ hoàn cảnh và đem lòng thương yêu cô. Cô hoàn lương và lập gia đình với anh. Nhưng hạnh phúc thật mong manh vì khi đứa con vừa chào đời được 1 tháng thì cô được tin chồng tử trận.
Tôi không có thời thơ ấu, giống như mình ngủ, tỉnh giấc ra mình là một người lớn…Lúc đó, nhà bị dội bom, những gì mình có đã đi theo khói lửa hết. Từ nhỏ đến lớn, tôi không được đi học, không biết đọc, không biết viết, một đứa con gái như tôi không có trình độ gì hết thì biết làm gì bây giờ…nên chỉ biết bán thân nuôi gia đình, nuôi mẹ và mấy đứa em.
Bơ vơ, không nơi nương tựa, bất đắc dĩ, cô giao con cho mẹ ruột của mình trông coi rồi lại trở về nghề cũ mà lương tâm cô không bao giờ cho phép. Năm 1973, được một người lính Mỹ yêu thương và đem cả hai mẹ con về Mỹ sống trong căn cứ không quân ở Malmstrom. Tại đây, cô xin việc rửa chén trong câu lạc bộ Eddie’s Supper.
Nỗ lực phấn đấu
Gần khu quân đội, có một cửa tiệm may đồ cưới. Sẵn yêu thích nghề may từ khi còn nhỏ, cô luôn ao ước có ngày được làm việc với vải vóc, đường kim mũi chỉ. Vì không biết một chữ tiếng Anh, cho nên, mỗi khi có dịp đi ngang, cô chỉ biết ngắm nhìn qua cửa kính một cách mê say…Cho đến một ngày:
“Tiệm may này may áo cưới, tôi dắt con tôi đi qua đi lại… một hôm, tôi lấy hết can đảm, tôi vô xin việc làm, rất khó vì không biết tiếng Anh. Nhưng bà chủ rất tốt, có lòng nhân đạo, bà nhận tôi và dậy cho tôi may, học tiếng Anh, cho phép tôi đem con vô tiệm để khỏi trả tiền trông con.
Nhờ đó mà tôi đã có việc làm mặc dù không biết tiếng Anh, thật là diễm phúc, vì tôi có điều kiện để làm lại cuộc đời. Tôi vừa làm, vừa học tiếng Anh, vừa học nấu thức ăn…”
Sau khi đã biết chút ít nghề may, vốn tiếng Anh cũng tương đối, thì sóng gió gia đình nổi lên. Một lần nữa, hạnh phúc lại chẳng mỉm cười với cô. Chúng ta hãy nghe cô kể lại:
“Hồi xưa, chồng tôi nói gì tôi cũng “vâng” nhưng bây giờ, tôi biết tiếng Anh thì nếu chồng tôi nói điều gì không đúng với ý tưởng tôi thì tôi trả lời. Vì vậy giữa tôi và chồng tôi không hạnh phúc. Ông ấy là sĩ quan cố vấn của Không Quân ở bên Việt Nam.
Ông ta nghĩ rằng ông ấy là một người có quyền uy, mất Việt Nam, bị thua trận, bây giờ có vợ cũng kềm hãm không được, do đó, sự đánh đập và nguyền rủa đối với tôi ngày càng nhiều. Ông ấy cứ cầm cây súng mà dí vào đầu tôi, lúc giận lên, ông ấy đánh đập tôi nhiều quá. Tôi sợ có ngày ông ấy sẽ giết tôi mất. Vì thế, tôi phải ly dị để nuôi con và gửi tiền về Việt Nam nuôi gia đình năm 1985.”
Trở về lại Việt Nam
Người phụ nữ Việt Nam theo truyền thống không nghĩ đến việc riêng tư của mình, trên hết là cha mẹ, rồi anh em, rồi đến con cái. Hình như tôi đã quên bản thân của mình. Hạnh phúc của tôi là đi làm để nuôi 3 đứa con ăn học thành tài và gửi tiền về Việt Nam. Tôi mới lập gia đình lại cho đến tháng 7 này thì được 3 năm, vì tôi muốn cuộc sống của tôi là lo cho con đến khi thành tài.
Sau khi li dị, bà sống một mình với 3 đứa con và mở một tiệm may áo cưới cùng thiết kế những mẫu thời trang cao cấp. Thời gian trôi qua, sau khi các con đã lớn và trưởng thành, tuy cuộc sống ổn định, nhưng những hình ảnh của một thời hoa niên đắng cay đã luôn ám ảnh tâm hồn bà. Bà nghĩ đến việc trở về Việt Nam để làm một điều gì đó. Cũng trong thời gian này, bà quyết định tái hôn với ông Ed Reiman, một người bạn đã nâng đỡ bà suốt 10 năm trời ròng rã. Bà nói: “Người phụ nữ Việt Nam theo truyền thống không nghĩ đến việc riêng tư của mình, trên hết là cha mẹ, rồi anh em, rồi đến con cái. Hình như tôi đã quên bản thân của mình. Hạnh phúc của tôi là đi làm để nuôi 3 đứa con ăn học thành tài và gửi tiền về Việt Nam. Tôi mới lập gia đình lại cho đến tháng 7 này thì được 3 năm, vì tôi muốn cuộc sống của tôi là lo cho con đến khi thành tài.”
Sau khi thành hôn, bà cùng chồng về Việt Nam và chứng kiến nhiều cảnh đau lòng. Bà cho hay: “Ngày xưa, vì chiến tranh, những người phụ nữ như tôi bị rơi vào hoàn cảnh giống như tôi, nhưng bây giờ, là chiến tranh kinh tế.
Tôi về Việt Nam thấy nhiều cô gái, họ đi làm gái cho những người du lịch nước ngoài, sang Việt Nam chơi, những cô gái rất đẹp, rất ngây thơ, nắm tay những người Việt Kiều, những ông Pháp, Đức lớn tuổi…
Tôi thấy những hình ảnh đó và nghĩ rằng nếu tôi không có dịp đi qua Mỹ để lập lại cuộc đời và nuôi 3 đứa con ăn học tới nơi tới chốn, mà phải ở lại Việt Nam thì có thể con tôi cũng phải đi bán thân để nuôi tôi…”
Dự án New Day Project
Trở về Mỹ, bà cùng chồng lập ra dự án New Day Project- xin tạm dịch dự án Ngày Mới và dành hết tiền dành dụm của mình để mua một miếng đất tại Mũi Né, Phan Thiết để xây một căn nhà nho nhỏ, vưà để làm nơi dậy may, vừa là nơi cung cấp chỗ ăn ở cho các cô gái trước đây vì hoàn cảnh phải đi bán thân.
Vì luật lệ Việt Nam chưa cho phép Việt Kiều đứng sở hữu nhà, hai vợ chồng bà nhờ người em gái đứng tên dùm miếng đất. Nhà chưa kịp xây, dự án chưa kịp thực hiện, thì than ôi ! Người em gái vì cờ bạc nên đã bán miếng đất cho người khác và bặt tăm. Vô cùng buồn rầu nhưng bà quyết tâm làm lại từ đầu.
Cả hai vợ chồng lại cố gắng kiếm tiền và dành dụm, cộng với số tiền quyên góp của bạn bè, cùng với sự giúp đỡ của gia đình người em trai ở Mũi Né, năm 2005, bà đã thực hiện được điều mơ ước. Giờ đây, với căn nhà nhỏ khang trang ở Mũi Né sát biển, bên cạnh phòng học may, là một quán nước của New Day Project để kiếm thêm lợi nhuận hầu giúp cho dự án này.
Từ ngày cơ sở đi vào hoạt động, bà dành 6 tháng bên Việt Nam để dậy nghề cho họ. Ngoài ra, những cô gái đến học may này còn được học vi tính và tiếng Anh do chính chồng đảm nhiệm giảng dậy. Được hỏi nguyên nhân vì sao bà lại quyết tâm thực hiện dự án này, bà tâm sự:
Chương trình này không phải tôi làm để giúp người ta, tôi làm để dịu đi nỗi đau của tôi. Ý định thành lập thì lâu lắm rồi, nhưng năm vừa qua mới bắt đầu, vì phải xây cất và mỗi lần tôi về thì lại chỉ đem được hai cái máy may về…Tôi chỉ ước mơ là họ đã đi qua cái cầu mà tôi trở lại không được, chỉ cầu nguyện Thượng đế là ban phước lành cho các cô ấy, để các cô ấy đừng bị vướng vào bệnh HIV.
“Tôi nghĩ tới ngày xưa cũng không ai cho mình có điều kiện, hiện nay, mức sống của tôi chỉ căn bản, không giàu có, nhưng tôi có thể về để nhận các cô gái dậy cho họ nghề may.. Nếu gia đình họ có gặp trường hợp gì ngặt nghèo, họ có thể xin vô những hãng may, hay những tiệm may để họ không phải đi bán thân để nuôi gia đình cũng như tôi từng đi bán thân để nuôi gia đình tôi.
Chương trình này không phải tôi làm để giúp người ta, tôi làm để dịu đi nỗi đau của tôi. Ý định thành lập thì lâu lắm rồi, nhưng năm vừa qua mới bắt đầu, vì phải xây cất và mỗi lần tôi về thì lại chỉ đem được hai cái máy may về…Tôi chỉ ước mơ là họ đã đi qua cái cầu mà tôi trở lại không được, chỉ cầu nguyện Thượng đế là ban phước lành cho các cô ấy, để các cô ấy đừng bị vướng vào bệnh HIV.
Đêm, tôi nằm ngủ không yên, vì những giấc mơ hãi hùng mà người ta đã cào xé thể xác tôi…Tôi thường ngủ không được và rất sợ ban đêm…nên tôi nghĩ đến các cô gái bất hạnh ấy và cầu nguyện cho họ để lương tâm họ không bị hành hạ bởi dĩ vãng cũng như lương tâm tôi đang bị.”
Lòng tốt
Thưa quí vị và các bạn, nhận xét về bà Nguyễn Ngọc Xuân, bà Genise Arnst, hiện nay đang làm việc trong một nhà thờ ở Montana thuộc hội thánh Synod, nơi bà Xuân thường đến sinh hoạt nói:
“Tôi yêu thích bà ấy lắm. Bà ấy là một người luôn luôn lo lắng cho người khác mà tôi chưa từng gặp bao giờ. Bà ấy là một nhân chứng của Thượng đế, luôn luôn giúp đỡ người khác. Có thể nói, bà ấy thật tuyệt vời, không những chỉ với những người được bà ấy giúp mà còn với cả những người khác, vì cuộc đời của bà ấy đã là một bài học cho chúng ta rồi.”
Còn cô Diane Blossom, người từng làm việc chung với bà Xuân ở tiệm may áo cưới thì nói: “Tôi biết bà ấy có một phòng dậy may ở Việt Nam, giúp cho họ có thể tự kiếm ăn, và còn giúp dụng cụ y khoa cho một phòng y tế nữa…
Bà ấy là một người rất tuyệt diệu, làm việc rất siêng năng và chịu khó học hỏi, luôn quan tâm đến người khác. Bà ấy luôn động viên người khác làm cho họ vui hơn, giúp cho họ có cuộc sống tốt đẹp hơn.” Thưa quí vị, vừa rồi là câu chuyện của bà Nguyễn Ngọc Xuân, người phụ nữ đang ước mơ xây dựng một “Ngày Mới” cho những cô gái có số phận không may ở Mũi Né có cơ hội làm lại cuộc đời.
Mong rằng dự án của bà sẽ phần nào giúp thay đổi cho cuộc sống của những cô gái miền biển hiền hoà, vì hoàn cảnh túng quẫn, phải làm nghề bán thân. Phương Anh xin dừng nơi đây. Hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong chương trình kỳ sau.
Những bài liên quan
- Huỳnh Trung Đà Giang, nữ sinh thắng giải nhất cuộc thi do đài NBC4 tổ chức
- Phân khoa Việt Học tại Đại học Hamburg (phần 2)
- Phân khoa Việt Học tại Đại học Hamburg (phần 1)
- Nghệ nhân cao tuổi và hoài bão phổ biến bí quyết nuôi tạo ngọc trai đen
- Cảm tưởng của cộng đồng giáo dân Việt về chuyến thăm Ba Lan của Ðức Giáo hoàng Benedict XVI
- Ngày văn hóa Việt Nam tại Đại học Hamburg
- Nữ nghệ sĩ Kim Cương
- Nữ tu người Mỹ gốc Việt được Tổng thống Bush trong công tác nhân đạo
- Người Việt tị nạn tại Cambodia sắp gặp nhiều khó khăn
- Cha mẹ có nên nói chuyện với con cái về vấn đề tình dục?
- Tháng Di Sản Á Châu Thái Bình Dương
- Nữ phóng viên Việt Nam thắng giải báo chí Alfred Friendly của Hoa Kỳ
- Những phụ nữ Hoa Kỳ trong cuộc chiến Việt Nam
- Quá trình hội nhập của người Việt tại Canada sau biến cố 30-4-1975
- 31 năm sau, hồi ức của một trong những Việt đầu tiên đặt chân đến quận Cam
- Cô Việt Tống Liên Chi được tặng học bổng PhikappaPhi Graduate Fellowship 2006
- Lưu xá La Vang cho nữ sinh nghèo ở Việt Nam
- Ông Vũ Khánh Thành và Hội An Việt ở nước Anh
- Quấy rối tình dục: Nạn nhân phải tự bảo vệ mình
- Chị Trịnh Thị Mùi, một phụ nữ Việt thành công trong ngành kinh doanh ở Đức (phần 2)
- Tiểu thương Việt Nam sửa soạn lên đường đi Mỹ
- Chị Trịnh Thị Mùi, một phụ nữ Việt thành công trong ngành kinh doanh ở Đức (phần 1)
- Hội thảo về vai trò lãnh đạo của thanh niên Mỹ gốc Á tại Virginia
- Cô sinh viên Nguyễn Thị Phương Dung, gương mặt trẻ tiêu biểu 2005 của Việt Nam
- Việt Kiều vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi mua nhà ở Việt Nam