Trà Mi, phóng viên đài RFA
Chào mừng quý vị và các bạn đang đến với chuyên mục "Sức khỏe và Đời sống" trên làn sóng của đài Á Châu Tự Do sáng thứ sáu hàng tuần. Qua những cuộc trao đổi giữa Trà Mi với các bác sĩ trong và ngoài nước thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau, “Sức khoẻ và đời sống” sẽ cung cấp kiến thức y học tổng quát nhằm giúp nâng cao nhận thức về việc chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ.

Chương trình kỳ này sẽ nói về các căn bệnh thường gặp ở người lớn tuổi. Trà Mi xin được giới thiệu vị khách mời hôm nay là bác sĩ Nguyễn Quốc Quân, chuyên môn Nội khoa, đặc biệt có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực Lão khoa. Bác sĩ Quân cũng là Chủ tịch Hội Y Sĩ Mỹ gốc Á tại Hoa Kỳ và hiện đang hành nghề tại thành phố Annandale, tiểu bang Virginia.
Trà Mi: Xin chào bác sĩ. Là người có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực lão khoa, theo bác sĩ, những chứng bệnh nào thường thấy và gây phiền toái nhất ở những người cao tuổi?
Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân: Trong lĩnh vực lão khoa, chúng tôi nhận thấy có 3 bệnh gây khốn khổ nhất cho người lớn tuổi là bệnh mất ngủ, bệnh táo bón kinh niên, và bệnh đau nhức các khớp xương.
Trà Mi: Vì thời gian có hạn nên Trà Mi xin phép được hỏi thăm bác sĩ về bệnh mất ngủ trước, và chúng ta sẽ bàn đến những chứng bệnh kia trong những chương trình kế tiếp. Nói về bệnh mất ngủ ở người cao tuổi, xin bác sĩ nói sơ qua về tầm quan trọng, tác dụng của giấc ngủ, cũng như một định nghĩa khái quát như thế nào là bị mất ngủ ?
Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân: Giấc ngủ rất quan trọng và cần thiết đối với đời sống của chúng ta không kém gì không khí và nước uống. Trong giấc ngủ, cơ thể có thể phục hồi những năng lượng tiêu dùng trong ngày, nhờ đó chúng ta bớt mệt nhọc và căng thẳng.
Trong thời gian ngủ, hệ thống thần kinh được thư giãn, trí óc nghỉ ngơi, sinh lực được tái tạo giúp con người sửa soạn cho những sinh hoạt kế tiếp. Một giấc ngủ ngon giúp chúng ta có được sự bền bỉ và sống thọ hơn.
Giấc ngủ rất quan trọng và cần thiết đối với đời sống của chúng ta không kém gì không khí và nước uống. Trong giấc ngủ, cơ thể có thể phục hồi những năng lượng tiêu dùng trong ngày, nhờ đó chúng ta bớt mệt nhọc và căng thẳng. Trong thời gian ngủ, hệ thống thần kinh được thư giãn, trí óc nghỉ ngơi, sinh lực được tái tạo giúp con người sửa soạn cho những sinh hoạt kế tiếp. Một giấc ngủ ngon giúp chúng ta có được sự bền bỉ và sống thọ hơn.
Mất ngủ có nhiều hình thái. Có người đi vào giấc ngủ khó khăn. Có người có thể ngủ lúc ban đầu dễ dàng nhưng bị thức dậy quá sớm và không thể ngủ lại được. Có nhiều người lại bị trằn trọc trong khi ngủ. Mất ngủ có thể tạm thời như vài ba ngày, hoặc ngắn hạn từ 2-3 tuần đến vài tháng, hoặc là kinh niên kéo dài cả năm.
Trà Mi: Như vậy đối với người cao niên, ngủ bao nhiêu tiếng một ngày mới gọi là ngủ đủ giấc, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân: Giấc ngủ người cao niên thay đổi rõ rệt so với lúc trẻ. Lúc trẻ ngủ thường thường từ 5-7 tiếng mỗi ngày, nhưng đến khi lớn tuổi, giờ ngủ giảm đi rất nhiều. Có người chỉ ngủ được cao lắm là 3 tiếng đồng hồ mỗi đêm, thức giấc nhiều lần giữa khuya và khó dỗ lại giấc. Tuy nhiên, không hẳn đó là chứng bệnh mất ngủ, có thể đây là thay đổi sinh lý ở người già nữa.
Trà Mi: Xin hỏi thăm bác sĩ ảnh hửơng của chứng bệnh mất ngủ đối với người cao tuổi ra sao?
Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân: Người lớn tuổi bị mất ngủ sẽ trở nên thứ nhất không có sinh lực, tính tình cáu gắt khó khăn. Thứ hai, không thể tập trung, phản ứng chậm, kém nhạy bén. Thứ ba, trí nhớ bị suy giảm dễ bị lẫn. Thứ tư, bị chóng mặt ù tai. Mất ngủ còn làm thiệt hại cho sự tăng trưởng của các tế bào và làm suy yếu hệ miễn nhiễm chống vi trùng trong cơ thể.
Trà Mi: Như vậy chứng mất ngủ ở người cao niên cũng gây ra nhiều tai hại khôn lường, chứ không phải như người ta thường quan niệm là người già ngủ ít không sao. Quan niệm đó là sai lầm, phải không, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân: Chúng ta nên phân biệt 2 loại là chứng mất ngủ thật sự và thay đổi sinh lý ngủ ít của người già. Nếu bệnh nhân ngủ ít giờ mỗi ngày mà sáng hôm sau tỉnh dậy vẫn thoải mái, minh mẫn, sinh hoạt bình thường thì đó là thay đổi sinh lý của người già, không gọi là mất ngủ mà chỉ là ngủ ít đi thôi.
Còn nếu bệnh nhân ngủ ít mà lúc tỉnh dậy cảm thấy hết sức mệt mỏi, không thể làm việc được và có cảm giác như bị lú lẫn thì đó là bệnh mất ngủ thật sự ở người cao niên. Đừng đếm số giờ ngủ là bao nhiêu hết, miễn ngày hôm sau mình vẫn tỉnh táo, không bị mệt mỏi, có thể sinh hoạt được bình thường thì không sao.
Trà Mi: Nói vậy có nghĩa là sự thay đổi sinh lý ở người cao tuổi đó có thể kéo dài trong thời gian rất lâu?
Chúng ta nên phân biệt 2 loại là chứng mất ngủ thật sự và thay đổi sinh lý ngủ ít của người già. Nếu bệnh nhân ngủ ít giờ mỗi ngày mà sáng hôm sau tỉnh dậy vẫn thoải mái, minh mẫn, sinh hoạt bình thường thì đó là thay đổi sinh lý của người già, không gọi là mất ngủ mà chỉ là ngủ ít đi thôi.
Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân: Vâng, có thể là ngày nào cũng ngủ ít hoặc có thể vài ba ngày ngủ được nhiều giờ thì xen kẽ một vài ngày ngủ ít giờ đi. Trong việc điều trị, điều rrất quan trọng là phải phân biệt nguyên nhân do thay đổi sinh lý hay do chứng bệnh mất ngủ thật sự.
Trà Mi: Và trong trường hợp bị bệnh mất ngủ thật sự thì có phương cách nào giúp dễ ngủ mà không phải cần dùng đến thuốc ngủ không, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân: Dùng thuốc ngủ là một biện pháp bất đắc dĩ vì nó có những phản ứng phụ hoặc gây nên bệnh nghiện. Cho nên, trước khi nghĩ đến việc dùng thuốc, chúng ta nên áp dụng những phương thức giúp giấc ngủ được dễ dàng và thoải mái như: đi ngủ có giờ giấc tạo thành thói quen cho cơ thể, tránh tập thể thao quá sức trước khi đi ngủ vì sẽ làm tâm thần bị kích thích khó đi vào giấc ngủ, trước khi đi ngủ tránh ăn quá no nhất là những thức ăn có nhiều gia vị. Một ly sữa ấm nhỏ trước khi đi ngủ có thể giúp cho 1 giấc ngủ ngon.
Trà Mi: Ngoài ra có những loại thức ăn hay trái cây nào có thể giúp cảm thấy dễ chịu, dễ buồn ngủ hơn không thưa bác sĩ?
Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân: Ở người lớn vào buổi tối vấn đề tiêu hoá chậm nên cần nhất là phải chú trọng đến những thức ăn nhẹ, dễ tiêu. Các loại trái cây mà không có vị chua nhiều hoặc không có vị ngọt quá nhiều sẽ giúp cho tiêu hoá dễ dàng. Cần tránh cà phê, thuốc lá hay rượu mạnh vào buổi tối vì chúng kích thích hệ thần kinh gây trằn trọc khó ngủ.
Phòng ngủ phải được yên tĩnh, thoáng khí với nhiệt độ vừa phải và tránh coi TV hay phim ảnh bi thương, kích động hoặc thảo luận những chuyện khó khăn gặp phải trong ngày trước khi đi ngủ. Và khi bị thức giấc nửa đêm không ngủ lại được thì đừng nên nằm trên giường trằn trọc mà nên làm những việc gì cho đến khi mệt buồn ngủ thì trở lại giường.
Trà Mi: Cũng liên quan đến phương cách giúp dễ ngủ, bác sĩ có lời khuyên gì đối với tư thế nằm ngủ không?
Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân: Tư thế ngủ phải thoải mái, tay chân sải rộng, tránh nằm cong queo. Có thể nằm ngửa hoặc nếu nằm nghiêng thì về bên phải để tránh nằm đè lên tim.
Mời bạn tham gia mục Sức khoẻ và Đời sống. Mọi email xin gửi về Vietweb@rfa.org
Trà Mi: Bác sĩ có thể nói sơ qua về cách chữa bệnh mất ngủ như thế nào, các loại thuốc ngủ và hậu quả của việc dùng thuốc ngủ ra sao?
Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân: Trước tiên phải tìm ra nguyên do gây mất ngủ và tìm cách kiểm soát những nguyên nhân đó. Ví dụ nhiều người lớn tuổi bị mất ngủ chỉ vì quá lo lắng về một vấn đề nào đó thì cần phải giải toả những mối lo âu đó thì bệnh mất ngủ sẽ giảm đi, hoặc có nhiều người mất ngủ do bị đau nhức khớp xương thì cho dùng thuốc giảm đau nhức để giảm cơn đau thì giấc ngủ cũng được cải thiện…Về thuốc nam, người ta cho rằng dùng tim hạt sen hoặc dùng hạt sen nấu chè cũng giúp chữa bệnh mất ngủ.
Trà Mi: Ngoài ra Trà Mi cũng được nghe nói đến những phương pháp hơi giản dị hơn như đọc kinh hay đếm số trước khi đi ngủ để giúp dễ ngủ hơn. Những phương pháp này theo khoa học có đúng không, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân: Chúng tôi khuyên dùng phương pháp này ngay lúc đi ngủ, chứ khi bị thức giấc rồi thì không nên.
Nếu đã dùng tất cả những phương pháp nêu trên mà bệnh nhân vẫn bị mất ngủ thì buộc phải dùng một số loại thuốc nhưng thuốc dùng lâu sẽ gây nghiện và kém trí nhớ vì vậy chỉ nên dùng trong thời gian hết sức ngắn hạn và nên dùng cách khoảng, không nên dùng liên tục và dài hạn.
Bệnh nhân luôn phải được nhắc nhở và khuyến khích giảm dần liều lượng và cố gắng bỏ thuốc càng sớm càng tốt. Nghĩa là dùng thuốc với sự theo dõi và hướng dẫn của bác sĩ chứ không nên tự tiện dùng bừa bãi, Nếu có phản ứng phụ gì phải cho bác sĩ biết ngay.
Ngoài ra, có một số loại thuốc không cần toa bác sĩ cũng giúp dễ ngủ như Benadryl. Thuốc này có thể dùng được nhưng không dùng cho những ai bị sưng nhiếp hộ tuyến hoặc là những bệnh về mắt….
Trà Mi: Ở Việt Nam thường thấy hiện tượng hễ mất ngủ liền đi ra nhà thuốc tây mua thuốc ngủ về uống.
Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân: Vâng việc tự động đi mua thuốc như thế hết sức nguy hiểm nhất là ở người cao tuổi vì người già vốn đã dùng rất nhiều loại thuốc để trị nhiều bệnh khác nhau rồi mà nếu dùng thêm một thứ thuốc nữa mà không biết rõ phản ứng của nó ra sao thì rất có hại cho sức khoẻ. Nếu bị mất ngủ kinh niên nên tìm tới một bác sĩ để tìm ra nguyên do để điều trị từ đó.
Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn bác sĩ đã dành thời gian cho chương trình hôm nay.
Chương trình này chỉ nhằm cung cấp kiến thức tổng quát về sức khoẻ. Cho các vấn đề cụ thể, chi tiết của từng bệnh nhân, xin liên lạc trực tiếp với bác sĩ cuả quí vị để được thăm khám trực tiếp.