Giải Nobel Kinh tế học 2007


2007.10.16

Nguyễn Xuân Nghĩa & Việt Long, RFA

Năm nay, ba nhà kinh tế Hoa Kỳ đã đoạt giải Nobel về Kinh tế học nhờ những đóng góp trong lý thuyết về thiết kế cơ chế. Đó là thông báo ngày 15 hôm qua của viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển. Vì khía cạnh chuyên môn khá đặc biệt của giải thưởng năm nay, Diễn đàn Kinh tế có cuộc trao đổi sau đây với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa để tìm hiểu thêm về bộ môn ấy. Tiết mục chuyên đề hàng tuần của chúng ta sẽ do Việt Long thực hiện.

Việt Long: Xin chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Hôm qua, Thứ Hai 15, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã thông báo quyết định trao giải kinh tế học năm nay cho ba nhà kinh tế học Hoa Kỳ. Vì nội dung giải thưởng liên quan đến lý thuyết về sự xác lập hay thiết kế cơ chế vận hành, là một đề mục hơi khó hiểu, chúng tôi đề nghị là kỳ này, ta sẽ trao đổi về giải kinh tế năm nay để thính giả khắp nơi hiểu rõ công lao và sự hữu ích của công trình nghiên cứu của ba vị khôi nguyên kinh tế năm nay.

Nhưng đầu tiên là một câu hỏi về giải Nobel đã. Đó là vì sao giải Nobel Kinh tế lại do viện Hàn lâm Thụy Điển tuyển chọn khi mà ông Alfred Nobel, người sáng lập ra giải thưởng, lại là một bác học người Na Uy?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Chúng ta đều biết rằng nhà bác học Nobel, một kỹ sư và doanh gia Na Uy đã sáng chế ra mìn và sau đó bị một số dư luận Âu châu phê phán là người gây ra chết chóc. Trong bản di chúc của ông năm 1895, ông đem phần lớn tài sản của mình để lập ra quỹ Nobel, và hàng năm tuyên dương những người có công với nhân loại trong một số lãnh vực là vật lý, hóa học, y học, văn chương và phụng sự hoà bình.

Đó là vắn tắt về nguyên ủy của các giải Nobel, kể từ 1901, vẫn được trao cho những người có công trình đáng tuyên dương trong năm, vào ngày giỗ của ông Nobel, là 10 tháng 12, tại thủ đô Stockholm của Thụy Điển. Riêng giải Nobel về Hoà bình thì được trao tại Oslo của xứ Na Uy vào cùng ngày.

Thế rồi đến năm 1968, Ngân hàng Trung ương Thụy Điển mới chiếu theo tinh thần của Alfred Nobel mà lập thêm một giải thưởng khác dành cho bộ môn kinh tế học để tưởng niệm ông Nobel, và bắt đầu trao giải từ năm 1969. Kể từ năm 1995, Ủy ban Tuyển chọn Giải Nobel Kinh tế mới quyết định phải mời thêm hai học giả không là kinh tế gia vào thành phần tuyển chọn và từ đấy, mục tiêu và đối tượng chọn lọc của giải Nobel Kinh tế đã mở ra nhiều lãnh vực không thuần túy kinh tế, như chính trị học, tâm lý học hay xã hội học. Và điều ấy có thể được phản ảnh rất rõ trong giải thưởng năm nay.

Việt Long: Thưa ông, giải thưởng năm nay được trao cho ba kinh tế gia Hoa Kỳ, nên hình như nội dung vẫn tập trung vào khoa kinh tế, và như mọi năm, nước Mỹ lại được mùa gặt hái nhiều giải nhất?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa về quốc tịch thì ca ba nhà kinh tế đều đang giảng dạy trong các đại học Hoa Kỳ. Về xuất xứ thì cả ba đều là người gốc Do Thái. Về sinh quán thì vị niên trưởng năm nay là ông Leonid Hurwicz, mà cũng là người lớn tuổi nhất đã lãnh giải Nobel từ xưa tới nay, là một nhà kinh tế người Nga, sinh tại Ba Lan năm 1917, về sau mới lưu vong qua Mỹ. Về tư tưởng thì lý luận của cả ba vị khôi nguyên năm nay đều ít nhiều bắt nguồn từ tư tưởng của một kinh tế gia gốc Áo, là ông Friedrich Hayek, giải Nobel Kinh tế năm 1974.

Ông Hayek sinh năm 1899 và đã sớm nói tới những khía cạnh xã hội và tổ chức của các định chế xã hội như nền tảng của kinh tế học. Tại Âu châu, ông ta đã nhìn thấy từ rất sớm những sai lầm của kinh tế chính trị học xã hội chủ nghĩa khi mà cả Âu châu còn bị mê hoặc bởi tư tưởng xã hội chủ nghĩa và phương thức quản lý tập trung kế hoạch. Ngay từ năm 1945, ông ta đã chú ý tới yếu tố thông tin của xã hội trong kinh tế học.

Năm 1960, tại Hoa Kỳ, Giáo sư Hurwicz mới khai triển tư tưởng ấy vào việc trao đổi thông tin trong thị trường và đề ra điều mà ngày nay ta gọi là "thiết kế cơ chế", hay định chế hoá thông tin trong quy luật vận hành kinh tế. Chúng ta có thể gọi đó là quy luật vậ hành hay "vận luật" của thông tin trong kinh tế. Từ giáo sư Hurwicz, hai kinh tế gia khác đã đóng góp thêm nỗ lực nghiên cứu và năm nay, cả ba người đều được tuyên dương.

Tôi phải trình bày sâu xa như vậy để ta thấy rằng từ nguyên ủy, nhân vật hay tư tưởng đều có thể đã xuất phát từ Âu châu và đạt nhiều kết quả hữu ích cho nhân loại khi có môi trường nghiên cứu tự do là tại Hoa Kỳ. Môi trường tự do tại Mỹ hơn là sự ưu việt của dân Mỹ mới là yếu tố giải thích vì sao Hoa Kỳ hay được mùa trúng giải Nobel về khoa học.

Công trình được trao giải Nobel kinh tế

Việt Long: Bây giờ, chúng ta mới bắt đầu đi vào nội dung của những phát minh được tuyên dương nay năm, thế nào là "thiết kế cơ chế" hay "vận luật về thông tin" như ông nói?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Ta sẽ đi từ căn bản là thị trường là nơi diễn ra sự trao đổi kinh tế, nôm na là mua bán. Khi có nhiều hàng hoá so với yêu cầu của người mua thì người bán có xu hướng bán rẻ hơn, ngược lại, khi hàng khan hiếm thì giá mua tất nhiên phải tăng. Điều ấy, ai cũng có thể thấy ra hàng ngày, ở ngoài chợ chẳng hạn.

Nhưng, câu chuyện trở thành rắc rối hơn khi giữa người mua và người bán lại có những cơ chế khác có thể can thiệp vào việc trao đổi, thí dụ như thuế khoá đánh trên hàng hoá, hay điều kiện được gia nhập thị trường để mua hay bán có được tự do hay không. Những yếu tố can thiệp ấy vào thị trường làm thay đổi cách tính toán suy nghĩ của người mua và người bán, và sự thông tin về các yếu tố ấy cũng tất nhiên chi phối quy luật vận hành của thị trường.

Thí dụ như giá xăng dầu vốn đang bị chi phối bởi quy luật cung cầu nay lại có thêm một yếu tố quyết định khác là thuế suất đánh trên dầu khí hay xăng nhớt. Một thí dụ khác là trên thị trường chứng khoán tại Việt Nam chẳng hạn, một thông cáo về luật lệ thành lập hay yết giá trên sàn cũng là loại thông tin làm thay đổi quy luật trao đổi. Làm sao kết hợp và khai thác các yếu tố thông tin này để lấy quyết định có lợi nhất cho mình?

Việt Long: Nếu hiểu ra một cách đơn giản thì thị trường là nơi mà người ta hợp lý hoá các quyết định mua bán của mình, chủ yếu dựa trên quy luật cung cầu. Nhưng làm sao hợp lý hoá các quyết định ấy khi có nhiều cơ chế khác can thiệp vào việc trao đổi phải không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa đúng như vậy. Và chúng ta sẽ phải từ chuyện đơn giản tay đôi giữa hai người mua và bán nghĩ rộng ra khung cảnh trao đổi phức tạp hơn. Thứ nhất là việc trao đổi ấy có tự do hay không, như giá cả có bị nhà nước kiểm soát hay không. Thứ hai, ngay trong một doanh nghiệp chẳng hạn, quyết định về trao đổi cũng có khác biệt trong từng loại hàng hoá hay dịch vụ.

Thí dụ như giá xăng dầu lên xuống ra sao thì mình còn tính ra được, nhưng chế độ lương bổng hay lao động là kết quả của nhiều yếu tố như khả năng thương thảo giữa chủ và thợ hay của công đoàn và nhà nước. Thế rồi cũng trong cơ sở kinh doanh, người chủ đầu tư và giới quản trị cũng có những yếu tố quyết định khác nhau.

Ngần ấy tác nhân và hoàn cảnh quyết định đã tạo ra một khuôn khổ đấu trí rắc rối hơn quy luật cung cầu bình thường. Làm sao mường tượng được ra khuôn khổ đấu trí ấy, hay làm sao vạch ra quy luật vận hành của từng loại tác nhân hay định chế có ảnh hưởng trong thị trường để tìm ra giải pháp có lợi nhất, gọi là giải pháp tối hảo, cho mọi người?

Việt Long: Không biết là tôi có làm vấn đề thêm rắc rối hơn nữa chăng, nhưng, chúng ta thừa biết rằng khi mua bán trao đổi như vậy, mỗi người lại có một khả năng thông tin riêng và chưa dễ gì chia sẻ những thông tin ấy cho bên kia.

Nguyễn Xuân Nghĩa: Dạ thưa đúng như vậy nên ta mới thường nói rằng người mua thì bị lầm chứ người bán không lầm vì tưởng rằng người bán có nhiều thông tin về món hàng của mình, tốt xấu hay mới cũ ra sao. Cũng vì vậy mà mình mới nói đến "khuôn khổ đấu trí" và những lý thuyết về đấu trí hay game theory.

Các nhà nghiên cứu kinh tế có tìm hiểu điều ấy và lập ra hệ thống mô tả các yếu tố quyết định như trong một cuộc đấu cờ, bên này sẽ phản ứng ra sao khi bên kia đưa ra một đề nghị mới và đôi bên đều là những người ráo riết tranh đấu cho quyền lợi tối đa của mình. Các nhà kinh tế phân tích tiến trình thông tin và khai thác thông tin để giải thích phản ứng của đôi bên và tìm ra giải pháp thỏa thuận có lợi nhất.

Việt Long: Nếu như hiểu đúng thì các nhà kinh tế này đã áp dụng cả tâm lý học để phân tích phản ứng của các tác nhân kinh tế trong thế động, trong cái thế ta gọi là tương hằng, là bên này tính toán ra sao về những tính toán của bên kia. Có phải như vậy không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Dạ thưa đúng thế và đấy là công trình sơ khởi của giáo sư Hurwicz năm 1960 khi ông ta nói tới việc thiết kế ra một hệ thống ta tạm gọi là trao đổi tín hiệu, thông tin hay cả ẩn ý, giữa các tác nhân kinh tế. Thị trường không chỉ có người mua và người bán mà là một mạng lưới thông tin hay tín hiệu phức tạp trong đó mỗi tác nhân lại là một trung tâm tiếp nhận rồi khai thác tin tức để phản ứng với các tác nhân khác.

Qua năm 1972, ông ta khai triển thêm mô hình này bằng một khái niệm mới là sự dung hợp quyền lợi, là kết hợp quyền lợi ta gọi là vị kỷ của các đối tác kinh tế trong mô hình lý thuyết này để tìm ra cơ sở thỏa thuận có lợi cho mọi người trong cuộc. Khi trù hoạch ra khuôn khổ đấu trí ấy, người ta không chỉ áp dụng tâm lý học mà cả toán học. Và hai kinh tế gia cùng trúng giải với ông Hurwicz năm nay, là Eric Maskin và Roger Myerson, đều xuất thân là các nhà toán học trước khi đem toán vào giải trình sự vận hành kinh tế.

Những ích lợi cho nhân loại

Việt Long: Chúng ta có thể đi dần tới kết luận là những công trình khảo cứu của ba giáo sư được vinh danh năm nay có những lợi ích gì cho nhân loại hay cụ thể là cho việc quản lý kinh tế?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Trước hết, kết quả nghiên cứu của ba học giả này giúp cho người mua và người bán biết rõ hơn về tình hình đấu trường hay thị trường, tức là về những tính toán hơn thiệt của đối phương để từ đó tìm ra cái giá thoả thuận có lợi nhất cho mình mà bên kia cũng chấp nhận được. Giới kinh tế gọi đó là giá bán tối hảo, có lợi nhất.

Thứ hai, một áp dụng được cả ba người khai triển khi nghiên cứu các thủ tục và phản ứng tâm lý trong việc đấu giá cũng giúp ích cho chúng ta - nhất là cho nhà nước - cách phân phối tài nguyên có lợi nhất, thí dụ như trong việc cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước hay trong thủ tục đấu thầu về cung cấp chẳng hạn.

Một thí dụ rất gần gũi với Việt Nam là khi gọi thầu để xây cầu cống, đường xá, thì yếu tố an toàn phải được kết hợp bên trong những động lực về giá cả cao thấp trong quyết định của nhà thầu Nhật Bản khi giao một gói thầu cho một công ty Việt Nam, và nếu có như vậy, không chừng ta đã tránh được tai nạn tại Cần Thơ!

Thứ ba là áp dụng trong việc cân nhắc lợi hại về từng loại luật lệ, vì giúp người ta lường được hậu quả của luật lệ hay thủ tục trong quyết định trao đổi, mua bán. Nhờ sự hiểu biết do các kinh tế gia này đề ra, nhà làm luật sẽ biết được hậu quả của những điều mình làm ngay từ trong cách tính toán của các tác nhân kinh tế ngoài thị trường.

Sau cùng, cũng nên nói thêm rằng những khám phá của họ có tầm ảnh hưởng rất rộng, ra khỏi phạm vi kinh tế mà liên hệ đến cả tổ chức xã hội, tiến trình dân chủ hoá và cả những thủ tục soạn thảo hiến pháp hay tiến hành bầu cử. Đây là loại đề tài rất thời sự khi ta nghĩ tới tình hình Iraq hay Việt Nam và cả Trung Quốc, với kế hoạch tu chính lại hiến pháp họ đang muốn tiến hành sau Đại hội đảng tuần này.

Việt Long: Xin cám ơn ông Nguyễn Xuân Nghĩa.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.