Người dân bức xúc về mức khởi điểm áp thuế thu nhập cá nhân

Nhã Trân, phóng viên đài RFA

Dự thảo Luật thuế Thu nhập Cá nhân vừa được hoàn thành đầu tháng này. Chỉ vài ngày sau đó dư luận trong nước cho rằng mức khởi điểm chịu thuế cần được nâng lên. Nhã Trân thu thập thông tin, tìm hiểu ý kiến của người dân và trình bày cái nhìn của một chuyên gia thuế vụ về cách tính thuế lợi tức.

WTOBusiness200.jpg
AFP PHOTO

Bộ Tài Chính vừa công bố bản dự thảo Luật thuế mới. Dự thảo vừa đưa ra có nhiều thay đổi lớn so với bản được đưa ra trước đây, trong đó điểm được người dân lưu tâm nhất là khởi điểm áp thuế. Theo kiến nghị, đối tượng chịu thuế gồm những người có thu nhập hàng tháng từ 4 triệu trở lên.

Luật thuế mới dự kiến được thi hành kể từ năm 2009. Dư luận cho rằng khởi điểm đánh thuế vừa ấn định không phù hợp với thực tế, bởi theo thời gian người chịu thuế sẽ gặp khó khăn khi lợi tức không bắt kịp lạm phát.

Thiếu hụt ngân quĩ gia đình

Theo nhiều người, diễn biến giá cả trên thị trường trong nước khoảng vài năm gần đây cho thấy dấu hiệu chi tiêu các loại sẽ tăng nhiều vào những năm tới, vì vậy họ sẽ phải đối mặt với sự thiếu hụt ngân quĩ gia đình. Bà T.M., một phụ nữ trong gia đình có hai con với thu nhập thấp, bức xúc:

“Nếu mà tăng lên 6, 7 triệu thì còn có lý chứ thực ra mà nói, 4 triệu một tháng ở Việt Nam người ta cũng chỉ gọi là sống đủ thôi chứ đâu có dư để mà đóng thuế được, thiệt tình mà nói. Còn nếu như tăng lên 6, 7 triệu thì cũng có thể đóng chút đỉnh.

Nếu bây giờ một người ở Việt Nam đi làm 5, 6 triệu một tháng mà phải cả nuôi gia đình thì đâu có đủ. Nếu người vợ không đi làm, thì với cái lương đó mà phải nuôi con cái thì chỉ đủ ăn thôi. Nhà nước Việt Nam không nghiên cứu là ở trong nước của mình phải áp dụng như thế nào. Nó là như vậy

Nếu bây giờ một người ở Việt Nam đi làm 5, 6 triệu một tháng mà phải cả nuôi gia đình thì đâu có đủ. Nếu người vợ không đi làm, thì với cái lương đó mà phải nuôi con cái thì chỉ đủ ăn thôi. Nhà nước Việt Nam không nghiên cứu là ở trong nước của mình phải áp dụng như thế nào. Nó là như vậy”.

Trả lời các thắc mắc về tiêu chuẩn áp thuế, Bộ Tài Chính cho hay phương án vừa đưa ra dựa vào kết quả thống kê và điều tra về thu nhập, chi tiêu của người dân dự báo cho 2, 3 năm tới, trong đó cơ sở để bộ thực hiện dự luật là cuộc nghiên cứu do đại học Kinh tế Quốc dân tiến hành.

Khi được hỏi đại học Kinh tế Quốc dân căn cứ vào đâu để đưa ra mức khởi điểm đóng thuế là 4, 5 triệu, giới trách nhiệm nói nhờ vào ngưỡng áp thuế mới do Tổng cục Thuế đưa ra. Trước giải thích của cơ quan hữu trách là chính sách thuế được thay đổi để phù hợp với tiến trình hội nhập và phát triển kinh tế, bà T.M., phụ nữ có thu nhập thấp nói:

“Cái mức thuế thu nhập nó không có hợp lý. Phải nói thẳng ra một điều là nó không có hợp lý. Nhà nước phải đi tìm hiểu đời sống của người ta bây giờ. Phải tính theo cái mức đó cho người ta chứ. Nhà nước mình không có tính đâu; mà chỉ áp đặt không hà. Thuế của nhà nước là thuế áp đặt. Cho nên không có hợp lý”.

Mức tối thiểu

Theo Bộ Tài Chính, khởi điểm đánh thuế thay đổi dẫn đến việc phương cách tính thuế sẽ hoàn toàn khác lúc trước, và mức thuế dựa theo hai phương án cụ thể là 4 và 5 triệu. Chúng tôi hỏi ý kiến của Tiến Sĩ Nguyễn Hải Bình, một chuyên gia thuế vụ để tìm hiểu về cách tính thuế thu nhập hợp lý.

Tiến sĩ Nguyễn Hải Bình là nguyên Phụ tá Tổng trưởng Tài chánh kiêm Tổng Giám đốc Thuế vụ tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975, nguyên Khoa trưởng Phân khoa Kinh thương Đại học Minh Đức Sài gòn, và hiện là Giáo sư Trưởng khoa Doanh thương Đại học Champlain ở Canada, đặc biệt ông đã ứng dụng thuế lợi tức và thuế trị giá gia tăng tại miền Nam lúc trước.

Tiến sĩ Nguyễn Hải Bình cho hay thuế lợi tức cần có tính cách công bằng, tức người có thu nhập cao chịu thuế suất cao hơn người thu nhập thấp:

Thuế lợi tức là một loại thuế tương đối công bằng ở cái chỗ nó lũy tiến; người nào làm được nhiều tiền hơn thì đóng cao hơn. Nhưng mà phải tính đúng mức tối thiểu. Ví dụ bên này mức tối thiểu một năm là 15 ngàn Gia kim, thì ở mức đó không phải đóng thuế.

“Thuế lợi tức là một loại thuế tương đối công bằng ở cái chỗ nó lũy tiến; người nào làm được nhiều tiền hơn thì đóng cao hơn. Nhưng mà phải tính đúng mức tối thiểu. Ví dụ bên này mức tối thiểu một năm là 15 ngàn Gia kim, thì ở mức đó không phải đóng thuế. Mức này là mức mà một gia đình với 2 người con sống được, chi tiêu các thứ cần thiết như ăn uống, học hành…

Vấn đề là phải tính xem số tối thiểu mỗi tháng của Việt Nam có phải là 4 triệu đồng không, tức số tiền đó có thể đủ sống cho một gia đình có 2 vợ chồng và 2 đứa con không, hay là phải 6 triệu?

Tôi thấy là các anh chị em bên nhà có thể làm một bài tính cho 1 gia đình với 2 đứa con, xem họ cần tối thiểu bao nhiêu để sống. Dưới mức tối thiểu đó thì không đánh thuế. Câu hỏi đặt ra là cái số 4 triệu có phải là số để một gia đình có 2 con đủ sống hay không?”.

Bên cạnh bức xúc về mốc thuế bất cập còn có dư luận phàn nàn là mức giảm trừ cho những người phụ thuộc quá thấp, và đề nghị nhà nước tăng mức này để nâng đỡ dân có lợi tức ít.

Bộ Tài Chính tuyên bố cần khoảng 2 năm để sửa soạn cho việc thi hành luật. Tuy nhiên, nhà nước nói vẫn còn tiếp nhận ý kiến đóng góp của quần chúng, do đó sẽ công bố dự luật rộng rãi để lấy ý kiến dân trước khi thi hành Luật vào năm 2009.