Đô la xuống - Dầu thô lên


2007.11.13

Nguyễn Xuân Nghĩa & Việt Long, RFA

Tuần qua, dầu thô đã mấp mé 100 Mỹ kim một thùng trong khi tiền Mỹ lại sụt tới mức thấp nhất so với đồng Euro kể từ khi đồng tiền này xuất hiện đầu năm 1999. Vì vậy, nhiều người đã nói tới ngày tàn của đồng Mỹ kim và rằng các nước nên giảm tỷ trọng của đô la trong dự trữ ngoại tệ của mình. Điễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu vấn đề phức tạp này trong phần trao đổi cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, do Việt Long thực hiện.

BiodieselOil150.jpg
Giá dầu tăng sấp sỉ 100USD/thùng. AFP PHOTO

Giá dầu mấp mé 100USD/thùng

Việt Long: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Thưa ông, vào tuần qua, giá dầu thô trên thế giới đã có lúc mấp mé 100 Mỹ kim một thùng trong khi giá Mỹ kim lại sụt tới mức thấp nhất so với Euro Âu châu, và nói chung tuột giá so với nhiều ngoại tệ lớn khác trên thế giới. Biến động ấy khiến nhiều người cho rằng không nên giữ tiền Mỹ trong túi vì là một loại tài sản mất giá.

Nhìn từ giác độ của các chính quyền, người ta cũng nói đến việc nên bán bớt Mỹ kim trong khối dự trữ ngoại tệ của quốc gia, là điều có người đã đề nghị với Chính quyền Việt Nam và hiển nhiên là Ngân hàng Nhà nước tại Việt Nam cũng rất quan tâm.

Vì vậy, Ban Việt ngữ chúng tôi xin đề nghị là trong chương trình chuyên đề kỳ này, ta sẽ tìm hiểu về biến động chéo của giá dầu và của đồng Mỹ kim, và về ảnh hưởng của chúng đối với các nước. Câu hỏi đầu tiên của chúng tôi, vì sao dầu thô lên, tiền Mỹ xuống?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa ông, dầu thô lên giá chủ yếu vì chênh lệch cung cầu khi số cầu về năng lượng của các nước tăng đáng kể do đà tăng trưởng của kinh tế thế giới. Trong cảnh căng thẳng ấy, một số biến cố an ninh, trước tiên là vụ khủng hoảng tại Turkey liên hệ đến sắc dân Kurd tại miền Bắc xứ Iraq, rồi màn đấu trí gay gắt giữa Hoa Kỳ và các nước Âu châu với Iran, cũng khiến người ta lo sợ xung đột sẽ bùng nổ. Thêm vào đó, nhiều tổ hợp đầu tư tài chính lại đầu tư mạnh vào việc mua bán dầu thô và có ảnh hưởng khá lớn trong việc dầu thô lên giá.

Tuy nhiên, và đây là điều đáng chú ý hơn cả, tình trạng ấy không thể kéo dài. Khi xăng dầu đắt đỏ làm kinh tế suy trầm thì số cầu sẽ giảm, và khi số cầu sút giảm thì giá sẽ sụt theo tỷ lệ còn mạnh hơn nữa. Tất cả vấn đề vì vậy tùy thuộc vào viễn ảnh gần hay xa mà thôi, cho nên ta cần hết sức thận trọng khi muốn tiên đoán giá cả.

Việt Long: Trước khi nói sang vấn đề Mỹ kim, xin hỏi thêm về điều ông vừa nói: vì quy luật cung cầu ấy, khi dầu khí là tài nguyên có hạn mà yêu cầu về năng lượng của loài người chỉ tăng thì về dài, giá dầu thô tất nhiên sẽ chỉ có tăng thôi, chứ liệu có thể giảm không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ rằng trong vòng trăm năm nữa thì dầu khí vẫn là một nguồn năng lượng quan trọng của nhân loại, trong khi vẫn bị thay thế dần bởi các nguồn năng lượng khác, mà giá dầu càng tăng càng khiến loài người phải tìm ra giải pháp điền thế.

Thứ hai, cho tới nay, loài người vẫn tiếp tục khám phá thêm nhiều túi dầu khác, gần đây nhất là trường hợp được Brazil thông báo hôm Thứ Năm mùng tám vừa rồi, với một túi dầu ngoài khơi sẽ nâng trữ lượng dầu thô của xứ này thêm 40%. Trong khi ấy, ta cũng không nên quên rằng trong hoàn cảnh sản xuất ngày nay của loài người, khi dầu thô xê xích ở mức 60 đến 80 đồng một thùng là coi như đụng đỉnh vì có thể làm sản xuất suy thoái vì quá đắt.

Trong lịch sử, năm 1981 là khi dầu thô đã lên tới mức đắt nhất vì vụ khủng hoảng tại Iran, tương đương với chừng 102 đến 107 đồng một thùng của ngày nay. Ngày nay, chúng ta đang mấp mé kỷ lục đó và giá có thể sẽ sụt. Mà khi sụt giá thì sụt mạnh như ta đã thấy sau vụ khủng hoảng Đông Á cách đây 10 năm. Vì vậy, tôi trộm nghĩ là mình nên trận trọng vì sẽ thấy nhiều biến động giá cả khá đột ngột trong tương lai một hai quý sắp tới.

Dollar sụt giá

Việt Long: Bây giờ, bước qua chuyện Mỹ kim, vì sao Mỹ kim lại sụt giá mạnh như vậy?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Nói chung, tiền Mỹ mất giá khá đều đặn từ hơn hai năm qua chủ yếu là vì Hoa Kỳ bị hai nạn khiếm hụt song hành, là bội chi ngân sách và nhập siêu, tức là ngân sách chi nhiều hơn thu và kinh tế nhập nhiều hơn xuất khẩu. Hiện tượng sụt giá ấy là việc điều chỉnh tự nhiên và cũng cần thiết để tái lập lại quân bình và sự thật thì cả hai mức khiếm hụt ấy đều đã giảm chứ không tăng cho nên về dài thì hiện tượng tuột giá sẽ phải chậm lại.

Tuy nhiên, và đây là điều đáng chú ý khác về thời cơ: kinh tế Mỹ vừa bị vụ khủng hoảng trong thị trường tín dụng gia cư loại thứ cấp, gọi là sub-prime, với hậu quả lây lan qua cả thị trường tín dụng và trái phiếu. Vì vậy mà Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ đã phải hạ lãi suất để cứu nguy và lãi suất giảm càng khiến tiền Mỹ hết hấp dẫn.

Thế rồi, Thứ Tư mùng bảy vừa qua, ông Thành Tư Nguy, Phó Chủ tịch kiêm Ủy viên ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã khiến các thị trường tài chính rúng động bán tháo Mỹ kim khi tuyên bố tại một hội nghị ở Bắc Kinh rằng Trung Quốc phải ứng phó với hiện tượng đô la mất giá bằng cách đổi Mỹ kim qua một số ngoại tệ khác. Ông này không có trách nhiệm lãnh đạo kinh tế nhưng cứ hay phát biểu theo lối bắn tiếng của Bắc Kinh, có khi chỉ để đánh lạc hướng giới đầu cơ ngoại tệ mà thôi nhưng cũng gây chấn động.

Tổng kết lại, ta có động lực kinh tế tài chính và cả động lực tâm lý, thậm chí chính trị nữa, khiến Mỹ kim sụt giá mạnh, và thật ra mạnh hơn cái mức bình hoà của cung cầu kinh tế.

Việt Long: Y như về trường hợp dầu thô, đồng Mỹ kim có thể còn tuột đến đâu nữa và trong khoảng bao lâu nữa thì mới đụng vào cái mức bình hoà như ông nói?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Không ai có thể biết về tương lai, nhưng Mỹ kim sụt giá quá mạnh - hoặc các ngoại tệ khác lên giá quá mạnh - thì ta không còn hiện tượng gọi là "điều chỉnh tự nhiên" của thị trường và các ngân hàng trung ương có thể sẽ phải nhảy vào can thiệp vì tiền Euro hay Yen Nhật mà lên giá thì đấy là vấn đề kinh tế cho Âu châu và Nhật Bản. Người ta có thể thấy trước điều ấy khi Tổng thống Pháp chính thức nêu vấn đề về sự yếu kém của Mỹ kim trong dịp ông thăm viếng Hoa Kỳ vào tuần qua.

Từ nay đến khi các nước trong khối G-7 của bảy nước công nghiệp hàng đầu trên thế giới có biện pháp can thiệp gọi là có phối hợp thì mình có thể dự đoán là Mỹ kim sẽ còn tuột dốc thêm, ít ra một quý nữa, thì hiện tượng điều chỉnh tự nhiên mới có thể tạm ngưng. Lúc ấy, có lẽ phải một đồng rưỡi mới ăn một Euro và sẽ chỉ bằng 106-108 Yen Nhật. Dù sao, và đây là chuyện chính trong đề tài của chúng ta, đồng Mỹ kim sẽ vẫn còn đó và là một ngoại tệ chưa thể thay thế được.

Tác động kinh tế

Việt Long: Bây giờ, ta mới qua phần thứ hai của chương trình kỳ này. Thưa ông, khi dầu thô lên giá và Mỹ kim sụt giá tới những mức mà ta thấy là mấp mé kỷ lục như vậy thì tình hình kinh tế các nước khác sẽ bị ảnh hưởng ra sao?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ là ta có thể xét vấn đề này từ hai giác độ tùy hoàn cảnh là nước xuất khẩu hay nhập khẩu dầu thô. Sở dĩ phải nhìn chuyện ấy từ hai góc vì Việt Nam xuất khẩu dầu thô mà lại hoàn toàn nhập khẩu xăng dầu, nếu có lời chút ít nhờ dầu thô lên giá thì lại bị lỗ nặng khi xăng dầu nhập khẩu cứ tăng giá theo, cho đến cái ngày mà Việt Nam có thể lọc dầu cho nhu cầu nội địa mà khỏi phải nhập khẩu.

Hiện tượng Dung Quất cho thấy cái ngày tự túc về năng lượng vẫn còn nằm rất xa trong tương lai và từ nay đến đó vẫn cần đô la để đầu tư vào công nghệ dầu khí và tinh chế xăng dầu.

Nói chung, khi có hiện tượng xoay ngược như ta đang phân tích - là dầu lên giá mà tiền Mỹ mất giá - các nước sản xuất dầu đều có nhu cầu dùng Mỹ kim thu được nhờ bán dầu để đầu tư vào các loại tài sản không là đô la - như ngoại tệ hay thương phẩm - để thu nhập của mình khỏi mất giá. Các nước không bán dầu cũng thế, các doanh nghiệp tài chính cũng vậy, và một loại thương phẩm mà họ có thể mua để phòng ngừa Mỹ kim mất giá chính là... dầu thô. Do đó mà Mỹ kim càng mất giá và ngược lại dầu thô càng tăng giá.

Việt Long: Nhưng xin hỏi ông ngay một câu có khi cũng liên hệ tới Việt Nam: nếu mình gác qua một bên yếu tố dầu khí, khi là một quốc gia xuất khẩu thương phẩm hay hàng hoá chế biến, như Việt Nam hay Trung Quốc và nhiều xứ Á châu khác, thì tiền thu được bằng Mỹ kim sẽ bị ảnh hưởng ra sao?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thật ra, ta vẫn rơi vào hoàn cảnh của loại quốc gia nhập khẩu dầu thô.

Khi bán hàng không phải là dầu khí mà là nông sản hay chế phẩm, như trường hợp Việt Nam, thì mình vẫn phải nhập khẩu xăng dầu chạy nhà máy và thanh toán bằng Mỹ kim. Mối lợi nhờ xuất khẩu rẻ hơn khi Mỹ kim sụt giá phải được trừ hao bởi hoá đơn xăng dầu. Một xứ có dự trữ ngoại tệ lớn như Trung Quốc cũng chỉ nói vậy thôi chứ chưa chắc đã dám bán tháo Mỹ kim vì biện pháp ấy càng khiến Mỹ kim sụt giá làm dự trữ ngoại tệ của họ càng hao hụt.

Thí dụ như dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc hiện được ước lượng khoảng 1.400 tỷ Mỹ kim, trong đó có gần 900 tỷ là dưới dạng đô la Mỹ. Khi tiền Mỹ mất giá thì khoản tài sản 900 tỷ ấy cũng mất giá, mà Mỹ kim sụt giá thì xăng dầu Trung Quốc nhập khẩu sẽ lên giá. Vừa qua, họ đã phải nâng giá xăng dầu nội địa lên 10% vì lẽ đó. Hiệu ứng của dầu thô lên giá sẽ khiến lạm phát trở thành vấn đề nổi cộm trước khi người ta kịp mừng là Mỹ kim xuống giá.

Việt Long: Nhưng theo như phân tích ở trên của ông thì sự ngự trị của đồng Mỹ kim vẫn còn kéo dài hay sao?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tính đến tháng Tám, dự trữ ngoại tệ của các nước trên thế giới lên tới 6.000 tỷ, cuối năm nay có thể vào khoảng 6.500 tỷ. Hiện nay, hai phần ba, khoảng 3.700 tỷ, nằm tại Á châu. Trong số này, trừ Nhật Bản có hơn 900 tỷ thì Trung Quốc và các nước Á châu chia nhau còn lại, khoảng một tỷ ba đến một tỷ tư. Các nước xuất khẩu dầu thô trong khối OPEC có chừng 360 tỷ, hơn Liên bang Nga chừng 50 tỷ. Quốc gia nào hay khối kinh tế nào trong các nước kể trên sẽ có đủ xương sống để cáng đáng chức năng đặc biệt của đồng Mỹ kim?

Người ta có thể vì chống Mỹ hay vì tinh thần quốc gia mà báo hiệu sự suy tàn của đồng đô la hay nhu cầu tìm ra một phương tiện giao hoán độc lập với Mỹ, nhưng đó là chuyện xa để nói cho hả. Đồng Euro và cả sức thống nhất về chính sách vẫn còn mong manh của Âu châu sẽ chưa thể thách thức hay thay thế được đồng Mỹ kim, hãy nhìn và vụ khủng hoảng đang xảy ra tại Belgique thì rõ. Mà có muốn tiến tới đó thì các nước sẽ phải trước tiên buông đô la mua tiền khác và lập tức gây ra biến động ngoại hối khiến mình lỗ vốn.

Việt Long: Câu hỏi cuối của chúng tôi, ta sẽ trở lại hoàn cảnh xuất hay nhập khẩu dầu thô, để tìm ra cách xử trí của Việt Nam với khối dự trữ ngoại tệ của mình.

Nguyễn Xuân Nghĩa: Khi Mỹ kim sụt giá, mãi lực nhờ bán dầu cũng sụt và lạm phát vì vậy sẽ tăng. Khi dầu thô lên giá, xăng dầu nhập khẩu cũng sẽ tăng và đấy lại là yếu tố lạm phát phụ trội. Việt Nam có thể lãnh hậu quả xấu từ cả hai đầu.

Bước sang vấn đề là nên giữ Mỹ kim nhiều hay ít trong dự trữ ngoại tệ của Việt Nam thì đây là chuyện lo bò trắng răng vì số dự trữ này vẫn còn quá ít, trong ý nghĩa là nếu có mua hay bán cũng chả làm thị trường quốc tế bị rúng động như trường hợp Trung Quốc.

Thứ hai, nếu Mỹ kim quá rẻ và quá thừa tại Việt Nam, như điều đã thấy từ vài tháng qua, thì đấy là một vấn đề về quản lý vĩ mô, chứ Việt Nam luôn luôn thiếu ngoại tệ để đầu tư. Và nếu quản lý không khéo thì ta vừa có lạm phát vừa thiếu ngân sách đầu tư trong khu vực công, về hạ tầng cơ sở cầu đường chẳng hạn.

Thứ ba, ta nên thực tế nhìn vào các loại chi thu về ngoại thương của Việt Nam, với gần 90% vẫn bằng Mỹ kim. Hai loại ngoại tệ mạnh khác là Euro Âu châu và Yen Nhật chỉ chiếm 10%. Nói ra thì dễ hiểu lầm, chứ Việt Nam chưa ra khỏi quỹ đạo Mỹ kim, và nhìn rộng hơn thì đô la Mỹ vẫn là một ngoại tệ thông dụng nhất, với tất cả những thăng trầm và bất trắc của nó.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.