Chế độ dinh dưỡng trong thời kỳ mang thai

0:00 / 0:00

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Chương trình "Sức khỏe và Đời sống" kỳ này sẽ mang đến cho các bà mẹ trẻ một số lời khuyên của giới chuyên môn về chế độ dinh dưỡng trong thời kỳ mang thai. Những loại thức ăn nào cần đặc biệt lưu ý kiêng cử hoặc bổ sung để giúp thai nhi phát triển mạnh khỏe? Mời quý vị nghe phần trình bày tiếp theo của bác sĩ Phạm Đặng Long Cơ, ngừơi có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành sản phụ khoa từ bang California.

Bác sĩ Cơ: Ngừơi mẹ phải ăn rau nhiều, trái cây nhiều, những loại thực phẩm này rất quý, chứa chất chống oxy hoá làm những tế bào xấu không phát triển được. Ngoài ra, cần phải uống hay ăn forlic acid, một ngày trên 400 microgram (nếu chúng ta ăn một tô cơm chẳng hạn, sẽ đủ số lựơng forlic acid cần thiết mỗi ngày). Thường bác sĩ sẽ cho các thai phụ uống các loại thuốc bổ thai, trong đó cũng có đủ số lựơng forlic acid.

PregnantWomen150.jpg
Courtesy Wikipedia

Nhiều ngừơi hỏi rằng có thể tiếp tục uống thuốc bổ mà họ vẫn thừơng uống trứơc khi mang thai đựơc không. Câu trả lời là không, vì thuốc bổ thường có nhiều vitamin A, mà khi mang thai không đựơc dùng nhiều chất vitamin này. Cho nên, cần phải uống thuốc bổ đặc biệt dành cho thai phụ. Trong thời gian mang thai, phụ nữ cũng hay bị bón, do đó lời khuyên là cần phải ăn rau, trái cây nhiều, và có thể uống thêm các loại thuốc chứa nhiều chất sợi để dễ tiêu hoá.

Ăn uống tẩm bổ thì có thể ăn thịt gà, thịt heo, hay thịt bò, cá sông ngòi cũng rất tốt. Còn đối với loại cá salmon (cá hồi), mỗi tuần lễ chỉ đựơc ăn 1 miếng. Salmon có nhiều chất mỡ omega-3 fatty acid, giúp bộ óc của trẻ phát triển.

Người ta thấy rằng những người mẹ nào ăn cá có mỡ nhiều trong khi có bầu thì rất tốt, nhưng không nên ăn các loại cá biển to như cá thu, cá mập, cá mú. Và nếu như dùng cá salmon thì không đựơc ăn tôm. Tôm chỉ đựơc tiêu thụ khoảng 1 tách nhỏ một tuần. Nhớ là hoặc cá salmon hoặc tôm vì loại cá salmon đựơc nuôi bằng chất hoá học, nếu ăn nhiều quá chất này có thể vào máu người mẹ đi qua đứa bé, dẫn đến nguy cơ sau này đứa bé lớn lên bị ung thư vú. Còn tôm thì khi người ta nuôi trồng hay bỏ vào chất trụ sinh, khi chất này vào máu người mẹ truyền qua cho bé thì có thể làm cho cháu sau này dễ mắc các chứng bệnh về máu như bệnh hoại huyết.

Sau 3 tháng thai kỳ, các thai phụ nên uống thêm chất sắt vì khi này đứa bé cần chất sắt để phát triển hồng huyết cầu, nếu không cháu sẽ lấy chất sắt dự trữ của người mẹ, khiến người mẹ thiếu máu. Lợi ích của chất sắt là giúp cho tế bào máu của bé phát triển tốt, sau này cháu sẽ biết đi sớm hơn, thông minh hơn, giỏi về toán hơn. Nhưng nếu người mẹ ăn nhiều chất sắt sẽ dễ bị bón, vì vậy mà cần phải tăng cường nhiều chất sợi, trái cây có chứa chất sợi và uống nứơc thật nhiều.

Trà Mi: Người Việt Nam có thói quen khi mang bầu hay thèm những chất chua như cóc, me, ổi, xoài ngâm chua… Lời khuyên của giới chuyên môn ra sao? Khi có thai có nên ăn chua nhiều quá hay không?

Bác sĩ Cơ: Chất chua trong trái cây thì tốt, nhưng chua do ngâm giấm thì không tốt vì môi trường này sẽ dễ phát sinh vi trùng H-pylori làm đau bao tử. Cóc xanh, xoài xanh ăn ít thì không sao, nhưng nếu ăn nhiều thì sẽ không tốt cho bao tử của mình và hơn nữa còn có thể bị nhiễm vi trùng H-pylori. Cho nên đừng ăn nhiều quá.

Trà Mi: Không nên ăn quá chua, không nên ăn quá mặn, thế còn những chất cay như ớt, tiêu thì sao?

Bác sĩ Cơ: Ăn cay cũng vừa vừa để ngon miệng thì cũng không sao, nhưng đừng ăn nhiều quá. Thật sự nếu ăn ớt vừa phải thì tốt, vì trong ớt có chứa chất giúp chúng ta ít bị nhiễm trùng. Cho nên mình ăn vừa vừa thì cũng không sao.

Trà Mi: Khi mang thai có nhiều người cử các loại thức ăn như hột vịt lộn, mè đen, xương xáo đen. Xin bác sĩ những lời khuyên có nên tuyệt đối kiêng cữ những chất dinh dữơng này không?

Bác sĩ Cơ: Nhiều người tin rằng uống nứơc dừa làm cho con trắng, nhưng thật sự không phải vậy. Gàu dừa rất khó tiêu, làm đầy bụng. Mè đen cũng tốt nhưng ăn nhiều thì những hạt mè nhỏ có thể chạy vào ống ruột dư của mình có thể dẫn đến tình trạng sưng ruột dư.

Khi có mang mà bị sưng ruột dư thì rất khó chữa vì khó định bệnh. Định bệnh chậm trễ có thể ảnh hưởng đến thai nhi và đôi khi có thể ảnh hưởng đến cả tính mạng của bà mẹ. Hột vịt lộn thì phải đun thật chín, sôi kỹ, nhưng ăn hột vịt lộn thì cũng không bổ hơn gì cả, mà còn có nguy cơ bị nhiễm H5N1.

Người ta khuyên khi ăn trứng gà phải luộc thật kỹ, thật chín. Tóm lại, nếu ăn một hai cái hột vịt lộn mà đun thật chín thì cũng không sao, nhưng tuyệt đối đừng ăn rau răm vì rau này không tốt cho thai nhi.

Trà Mi: Thế còn đối với trứng ngỗng thì sao? Có quan niệm cho rằng có thai ăn trứng ngỗng con sẽ thông minh.

Bác sĩ Cơ: Thật ra trứng ngỗng cũng giống như trứng vịt thôi, mà còn không đựơc sạch nữa. Bên Mỹ người ta nuôi gà, nhất là những nơi nuôi gà để bán trứng hạng sang, thì họ nuôi rất cẩn thận, bằng loại bột ngô tốt để trứng gà bổ dưỡng, không chứa nhiều chất mỡ, mà mang nhiều mỡ tốt như omega-3 fatty acid.

Ngừơi Mỹ không ăn trứng ngỗng, trứng vịt vì hai loại trứng này mỡ nhiều, cholesterol nhiều. Vì vậy, tôi cho rằng khi có bầu không cần và không nên ăn trứng ngỗng hay trứng vịt. Nếu ăn thì nên ăn trứng gà luộc chín, rất tốt cho cháu vì trong trứng gà có nhiều protein, một ngày có thể ăn 1 hay 2 cái không sao.

Trà Mi: Nhiều ngừơi biết rằng phải dinh dưỡng điều độ nhưng điều độ như thế nào, bao nhiêu là vừa đủ cho một ngày, một thực đơn, một phần ăn, chẳng hạn?

Bác sĩ Cơ: Thật ra một ngày bà mẹ nên ăn ít nhất là 3 bữa. Khi thai lớn lên, dần dần tăng lên thành 5 bữa mỗi lần một ít vì lúc này bụng sẽ bị căng khó tiêu. Nhớ bổ sung nhiều trái cây tươi, rau cải càng nhiều càng tốt. Ăn cơm vừa phải, ăn khoai lang rất bổ.

Làm thế nào để biết ăn tốt? Mình ăn đồ tươi, mới, tránh đồ ăn cũ, không ăn đu đủ, không ăn dưa chua vì những chất này không có chất dinh dữơng gì cho bé cả, mà còn nguy hiểm cho bé nữa. Đừng ăn đồ chua quá, ngọt quá hay mặn quá. Ăn ngọt nhiều quá sẽ làm cho bà mẹ bị huyết áp cao, dẫn đến nguy cơ thai nhi to lớn quá, và cũng có thể bị bất đắc kỳ tử trong bụng mẹ.

Tinh bột cũng tốt nhưng ăn nhiều tinh bột quá như phở, cơm, bánh mì nhiều thì đứa bé sẽ bị to quá, khó sinh. Cái chính là phải ăn nhiều trái cây, rau, thịt tốt.

Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn thời gian bác sĩ dành cho chương trình hôm nay.

(xin theo dõi toàn bộ nội dung phần âm thanh bên trên)

Chương trình “Sức khoẻ và đời sống” kỳ này xin dừng lại tại đây. Hẹn tái ngộ cùng quý vị và các bạn vào giờ này, sáng thứ sáu tuần sau. Trà Mi kính chào.

Thông tin trên mạng:

- Tự theo dõi và bảo vệ mình khi có thai

- Pregnancy