Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA
Bão số 7 đã bắt đầu đổ bộ vào đất liền. Đó là tin tức mà Ban Việt Ngữ chúng tôi ghi nhận được từ Việt Nam. Biên Tập Viên Nguyễn Khanh hiện đang có mặt ở Bangkok gửi về tường trình sau đây.

Cơn bão lớn nhất trong 9 năm qua đang trên đường tiến vào Việt Nam. Dấu hiệu mà các viên chức địa phương cho chúng tôi biết là nhiều vùng nằm dọc theo bờ biển báo tin trời bắt đầu mưa nặng hạt, chứng tỏ người khách không được mời đã đến và có thể sẽ gây những tại họa không thể lường được cho dân chúng ở các tỉnh kéo dài từ Quảng Ninh cho đến Quảng Nam-Đà Nẵng.
Mặc dù sức gió ở gần trung tâm bão ở cấp 12, tức trong khoảng từ 118 đến 133 cây số giờ, nhưng sức di chuyển lại khá chậm, mỗi giờ chỉ đi được chừng 15 cây số. Bản tin khí tượng hồi chiều nay cho thấy Vịnh Bắc Bộ sẽ có bão mạnh cấp 7, cấp 8, sau đó có thể tăng lên đến cấp 10 hoặc cao hơn nữa.
Đặc biệt tại các vùng biển kéo dài từ Nghệ An đến Quảng Bình, tình trạng ngập lụt có thể xảy ra song song với mực nước biển sẽ dâng cao từ 3 mét 5 cho đến 4 mét. Ở nhiều nơi, dân chúng còn e ngại các tuyến đê biển không thể ngăn chận được cơn nước lũ do trận bão gây nên.
Tối hôm nay, chúng tôi đã có dịp nói chuyện với ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ tịch Hội Đồng Nhân Dân thành phố Hải Phòng, trong lúc ông đang cùng với các viên chức thành phố đốc thúc mọi người phòng chống bão lụt:
“Hiện nay bão đang chuẩn bị đổ bộ vào Hải Phòng với cường độ giật trên cấp 12, tức là hơn 120km/h. Hải Phòng hiện vẫn nằm trong hướng chính của bão. Chúng tôi đã chuẩn bị một cách tích cực để cho nhân dân sơ tán cũng như sẵn sàng ứng cứu những nơi bão có thể tàn phá nặng.”
Ở Thanh Hóa ông Lê Cường, thuộc ban văn hóa thông tin của tỉnh cho biết: "Bão bây giờ còn cách bờ biển khoảng 400km, nên chắc đến tầm tối nay thì mới vào đến đất liền. Theo dự báo thì đêm nay bão có thể vào đến Thanh Hóa với cường độ lên đến cấp 12."
Về con số người đã được di tản, hay còn gọi là sơ tán, để tránh bão, các bản tin do giới truyển thông trong và ngoài nước phổ biến đều nói rằng con số nằm trong khoảng từ 150,000 cho đến 170,000 người, chẳng hạn như ở Thanh Hóa, khoảng 74,000 người dân cư ngụ ở các huyện ven biển đã được lệnh phải dời khỏi những vùng gần biển.
Tuy nhiên, viên chức của tỉnh nói rằng chưa thể xác định số người được di tản là bao nhiêu: "Theo số liệu thì chưa chính xác được là bao nhiêu, nhưng hiện nay chỗ nào tầm thấp, sợ nước dâng cao thì dân chúng mới sơ tán đi tránh lụt. Còn những chỗ khác thì con số chính xác không nắm được ạ."
Cũng tại Thanh Hóa, ngoài công tác phòng chống bão số 7, các giới chức địa phương và dân chúng còn lo sửa chữa lại những khu đê biển và đê sông bị hư hại do trận bão số 6 vừa rồi.
Ông Cường cho chúng tôi biết công tác sửa chữa đê được xem là đã hoàn tất, đồng thời công tác gọi tầu từ ngoài khơi vào bờ tìm nơi an toàn tránh bão cũng đã thực hiện được xong. Đó cũng là công tác được thi hành ở các tỉnh Quảng Ninh và Nghệ An.
Nguyễn Khanh tường trình từ Bangkok, Thái Lan.